Bệnh viêm tai giữa có tự khỏi được không?
Nội dung bài viết
Viêm tai giữa là một trong những bệnh về Tai Mũi Họng thường gặp ở trẻ em và cả người lớn. Vì vùng tai và vùng mũi họng thông với nhau nên viêm tai giữa thường theo sau hoặc xuất hiện cùng với những đợt cảm lạnh. Vậy bệnh viêm tai giữa có tự khỏi được không? Hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng Võ Nguyễn Thúy Uyên tìm hiểu qua bài viết sau.
Viêm tai giữa có tự khỏi được không?
Thông thống kê, tỉ lệ mắc viêm tai giữa ở trẻ em cao hơn hẳn so với người lớn, có đến 80% trẻ sẽ mắc viêm tai giữa trước 3 tuổi đầu đời.1
Viêm tai giữa có thể do các tác nhân nhiễm trùng như vi khuẩn, vi rút gây ra hoặc là một tình trạng viêm ứ đọng dịch do sự tắc nghẽn của vòi nhĩ. Do đó, khả năng tự khỏi của bệnh cũng khác nhau tùy theo nguyên nhân và diễn tiến của bệnh.
Viêm tai giữa có thể tự khỏi
Viêm tai giữa có thể tự khỏi hoặc chỉ cần các biện pháp điều trị triệu chứng. Trường hợp viêm tai giữa cấp do tắc nghẽn tạm thời vòi nhĩ sau một đợt cảm lạnh siêu vi có thể tự thuyên giảm và người bệnh chỉ cần dùng các biện pháp làm giảm các triệu chứng gây khó chịu như sốt, đau tai và theo dõi diễn tiến của các triệu chứng đó. Một số phương pháp giúp giảm đau mà người bệnh có thể dùng tại nhà:
- Chườm một chiếc khăn ấm vào tai đau sẽ giúp bạn dễ chịu hơn, ngoài ra nếu người bệnh có sốt và nhiệt độ cơ thể thấp hơn 38,5°C thì nên dùng phương pháp lau mát bằng nước ấm giúp hạ sốt.
- Thuốc giảm đau: sử dụng các chế phẩm thuốc uống hoặc thuốc nhỏ tai có chứa paracetamol hoặc ibuprofen giúp hạ sốt và giảm đau. Liều paracetamol thường được sử dụng là từ 10 – 15 mg/kg cân nặng và ibuprofen là 5 – 10 mg/kg cân nặng mỗi 4 giờ. Không nên sử dụng quá liều lượng khuyến cáo từ các bác sĩ và nhà sản xuất vì sẽ gây các tác dụng phụ không mong muốn, đặc biệt là suy giảm chức năng gan.
Đa số trẻ em bị viêm tai giữa đều có thể tự khỏi bệnh sau 3 – 4 ngày dù có dùng thuốc kháng sinh hay không. Tuy nhiên, khi nhận thấy các triệu chứng của trẻ có xu hướng diễn tiến nặng hơn, cha mẹ tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị cho con mình. Điều này là do trong một số loại thuốc nhỏ tai có thể chứa thành phần gây ngộ độc ốc tai. Khi đó, trẻ có thể gặp phải các di chứng vô cùng nặng nề ảnh hưởng đến sức nghe và có thể biến chứng đến hệ thần kinh trung ương.
Viêm tai giữa không thuyên giảm
Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau 24 – 48 giờ hoặc diễn tiến nặng hơn hoặc xuất hiện các dấu hiệu nặng khác được liệt kê dưới đây thì hãy đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được điều trị với các liệu pháp như kháng sinh và dẫn lưu dịch kịp thời:
- Sưng đau vùng sau tai.
- Trẻ li bì, bỏ bú, bỏ ăn, nôn ói nhiều hoặc quấy khóc liên tục.
- Đau tai dữ dội.
- Sốt trên 39°C.
- Có dấu hiệu yếu liệt trên khuôn mặt (ví dụ méo miệng, sụp mi,…).
- Tai chảy dịch, mủ hoặc máu.
- Sau 48 giờ, các triệu chứng sốt, đau tai không thuyên giảm.
Biến chứng viêm tai giữa
Theo nghiên cứu được đăng tải trên Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ vào năm 2016, các biến chứng của viêm tai giữa nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách bao gồm:2
- Viêm xương chũm cấp.
- Viêm màng não, áp xe não.
- Viêm tai giữa mạn.
- Thủng màng nhĩ.
- Chảy dịch tai hôi kéo dài.
- Giảm sức nghe.
