Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ: ý nghĩa, quy trình và cách đọc kết quả
Nội dung bài viết
Một trong những vấn đề lo ngại trong giai đoạn mang thai của phụ nữ là tiểu đường thai kỳ. Đây là bệnh lý chỉ xuất hiện trong thời kỳ mang thai của phụ nữ. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là điều cần thiết để tầm soát bệnh lý này. Vậy bạn đã biết rõ về các xét nghiệm cho bệnh lý này chưa? Hãy cùng Bác sĩ Trần Thế Minh tìm hiểu về xét nghiệm tiểu đường thai kỳ qua bài viết sau!
Tổng quan về tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là gì?1
Tiểu đường thai kỳ là bệnh tiểu đường xuất hiện trong thời kỳ mang thai của phụ nữ. Các đối tượng mắc bệnh ở đây là những người chưa mắc bệnh tiểu đường. Theo thống kê ở Hoa Kỳ, hằng năm từ 2 – 10% trường hợp mang thai mắc phải bệnh lý này.
Tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Việc kiểm soát bệnh lý này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé.
Nguyên nhân khiến bạn bị tiểu đường thai kỳ?1
Việc cơ thể không tạo đủ insulin trong giai đoạn thai kỳ là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này. Insulin là hormone được tạo ra từ tuyến tụy. Nó có vai trò quan trọng trong việc điều hòa đường huyết.
Khi mang thai, cơ thể của bạn sẽ tạo ra nhiều hormone hơn. Những thay đổi này sẽ khiến cơ thể sử dụng insulin kém hiệu quả hơn. Đây còn được gọi là tình trạng đề kháng insulin của cơ thể.
Tất cả phụ nữ mang thai đều có một số dấu hiệu đề kháng insulin ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Một số người có dấu hiệu kháng insulin ngay trước khi họ mang thai. Khi mang thai, nhu cầu sử dụng insulin tăng cao và từ đó họ dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
Các nguy cơ có thể gặp khi bị tiểu đường thai kỳ1 2
Thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ có thể:
- Làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, thai lưu, sinh non.
- Tăng huyết áp trong thai kỳ.
- Đa ối, nhiễm trùng tiết niệu.
- Viêm đài bể thận.
- Về lâu dài, các thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ tăng nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường type 2 và các biến chứng liên quan đặc biệt là biến chứng tim mạch nhỏ ảnh hưởng đến tim, thận, mắt.
Tiểu đường thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi vào 2 giai đoạn chính:
- Giai đoạn 3 tháng đầu: thai có thể không phát triển, sảy thai tự nhiên, dị tật bẩm sinh… Những thay đổi này sẽ được diễn ra vào tuần thứ 6, thứ 7 của thai kỳ.
- Giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức.
Do đó, việc tầm soát và kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ rất quan trọng. Một trong những cách để phát hiện bệnh là xét nghiệm tiểu đường thai kỳ định kỳ.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là gì?
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là xét nghiệm được thực hiện để phát hiện bệnh lý tiểu đường thai kỳ. Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ thường được chỉ định là nghiệm pháp dung nạp glucose 75 g trong 2 giờ. Đây là phương pháp được Bộ Y tế hướng dẫn để tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ và được Hiệp hội quốc tế của các nhóm nghiên cứu Đái tháo đường và thai kỳ (IADPSG) và WHO khuyến cáo sử dụng.2
Ngoài ra còn có phương pháp xét nghiệm 2 bước cũng có thể được sử dụng để tầm soát bệnh lý này.
Thời điểm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tuần bao nhiêu?
Tiểu đường thai kỳ nên được thực hiện ở mọi thai phụ từ tuần thứ 24 – 28. Đây là thời điểm chuẩn để phát hiện chuyển hóa bất thường carbohydrate trong thai kỳ.2
Bộ Y tế nhấn mạnh nên đánh giá nguy cơ bệnh lý cho những thai phụ có yếu tố nguy cơ cao. Những đối tượng này nên được tầm soát sớm và nếu kết quả âm tình sẽ lặp lại khi tuổi thai từ 24 – 28 tuần.
