YouMed

Xét nghiệm giang mai là gì? Cách đọc kết quả xét nghiệm

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Giang mai là một bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm và lây nhiễm chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Bệnh không chỉ gây tác động xấu đến sức khỏe mà còn đe dọa tính mạng của con người. Vì vậy cần phải phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý này. Và xét nghiệm giang mai được xem là một trong những phương pháp rất hữu ích giúp chẩn đoán phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này. Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu thêm các thông tin khác về xét nghiệm giang mai thông qua bài viết dưới đây.

Tổng quan bệnh giang mai

1. Bệnh giang mai là gì?1

Bệnh giang mai là một bệnh lý do một loại xoắn khuẩn có tên là Treponema pallidum gây ra. Vi khuẩn này lây nhiễm chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Ngoài ra nó còn lây nhiễm qua đường máu hoặc từ mẹ sang con.

Hình ảnh xoắn khuẩn xoắn khuẩn có tên là Treponema pallidum
Hình ảnh xoắn khuẩn xoắn khuẩn có tên là Treponema pallidum

2. Phân loại và triệu chứng theo từng giai đoạn của bệnh giang mai1 2

Giang mai phát triển theo từng giai đoạn. Đồng thời triệu chứng cũng thay đổi dựa theo từng giai đoạn đó. Tuy nhiên các giai đoạn có thể chồng chéo lên nhau. Các triệu chứng cũng không phải lúc nào cũng xảy ra theo thứ tự.

Giang mai nguyên phát

Tổn thương ban đầu là một vết loét nhỏ, người ta hay gọi là săng sau thời gian ủ bệnh từ 3 – 4 tuần tại vị trí vi khuẩn tấn công vào cơ thể. Và săng này thường không gây đau đớn và có thể tiềm ẩn trong âm đạo hoặc trực tràng. Vì vậy đa số người bị nhiễm vi khuẩn giang mai không biết mình đã bị nhiễm giang mai.

Thông thường sau 3 – 6 tuần săng sẽ tự lành lại.

Giang mai thứ phát

Sau vài tuần từ khi vết săng ban đầu lành, xoắn khuẩn giang mai tiếp tục lây lan trong máu. Từ đó chúng tạo nên các tổn thương ở diện rộng niêm mạc và sưng hạch bạch huyết. Triệu chứng thường bắt đầu sau khi săng xuất hiện từ 6-12 tuần. Trong đó phổ biến nhất là:

Ngoài ra còn có thêm các triệu chứng ít gặp hơn là:

  • Nhức đầu.
  • Giảm thính lực.
  • Đau xương.
  • Rối loạn thị giác.

Giang mai tiềm ẩn

Giang mai tiềm ẩn có thể sớm hoặc muộn. Sớm là dưới 1 năm sau khi nhiễm vi khuẩn và muộn là từ 1 năm trở lên sau khi nhiễm.

Giai đoạn này sẽ không có triệu chứng hay biểu hiện của bệnh. Tuy nhiên các kháng thể vẫn tồn tại trong cơ thể và sẽ được tìm thấy thông qua các xét nghiệm giang mai huyết thanh.

Một số người có thể tiềm ẩn bệnh giang mai vĩnh viễn. Nhưng khi tái phát sẽ kèm theo các tổn thương trên da và niêm mạc. Mà các tổn thương này có thể lây nhiễm bệnh cho người khác trong thời gian đầu của giai đoạn tiềm ẩn.

Giang mai giai đoạn thứ ba

Có đến khoảng ⅓ trong tổng số người mắc giang mai nhưng không điều trị sẽ tiến triển thành bệnh lý giang mai giai đoạn muộn. Các tổn thương được phân loại dựa trên lâm sàng là:

  • Giang mai giai đoạn 3 lành tính.
  • Giang mai tim mạch.
  • Giang mai thần kinh.

Giang mai bẩm sinh

Phụ nữ đang mang thai mắc bệnh giang mai khi sinh có thể lây nhiễm bệnh cho thai nhi thông qua nhau thai hoặc trong quá trình sinh nở. Đa số trẻ sơ sinh mắc giang mai đều không có triệu chứng. Một số có triệu chứng là phát ban ở lòng bàn tay hoặc chân.

