Viêm mống mắt: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Nội dung bài viết
Viêm mống mắt (viêm mống mắt thể mi, viêm màng bồ đào trước) là tên gọi chung của cùng 1 bệnh lý ảnh hưởng mắt. Viêm mống mắt gây ra nhiều khó chịu ở mắt, có thể dẫn đến mù loà nếu điều trị trễ. Tỷ lệ của viêm mống mắt chiếm 4 – 10% tổng số các nguyên nhân gây mù loà trên toàn thế giới.
Giới thiệu
Viêm màng bồ đào là một bệnh lý ảnh hưởng đến lớp màng giữa của mắt.
Cấu trúc mắt
Gồm có 3 lớp màng chính, từ ngoài vào trong là:
- Củng mạc (kết mạc) ở phía sau, nối liền với giác mạc ở trước.
- Màng bồ đào gồm mống mắt và thể mi ở trước, hắc mạc ở sau.
- Võng mạc chỉ có ở phần sau nhãn cầu.
Như hình, ta có thể thấy mắt về cơ bản được chia thành 2 phần:
Phần trước (1/3 trước của mắt) có 2 lớp:
- Giác mạc, một phần kết mạc ở ngoài.
- Mống mắt, và thể mi ở trong.
Phần sau (2/3 sau của mắt) có 3 lớp:
- Kết mạc ở ngoài.
- Màng bồ đào ở giữa.
- Võng mạc trong cùng, nối trực tiếp với thần kinh thị giác.
Vì vậy, viêm mống mắt hay viêm mống mắt – thể mi là một phần của viêm màng bồ đào, với tên gọi chung là viêm màng bồ đào trước.
Gọi viêm mống mắt và viêm mống mắt thể mi là một vì 2 cấu trúc này nối tiếp nhau, và không thể phân biệt chúng khi thăm khám. Điều trị cũng không khác biệt, do đó, 2 thuật ngữ này dùng để nói về 1 bệnh lý là viêm màng bồ đào trước.
Cấu tạo và vai trò của mống mắt – thể mi
Mống mắt được cấu tạo bởi cơ co đồng tử và cơ giãn đồng tử.
Như hình, ta thấy tròng đen của mắt là lỗ đồng tử, được bao quanh bởi mống mắt. Ngay sau đó là thuỷ tinh thể. Phía trước mống mắt là giác mạc trong suốt, do đó không được thể hiện trên hình.
Mống mắt co thì đồng tử hẹp lại, giãn thì đồng tử giãn ra. Mống mắt co hay giãn do nhiều nguyên nhân gây ra, liên quan nhiều đến hệ thần kinh – nội tiết của cơ thể. Thông thường nhất là do mắt có nhận được ánh sáng hay không.
Trong bóng tối, mống mắt giãn ra để thuỷ tinh thể nhận được nhiều ánh sáng nhất có thể, ngược lại, khi có ánh sáng chiếu trực tiếp vào thì sẽ co lại để bảo vệ mắt.
Thể mi cũng được cấu tạo bởi 2 cơ co và giãn. Ngoài ra, thể mi ở phần trước nhãn cầu còn có vai trò tạo ra và duy trì dịch (thuỷ dịch) giữa giác mạc và mống mắt.
Phân loại
Theo SUN / IUSG, viêm màng bồ đào theo cấu trúc được phân loại bao gồm:
- Viêm màng bồ đào trước.
- Viêm màng bồ đào sau (kèm võng mạc).
- Toàn bộ củng mạc bị viêm.
- Viêm màng bồ đao giữa, đây là bệnh lý gây viêm nội dịch là chủ yếu, có thể kèm theo 1 phần thể mi (phần phẳng – par plana).
Dựa vào nguyên nhân gây ra viêm màng bồ đào mà IUSG còn phân chia thành:
- Nhiễm trùng: Lao, virus, nấm, kí sinh trùng, động vật nguyên bào.
- Không nhiễm trùng: Bệnh lý hệ thống (ảnh hưởng nhiều nơi trên cơ thể), nguyên phát (không tìm thấy nguyên nhân).
Nguyên nhân viêm màng bồ đào trước giả tạo.
- Ung thư lymphoma.
- U.
Trong đó, viêm màng bồ đào trước do nguyên nhân nguyên phát chiếm khoảng 50% trường hợp.
Ngoài ra viêm màng bồ đào trước còn có thể do nhiều tình trạng liên quan đến mắt như:
Chấn thương, đeo lens kéo dài, cũng có thể do vi trùng từ kết mạc ăn từ ngoài tấn công vào.