Một số yếu tố nguy cơ ở người mẹ nên được tầm soát sớm:2
- Béo phì.
- Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường.
- Tiền sử sinh con có cân nặng ≥ 4 kg.
- Tiền sử bất thường về dung nạp glucose.
- Glucose niệu dương tính.
- Tuổi mang thai > 35 tuổi.
- Tiền sử sản khoa bất thường (thai chết lưu, con bị dị tật, sinh non…).
- Chủng tộc: người Châu Á có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao.
- Mắc hội chứng buồng trứng đa nang.
Nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ mấy lần?2
Nếu đối tượng là người có các yếu tố nguy cơ đã được liệt kê ở trên, thai phụ nên được tiến hành tầm soát sớm bệnh lý ngay từ 3 tháng đầu thai kỳ. Điều này sẽ xác định được đái tháo đường tiềm ẩn. Sau đó tùy vào kết quả xét nghiệm sẽ có lịch trình tầm soát phù hợp với từng cá nhân.
Nếu đối tượng không có các yếu tố nguy cơ thì tối thiểu nên được tầm soát trong giai đoạn tuổi thai đạt 24 – 28 tuần.
Để có cho mình câu trả lời chính xác và cá nhân hóa. Bạn nên tham vấn lời khuyên của bác sĩ ngay từ đầu hoặc trước khi mang thai về thời điểm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có quan trọng không?
Mục đích của xét nghiệm
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là phương pháp giúp tầm soát bệnh lý tiểu đường ở phụ nữ mang thai và đảm bảo sức khỏe cho cả sản phụ và thai nhi. Xét nghiệm này giúp giảm tối đa tác hại và biến chứng sức khỏe cho cả mẹ và bé bằng cách phát hiện bệnh sớm để mẹ bầu được tư vấn phương án điều trị bệnh kịp thời.
Không xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có sao không?2
Việc không thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ bầu. Bệnh lý tiểu đường thai kỳ như đã nói nếu không kịp thời phát hiện và kiểm soát sẽ gây biến chứng nghiêm trọng đến cả mẹ lẫn bé. Đó là lý do tại sao xét nghiệm được khuyến khích cho tất cả các bà mẹ trước sinh và trong quá trình mang thai.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ giúp phát hiện và hạn chế tối đa những biến chứng có hại trên mẹ và bé.
Quy trình xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào?
Quy trình xét nghiệm tiểu đường thai kỳ sẽ phụ thuộc vào loại xét nghiệm mà mẹ bầu thực hiện như sau:
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ với Phương pháp 1 bước2
Ba ngày trước khi xét nghiệm mẹ bầu không ăn quá nhiều glucid cũng như không ăn kiêng. Điều này sẽ đánh giá sai kết quả của xét nghiệm.
Mẹ bầu cần nhịn đói 8 – 12 giờ trước khi làm nghiệm pháp này
Quy trình thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ 1 bước như sau:
- Lấy 2 ml máu tĩnh mạch. Định lượng glucose trong huyết tương lúc đói trước khi làm nghiệm pháp.
- Uống ly nước đường đã được chuẩn bị sẵn, uống trong vòng 5 phút.
- Lấy 2 ml máu tĩnh mạch. Định lượng glucose trong huyết tương ở 2 thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau uống nước glucose.
Trong thời gian làm nghiệm pháp mẹ bầu không ăn uống gì thêm.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ với Phương pháp 2 bước3
Đối với Phương pháp 2 bước, lần đầu tiên làm xét nghiệm mẹ bầu sẽ không cần phải nhịn ăn. Chuyên viên xét nghiệm sẽ yêu cầu thai phụ uống dung dịch chứa 50 g glucose và đường huyết sẽ được đo 1 giờ sau đó.
Nếu kết quả mức đường huyết của bạn thấp hơn 130 mg/dl, đây là mức đường huyết an toàn và mẹ bầu sẽ không cần phải kiểm tra lần 2.
Ngược lại, nếu mức đường huyết của mẹ bầu lớn hơn 130 mg/dl, mẹ bầu sẽ được tiến hành xét nghiệm bước 2 vào một ngày khác.
