Những điều cần biết về vôi hóa tuyến tiền liệt
Nội dung bài viết
Vôi hóa tuyến tiền liệt là tình trạng khá phổ biết ở nam giới hiện nay. Dù không quá nguy hiểm, không có triệu chứng rõ ràng và không cần điều trị, một số trường hợp có thể xuất hiện các biến chứng nguy hiểm tại tuyến tiền liệt và cần can thiệp chữa trị kịp thời. Vậy, vôi hóa tiền liệt tuyến là gì, có nguy hiểm không, điều trị như thế nào? Tất cả sẽ được YouMed hé lộ ngay sau đây.
Vôi hóa tuyến tiền liệt là gì?
Nguyên nhân
Vôi hóa tiền liệt tuyến là tình trạng canxi lắng đọng tại tuyến tiền liệt. Đây được xem là tình trạng lành tính khi nam giới không có biểu hiện triệu chứng, chỉ phát hiện tình cờ trên siêu âm hay chụp X-quang. Hình ảnh thường gặp là các nốt vôi hóa với kích thước khác nhau.
Nguyên nhân gây nên tình trạng này vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên theo nghiên cứu, người ta nhận thấy vôi hóa tuyến tiền liệt thường xuất hiện ở nam giới cao tuổi, có tiền căn mắc các bệnh như: viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt, sau phẫu thuật phì đại, sau điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Thường gặp nhất là vôi hóa tiền liệt tuyến sau viêm. Quá trình viêm thúc đẩy phản ứng xơ hóa tại tuyến, từ đó hình thành nên các điểm vôi hóa. Đôi khi cũng có thể do tình trạng viêm làm tắc nghẽn ống tuyến gây tích tụ dịch làm hình thành các đám vôi hóa hoặc sỏi.
Triệu chứng
Thông thường, bệnh chỉ được phát hiện tình cờ qua siêu âm thăm khám sức khỏe. Đa phần nam giới không cảm nhận được triệu chứng cho đến khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Khi đó, họ sẽ bắt đầu cảm nhận các dấu hiệu khác thường. Hãy lưu ý tình trạng đau ở đáy chậu, lưng dưới và dương vật. Đôi khi cơn đau xuất hiện bất chợt ở háng và bụng kèm khó chịu ở bộ phận sinh dục. Đôi khi là các triệu chứng tiết niệu như: tiểu khó, tiểu gắt buốt, tiểu đêm. Một số trường hợp xuất hiện tinh dịch màu vàng nhạt, chảy thành dòng khi quan hệ.
Vôi hóa tuyến tiền liệt có nguy hiểm không?
Thông thường vôi hóa tiền liệt tuyến lành tính, không gây bất kỳ triệu chứng nào. Vì vậy cũng không cần điều trị. Tuy nhiên, khi kích thước nốt vôi hóa to dần lên có thể phát sinh các biến chứng như:
Viêm tuyến tiền liệt mạn tính
Tình trạng nốt vôi hóa chèn ép đường dẫn nước tiểu gây ứ đọng nước tiểu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Các triệu chứng thường gặp của viêm tuyến tiền liệt thường là: tiểu đau, tiểu ra máu, nước tiểu đục, xuất tinh đau, xuất tinh có máu… Tình trạng này kéo dài dai dẳng có thể cản trở điều trị vì kháng sinh khó thâm nhập trực tiếp vào tuyến tiền liệt.
Suy giảm khả năng sinh sản
Quá trình tiết tinh dịch bị ảnh hưởng do viêm tuyến tiền liệt mạn tính. Từ đó gây giảm số lượng và chất lượng tinh dịch. Tinh dịch được xem như môi trường nuôi dưỡng và bảo vệ tinh trùng. Khi lượng tinh dịch giảm xuống làm tinh trùng không được bảo vệ và thiếu dinh dưỡng, từ đó giảm xác suất thụ thai.
Gây nhiễm khuẩn, sỏi tiết niệu
Nốt vôi hóa chèn vào đường dẫn nước tiểu làm ứ đọng nước tiểu. Từ đó gây nhiễm trùng tái đi tái lại làm tăng nguy cơ xuất hiện sỏi bàng quang.
Suy giảm chức năng thận
Tình trạng nhiễm khuẩn tái đi tái lại không được điều trị có thể gây nhiễm trùng ngược dòng lên thận và ảnh hưởng đến chức năng thận.
Ngoài ra, vôi hóa tuyến tiền liệt còn có thể liên quan đến một vài bệnh lý như phì đại tuyến tiền liệt. Hay đôi khi là bệnh lý nguy hiểm hơn như ung thư tuyến tiền liệt. Vì vậy, không nên xem thường tình trạng này khi chưa xuất hiện triệu chứng mà cần lưu ý theo dõi để phòng ngừa các biến chứng kể trên.
