Xạ trị ung thư cổ tử cung: các phương pháp, tác dụng phụ và chi phí
Nội dung bài viết
Ung thư cổ tử cung đang dần trở nên phổ biến và trở thành nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Với sự phát triển của y học hiện đại, hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung. Trong đó, phương pháp xạ trị được nhiều người quan tâm và tìm hiểu. Vậy phương pháp này là gì? Xạ trị có gây tác dụng phụ không? Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa 1 Phan Lương Huy tìm hiểu về phương pháp xạ trị trong ung thư cổ tử cung qua bài viết dưới đây nhé!
Xạ trị ung thư cổ tử cung là gì?
Xạ trị ung thư cổ tử cung là một trong những phương pháp thường được áp dụng trong điều trị. Xạ trị sử dụng liều phóng xạ được kiểm soát để tiêu diệt hoặc tác động gây tổn thương tế bào ung thư. Bức xạ thường ở dạng chùm tia X. Tia xạ được nhắm mục tiêu vào các bộ phận của cơ thể bị ung thư hoặc các khu vực mà các tế bào ung thư có thể đã lan đến. Việc điều trị được lên kế hoạch cẩn thận để đảm bảo ít gây hại đến các mô khỏe mạnh khác.
Khi nào cần xạ trị ung thư cổ tử cung?
Tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ của ung thư cổ tử cung, xạ trị có thể được dùng trong các trường hợp sau:1
- Một phần của việc điều trị chính. Đối với một số giai đoạn của ung thư cổ tử cung, phương pháp điều trị ưu tiên là xạ trị hoặc phẫu thuật sau xạ trị. Đối với các giai đoạn khác, bức xạ và hóa trị được thực hiện cùng nhau như là một phương pháp điều trị ưu tiên vì hóa trị giúp bức xạ hoạt động tốt hơn.
- Điều trị ung thư cổ tử cung đã lan rộng hoặc tái phát sau khi điều trị. Xạ trị có thể được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung đã lan sang các cơ quan và mô khác.
Các phương pháp xạ trị trong ung thư cổ tử cung
Hiện nay, có 2 phương pháp xạ trị thường dùng nhất trong xạ trị ung thư cổ tử cung đó là:
1. Xạ trị áp sát (xạ trị trong)
Phương pháp này thường được sử dụng kết hợp với xạ trị chiếu ngoài, hiếm khi được sử dụng một mình. Trong xạ trị áp sát, một nguồn bức xạ được đặt vào cơ thể, gần khu vực ung thư. Trong ung thư cổ tử cung, khu vực này có thể ở âm đạo, cổ tử cung hoặc tử cung.
Loại xạ trị này được còn gọi là xạ trị trong. Nguồn bức xạ có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng phát triển và phân chia. Xạ trị áp sát tận dụng định luật bình phương nghịch đảo. Trong đó liều bức xạ giảm nhanh khi khoảng cách từ nguồn bức xạ tới đích tăng lên. Do đó, xạ trị áp sát có thể cung cấp bức xạ cao cho khối u gần đó, mà không làm tổn thương các mô hoặc cơ quan khác.2
Có hai loại xạ trị áp sát:1
- Xạ trị áp sát liều thấp (LDR). Bệnh nhân nằm trên giường trong phòng riêng của bệnh viện với các dụng cụ giữ chất phóng xạ tại chỗ. Trong khi tiến hành xạ trị, nhân viên y tế sẽ chăm sóc cho người bệnh; đồng thời cũng sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa phơi nhiễm.
- Liệu pháp xạ trị áp sát tốc độ cao (HDR). Đối với mỗi lần điều trị liều cao, chất phóng xạ được đưa vào trong vài phút rồi lấy ra. Ưu điểm của điều trị HDR là không phải nằm viện hay nằm yên trong thời gian dài.
2. Xạ trị chiếu ngoài (EBRT)
Xạ trị chiếu ngoài (EBRT) nhắm tia X vào tế bào ung thư từ một máy bên ngoài cơ thể. Điều trị giống như chụp X-quang thông thường nhưng với liều bức xạ mạnh hơn. Mỗi lần xạ trị chỉ kéo dài vài phút và thường không đau.
Khi EBRT được chỉ định làm phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư cổ tử cung, phương pháp này thường kết hợp với hóa trị. Thông thường, một liều thấp thuốc hóa trị cisplatin được sử dụng. Các loại thuốc hóa trị khác cũng có thể được sử dụng. Thời điểm dùng thuốc hóa trị thường trong quá trình xạ trị, và khi xác định được loại thuốc sẽ được sử dụng.3
EBRT cũng có thể được sử dụng làm phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư cổ tử cung ở những bệnh nhân không thể chịu đựng hóa trị, không thể phẫu thuật một cách an toàn hoặc chọn không phẫu thuật. Ngoài ra, phương pháp cũng có thể được sử dụng riêng để điều trị các vùng ung thư lan rộng.1
Thời gian xạ trị ung thư cổ tử cung
Tùy theo từng loại xạ trị mà thời gian kéo dài khác nhau:1
- Xạ trị áp sát liều thấp (LDR) thường diễn ra trong vài ngày.
