Có những phương pháp xét nghiệm ung thư xương nào?
Nội dung bài viết
Ung thư xương là loại ung thư khá hiếm gặp với nhiều loại khác nhau. Điều quan trọng là phân biệt được ung thư xương nguyên phát với các khối u khác di căn đến xương từ các bộ phận khác (di căn xương). Các phương pháp xét nghiệm ung thư xương bao gồm những gì? Thường sử dụng với mục đích gì? Cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tổng quan về xét nghiệm ung thư xương
Ung thư xương là một loại ung thư không phổ biến bắt đầu khi các tế bào trong xương phát triển, tăng sinh không kiểm soát. Ung thư xương nguyên phát là một loại rất hiếm, nó chiếm ít hơn 1% trong các loại bệnh ung thư.1 Nếu được chẩn đoán và phát hiện sớm thì thường có triển vọng tốt trong điều trị.
Vì vẫn chưa thực sự biết được nguyên nhân gây ung thư xương nên hiện tại không có cách nào để ngăn ngừa. Việc thực hiện các xét nghiệm ung thư xương sẽ giúp phát hiện bệnh, xác định giai đoạn bệnh và các thông tin cụ thể về ung thư, bao gồm cả nơi khối u hình thành. Những thông tin này rất hữu ích trong quá trình điều trị.2
Các xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư xương bao gồm:
- Xét nghiệm máu.
- Chụp X-quang xương.
- Scan xương.
- Chụp cắt lớp vi tính.
- Chụp ảnh cộng hưởng từ.
- Chụp phát xạ positron.
- Chọc sinh thiết mẫu.
Tuỳ vào mục đích và giai đoạn bệnh mà người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp.
1. Xét nghiệm máu
Các xét nghiệm máu cho bệnh nhân ung thư xương đo nồng độ của hai enzyme: phosphatase kiềm và lactate dehydrogenase. Các enzym này có nồng độ cao hơn ở những người bị ung thư xương.
Nồng độ phosphatase kiềm tăng cao cho thấy sự luân chuyển xương. Điều này có thể xảy ra ở những người bị ung thư xương do mô xương khỏe mạnh bị phá huỷ.
Mặc dù nồng độ phosphatase kiềm thường cao hơn ở những người bị ung thư xương. Nhưng chúng cũng có thể cao hơn khi xương bị gãy đang trong quá trình hồi phục. Chúng cũng có xu hướng tăng cao ở trẻ em và thanh thiếu niên đang lớn. Do đó, chỉ số phosphatase kiềm không phải là chỉ số đáng tin cậy của bệnh ung thư xương.1
2. Chụp X – quang
Chụp X-quang xương thường là xét nghiệm đầu tiên được thực hiện nếu nghi ngờ một số loại khối u xương. Các bác sĩ có thể nghi ngờ một vùng bất thường là ung thư xương khi các khối u xuất hiện trên phim chụp X-quang. Nhưng thường cần phải làm sinh thiết để biết chắc chắn.3
Người trưởng thành có khối u xương có thể được chụp X-quang ngực để xem liệu ung thư đã lan đến phổi hay chưa. Chụp X-quang xương cho biết vị trí, kích thước, hình dạng của khối u xương.1
3. Scan xương
Scan xương có thể cho biết liệu ung thư đã lan sang các xương khác hay chưa và thường là một phần trong quá trình kiểm tra đối với những người bị ung thư xương. Thử nghiệm này rất hữu dụng vì nó có thể hiển thị toàn bộ bộ xương cùng một lúc.
Đối với xét nghiệm này, một lượng nhỏ chất phóng xạ ở mức độ thấp được tiêm vào máu và di chuyển đến xương. Một máy ảnh đặc biệt có thể phát hiện phóng xạ sau đó chụp lại hình ảnh của bộ xương. Các khu vực xương bắt đầu thu hút chất phóng xạ và xuất hiện dưới dạng “hot spot” trên bộ xương. Các “hot spot” này có thể gợi ý các vùng ung thư. Nhưng các bệnh về xương khác cũng có thể gây ra hiệu ứng tương tự. Để chẩn đoán chính xác, có thể cần các xét nghiệm khác như chụp X-quang đơn giản, chụp MRI hoặc thậm chí là sinh thiết xương.3
4. Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
Chụp CT kết hợp nhiều hình ảnh X-quang để tạo ra hình ảnh cắt lớp chi tiết của các bộ phận trong cơ thể. Chụp CT thường không hữu ích như chụp cộng hưởng từ trong việc hiển thị chi tiết bên trong và xung quanh các khối u xương. Nhưng chúng thường được thực hiện để tìm ung thư có thể lây lan ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi, gan hoặc các cơ quan khác.3
CT scan cũng có thể được sử dụng để dẫn kim sinh thiết vào khối u. Đối với xét nghiệm này, người bệnh nằm trên bàn chụp CT trong khi các bác sĩ di chuyển kim sinh thiết về phía khối u. Chụp CT được lặp lại cho đến khi đầu kim nằm trong khối u.
5. Chụp ảnh cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ (MRI) tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể bằng sóng vô tuyến và nam châm mạnh thay vì tia X; do đó không có bức xạ nào liên quan. Một chất tương phản gọi là gadolinium thường được tiêm vào tĩnh mạch trước khi chụp để nhìn rõ hơn các chi tiết.