Điều trị vôi hóa tuyến tiền liệt
Nếu nốt vôi hóa không quá lớn và nhiều thì không cần điều trị vôi hóa tiền liệt tuyến. Chỉ cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn tiền liệt tuyến và theo dõi thường xuyên sự phát triển của nốt vôi hóa.
Trường hợp xuất hiện viêm tuyến tiền liệt hay các bệnh lý đi kèm khác cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiện nay có 02 phương pháp điều trị chính được áp dụng: điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa chủ yếu sử dụng các phương pháp sau nhằm giảm thiểu tình trạng viêm tuyến tiền liệt:
Sử dụng thuốc kháng sinh đường uống
Đối với trường hợp viêm cấp tính, sử dụng kháng sinh đường uống là phương pháp khá hiệu quả. Tuy nhiên, đối với viêm tuyến tiền liệt mạn tính, phương pháp điều trị này gặp nhiều trở ngại do kháng sinh không thâm nhập trực tiếp vào tuyến tiền liệt. Đồng thời vi khuẩn kháng thuốc phát triển cũng là yếu tố cản trở điều trị nội khoa.
Vì vậy, nếu được chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt mạn tính, không nên tự ý đổi thuốc hoặc tăng liều vì có thể gây độc gan và thận. Nếu nhiễm khuẩn tái đi tái lại, phương pháp được xem xét thường là điều trị ngoại khoa.
Sử dụng thuốc tiêm
Tiêm trực tiếp kháng sinh vào tuyến tiền liệt để hỗ trợ kháng sinh đường uống. Tuy nhiên, cũng như kháng sinh đường uống, sử dụng thuốc tiêm lâu ngày cũng có thể làm gia tăng tình trạng kháng thuốc. Thêm vào đó, các phương pháp này chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn chứ không điều trị triệt để nốt vôi hóa.
Vật lý trị liệu
Ngoài sử dụng thuốc, các phương pháp vật lý trị liệu đã và mang lại hiệu quả cao. Phương pháp này làm tăng tưới máu tuyến tiền liệt hỗ trợ tác dụng kháng sinh đường uống được phát huy tốt hơn. Đồng thời làm giảm tắc nghẽn trong tuyến, giảm nguy cơ nhiễm trùng và làm thông tuyến bị tắc.
Các phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng là: xoa bóp tại chỗ, siêu âm trị liệu. Siêu âm trị liệu làm nóng sâu trong tuyến và tăng tưới máu. Tuy nhiên không thể tiêu diệt vi khuẩn nên không thể xem đây là phương pháp điều trị chính. Chỉ nên sử dụng như biện pháp hỗ trợ trong quá trình điều trị và phòng ngừa biến chứng.
Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa cho tình trạng vôi hóa tiền liệt tuyến thường được chỉ định khi:
- Nốt vôi hóa có kích thước lớn làm ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Hoặc gây viêm tuyến tiền liệt tái đi tái lại không đáp ứng tốt điều trị nội khoa cần cân nhắc can thiệp phẫu thuật loại bỏ.
- Vôi hóa kèm tăng sinh phì đại tuyến tiền liệt và mức độ phì đại lớn chỉ có thể can thiệp bằng ngoại khoa.
- Sinh thiết nốt vôi hóa phát hiện các tế bào ác tính.
Tùy vào trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ lựa chọn cắt nội soi hay mổ mở.
Cần làm gì để phòng ngừa biến chứng của vôi hóa tiền liệt tuyến?
Nếu vôi hóa tuyến tiền liệt đã có xuất hiện các triệu chứng như: tiểu đau, tiểu khó, tiểu ra máu, rối loạn chức năng tình dục… cần cân nhắc điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.
Ngoài ra, bệnh nhân cần:
- Hạn chế thực phẩm mặn, nhiều gia vị, cay, nóng.
- Uống đủ nước mỗi ngày. Khi bị vôi hóa tuyến tiền liệt cần uống đủ 2.0-2.5 lít nước mỗi ngày. Nhằm làm sạch nước tiểu, thông thoáng đường tiết niệu và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Những bài tập hỗ trợ vùng chậu như đi bộ, yoga… được khuyến cáo hỗ trợ điều trị rất tốt.
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Vệ sinh cơ quan sinh dục hàng ngày để giảm nguy cơ viêm nhiễm.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích, rượu bia, cà phê, thuốc lá.
- Nếu đã có gia đình nên duy trì đời sống tình dục thường xuyên, đều đặn.
- Thực hiện vật lý trị liệu, massage kích thích tuyến. Nhằm làm giảm tắc nghẽn trong tuyến, giảm nguy cơ nhiễm trùng, làm thông ống tuyến.
Vôi hóa tiền liệt tuyến thường không gây nguy hiểm gì, nên nam giới có thể chung sống mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, chính chúng cũng có thể là “thủ phạm” gây nhiễm khuẩn. Vì thế người bị mắc bệnh cần lưu ý theo dõi sức khỏe thường xuyên để phát hiện kịp thời các biến chứng nguy hiểm khác.
Ths. Bs. CKI. Trần Quốc Phong