YouMed

Xét nghiệm sàng lọc dị ứng hải sản

bác sĩ nguyệt thanh
Tác giả: Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh
Chuyên khoa: Đa khoa

Hầu hết các trường hợp dị ứng thức ăn thường xuất hiện ở giai đoạn khi chúng ta còn nhỏ, đang phát triển. Tuy nhiên, dị ứng hải sản lại có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong đời. Vậy làm thế nào để chẩn đoán dị ứng hải sản? Các xét nghiệm dị ứng hải sản thực hiện trên da hay máu? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây của Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh.

Dị ứng hải sản là gì?

Khác với những loại dị ứng khác, dị ứng hải sản có xu hướng bùng phát ở tuổi trưởng thành. Dẫu rằng ở các giai đoạn trước đó, bạn đã ăn hải sản mà không có vấn đề gì. Những loại hải sản thường gây dị ứng là:

  • Hải sản loại giáp xác bao gồm các loại tôm, cua,..
  • Hải sản loại thân mềm bao gồm: sò, hàu biển, các loại mực, bạch tuộc,…

Hầu hết những người bị dị ứng với một loại hải sản cũng có thể bị dị ứng với loại còn lại. Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo những người bị dị ứng hải sản nên tránh tất cả các loại hải sản để an toàn.

Nguyên nhân và triệu chứng

Nguyên nhân dị ứng

Dị ứng hải sản thường là phản ứng của hệ thống miễn dịch chống lại chất lạ có trong cơ thể (dị nguyên). Chất lạ đó chính là một loại protein có trong hải sản – mang tên tropomyosin.

Khi ăn hải sản, các kháng thể tại cơ thể của người nghi bị dị ứng sẽ kích hoạt để giải phóng các chất như histamine. Sau đó, histamine sẽ tấn công tropomyosin như một cách bảo vệ cơ thể trước những “chất lạ”. Sự giải phóng histamine này dẫn đến một số triệu chứng dị ứng có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng.

Các triệu chứng dị ứng hải sản là gì?

Các triệu chứng của dị ứng hải sản có thể xuất hiện từ vài phút đến vài ngày. Tuy nhiên, đa số các trường hợp sẽ tiến triển trong vòng vài phút.

xét nghiệm dị ứng hải sản
Dị ứng hải sản là tình trạng thường khởi phát ở tuổi trưởng thành.

Các dấu hiệu dị ứng hải sản bao gồm:

  • Ngứa ran trong miệng.
  • Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc nôn mửa.
  • Tắc nghẽn, khó thở hoặc thở khò khè.
  • Phản ứng da bao gồm ngứa, phát ban hoặc chàm da.
  • Sưng mặt, môi, lưỡi, họng, tai, ngón tay hoặc bàn tay.
  • Choáng váng, chóng mặt hoặc ngất xỉu.

Khi có bất kì dấu hiệu phản ứng nào kể trên, bạn cần thực hiện xét nghiệm dị ứng hải sản để chẩn đoán nhanh chóng. Bởi lẽ tình trạng này có thể đe dọa tính mạng. Trong khi đó, tình huống nghiêm trọng nhất có thể gặp phải khi dị ứng hải sản là sốc phản vệ. Đây là sốc phản vệ là tình trạng cần được cấp cứu ngay lập tức. Dấu hiệu nhận biết một người bị sốc phản vệ khi dị ứng hải sản là:

  • Cổ họng bị sưng (hoặc khối u trong cổ họng) gây khó thở.
  • Mạch nhanh.
  • Cực kỳ chóng mặt hoặc mất ý thức.
  • Tụt huyết áp nghiêm trọng (sốc).

Quy trình xét nghiệm sàng lọc dị ứng hải sản

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, hãy thực hiện xét nghiệm sàng lọc nhanh chóng. Hiện nay, các xét nghiệm này đều có thể thực hiện nhanh tại các cơ sở y tế uy tín. Có 2 cách xét nghiệm sàng lọc dị ứng hải sản:

1. Test qua da

Kỹ thuật này chẩn đoán các dị nguyên gây dị ứng tiềm ẩn như không khí, thực phẩm và môi trường tiếp xúc. Vì vậy, đây là phương pháp được dùng để sàng lọc dị ứng hải sản. Có 3 phương pháp test qua da như sau:

  • Test lẩy da (scratch test hay còn gọi là prick test).
  • Test áp bì (patch test).
  • Test trong da (intradermal test).