Chẩn đoán viêm tai giữa
Chẩn đoán viêm tai giữa dựa vào diễn tiến các triệu chứng lâm sàng và các dấu hiệu mà bác sĩ ghi nhận qua khám tai:
1. Chẩn đoán viêm tai giữa cấp
Thường gặp sau một đợt cảm lạnh, các triệu chứng như sốt, đau tai, chảy dịch tai, ở trẻ em có thể có thêm các triệu chứng quấy khóc nhiều, bỏ bú xuất hiện cấp tính. Khám tai ghi nhận hình ảnh màng nhĩ phồng, đỏ, xung huyết.
2. Chẩn đoán viêm tai giữa thanh dịch
Bác sĩ khám và ghi nhận có dịch trong tai giữa qua các dấu hiệu: màng nhĩ mờ, di động kém, ghi nhận mức khí – dịch sau màng nhĩ, quan sát thấy dịch sau màng nhĩ mà không kèm các triệu chứng khác.
3. Chẩn đoán viêm tai giữa mạn
Các triệu chứng kéo dài (thường trên 12 tuần), người bệnh thường nghe kém, có thủng màng nhĩ hoặc xẹp co kéo màng nhĩ kèm thỉnh thoảng có những đợt chảy dịch tai nhầy, hoặc mủ loãng, đục, hôi.
Điều trị viêm tai giữa
Việc điều trị viêm tai giữa sẽ phụ thuộc vào loại viêm tai giữa mà bạn đang mắc phải.
1. Viêm tai giữa cấp
Chờ đợi và theo dõi
Người bệnh có thể theo dõi và chỉ sử dụng các biện pháp làm giảm triệu chứng như giảm đau bằng chườm ấm, thuốc uống và thuốc nhỏ tai giảm đau.
Sử dụng kháng sinh
Thuốc kháng sinh được chỉ định bởi các bác sĩ cho các trường hợp sau để giảm tỉ lệ kháng kháng sinh sau này, bao gồm:
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Người bệnh có các dấu hiệu nhiễm trùng nặng (quấy khóc nhiều, li bì ở trẻ em, sốt trên 39°C, đau tai dữ dội).
- Mắc các bệnh suy giảm miễn dịch.
- Xuất hiện các biến chứng: sưng, đau phía sau tai, liệt mặt,…
- Viêm tai giữa cấp 2 bên, chảy mủ tai, không có điều kiện tái khám, theo dõi.
- Không cải thiện các triệu chứng hoặc các triệu chứng nặng lên sau 2 – 3 ngày từ lúc bắt đầu xuất hiện đau tai, sốt.
2. Viêm tai giữa thanh dịch
Đối với viêm tai giữa cấp tái phát hoặc viêm tai giữa thanh dịch thường được điều trị dẫn lưu dịch bằng đặt ống thông nhĩ.
Bác sĩ sẽ tạo ra một lỗ nhỏ trên màng nhĩ cho phép họ hút chất lỏng ra khỏi tai giữa. Một ống nhỏ được đặt ở lỗ đó để giúp thông khí cho tai giữa và ngăn ngừa sự tích tụ của nhiều chất dịch hơn. Một số ống sẽ tồn tại trong vòng 4 đến 18 tháng và sau đó sẽ tự rơi ra.3
3. Viêm tai giữa mạn
Viêm tai giữa mạn gây thủng màng nhĩ, chảy mủ tai hôi kéo dài làm giảm sức nghe và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi đã diễn tiến thành viêm tai giữa mạn thì điều trị nội khoa bằng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, hoặc kháng histamin chỉ là điều trị hỗ trợ. Phẫu thuật là giải pháp duy nhất giúp phục hồi lại màng nhĩ và dẫn lưu ổ dịch mủ nhằm cải thiện sức nghe và tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh.4
Viêm tai giữa là một bệnh thường gặp. Bệnh có thể biểu hiện nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ có thể tự khỏi đến nặng và có nguy cơ để lại các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa kịp thời. Qua bài viết này hy vọng sẽ đem đến cho các bạn đọc kiến thức rõ ràng hơn về cơ chế sinh bệnh của viêm tai giữa cũng như giải đáp câu hỏi viêm tai giữa có tự khỏi được không. Người lớn và trẻ nhỏ nên nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh để đi khám kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Acute Otitis Mediahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470332/
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
Otitis Mediahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7097351/
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
Ear infection (middle ear)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ear-infections/diagnosis-treatment/drc-20351622
Ngày tham khảo: 27/09/2022
-
Chronic Otitis Media and Cholesteatomahttps://www.stanfordchildrens.org/en/service/hearing-center/conditions/chronic-otitis-media
Ngày tham khảo: 27/09/2022