Các triệu chứng xuất hiện muộn hơn ở trẻ có thể kể đến là:

  • Điếc.
  • Mũi yên ngựa.
  • Bị dị dạng răng.

Xét nghiệm giang mai là gì?

Xét nghiệm giang mai là một xét nghiệm giúp phát hiện hoặc tìm kiếm sự hiện diện của xoắn khuẩn Treponema pallidum trong cơ thể. Thông qua các xét nghiệm này giúp chỉ định các phương pháp điều trị sớm, nâng cao sức khỏe cho người mắc bệnh. Hiện nay có nhiều xét nghiệm với các phương pháp khác nhau.

Xét nghiệm giang mai giúp tìm ra sự hiện diện của xoắn khuẩn Treponema pallidum trong cơ thể
Xét nghiệm giang mai giúp tìm ra sự hiện diện của xoắn khuẩn Treponema pallidum trong cơ thể

Xét nghiệm test nhanh giang mai

Xét nghiệm test nhanh giang mai là xét nghiệm giúp xác định kháng thể giang mai có trong cơ thể người hay không. Xét nghiệm này cho kết quả chỉ trong vòng từ 10 – 15 phút.

Đây là xét nghiệm được dùng để sàng lọc bệnh giang mai trong cộng đồng. Đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao như: quan hệ tình dục đồng giới nam, nữ hành nghề mại dâm,…

Xét nghiệm này được phân thành 3 loại là:

1. Xét nghiệm đặc hiệu3

Là xét nghiệm sử dụng kháng nguyên Treponema pallidum để phát hiện kháng thể đặc hiệu của bệnh giang mai.

Nguyên lý của xét nghiệm này là dùng kháng nguyên giang mai để phát hiện được các kháng thể kháng lại kháng nguyên. Vì vậy mà xét nghiệm này không thể phân biệt được vi khuẩn giang mai đang hoạt động tại thời điểm xét nghiệm. Hay là trước đây đã từng nhiễm và đã điều trị bệnh giang mai rồi.

Ưu điểm

  • Tăng sự tiếp cận với xét nghiệm giang mai.
  • Kết quả xét nghiệm có nhanh.

Nhược điểm

Tuy kết quả dương tính nhưng lại không phân biệt được giang mai đang hoạt động hay bệnh đã được điều trị trước đây.

2. Xét nghiệm không đặc hiệu3

Hiện nay đang nghiên cứu và đưa vào áp dụng từng bước xét nghiệm test nhanh giang mai không đặc hiệu. Đây là xét nghiệm giúp phát hiện nhanh các kháng thể IgM hoặc IgG kháng lại kháng nguyên cardiolipin.

Xét nghiệm này không đặc hiệu là do các kháng thể IgM và IgG cũng được tìm thấy trong một số bệnh lý khác. Ví dụ như sốt virus, bệnh tự miễn,…

Đây là xét nghiệm chỉ mang tính sàng lọc chứ không chẩn đoán.

Ưu điểm

Kết quả xét nghiệm có nhanh.

Nhược điểm

Vẫn còn đang nghiên cứu và chưa được áp dụng rộng rãi.

Chỉ giúp ích trong sàng lọc bệnh giang mai chứ không chẩn đoán xác định bệnh.

3. Xét nghiệm phối hợp

Phối hợp thực hiện cả 2 xét nghiệm đặc hiệu và không đặc hiệu giúp chẩn đoán và sàng lọc bệnh giang mai. Thế nhưng các xét nghiệm phối hợp này chưa được nghiên cứu, đánh giá và kiểm định bởi Tổ chức Y tế thế giới.

Ưu điểm

Vừa sàng lọc và vừa chẩn đoán được bệnh giang mai.

Nhược điểm

Xét nghiệm phối hợp này chưa được đánh giá và kiểm định bởi Tổ chức Y tế thế giới.