Chụp cộng hưởng từ thường được thực hiện để có cái nhìn chi tiết hơn về vùng xương bất thường nhìn thấy trên phim chụp X-quang. MRI thường có thể cho biết liệu đó có phải là khối u, nhiễm trùng hoặc một số loại tổn thương xương do nguyên nhân khác hay không.
MRI có thể giúp xác định mức độ chính xác của khối u vì chúng có thể cho thấy tuỷ bên trong xương; và các mô mềm xung quanh khối u bao gồm các mạch máu và dây thần kinh gần đó. MRI cũng có thể cho thấy bất kì khối u xương nhỏ nào cách khối u chính vài inch. Biết được mức độ của khối u là rất quan trọng khi lập kế hoạch phẫu thuật.3
6. Chụp phát xạ positron (PET)
Đối với chụp PET, một dạng đường phóng xạ (được gọi là FDG) được tiêm vào máu. Bởi vì các tế bào ung thư trong cơ thể đang phát triển nhanh chóng, chúng hấp thụ một lượng lớn đường. Sau đó, một máy ảnh đặc biệt sẽ tạo ra hình ảnh về các vùng nhiễm phóng xạ trong cơ thể. Hình ảnh không chi tiết như chụp CT hoặc MRI, nhưng nó cung cấp thông tin hữu ích về toàn bộ cơ thể.
Chụp PET có thể giúp hiển thị sự lây lan của ung thư xương đến phổi, các xương khác hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Chúng có thể được sử dụng để xem ung thư đáp ứng với điều trị tốt như thế nào.
Nhiều máy có thể thực hiện chụp PET và CT cùng lúc (PET/CT scan). Điều này cho phép bác sĩ so sánh các khu vực có độ phóng xạ cao hơn trên bản chụp PET với hình ảnh chi tiết hơn của khu vực trên bản chụp CT.3
7. Chọc sinh thiết mẫu
Kết quả xét nghiệm hình ảnh tuy có thể chẩn đoán rằng một người bị ung thư xương. Nhưng sinh thiết là cách duy nhất để chắc chắn bệnh ung thư xương.
1. Sinh thiết kim3
Đối với những sinh thiết này, bác sĩ sử dụng một cây kim rỗng để lấy một mô hình trụ nhỏ ra khỏi khối u. Sinh thiết thường được thực hiện với gây tê tại chỗ. Trong đó, thuốc gây tê được tiêm vào da và các mô khác trên vị trí sinh thiết. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần dùng thuốc an thần hoặc gây mê toàn thân.
Có 2 loại sinh thiết kim:
- Sinh thiết kim lõi sử dụng một cây kim lớn để lấy ra một mô hình tru. Đây là loại sinh thiết kim phổ biến nhất được sử dụng cho các khối u xương
- Sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA) sử dụng một cây kim rất mảnh ở đầu ống tiêm để hút một lượng chất lỏng và một số tế bào từ khối u. Loại sinh thiết này ít hữu ích đối với các khối u xương vì kim nhỏ hơn có thể không xuyên qua được xương. Nhưng FNA có thể hữu ích khi kiểm tra các khu vực bất thường ở bộ phận khác của cơ thể để tìm tế bào ung thư.
2. Sinh thiết phẫu thuật (mở)3
Đối với loại sinh thiết này, bác sĩ cắt qua da để tiếp cận với khối u. Nếu chỉ một phần của khối u được lấy ra, nó được gọi là sinh thiết rạch. Nếu toàn bộ khối u bị loại bỏ (không chỉ một mảnh nhỏ), nó được gọi là sinh thiết cắt bỏ.
Những sinh thiết này thường được thực hiện trong phòng phẫu thuật với bệnh nhân được gây mê toàn thân. Chúng cũng có thể được thực hiện bằng cách sử dụng phong bế thần kinh, làm tê liệt một vùng lớn của cơ thể.
Các giai đoạn ung thư xương
Các xét nghiệm ung thư xương có thể giúp chẩn đoán giai đoạn bệnh. Thậm chí là cho biết chính xác vị trí, kích thước của khối u. Ung thư xương được phân loại thành bốn giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Khối u có kích thước nhỏ và các tế bào ung thư vẫn còn khu trú.
- Giai đoạn 2: Các tế bào ung thư vẫn còn khu trú nhưng khối u có kích thước to dần.
- Giai đoạn 3: Khối u đã phát triển và lan dần sang các khu vực khác trong cùng một xương.
- Giai đoạn 4: Ung thư đã lan từ xương đến các vùng khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi hoặc gan.
Xem thêm: Ung thư xương giai đoạn cuối: Thời gian sống và tỷ lệ chữa khỏi
Trên đây là thông tin về các xét nghiệm ung thư xương. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về các phương pháp chẩn đoán ung thư xương. Chúc bạn và gia đình luôn có thật nhiều sức khoẻ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Cancer statistics, 2018https://acsjournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.3322/caac.21442
Ngày tham khảo: 21/07/2023
-
Bone Cancerhttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17745-bone-cancer
Ngày tham khảo: 21/07/2023
-
Tests for Bone Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/types/bone-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html
Ngày tham khảo: 21/07/2023