Viêm tai giữa ở người lớn: nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị
Nội dung bài viết
Viêm tai giữa là một bệnh lý khá phổ biến trong cộng đồng. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gặp hơn ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, người lớn vẫn có khả năng mắc bệnh lý này. Vậy viêm tai giữa ở người lớn có khác gì so với trẻ nhỏ, cách nhận biết chính xác viêm tai giữa là gì, nguyên nhân gây bệnh cũng như phương pháp điều trị ra sao? Hãy cùng Bác sĩ Tai Mũi Họng Trương Thanh Tâm tìm hiểu qua bài viết sau.
Tổng quan về viêm tai giữa
Viêm tai giữa là một tình trạng nhiễm trùng của tai với sự hiện diện của dịch mủ ở tai giữa (là vùng phía sau màng nhĩ) do lớp niêm mạc lót tai giữa bị viêm.1
Phân loại viêm tai giữa2
Các loại viêm tai giữa, bao gồm:
- Viêm tai giữa cấp tính: là một tình trạng nhiễm trùng cấp tính, thường đi kèm hoặc xảy ra một thời gian ngắn sau nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Viêm tai giữa ứ dịch: là tình trạng tích tụ dịch ở tai giữa mà không có các triệu chứng của nhiễm trùng cấp tính, có thể là kết quả của một đợt nhiễm trùng hô hấp gần đây và có thể xảy ra trước hay sau một đợt viêm tai giữa cấp tính.
- Viêm tai giữa mưng mủ mạn tính: là tình trạng nhiễm trùng dai dẳng với chảy dịch mủ qua lỗ thủng trên màng nhĩ (thường kéo dài hơn 12 tuần)
Yếu tố tổng quan gây bệnh
Tác nhân gây bệnh viêm tai giữa có thể là vi khuẩn hoặc virus. Đây là một bệnh lý phổ biến rất thường gặp ở trẻ nhỏ và ít gặp hơn ở người lớn. Hầu hết trường hợp viêm tai giữa xảy ra ở trẻ từ 6 – 24 tháng và tỷ lệ mắc bệnh sẽ giảm đáng kể sau 5 tuổi. Một nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa cấp trong hai năm đầu đời cao hơn khoảng 200 lần so với khi trưởng thành.
Tình trạng nhiễm trùng này trong hầu hết trường hợp bắt nguồn từ rối loạn chức năng vòi nhĩ (hay còn gọi là vòi Eustachian), dẫn đến sự ứ đọng dịch trong tai, từ đó tạo môi trường thuận lợi để các tác nhân như vi khuẩn có thể gây bệnh. Bệnh thường đáp ứng tốt nếu được chẩn đoán chính xác và điều trị với kháng sinh thích hợp.
Mặc dù viêm tai giữa ít gặp ở người lớn, tuy nhiên chúng ta không nên chủ quan, khi có các biểu hiện của bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị thích hợp, không nên tự ý điều trị, sử dụng thuốc mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ dẫn đến bệnh diễn tiến nghiêm trọng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.1
Nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa người lớn
Tác nhân gây bệnh viêm tai giữa cấp ở người lớn cũng tương tự như ở trẻ nhỏ, trong đó vi khuẩn được xem là tác nhân gây bệnh chính. Một số tác nhân được liệt kê dưới đây:1
Tác nhân vi khuẩn, một số vi khuẩn gây bệnh thường gặp nhất, bao gồm:
- Streptococcus pneumoniae.
- Haemophilus influenzae.
- Moraxella catarrhalis.
- Streptococcus aureus.
Do đó việc lựa chọn thuốc kháng sinh trong điều trị cần nhắm đến những tác nhân gây bệnh phổ biến này.
Ngoài ra, cũng có thể gặp một số tác nhân vi rút gây bệnh viêm tai giữa cấp như:
- Rhinovirus.
- Virus hợp bào hô hấp (respiratory syncytial virus).
- Adenovirus.
- Coronavirus.