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh giang mai

Phương pháp gián tiếp (xét nghiệm huyết thanh)3

Xét nghiệm huyết thanh là xét nghiệm sử dụng mẫu bệnh phẩm chủ yếu là huyết thanh để phân tích mẫu. Các trường hợp ngoại lệ có thể dùng huyết tương là một số xét nghiệm không đặc hiệu. Xét nghiệm phản ứng huyết thanh giúp chẩn đoán chính xác giang mai có 2 loại: đặc hiệu và không đặc hiệu.

1. Xét nghiệm không đặc hiệu

Phổ biến và được sử dụng rộng rãi là: xét nghiệm RPR và xét nghiệm VDRL.

2 xét nghiệm này giúp phát hiện 1 trong 2 loại kháng thể là IgM hoặc IgG kháng lipid không đặc đặc hiệu. Vì còn có thể phát hiện được 2 kháng thể này ở các bệnh lý khác (sốt virus, bệnh tự miễn). Nên xét nghiệm này được gọi là không đặc hiệu.

Ưu điểm

  • Không phẫu thuật.
  • Đơn giản.
  • Chi phí thực hiện thấp

Nhược điểm

  • Độ nhạy thấp.
  • Tỷ lệ dương tính giả cao.

So sánh xét nghiệm RPR và VDRL

Xét nghiệm RPR4 Xét nghiệm VDRL5
  • Định nghĩa

Là xét nghiệm huyết thanh không sử dụng treponemal dùng để sàng lọc giang mai đang hoạt động. Đồng thời theo dõi đáp ứng với điều trị của người bệnh.

Xét nghiệm này hoạt động theo nguyên lý phát hiện kháng thể phản ứng trong huyết tương và huyết thanh.

  • Quy trình:

Điều chế kháng nguyên RPR với cholesterol, cardiolipin không đặc hiệu và lecithin.

Huyết thanh + huyền phù kháng nguyên đã chuẩn bị.

Quay trong buồng làm ẩm tốc độ 100 vòng/phút trong 8 phút.

Sau đó xoay bằng tay và đọc theo phương pháp macro.

  • Kết quả:

Nếu có kháng thể IgM hoặc IgG với kháng nguyên lipid thì sẽ xuất hiện sự ngưng kết.

  • Định nghĩa

Là xét nghiệm được dùng để sàng lọc và theo dõi diễn tiến của bệnh lý giang mai.

Với nguyên lý hoạt động là tạo ra kháng thể khi cơ thể nhiễm xoắn khuẩn Treponema pallidum. Sau đó phát hiện kháng thể bằng kháng nguyên.

  • Quy trình:

Thuốc thử gồm hỗn hợp cardiolipin, lecithin và cholesterol được trộn với huyết thanh đã đun nóng hoặc dịch não tủy chưa đun nóng.

  • Kết quả:

Kháng thể IgM hoặc IgG phản ứng với kháng nguyên lipid thì sẽ xuất hiện phản ứng vón cục.

2. Xét nghiệm đặc hiệu

Là xét nghiệm giúp phát hiện các kháng thể chống lại kháng nguyên Treponema pallidum. Nhưng xét nghiệm này lại không phân biệt được kháng nguyên đó gây bệnh giang mai hay là gây bệnh khác cũng do các loại xoắn khuẩn khác gây nên.

Có 2 loại xét nghiệm huyết thanh đặc hiệu là: xét nghiệm TPHA và xét nghiệm TPPA.

Sau khi xét nghiệm không đặc hiệu có kết quả dương tính thì xét nghiệm đặc hiệu sẽ được chỉ định để có thể khẳng định chẩn đoán bệnh giang mai.

Ưu điểm

Có tính đặc hiệu cao.

Nhược điểm

Không phân biệt được kháng nguyên trong bệnh lý giang mai hay và các bệnh lý do xoắn khuẩn khác gây ra.

Chỉ được chỉ định sau khi đã dương tính với xét nghiệm không đặc hiệu.