Trong lần xét nghiệm thứ 2, mẹ bầu cần phải nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi làm xét nghiệm. Chuyên viên xét nghiệm sẽ đo lượng đường huyết lúc đói của bạn. Sau đó bạn sẽ được uống dung dịch chứa 100 g glucose và sẽ được đo đường huyết lần lượt vào các khung 1 giờ, 2 giờ và 3 giờ sau khi uống.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ bằng nước tiểu
Đối với phương pháp này, mẹ bầu sẽ cần phải cung cấp một mẫu nước tiểu để xét nghiệm. Hãy làm theo các hướng dẫn sau để vi trùng từ da không xâm nhập vào mẫu:4
- Rửa tay bằng xà phòng và nước rồi lau khô.
- Mở hộp chứa mà không chạm vào bên trong thành hộp.
- Làm sạch vùng kín bằng khăn lau: tách môi âm hộ (các nếp gấp của da xung quanh âm đạo) và lau các mặt bên trong từ trước ra sau.
- Đi tiểu vào bồn cầu trong vài giây rồi dừng dòng chảy. Sau đó cho nước tiểu vào vật chứa. Lưu ý rằng đừng để vật chứa chạm vào cơ thể.
- Lượng nước tiểu cần lấy phải vừa đủ theo hướng dẫn của chuyên viên xét nghiệm. Hộp đựng phải có vạch để cho biết lượng nước tiểu cần thiết.
- Đậy nắp hộp và trả lại cho chuyên viên xét nghiệm.
Xét nghiệm glucose trong nước tiểu chỉ mang tính sàng lọc. Nếu nồng độ glucose trong nước tiểu của bạn nhiều, lúc này bạn sẽ được thực hiện xét nghiệm máu để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
Cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Cách đọc kết quả Phương pháp 1 bước
Bảng tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ:2
Giờ | Glucose huyết tương
(mg/dl hay mg%) |
Glucose huyết tương
(mmol/l) |
Đói | ≥ 92 | ≥ 5.1 |
1 giờ | ≥ 180 | ≥ 10.0 |
2 giờ | ≥ 153 | ≥ 8.5 |
Nếu có từ 1 giá trị lớn hơn hay bằng thì chẩn đoán bệnh nhân đang mắc đái tháo đường thai kỳ.
Cách đọc kết quả phương pháp 2 bước
Kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ sẽ phản ánh tình trạng sức khỏe và nguy cơ mắc tiểu đường ở mẹ bầu.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nếu có ít nhất 2 trong số các giá trị sau:3
- Đường huyết lúc đói ≥ 95 mg/dl.
- Đường huyết trong 1 giờ sau khi uống 100 g glucose ≥ 180 mg/dl.
- Đường huyết trong 2 giờ sau khi uống 100 g glucose ≥ 155 mg/dl.
- Đường huyết trong 3 giờ sau khi uống 100 g glucose ≥ 140 mg/dl.
Chỉ số đường huyết nên ở mức nào nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ?
Trước và sau bữa ăn:5
- Trước bữa ăn: 80 – 130 mg/dl.
- Sau bữa ăn 2 giờ: dưới 180 mg/dl.
Kinh nghiệm đi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Việc xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào thường được nhiều mẹ bầu quan tâm. Điều này giúp mẹ bầu chuẩn bị thật tốt cho buổi xét nghiệm và tránh để các yếu tố khác làm ảnh hưởng đến kết quả.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có được uống nước?
Mẹ bầu có thể uống nước khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên chỉ nên uống nước lọc. Không sử dụng các loại nước hoa quả, sữa,… vì sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của mẹ bầu.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ mất bao lâu?
Nếu cơ sở xét nghiệm mẹ bầu lựa chọn sử dụng phương pháp 1 bước, mẹ bầu cần dành tối thiểu 2 giờ cho xét nghiệm này.
Nếu cơ sở xét nghiệm dùng phương pháp 2 bước, mẹ bầu sẽ cần tối thiểu 1 tiếng cho lần khám đầu tiên và tối thiểu 3 tiếng cho lần khám thứ 2.