Những yếu tố của người bệnh có thể góp phần hình thành viêm tai giữa cấp
Rối loạn chức năng vòi nhĩ (hay còn gọi là vòi Eustachian): là yếu tố quan trọng nhất trong nguyên nhân sinh bệnh của nhiễm trùng tai giữa ở cả trẻ em và người lớn. Vòi nhĩ là một ống thông nối tai giữa và vòm họng. Rối loạn chức năng vòi nhĩ làm giảm một cách tương đối áp lực âm trong tai giữa dẫn đến sự ứ đọng dịch trong tai, chính sự ứ đọng dịch này tạo nên một môi trường thuận lợi để hình thành viêm tai giữa cấp tính hoặc viêm tai giữa ứ dịch.1
Tắc nghẽn vòi nhĩ: Bất kỳ nguyên nhân nào từ bên ngoài đè ép vào vòi nhĩ đưa đến tắc nghẽn vòi nhĩ hoặc đường ra của nó có thể dẫn đến viêm tai giữa cấp, đặc biệt là viêm tai giữa cấp tính một bên. Các nguyên nhân có thể kể đến bao gồm: nguyên nhân ác tính (ví dụ như lymphoma, ung thư họng mũi) hay tình trạng xơ hóa xảy ra sau xạ trị một số bệnh lý ung thư khác.1
Rối loạn chức năng miễn dịch của cơ thể: Niêm mạc lót vòi nhĩ và trong tai giữa đóng vai trò như những “hàng rào” miễn dịch chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh, vì thế bất kỳ bất thường hay rối loạn nào của “hàng rào” này đều sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa cấp. Nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa cấp sẽ tăng lên đáng kể ở những bệnh nhân có các bệnh lý làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể.1
Ngoài ra, nhiễm trùng đường hô hấp trên, dị ứng, hút thuốc hay tiếp xúc với khói thuốc lá cũng được xem là những yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm tai giữa ở người lớn.1
Biểu hiện lâm sàng viêm tai giữa ở người lớn
Không giống với tình trạng viêm tai giữa ở trẻ em, người lớn thường sẽ dễ dàng mô tả một cách chi tiết các triệu chứng mà họ có cho bác sĩ. Mặc dù vậy, vẫn có một số người bệnh được chẩn đoán và điều trị trễ khi bệnh đã diễn tiến nghiêm trọng, có thể đưa đến biến chứng thủng màng nhĩ.1
Ở người lớn, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc đợt cấp của bệnh viêm mũi dị ứng thường sẽ xảy ra trước khi người bệnh biểu hiện triệu chứng của viêm tai giữa cấp. Biểu hiện thường ở một bên tai, với các triệu chứng như:1
- Đau tai, ù tai. Ở người lớn, đây có thể là biểu hiện duy nhất của bệnh.
- Dịch mủ chảy ra ngoài nếu có biến chứng thủng màng nhĩ
- Giảm khả năng nghe, do sự ứ đọng dịch mủ trong tai giữa, biểu hiện này thường thoáng qua và sẽ cải thiện dần với điều trị thích hợp
- Một số biểu hiện khác như sốt cao, sưng đau phía sau tai hoặc liệt mặt gợi ý có khả năng xảy ra các biến chứng của bệnh.
Khi có các biểu hiện này, người bệnh cần đi gặp bác sĩ để khám và điều trị ngay, tránh không để bệnh diễn tiến nặng thêm có thể xảy ra các biến chứng nghiêm trọng làm cho quá trình điều trị trở nên khó khăn và người bệnh sẽ khó phục hồi.1
Chẩn đoán viêm tai giữa ở người lớn
Đứng trước một trường hợp nghi ngờ mắc viêm tai giữa cấp, bác sĩ cần kết hợp các triệu chứng lâm sàng của người bệnh và các dấu hiệu phát hiện được qua thăm khám bằng đèn soi tai để có thể đưa ra một chẩn đoán chính xác, từ đó có kế hoạch điều trị thích hợp. Một số đặc điểm điển hình của bệnh có thể phát hiện qua thăm khám bằng đèn soi tai như:1
- Màng nhĩ căng phồng, phù nề, xung huyết, không rõ cấu trúc giải phẫu bình thường và mất nón sáng.