So sánh xét nghiệm TPHA và TPPA

Xét nghiệm TPHA Xét nghiệm TPPA
Là xét nghiệm giúp phát hiện sự có mặt của kháng thể chống lại Treponema pallidum trong huyết tương của người bị nghi ngờ mắc giang mai.

  • Quy trình:

Bộ xét nghiệm TPHA được thiết kế sẵn các thế bào đã gắn với kháng nguyên xoắn khuẩn.

Cho huyết thanh hoặc huyết tương của người bệnh tiếp xúc với bộ xét nghiệm.

  • Kết quả:

Phản ứng ngưng kết xảy ra khi kháng thể được cơ thể tạo ra trung hòa với kháng nguyên.

Là xét nghiệm giúp phát hiện kháng thể chống lại kháng nguyên Treponema pallidum bằng kỹ thuật ngưng kết.

  • Quy trình:

Thuốc thử gelatin được nhạy cảm với kháng nguyên xoắn khuẩn trộn với huyết thanh của người bệnh.

  • Kết quả:

Dương tính khi hạt tạo thành cục

Âm tính khi không có sự đóng cục giữa các hạt gelatin.

Phương pháp trực tiếp3

Bao gồm 3 loại xét nghiệm:

1. Soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen

Là xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn giang mai dạng lò xo, di động trên kính hiển vi nền đen thông qua mẫu bệnh phẩm là dịch tiết từ các tổn thương nghi ngờ trên da, niêm mạc, hạch,…

Xét nghiệm này được xem là xét nghiệm đặc hiệu nhất trong các phương pháp chẩn đoán giang mai ở giai đoạn sớm.

Tuy nhiên xét nghiệm này có độ nhạy quá thấp nên kết quả âm tính nhưng không loại trừ được bệnh giang mai.

Ưu điểm

  • Là phương pháp đặc hiệu nhất trong các xét nghiệm chẩn đoán giang mai ở giai đoạn sớm.
  • Độ đặc hiệu cao.
  • Độ tin cậy cao.

Nhược điểm

  • Độ nhạy thấp (< 50%).
  • Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm cần thực hiện xét nghiệm ngay.
  • Cần thiết bị đặc biệt và kỹ thuật viên đã được tập huấn và có kinh nghiệm.
  • Chỉ được tiến hành xét nghiệm trong các phòng xét nghiệm chuyên sâu.
  • Tính ứng dụng không cao.

2. Xét nghiệm tìm kháng thể huỳnh quang trực tiếp (DFA-direct fluorescent antibody)

Là xét nghiệm phát hiện xoắn khuẩn Treponema pallidum được nhuộm kháng thể globulin kháng Treponema pallidum có gắn huỳnh quang bằng kính hiển vi huỳnh quang.

Mẫu bệnh phẩm của xét nghiệm này cũng tương tự xét nghiệm soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen. Đó là dịch tiết từ các tổn thương nghi ngờ trên da, niêm mạc, hạch,…

Ưu điểm

  • Dễ phát hiện xoắn khuẩn Treponema pallidum hơn các phương pháp khác.
  • Không bị nhầm lẫn với các vi sinh vật khác do đã được nhuộm huỳnh quang.
  • Độ nhạy và độ đặc hiệu cao.

Nhược điểm

Cần sử dụng các thiết bị và các chế phẩm huỳnh quang đặc biệt để thực hiện xét nghiệm.

Tính ứng dụng không cao.

3. Xét nghiệm khuếch đại nucleic acid (NAATs – nucleic acid amplification tests)

Là xét nghiệm áp dụng phản ứng khuếch đại nucleic acid để trực tiếp tìm DNA của xoắn khuẩn Treponema pallidum.

Xét nghiệm này còn được gọi là xét nghiệm khuếch đại gen hay xét nghiệm PCR.

Ưu điểm

  • Độ tin cậy cao.
  • Độ nhạy cao hơn các phương pháp khác.

Nhược điểm

  • Độ nhạy vẫn còn phụ thuộc vào các bộ sinh phẩm PCR.
  • Chi phí thực hiện cao hơn các xét nghiệm khác.
  • Cần sử dụng các thiết bị chuyên dụng và kỹ thuật viên xét nghiệm được đào tạo bài bản.