Dựa vào tính chất viêm mà SUN lại chia thành:
- Khởi phát triệu chứng: Nhanh chóng hoặc lặng thầm.
- Thời gian kéo dài triệu chứng: Giới hạn (≤ 3 tháng) hoặc kéo dài.
Từ đó, ta có các thuật ngữ để phân chia các bệnh viêm màng bồ đào, như:
- Cấp tính (khởi phát nhanh chóng và giới hạn).
- Tái phát.
- Mạn tính (Bệnh kéo dài > 3 tháng, tái phát ≤3 tháng sau chấm dứt điều trị).
- Gọi là hết bệnh khi bác sĩ thăm khám ghi nhận không còn viêm màng bồ đào trong ≥3 tháng liên tục.
Sự hiện diện của bệnh
Con số rất thay đổi tuỳ thuộc vào từng quốc gia, cứ 100.000 người thì có 38 – 714 trường hợp bị viêm màng bồ đào.
Loại viêm màng bồ đào thường gặp nhất ở phương tây là viêm màng bồ đào trước – hay còn gọi là bệnh lý viêm mống mắt – thể mi mà chúng ta sẽ đề cập trong bài viết.
Có một số sự khác biệt khi viêm màng bồ đào trong 2 nghiên cứu ở Nhật và Trung Quốc cho thấy tỷ lệ viêm màng bồ đào trước và viêm toàn bộ màng bồ đào là gần ngang nhau.
Điều này có thể bắt nguồn từ việc viêm màng bồ đào ở các nước châu Á liên quan đến các bệnh lý truyền nhiễm (lao, sốt xuất huyết, virus chikungunya).
Triệu chứng
Bốn triệu chứng thường gặp nhất là:
1. Mắt đỏ
Đỏ mắt tập trung ở phần rìa mống mắt (ciliary injection). Màu đỏ này sẽ nhạt khi đi dần từ mống mắt ra ngoài.
2. Đau
Đau mắt thường không giảm hoặc giảm rất ít khi nhỏ thuốc giảm đau vào. Triệu chứng sẽ tăng lên khi ta chiếu ánh sáng nhẹ vào mắt bệnh nhân.
3. Nhìn mờ
Mức độ nhìn mờ thay đổi tuỳ thuộc và mức độ bệnh cũng như có biến chứng xuất hiện hay chưa. Thông thường nhìn mờ là không rõ ràng.
4. Sợ ánh sáng
Do bệnh nhân sẽ bị đau, khó chịu nhiều hơn khi có ánh sáng. Nên thông thường bệnh nhân sẽ tự tìm cách che bị bệnh của mình lại.
5. Triệu chứng qua thăm khám
5.1 Nhìn về mặt đại thể (khi soi bằng đèn thường)
- Đồng tử 2 bên không đều nhau (bên bệnh nhỏ hơn)
Có thể phát hiện đồng tử co bên bệnh lý co nhiều hơn bên bình thường, điều này có thể do viêm nhiều dẫn đến dính thành sau mống mắt lại với nhau và với thuỷ tinh thể.
Thông thường kích thường đồng tử là 2 – 3 mm, đều 2 bên.
- Mủ ở đáy mống mắt (mủ tiền phòng)
Đây là hiện tượng các tế bào viêm cùng với chất tiết (chứa nhiều fibrin). Mủ nằm ở dưới là do nguyên nhân trọng lực.
5.2 Khám mắt qua đèn khe: (split lamp)
Đây là công cụ chuyên dụng của bác sĩ chuyên khoa Mắt. Qua đèn khe, bác sĩ có thể phát hiện:
- Các tế bào nằm giữa giác mạc và mống mắt
Số lượng tế bào này trên diện tích 1 mm² giúp phân độ nặng của viêm màng bồ đào.
- Độ mờ thuỷ dịch
Như đã miêu tả, thuỷ dịch là dịch trong suốt nằm giữa giác mạc ở ngoài cùng và mống mắt ở trong. Khi viêm màng bồ đào trước, dịch này sẽ bị vẩn đục.
Tương tự như việc đếm số lượng tế bào ở thuỷ dịch, ta cũng phân độ nhờ vào mức độ đục của nó.