- Liệu pháp xạ trị áp sát tốc độ cao (HDR) được thực hiện qua nhiều lần điều trị (thường cách nhau ít nhất một tuần). Phương pháp này cho phép người bệnh điều trị ngoại trú.
- Xạ trị chiếu ngoài được thực hiện 5 ngày một tuần, trong khoảng 5 tuần.
Tác dụng phụ của xạ trị ung thư cổ tử cung
1. Tác dụng phụ ngắn hạn
Xạ trị ung thư cổ tử cung có thể gây ra tác dụng phụ khác nhau ở mỗi người. Các tác dụng phụ có xu hướng bắt đầu một tuần sau khi bắt đầu xạ trị. Nó có thể nghiêm trọng hơn trong quá trình điều trị và trong vài tuần sau khi kết thúc điều trị. Nhưng chúng thường bắt đầu cải thiện sau khoảng 2 tuần hoặc lâu hơn.
Một số tác dụng phụ có thể gặp sau khi điều trị xạ trị như:4
- Tiêu chảy.
- Viêm bàng quang, cảm thấy châm chích khi đi tiểu.
- Chảy máu âm đạo. Phương pháp xạ trị trong có thể gây chảy máu âm đạo sau khi lấy dụng cụ bôi ra. Điều này sẽ rõ ràng trong vòng 48 giờ (2 ngày).
- Đau rát và đỏ da ở vùng điều trị. Trong quá trình điều trị, da ở vùng điều trị có thể trở nên khá đau và đỏ.
- Phản ứng trên da giống như bị bỏng nhưng đó là tình trạng viêm do bức xạ. Nó thường bắt đầu khoảng 5 đến 7 ngày sau khi điều trị và tiếp tục trong khoảng 10 ngày sau lần điều trị cuối cùng.
- Mệt mỏi và suy nhược, cảm thấy yếu ớt và thiếu năng lượng. Mệt mỏi có thể tiếp tục trong vài tuần sau khi điều trị kết thúc và thường cải thiện dần dần.
2. Tác dụng phụ dài hạn
Phụ nữ có thể gặp các tác dụng phụ liên quan đến bức xạ hàng tháng đến hàng năm sau khi điều trị.1
- Hẹp âm đạo. Cả EBRT và xạ trị áp sát đều có thể khiến mô sẹo hình thành trong âm đạo. Các mô sẹo có thể làm cho âm đạo hẹp lại (gọi là hẹp âm đạo), ít co giãn hơn hoặc thậm chí ngắn hơn. Điều này có thể gây đau khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo.
- Khô âm đạo. Khô âm đạo và đau khi quan hệ tình dục có thể là tác dụng phụ lâu dài của bức xạ (cả phương pháp xạ trị và EBRT).
- Chảy máu trực tràng/hẹp trực tràng. Bức xạ tác động đến thành trực tràng có thể gây viêm mãn tính ở khu vực này; và có thể dẫn đến chảy máu. Bức xạ cũng có thể làm hẹp trực tràng và đôi khi gây đau đớn. Một lỗ rò cũng có thể hình thành giữa trực tràng và âm đạo, khiến phân ra khỏi âm đạo. Những vấn đề này thường xảy ra trong 3 năm đầu tiên sau khi xạ trị. Các phương pháp điều trị bổ sung, chẳng hạn như phẫu thuật, có thể cần thiết để khắc phục các biến chứng này.
- Các vấn đề về tiết niệu. Bức xạ tới vùng chậu có thể gây viêm bàng quang mãn tính do bức xạ , tiểu ra máu hoặc xuất hiện lỗ rò. Những tác dụng phụ này có thể được nhìn thấy nhiều năm sau khi xạ trị.
- Xương yếu. Bức xạ tới xương chậu có thể làm yếu xương, dẫn đến gãy xương. Gãy xương hông là phổ biến nhất và có thể xảy ra từ 2 đến 4 năm sau khi xạ trị.
- Sưng chân. Nếu các hạch bạch huyết vùng chậu được điều trị bằng bức xạ. Nó có thể dẫn đến các vấn đề về thoát dịch ở chân. Điều này có thể khiến chân sưng tấy nghiêm trọng. Tình trạng này còn được gọi là phù bạch huyết.