Xét nghiệm máu có phát hiện giang mai?

Kháng thể giang mai tồn tại trong môi trường máu. Vì vậy khi xét nghiệm máu có thể cho biết cơ thể người bệnh có đang tạo ra các kháng thể chống lại xoắn khuẩn gây giang mai hay không.6

Bên cạnh đó vi khuẩn giang mai còn tồn tại nhiều năm trong cơ thể. Chính vì vậy xét nghiệm máu có thể giúp xác định có đang mắc giang mai hay không. Thậm chí có thể xác định được ngay cả khi bệnh đã mắc từ lâu.6

Tầm quan trọng của xét nghiệm giang mai

Giang mai là bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn lây nhiễm qua đường tình dục, đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn. Và có thể lây truyền từ người mẹ đang mang thai sang thai nhi. Bệnh nếu không được điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng và tổn thương vĩnh viễn. Bao gồm:7

  • Đột quỵ.
  • Mất thính lực.
  • Sa sút trí tuệ.
  • Rối loạn chức năng tình dục,…
  • Thậm chí nguy hiểm hơn là đe dọa tính mạng của người bệnh.

Xét nghiệm giang mai giúp phát hiện bệnh giai đoạn đầu từ đó giúp điều trị hết bệnh sớm nhất. Không gây các biến chứng ảnh hưởng về sau. Việc phát hiện và điều trị bệnh giang mai sớm thông qua các xét nghiệm giang mai góp phần ngăn ngừa sự lây lan bệnh cho người khác.

Xét nghiệm giang mai sau bao lâu thì kết quả chính xác nhất?

Có thể phát hiện xoắn khuẩn gây bệnh giang mai trong vòng 1 – 2 tuần sau khi xuất hiện săng giang mai (vết loét không đau trên bộ phận sinh dục). Săng thường phát triển trong vòng 3 tuần kể từ khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Vì vậy tổng thời gian có thể thực hiện xét nghiệm phát hiện giang mai là khoảng 4 tuần (30 ngày) sau khi tiếp xúc nguồn lây.

Và do tùy vào cơ địa mỗi người mà bệnh tiến triển sẽ khác nhau. Người mắc bệnh thông thường sẽ được chỉ định xét nghiệm lại khoảng 3 – 4 tháng (12 tuần) sau khi đã phơi nhiễm.

Việc chẩn đoán bệnh sẽ được dễ dàng hơn nếu có xuất hiện triệu chứng của bệnh. Và thường là 3 tháng sau tiếp xúc vi khuẩn giang mai sẽ cho kết quả chính xác nhất.

Những đối tượng cần thực hiện xét nghiệm giang mai

Nên đi xét nghiệm nếu bạn tình được chẩn đoán mắc giang mai trong thời gian gần đây. Hoặc nếu có các triệu chứng nghi ngờ bệnh giang mai dưới đây:7

  • Vết loét nhỏ, không đau ở bộ phận sinh dục, miệng, hậu môn hoặc trực tràng.
  • Phát ban đỏ ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân.
  • Sốt.
  • Nhức đầu hoặc đau cơ.
  • Rụng tóc từng mảng.
  • Mệt mỏi, giảm cân.

Các đối tượng khác có khả năng cao mắc bệnh giang mai nếu có:

  • Nhiều bạn tình.
  • Quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su).
  • Nhiễm HIV/AIDS nhưng vẫn quan hệ tình dục.
  • Đang mắc bệnh cũng lây nhiễm qua đường tình dục khác. Ví dụ như bệnh lậu.
  • Quan hệ tình dục đồng tính nam.

Tất cả phụ nữ mang thai đều được Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh khuyến cáo nên làm xét nghiệm giang mai trong lần khám tiền sản đầu tiên. Đối với người mang thai có nguy cơ cao mắc giang mai nên được xét nghiệm lại ở tuần thai thứ 28 và khi sinh nở.

Xét nghiệm giang mai như thế nào?