- Sự lắng đọng keratic
Sự lắng đọng keratic tạo thành tam giác Arlt. Tam giác Arlt được tạo thành nhờ các kết tụ tế bào viêm nằm ngay sau giác mạc. Trên đèn khe tam giác này có đỉnh nằm trên, đáy nằm dưới. Tạo hình này do trọng lực gây ra.
- Xơ hoá fibrin
Do mủ trong thuỷ dịch + viêm màng bồ đào trước diễn ra lâu dài, không điều trị kịp thời.
- Ngoài ra còn nhiều dấu hiệu khác trên đèn khe
Nốt mống mắt, dính mống mắt – thuỷ tinh thế, thiểu sản mống mắt, tăng sinh mạch máu mống mắt.
Chẩn đoán
Cần phải phân biệt với các nguyên nhân gây đỏ, đau mắt khác.
1. Viêm kết mạc
Viêm kết mạc thường lành tính, đỏ phần kết mạc là chủ yếu, không đỏ phần quanh mống mắt, không gây mờ mắt.
2. Glaucoma cấp (góc đóng) – cườm ướt cấp
Bệnh lý này gây tăng áp lực trong mắt, sẽ gây đau và giảm thị lực bệnh nhân nhanh chóng.
3. Viêm giác mạc
Các chẩn đoán viêm giác mạc có thể được phân biệt thông qua khám và sử dụng đèn khe.
4. Cách khám nhãn áp
Điều trị
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm mống mắt sẽ có những điều trị khác nhau
Đối với viêm mống mắt thể mi nguyên phát – xuất hiện trong 50% trường hợp, ta có thể thực hiện một số phương pháp giảm triệu chứng như:
- Dãn cơ mống mắt và gây tê thể mi bằng cyclopentolate 1%. Điều này giúp giảm đau và tránh sự dính mống mắt và thuỷ tinh thế ngay sau nó.
- Sử dụng thuốc kháng viêm Steroid như Prednisolone 1%.
- Với các thuốc kháng viêm thế hệ mới như loteprednol 0.2% hoặc 0.5%, 5 ml có thể làm giảm nguy cơ bị tăng áp lực nhãn cầu sau, nhưng không có hiệu quả kháng viêm.
- Sử dụng NSAIDs để giảm đau cũng là một lựa chọn tốt.
Bệnh nhân bắt buộc phải được thăm khám vào ngày hôm sau để đánh giá tình trạng bệnh.
Nếu bệnh nhân kháng trị với Corticoid nên cân nhắc đến các chẩn đoán gây ra viêm màng bồ đào trước khác.
Những điều không nên làm
- Nếu chưa loại trừ được bệnh lý cườm ướt cấp tính, tuyệt đối không điều trị dãn mống mắt cho bệnh nhân.
- Không sử dụng kháng sinh trừ phi có bằng chứng nhiễm trùng.
- Đừng bao giờ quên dị vật trong mắt, đây là nguyên nhân bị bỏ sót gây ra tai biến nghiêm trọng về sau.
- Không chẩn đoán viêm mống mắt thể mi cho đến khi loại trừ tất cả những chẩn đoán phân biệt có thể.
- Viêm mống mắt thể mi do virus herpes sẽ trở nên nặng nề hơn khi dùng Corticoid nhỏ mắt.
- Bạn nên nhớ rằng, điều trị bằng Corticoid nhỏ mắt có thể làm tăng nguy cơ bị cườm ướt và cườm khô sau này.
Xem thêm: Đỏ mắt do đâu? Có thực sự nguy hiểm?
Kết luận
Viêm mống mắt – thể mi là một bệnh lý do nhiều nguyên nhân gây ra. Khoảng 50% là nguyên phát, cũng có nghĩa là chưa xác định được nguyên nhân. Viêm mống mắt thể mi nên được chẩn đoán và điều trị sớm. Vì khi điều trị trễ, có thể dẫn đến mù vĩnh viễn.
Chẩn đoán viêm màng bồ đào trước là chẩn đoán loại trừ cuối cùng sau khi bác sĩ đã loại trừ hết tất cả các nguyên nhân có thể. Khi bạn có triệu chứng đỏ mắt, đau mắt kèm nhìn mờ hãy lập tức đi khám càng sớm càng tốt.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Chapter 12: Uveitis, Kanski’s Clinical Opthalmology: A systemic approach 9th EDITION 2019.
- Chapter 20: Iritis (Acute anterior Uveitis), Minor Emergencies 3rd EDTION 2012.
- Original article: Review on the worldwide epidemiology of uveitis, Eur J Ophthalmol 2013; 23 (5): 705-717.