Chăm sóc bệnh nhân xạ trị ung thư cổ tử cung
Sự phối hợp giữa bệnh nhân và người chăm sóc trong việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân xạ trị có vai trò quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng, giảm tác dụng phụ của xạ trị, giúp cơ thể bệnh nhân thích nghi với phương pháp điều trị.
- Không sử dụng bất kỳ loại thuốc bôi nào trên các khu vực da được điều trị bị đổi màu mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
- Tránh mặc quần áo chật và tránh phơi nắng ở vùng xạ trị.
- Thiết lập chế độ ăn uống khoa học. Việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết đóng vai trò quan trọng giúp phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Sau xạ trị, bệnh nhân cần bổ sung chất béo, chất xơ, vitamin, tinh bột và khoáng chất. Ăn nhiều thực phẩm chứa chất chống oxy hóa có thể đẩy lùi sự xâm lấn của tế bào ung thư cổ tử cung.
- Tích cực vận động. Dù mệt mỏi sau xạ trị nhưng người bệnh vẫn nên vận động càng nhiều càng tốt. Người bệnh có thể đi lại vận động nhẹ nhàng giúp tinh thần thoải mái, cơ thể khỏe mạnh hơn.
- Giữ một tinh thần lạc quan, yêu đời, suy nghĩ thoải mái, nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp tinh thần thoải mái và ăn ngon miệng hơn.
- Sau xạ trị, bệnh nhân không nên quan hệ tình dục trong vài tháng đầu.
- Tiến hành kiểm tra định kỳ, tiến hành các xét nghiệm cần thiết một cách thường xuyên, phát hiện kịp thời những bất thường và can thiệp kịp thời.
Xạ trị ung thư cổ tử cung ở đâu?
Việc xạ trị ung thư có thể thực hiện tại các bệnh viện lớn, uy tín, có chuyên khoa ung bướu – xạ trị. Dưới đây là danh sách một số bệnh viện để tham khảo:
1. Bệnh viện K
Địa chỉ:
- Cơ sở 1: 43 Quán Sứ, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Cơ sở 2: Tựu Liệt, Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội
- Cơ sở 3: Số 30 đường Cầu Bươu,Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội.
2. Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai
- Địa chỉ: 78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
3. Trung tâm Ung Bướu – Bệnh viện Trung ương Huế
- Địa chỉ: 16 Lê Lợi, Huế.
4. Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng
- Địa chỉ: Đường Hoàng Thị Loan, Tổ 28, Phường Hòa Minh, Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
5. Bệnh viện Ung bướu TPHCM
Địa chỉ:
- Số 6 Nguyễn Huy Lượng, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP. HCM.
- Số 47 Nguyễn Huy Lượng, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP. HCM.
- Đường D400, Ấp Cây Dầu, Phường Tân Phú, Quận 9, TP. HCM.
6. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
- Địa chỉ: 208 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP. HCM.
Chi phí xạ trị ung thư cổ tử cung₫
Chi phí xạ trị ung thư cổ tử cung thực tế tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Thông thường xạ trị diễn ra khoảng 2 – 7 đợt và mỗi đợt kéo dài 5 ngày. Dưới đây là một số thông tin mà bạn đọc có thể tham khảo.
Bệnh viện | Chi phí xạ trị |
Bệnh viện K | 500.000 đến 5.000.000 đồng/lần |
Bệnh viện Bạch Mai | 1.300.000 đến 5.000.000 đồng/lần |
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM | 5.000.000 đến 10.000.000 đồng/lần |
Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Central Park | 6.000.000 đến 5.000.000 đồng/lần |
Trên đây là thông tin về phương pháp xạ trị ung thư cổ tử cung. Hi vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Việc tìm hiểu các phương pháp điều trị sẽ giúp người bệnh có những sự chuẩn bị cần thiết cho việc điều trị bệnh thật tốt.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Radiation Therapy for Cervical Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/cervical-cancer/treating/radiation.html
Ngày tham khảo: 15/04/2023
-
Brachytherapy in the treatment of cervical cancer: a reviewhttps://www.dovepress.com/brachytherapy-in-the-treatment-of-cervical-cancer-a-review-peer-reviewed-fulltext-article-IJWH
Ngày tham khảo: 15/04/2023
-
Concurrent chemoradiotherapy for cervical cancer: background including evidence-based data, pitfalls of the data, limitation of treatment in certain groupshttp://www.cjcrcn.org/article/html_9645.html
Ngày tham khảo: 15/04/2023
-
Side effects of radiotherapyhttps://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cervical-cancer/treatment/radiotherapy/side-effects#
Ngày tham khảo: 15/04/2023