1. Quy trình xét nghiệm máu

Thông thường xét nghiệm giang mai thường là xét nghiệm máu. Quy trình xét nghiệm máu xác định bệnh giang mai như sau:

  • Nhân viên y tế dùng bông thấm cồn y tế để sát trùng vùng da cần lấy máu.
  • Dùng kim tiêm đâm nhẹ nhàng vào tĩnh mạch ở cánh tay và rút mau theo lượng được yêu cầu đủ để làm xét nghiệm giang mai.
  • Máu sau khi được rút sẽ cho vào lọ đựng mẫu bệnh phẩm.
  • Dùng một mẫu bông gòn sạch để lên vùng da vừa lấy máu. Sau đó dán băng cá nhân lên.

Khi đâm kim hoặc khi rút kim ra sẽ có thể cảm thấy hơi đau hoặc châm chích nhẹ. Tuy nhiên vấn đề này không làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Và quá trình rút máu để thực hiện xét nghiệm giang mai thường mất khoảng 5 phút.

2. Quy trình xét nghiệm giang mai với dịch não tủy

Nếu người xét nghiệm có các triệu chứng ảnh hưởng đến thần kinh hoặc não thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm giang mai với dịch não tủy. Quá trình thực hiện xét nghiệm như sau:

  • Người được chỉ định xét nghiệm được yêu cầu nằm nghiêng hoặc ngồi trên bàn chuyên dụng.
  • Bác sĩ gây tê sẽ tiến hành làm sạch lưng và tiêm thuốc tê. Điều này giúp không thấy đau trong quá trình thực hiện thủ thuật chọc dò thắt lưng.
  • Khi vùng lưng đã hoàn toàn tê liệt, bác sĩ tiến hành đưa kim mỏng và rỗng vào giữa 2 đốt sống ở cột sống bên dưới thắt lưng.
  • Sau đó bác sĩ sẽ rút một lượng dịch não tủy với lượng theo yêu cầu để làm xét nghiệm. Và trong quá trình này tuyệt đối phải nằm yên khi chất lỏng được rút ra.
  • Quá trình xét nghiệm với dịch não tủy thường mất khoảng 15 – 30 phút. Và người bệnh có thể được yêu cầu nằm ngửa trong 1 – 2 giờ sau khi làm thủ thuật. Vì điều này giúp không bị đau đầu sau đó.

Xét nghiệm giang mai bao lâu có kết quả?

Có thể có kết quả xét nghiệm giang mai trong vòng từ vài giờ đến vài ngày tùy thuộc vào loại xét nghiệm được chỉ định. Cụ thể là:

  • Soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen sau 30 phút có kết quả từ khi lấy mẫu bệnh phẩm.
  • Test nhanh sẽ có kết quả trong khoảng 10 – 15 phút.
  • Xét nghiệm RPR và VDRL thường cho kết quả sau khoảng 1 – 2 giờ sau khi lấy máu.
  • Xét nghiệm TPHA hay TPPA sẽ cho kết quả sau khoảng 1 giờ từ khi lấy mẫu.
  • 2 xét nghiệm DFA và NATTs sẽ có kết quả lâu hơn. Thường là từ 5-7 ngày hoặc có thể lâu hơn tùy thuộc đơn vị thực hiện xét nghiệm.

Cách đọc kết quả xét nghiệm giang mai

1. Kết quả test nhanh giang mai

Đối với các test nhanh giang mai kết quả được đọc như sau:

  • Dương tính: xuất hiện 2 vạch đỏ rõ rệt. Đo là vạch chứng (C) và vạch kết quả (T). Có nghĩa là đã tìm thấy kháng thể chống lại xoắn khuẩn giang mai.
  • Âm tính: chỉ xuất hiện vạch (C) không có vạch (T). Không tìm thấy kháng thể chống lại xoắn khuẩn giang mai.
  • Kết quả không có giá trị: không xuất hiện vạch chứng ©.