Tùy thuộc vào cơ sở xét nghiệm của bạn mà thời gian chờ đợi có thể khác nhau. Nếu bạn lựa chọn các dịch vụ xét nghiệm tư nhân thì thời gian chờ đợi đến mình sẽ ngắn hơn các cơ sở xét nghiệm công lập. Sau khi lấy mẫu máu vào lần cuối cùng của xét nghiệm, bạn có thể trở về nhà và chờ kết quả dựa trên lịch hẹn của mình.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ lấy máu mấy lần?
Theo như Phương pháp 1 bước mà bài viết đã liệt kê. Mẹ bầu sẽ sẽ phải lấy máu tối thiểu 3 lần cho phương pháp chẩn đoán này.
Với Phương pháp 2 bước, số lần lấy máu sẽ phụ thuộc vào lần đi khám của mẹ bầu. Cụ thể là 2 lần cho buổi đầu tiên và 4 lần ở buổi thứ 2.
Lưu ý khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Một số lưu ý khi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ mà mẹ bầu cần quan tâm như sau:
- Việc uống dung dịch glucose có thể gây khó chịu cho thai phụ.
- Khi thực hiện thử nghiệm, thai phụ cần phải nhịn đói trong một thời gian dài. Vì vậy bạn có thể mang theo một ít bánh ngọt để ăn ngay sau lần lấy mẫu cuối cùng.
- Bạn nên duy trì chế độ dinh dưỡng và chế độ ăn bình thường. Không nên đột ngột thay đổi trước khi tiến hành xét nghiệm.
- Khi đi xét nghiệm, nên có người thân đi cùng thai phụ. Điều này phòng ngừa tình trạng thai phụ bị choáng, mệt mỏi do nhịn đói lâu.
- Thai phụ cần tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Từ chế độ ăn uống đến vận động, sinh hoạt hằng ngày.
- Kết quả có thể sai số nên bác sĩ có thể yêu cầu thai phụ xét nghiệm lại vào các tuần sau của thai kỳ.
Có thể xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tại nhà được không?
Việc xét nghiệm tại nhà chỉ nên được thực hiện để kiểm soát thường xuyên lượng đường huyết của bạn. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn thực hiện kiểm soát này. Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác và tối ưu phương pháp điều trị và chăm sóc, xét nghiệm này tối thiểu nên được thực hiện ở các cơ sở như trạm y tế đến các bệnh viện tuyến trung ương.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu và bao nhiêu tiền?
Trên cả nước hiện tại có rất nhiều cơ sở thực hiện việc tầm soát tiểu đường thai kỳ. Bạn nên lựa chọn cho mình những trung tâm y tế uy tín để đảm bảo sức khỏe cho bản thân. YouMed có tổng hợp một vài địa điểm và giá cả cho xét nghiệm này. Bạn có thể tham khảo qua bài viết Làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ ở đâu và bao nhiêu tiền?
Trên đây là toàn bộ thông tin về xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Hy vọng rằng bạn đã có cho mình những thông tin cần thiết để có phương hướng tầm soát thích hợp cho bản thân trong giai đoạn đặc biệt này. Chúc cho các mẹ bầu sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gestational Diabeteshttps://www.cdc.gov/diabetes/basics/gestational.html
Ngày tham khảo: 27/10/2022
-
Bộ Y Tế (2018). Hướng dẫn Quốc Gia dự phòng và kiểm soát Đái tháo đường thai kỳhttp://canhgiacduoc.org.vn/SiteData/3/UserFiles/HDQD%20VE%20DAI%20THAO%20DUONG%20THAI%20KY.pdf
Ngày tham khảo: 27/10/2022
-
Classification and Diagnosis of Diabetes: Standards of Medical Care in Diabetes—2021https://diabetesjournals.org/care/article/44/Supplement_1/S15/30859/2-Classification-and-Diagnosis-of-Diabetes
Ngày tham khảo: 27/10/2022
-
Glucose in Urine Testhttps://medlineplus.gov/lab-tests/glucose-in-urine-test/
Ngày tham khảo: 27/10/2022
-
What are the recommended targets for blood glucose levels?https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/managing-diabetes
Ngày tham khảo: 27/10/2022