Cách thực hiện:

  • Thông thường, các bác sĩ sẽ thực hiện test lẩy da trước. Chất gây dị ứng như hải sản sẽ được pha loãng với nồng độ phù hợp trước khi test.
  • Một đầu kim nhỏ đưa một lượng dịch trích xuất trên qua lớp thượng bì của da vùng cẳng tay.
  • Bạn sẽ được theo dõi chặt chẽ phản ứng của da với chất lạ như thế nào trong 15 phút.
  • Nếu kiểm tra lẩy da không kết luận được, các bác sĩ sẽ tiến đến thực hiện test trong da. Khi đó, bạn sẽ được tiêm một lượng nhỏ chất gây dị ứng vào lớp hạ bì. Và tiếp tục theo dõi phản ứng của bạn trong 15 phút.
xét nghiệm dị ứng hải sản
Khi thực hiện test qua da trong xét nghiệm dị ứng hải sản, bạn cần được theo dõi sát diễn tiến của vùng da được test.

Ngoài ra, một hình thức test khác là test áp bì hay còn gọi xét nghiệm dị ứng bằng miếng dán. Phương pháp thực hiện thông qua các miếng dán có chứa chất nghi gây dị ứng. Mỗi miếng dán có dị nguyên sẽ đặt lên vùng da lành của bạn. Bạn sẽ lưu miếng dán đó 48 giờ hoặc lặp lại một lần nữa vào 72 đến 96 giờ để xem có phản ứng dị ứng xảy ra hay không.

2. Xét nghiệm máu

Nếu bạn có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với xét nghiệm da hoặc không thể thực hiện xét nghiệm da, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu.

Đối với xét nghiệm này, một mẫu máu được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để tìm sự hiện diện của các kháng thể chống lại các chất gây dị ứng cụ thể, được gọi là ImmunoCAP. Xét nghiệm này được gọi là xét nghiệm kháng thể IgE đặc hiệu với chất gây dị ứng hoặc xét nghiệm chất hấp thụ chất phóng xạ (RAST). Nó đo lường phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với hải sản.

xét nghiệm dị ứng hải sản
Xét nghiệm máu giúp chẩn đoán dị ứng hải sản khi không thực hiện test qua da.

Kết quả xét nghiệm dị ứng hải sản

Đối với test lẩy da và test trong da

Nếu bạn bị dị ứng, một chấm đỏ nhỏ, sưng, tấy hoặc ngứa tại vị trí ngứa sẽ xuất hiện trong vòng vài phút

Đối với test áp bì

Phản ứng dị ứng sẽ xuất hiện trễ hơn.

Đối với xét nghiệm máu

Xét nghiệm này rất nhạy trong việc phát hiện dị ứng hải sản. Nếu bạn có nguy cơ dị ứng hải sản, xét nghiệm máu sẽ tìm thấy kháng thể IgE.

Những lưu ý khi xét nghiệm dị ứng hải sản

Trước khi xét nghiệm

Trước khi kiểm tra dị ứng, bác sĩ sẽ hỏi bạn về lối sống, tiền sử gia đình,…

Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn ngừng dùng các loại thuốc sau đây trước khi kiểm tra dị ứng vì chúng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm:

  • Thuốc kháng histamine kê đơn và không kê đơn.
  • Một số loại thuốc điều trị chứng ợ nóng, chẳng hạn như famotidine (Pepcid).
  • Benzodiazepine, chẳng hạn như diazepam (Valium) hoặc lorazepam (Ativan).
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng, chẳng hạn như amitriptyline (Elavil).
  • Corticosteroid toàn thân (nếu bạn đang thử nghiệm miếng dán).

Sau khi xét nghiệm

  • Đến trạm y tế gần nhất ngay lập tức nếu bạn phát triển một phản ứng nghiêm trọng ngay sau khi rời cơ sở y tế.
  • Các triệu chứng dị ứng khi test thường hết trong vài giờ nhưng có thể kéo dài vài ngày. Các loại kem bôi steroid nhẹ có thể làm giảm bớt các triệu chứng này.
  • Khi đã xác định được thành phần hải sản dị ứng, bạn cần tránh sử dụng và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Hải sản là nguồn dinh dưỡng cần thiết nhưng cũng tìm ẩn nguy cơ dị ứng. Khi dùng hải sản, bạn xuất hiện dấu hiệu ngứa ran, đau bụng, buồn nôn, tắc nghẽn, phản ứng da,… rất có thể bạn đang dị ứng. Dị ứng hải sản là tình trạng dị ứng cấp tính cần được chẩn đoán kịp thời. Xét nghiệm sàng lọc dị ứng hải sản bao gồm test qua da (test lẩy da, test áp bì, test trong da) và xét nghiệm máu.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người