2. Kết quả xét nghiệm RPR hay VDRL

Đối với xét nghiệm RPR hay VDRL kết quả như sau:

  • Âm tính: không mắc bệnh giang mai.
  • Dương tính: nguy cơ cao đã nhiễm xoắn khuẩn giang mai. Lúc này cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác như TPHA hoặc TPPA.

3. Kết quả xét nghiệm TPHA hoặc TPPA

Xét nghiệm TPHA hoặc TPPA sẽ cho kết quả như sau:

  • Âm tính: không mắc giang mai.
  • Dương tính: đã nhiễm xoắn khuẩn gây bệnh giang mai. Cần tiến hành điều trị ngay để tránh các biến chứng về sau.

Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm giang mai

Khi thực hiện xét nghiệm máu phát hiện giang mai, không cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm.7

Trường hợp chọc dò dịch thắt lưng, có thể sẽ được yêu cầu trước khi xét nghiệm bàng quang và ruột phải được làm sạch.7

Xét nghiệm máu giang mai có thể gây đau nhẹ hoặc bầm tím tại vị trí đâm kim tiêm. Tuy nhiên đa số các triệu chứng này sẽ biến mất nhanh chóng.7

Trường hợp bị chọc dò dịch có thể gây đau và đau tại vị trí kim tiêm đâm vào lưng. Sau khi thực hiện có thể bị đau đầu. Và có thể kéo dài cơn đau từ vài giờ đến hơn 1 tuần.7

Không cần nhịn ăn khi thực hiện xét nghiệm giang mai. Vì thức ăn không làm ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm.

Xét nghiệm giang mai ở đâu? Bao nhiêu tiền?

Nên thực hiện xét nghiệm giang mai ở những bệnh viện chuyên khám và điều trị các bệnh phụ khoa, vô sinh, hiếm muộn hoặc các bệnh xã hội, truyền nhiễm ở các tỉnh, thành phố lớn.

Hiện nay có rất nhiều đơn vị xét nghiệm giang mai trên cả nước. Nhưng không phải tất cả đều đảm bảo về chất lượng cũng như kết quả xét nghiệm. Đây lại là một trong những căn bệnh gây ngại ngùng nhất khi quyết định thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở y tế.

Vì thế người bệnh cần cân nhắc và xem xét lựa chọn đơn vị nào thật sự có tay nghề và uy tín. Thấu hiểu những điều đó, YouMed đã giúp bạn đọc có được các thông tin về xét nghiệm giang mai bao nhiêu tiền và nên thực hiện ở đâu. Thông qua các nội dung khoa học và khách quan của bài viết Xét nghiệm giang mai bao nhiêu tiền và địa chỉ ở đâu?. Mời bạn đọc tham khảo để có thêm thông tin nhé!

Hy vong bài viết trên sẽ mang đến câu trả lời thỏa đáng về xét nghiệm giang mai là gì? Cách đọc kết quả xét nghiệm giang mai. Và tùy vào tình trạng cũng như triệu chứng cụ thể ở mỗi cá nhân sẽ có các xét nghiệm phù hợp. Nếu có thắc mắc khác hãy liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn và giải thích cụ thể hơn nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Syphilis https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/syphilis/symptoms-causes/syc-20351756

    Ngày tham khảo: 08/11/2022

  2. Syphilis https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/sexually-transmitted-infections-stis/syphilis

    Ngày tham khảo: 08/11/2022

  3. Bộ Y tế (2021). Quyết định số 5186/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh giang mai.

  4. Rapid plasma reaginhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557732/

    Ngày tham khảo: 08/11/2022

  5. VDRL Test and its Interpretationhttps://www.e-ijd.org/article.asp?issn=0019-5154;year=2012;volume=57;issue=1;spage=3;epage=8;aulast=Nayak

    Ngày tham khảo: 08/11/2022

  6. How Do I Know If I Have Syphilis?https://www.webmd.com/sexual-conditions/syphilis-diagnosis

    Ngày tham khảo: 08/11/2022

  7. Syphilis Testshttps://medlineplus.gov/lab-tests/syphilis-tests/

    Ngày tham khảo: 08/11/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người