- Màng nhĩ giảm khả năng di động, mờ đục màng nhĩ một phần hoặc hoàn toàn.
- Trong trường hợp có biến chứng thủng nhĩ, có thể quan sát thấy vị trí lỗ thủng trên màng nhĩ và dịch mủ chảy ra từ tai giữa đọng trên màng nhĩ hoặc ống tai ngoài.
Đo thính lực đơn âm (hay còn gọi là thính lực đồ) có thể được thực hiện trong một số ít trường hợp, ghi nhận kết quả nghe kém dẫn truyền ở bên tai bệnh.1
Chích rạch màng nhĩ là một thủ thuật tạo ra một đường cắt nhỏ trên màng nhĩ nhằm lấy dịch mủ trong tai giữa, thực hiện các xét nghiệm vi sinh để phân lập tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này thường ít được chỉ định trong viêm tai giữa ở người lớn, chỉ được thực hiện trong một số ít trường hợp như:1
- Người bệnh mắc các bệnh lý làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể.
- Thất bại với điều trị kháng sinh ban đầu.
- Bệnh diễn tiến nặng thêm hoặc xuất hiện các biến chứng nặng nề của bệnh.
Biến chứng của bệnh viêm tai giữa cấp ở người lớn tương đối hiếm gặp, bao gồm:1
- Viêm tai xương chũm.
- Viêm mê đạo tai.
- Áp xe não, áp xe dưới hay ngoài màng cứng.
- Huyết khối xoang tĩnh mạch bên.
- Liệt mặt.
- Viêm màng não: biến chứng này tương đối ít gặp ở người lớn, tuy nhiên lại thường hay xảy ra ở trẻ nhỏ.
Điều trị viêm tai giữa cấp người lớn
Sử dụng kháng sinh
Kháng sinh vẫn là điều trị chính cho những trường hợp viêm tai giữa cấp tính chưa biến chứng ở người lớn, và lựa chọn kháng sinh điều trị ban đầu cần nhắm đến những tác nhân gây bệnh phổ biến nhất. Kháng sinh được chứng minh làm giảm đau tai và giảm khả năng xảy ra biến chứng thủng màng nhĩ ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên điều này chưa được chứng minh ở người lớn.1
Kháng sinh Amoxicillin – clavulanate được xem là lựa chọn đầu tay trong điều trị. Trong hầu hết trường hợp, thường sử dụng liều 875 mg Amoxicillin và 125 mg clavulanate, uống 2 lần/ngày. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân viêm tai giữa cấp mức độ nặng hoặc có nguy cơ nhiễm những tác nhân kháng thuốc thì cần được sử dụng liều kháng sinh cao hơn.1
Trong trường hợp người bệnh không thể sử dụng Amoxicillin – clavulanate do xảy ra tình trạng dị ứng, tùy thuộc vào loại và mức độ dị ứng mà bác sĩ có thể sử dụng các thuốc kháng sinh khác thuộc nhóm cephalosporins hoặc nhóm macrolides.1
Bên cạnh việc dùng kháng sinh, một số thuốc giảm đau có thể được kê để giảm bớt triệu chứng đau cho người bệnh như thuốc kháng viêm không steroid NSAIDs (như ibuprofen) hoặc acetaminophen (paracetamol).1
Kết hợp thuốc kháng sinh và thuốc nhỏ tai
Riêng đối với những bệnh nhân viêm tai giữa cấp có biến chứng thủng màng nhĩ, có thể sử dụng thuốc nhỏ tai chứa kháng sinh kết hợp với thuốc kháng sinh uống, tuy nhiên lợi ích của việc điều trị kết hợp này vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Nên tránh sử dụng thuốc nhỏ tai chứa các kháng sinh có khả năng gây độc tai (như kháng sinh thuộc nhóm aminoglycoside).
Thêm vào đó, trong quá trình chờ lỗ thủng trên màng nhĩ lành, người bệnh cần tránh nước một cách tối đa, bằng cách:1
- Không đi bơi hoặc đi lặn.
- Tránh để nước vô tai bệnh khi tắm (có thể sử dụng miếng bông gòn nhét vào tai).
