Xét nghiệm RF là gì? Ý nghĩa của xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF)
Nội dung bài viết
Xét nghiệm RF là một trong những xét nghiệm với thủ thuật đơn giản và cho kết quả nhanh chóng giúp phát hiện một số bệnh tự miễn dịch đặc biệt là tầm soát bệnh viêm xương khớp dạng thấp kịp thời. Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu thêm thông tin về phương pháp này qua bài viết sau.
RF là gì? Xét nghiệm RF là gì?
RF hay còn gọi là yếu tố dạng thấp là một nhóm các protein được tạo ra do hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh trong cơ thể bạn, chỉ số RF bình thường trong máu là 12U/ml.1
Xét nghiệm RF là xét nghiệm máu được sử dụng để định lượng nồng độ RF trong máu giúp chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp và các rối loạn tự miễn dịch khác. Khoảng 80% những người bị viêm khớp dạng thấp có nồng độ RF đáng kể trong máu của họ2. Nó cũng có thể được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp và khả năng ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể.1
RF là xét nghiệm được chẩn đoán dựa trên nồng độ định lượng được của các yếu tố dạng thấp so với mức bình thường trong máu.
Xét nghiệm RF được thực hiện khi nào?
Khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm khớp dạng thấp bao gồm:1
- Đau khớp.
- Khớp bị sưng, nóng và đau.
- Khớp cứng kéo dài hơn 30 phút.
- Mệt mỏi.
- Thỉnh thoảng sốt nhẹ.
- Ăn không ngon.
- Các vấn đề bên ngoài khớp có thể bao gồm khô mắt hoặc miệng, nổi cục cứng dưới da hoặc thiếu máu.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị viêm khớp dạng thấp, xét nghiệm máu RF riêng lẻ không thể chẩn đoán chính xác, họ thường yêu cầu các xét nghiệm đi kèm như:2
- Thử nghiệm peptide citrullated chống chu kỳ (chống CCP).
- Thử nghiệm protein phản ứng C (xét nghiệm crp).
- Xét nghiệm kháng thể kháng nhân.
- Xét nghiệm tốc độ lắng hồng cầu.
Xét nghiệm RF diễn ra như thế nào?
Trước khi xét nghiệm
Khi gặp phải các triệu chứng nghi ngờ về viêm khớp dạng thấp hãy liên hệ đến cơ quan y tế để có thể được hỗ trợ xét nghiệm định tính RF và định lượng nồng độ RF nhằm chẩn đoán bệnh kịp thời.
Trong quá trình xét nghiệm3
Để có chính xác chỉ số xét nghiệm máu RF, chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay của bạn, quá trình diễn ra chỉ vài phút. Sau đó mẫu máu của bạn sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để định lượng nồng độ RF đang có trong máu của bạn.
Trả kết quả sau xét nghiệm
- Kết quả âm tính chỉ số RF trong khoảng 0 – 12 U/ml (bình thường): có nghĩa là xét nghiệm định lượng RF trong máu bạn có ít hoặc không có yếu tố dạng thấp trong máu. Tuy nhiên việc này không chắc chắn loại trừ bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc một vấn đề sức khỏe khác. Nhiều người bị viêm khớp dạng thấp không có hoặc có ít yếu tố dạng thấp trong máu. Do đó nếu bạn có các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp, nhưng kết quả của bạn vẫn bình thường, Bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.1
- Kết quả dương tính chỉ số RF > 12 U/ml (bất thường): có nghĩa là chỉ số xét nghiệm máu RF của bạn cao hơn chỉ số bình thường, có liên quan chặt chẽ với bệnh tự miễn dịch, đặc biệt khả năng cao là viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên cần kết hợp thêm các xét nghiệm khác để xác định đúng nguyên nhân gây ra.3
Vai trò của xét nghiệm RF
Xét nghiệm RF mang tính định lượng và định tính kháng thể RF trong máu, đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán kịp thời các bệnh về hệ thống miễn dịch của bạn.
Ngoài viêm khớp dạng thấp, xét nghiệm RF cho kết quả tăng cao cũng có thể liên quan một số bệnh và tình trạng khác, chẳng hạn như:1
Các rối loạn tự miễn dịch khác, bao gồm:
- Hội chứng Sjogren.
- Bệnh lupus hệ thống.
- Bệnh xơ cứng bì.
- Viêm khớp vô căn vị thành niên ở trẻ em và thiếu niên.
Nhiễm trùng mãn tính, bao gồm:
- Viêm gan C.
- Bệnh lao (chủ yếu ảnh hưởng đến phổi).
- Viêm nội tâm mạc.
Một số loại ung thư, bao gồm cả bệnh bạch cầu.
Bên cạnh đó, xét nghiệm cũng giúp bác sĩ của bạn chẩn đoán phân biệt giữa viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý khác. Như những bệnh nhân có huyết thanh dương tính với RF có thể bị bệnh khớp mạn tính nặng hơn, dẫn đến ăn mòn và các biểu hiện ngoài khớp như nốt thấp khớp hay viêm mạch máu so với những bệnh nhân có huyết thanh âm tính với RF. Tương tự, hiệu giá RF cao sẽ dẫn đến khả năng bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp cao hơn và có lẽ tiên lượng kém hơn.4
Xét nghiệm RF có ưu điểm/nhược điểm gì?