Thời gian điều trị
Thời gian điều trị cho những trường hợp viêm tai giữa cấp mức độ nhẹ hoặc trung bình ở người lớn là từ 5 – 7 ngày, còn đối với những trường hợp nhiễm trùng nặng (với các biểu hiện như: giảm khả năng nghe đáng kể, đau tai mức độ nghiêm trọng và/hoặc xung huyết phù nề màng nhĩ nhiều) thì cần được điều trị kháng sinh trong 10 ngày.1
Với điều trị kháng sinh kịp thời và thích hợp, hầu hết trường hợp viêm tai giữa cấp sẽ cải thiện triệu chứng đáng kể trong 2 – 3 ngày sau đó. Trong trường hợp các triệu chứng không giảm hay diễn tiến nặng thêm, gợi ý rằng các kháng sinh điều trị không hiệu quả, khi đó có thể phải chích rạch màng nhĩ, lấy dịch mủ trong tai giữa thực hiện một số xét nghiệm vi sinh nhằm phân lập tác nhân gây bệnh, từ đó giúp bác sĩ lâm sàng chọn lựa đúng loại thuốc kháng sinh và đưa ra các điều trị thích hợp.1
Việc điều trị viêm tai giữa cấp tính rất quan trọng, cần thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà không được kê toa, sẽ có thể đưa đến các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc và làm cho quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn dẫn đến bệnh sẽ khó hồi phục.1
Phòng ngừa bệnh viêm tai giữa cấp tính
Viêm tai giữa ở người lớn có thể được phòng ngừa bằng những cách sau:3
- Tránh hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc.
- Giữ ấm cơ thể, tránh bị cảm lạnh, đặc biệt khi thời tiết thay đổi.
- Ăn uống vận động khoa học giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể.
- Phát hiện và điều trị đúng cách các bệnh ở mũi họng sẽ phòng được viêm tai giữa cấp.
- Điều trị đúng và kịp thời, theo dõi tốt các viêm tai giữa cấp, nhất là sau các bệnh lây, không để trở thành mạn tính và gây các biến chứng.
Những trường hợp viêm tai giữa cần đặc biệt lưu ý?
Viêm tai giữa cấp tái phát nhiều lần: bệnh nhân với viêm tai giữa cấp một bên tái phát nhiều lần (chẳng hạn như có nhiều hơn 2 đợt tái phát trong vòng 6 tháng) nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám đánh giá cấu trúc và chức năng của vòi nhĩ cũng như vùng họng mũi. Khi đó, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện nội soi bằng ống soi mềm kiểm tra hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để loại trừ các nguyên nhân ác tính có thể gây tắc nghẽn hay mất sự thông thoáng của vòi nhĩ.1
Giảm khả năng nghe dai dẳng sau viêm tai giữa cấp tính: một tình trạng giảm khả năng nghe dai dẳng, kéo dài hơn 1 – 2 tuần sau khi tình trạng nhiễm trùng cấp tính đã hồi phục cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và đánh giá chuyên sâu hơn.1
Thủng màng nhĩ mạn tính: Thủng nhĩ có thể được xem là một diễn tiến tự nhiên của bệnh viêm tai giữa cấp tính và thường sẽ tự hồi phục trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, một bệnh nhân với thủng nhĩ kéo dài 6 tuần hoặc hơn mà vẫn không lành được khuyên đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và đánh giá kỹ càng hơn.1
Như vậy, viêm tai giữa là một bệnh lý thường gặp, xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ tuy nhiên người lớn vẫn có khả năng mắc bệnh. Do đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ người bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, qua đó giúp phòng ngừa các biến chứng của bệnh. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin cần thiết về viêm tai giữa ở người lớn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Acute otitis media in adultshttps://www.uptodate.com/contents/acute-otitis-media-in-adults
Ngày tham khảo: 09/09/2022
-
Ear Infection (Otitis Media)https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8613-ear-infection-otitis-media
Ngày tham khảo: 09/09/2022
- Lâm Huyền Trân, Lý Xuân Quang (2021), Bài giảng Tai Mũi Họng, NXB Y học.