Ưu điểm
Quy trình đơn giản, tiết kiệm được thời gian cho người bệnh.1
Kết quả xét nghiệm giúp đánh giá tình trạng sức khoẻ của người bệnh, có giá trị trong chẩn đoán phân biệt cũng như tiên lượng bệnh.4
Nhược điểm
Việc chẩn đoán có thể nhầm lẫn với một số bệnh tự miễn khác như lupus hệ thống, ung thư, hay bệnh Sjogren.2
Xét nghiệm RF riêng lẻ không đủ cơ sở để chẩn đoán bất kỳ vấn đề sức khỏe nào của cơ thể đòi hỏi cần có sự đi kèm các xét nghiệm khác như: xét nghiệm crp, xét nghiệm chống CPP,…2
Yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến kết quả?
- Thuốc: một số thuốc có thể làm sai lệch kết quả định lượng RF như: steroid hay thuốc kháng viêm.
- Vấn đề tuổi tác: do sự thoái hoá xương khớp yếu tố RF có thể tăng trong kết quả xét nghiệm.
- Bệnh lý về gan, phổi, béo phì, huyết thanh đục: người mắc có chỉ số RF thường cao hơn mức bình thường.
- Tiêm vaccine phòng bệnh hoặc truyền máu: có thể làm thay đổi đáng kể chỉ số RF trong máu.
Những lưu ý khi thực hiện
Việc thực hiện xét nghiệm RF không yêu cầu bạn phải nhịn ăn,đồ uống hay ngừng sử dụng các thuốc đang dùng.5
Ngoài ra, xét nghiệm an toàn và có rất ít rủi ro khi xét nghiệm máu. Bạn có thể bị đau nhẹ hoặc bầm tím tại nơi kim tiêm được đưa vào, nhưng hầu hết các triệu chứng sẽ biến mất nhanh chóng.1
Xét nghiệm RF ở đâu?
Bạn có thể thực hiện xét nghiệm RF như bệnh viện, phòng khám hay các trung tâm xét nghiệm. Tuy nhiên, trước khi thực hiện nên xem xét lựa chọn các cơ sở, bệnh viện lớn và có chất lượng uy tín.
Bạn đọc có thể tham khảo địa chỉ các cơ sở trong bảng dưới đây:
Khu vực | Tên cơ sở | Địa chỉ |
Cơ sở khám chữa bệnh miền Bắc | Bệnh viện Đại học Y Hà Nội | Số 01, Đ. Tôn Thất Tùng, Kim Liên, Q. Đống Đa, Hà Nội |
Bệnh viện Bạch Mai | số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội | |
Trung tâm bác sĩ gia đình Hà Nội | 75 Đ. Hồ Mễ Trì, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội | |
Cơ sở khám chữa bệnh miền Nam | Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM | 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP. HCM |
Bệnh viện hoàn mỹ Sài Gòn | 60 – 60A Phan Xích Long, Phường 1, Phú Nhuận, TP.HCM | |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ | 1 Ngô Đức Kế, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ |
Xét nghiệm RF bao nhiêu tiền?
Chi phí là một trong những vấn đề được khách hàng quan tâm khi quyết định thực hiện xét nghiệm, bảng dưới đây là giá thực hiện xét nghiệm của một số cơ sở y tế, bạn đọc có thể tham khảo và đưa ra lựa chọn phù hợp.
Lưu ý: giá chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi tuỳ theo tình trạng bệnh lý, hay phương pháp điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Tên cơ sở | Giá tham khảo |
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội | Định lượng RF: 77.000 VNĐ
Giá theo BHYT: 37.700 VNĐ Định lượng RF tại nhà: 90.000 VNĐ |
Bệnh viện Bạch Mai | Định lượng RF: 77.000 VNĐ
Giá theo BHYT: 37.700 VNĐ |
Trung tâm bác sĩ gia đình Hà Nội | Định tính RF: 85.000 VNĐ
Định lượng RF: 120.000 VNĐ |
Bệnh viện hoàn mỹ Sài Gòn | Định lượng RF: 118.000 VNĐ
Giá theo BHYT: 37.700 VNĐ |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Cần Thơ | Định lượng RF (giá theo BHYT): 37.700 VNĐ |
Qua bài viết, hy vọng bạn có các thông tin hữu ích về xét nghiệm RF. Nếu bạn có biểu hiện triệu chứng của viêm thấp khớp hãy liên hệ với cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Rheumatoid Factor (RF) Testhttps://medlineplus.gov/lab-tests/rheumatoid-factor-rf-test/
Ngày tham khảo: 11/11/2022
-
Rheumatoid factor: What to knowhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/325505
Ngày tham khảo: 11/11/2022
-
Rheumatoid factorhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/rheumatoid-factor/about/pac-20384800
Ngày tham khảo: 11/11/2022
-
Rheumatoid Factorhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532898/
Ngày tham khảo: 11/11/2022
-
Blood tests for rheumatoid arthritis: Types and what to knowhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/323473
Ngày tham khảo: 11/11/2022