Y học thường thức: Túi phình mạch máu não
Nội dung bài viết
Một bệnh lý nguy hiểm, được miêu tả như sát thủ âm thầm. Hãy cùng youmed tìm hiểu về bệnh lý túi phình mạch máu não, cách điều trị cũng như những đối tượng nguy cơ cao của bệnh lý đặc biệt nguy hiểm này.
1. Thế nào là túi phình mạch máu não?
Túi phình mạch máu não là một vị trí dãn ra hoặc phình ra của thành mạch máu não.
Những túi phình nhỏ thường không gây ra triệu chứng. Tui nhiên khi chúng lớn dần lên, một túi phình có thể choáng chỗ và đè ép vào các khu vực não bộ xung quanh dẫn đến đau đầu và nhiều triệu chứng đa dạng khác. Thêm vào đó một túi phình có thể vỡ gây chảy máu một cách đột ngột, gây đau đầu dữ đội.
Một túi phình vỡ là tình trạng hết sức nguy cấp, được xem như một cấp cứu ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân và cần được đưa đến các cơ sở y tế ngay lập tức. Là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất huyết hay còn gọi là đột quỵ hay tai biến mạch máu não nói chung.
Tai biến mạch máu não xảy ra sau trường hợp túi phình mạch máu não vỡ thường được chẩn đoán là “xuất huyết khoang dưới nhện”. Thuật ngữ đột quỵ hay tai biến mạch máu não và xuất huyết khoang dưới nhện đã được đề cập ở một bài viết riêng, cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản mong bạn tìm đọc thêm ở cùng chuyên mục thần kinh.
2. Các triệu chứng của túi phình mạch máu não là gì?
Hầu hết các túi phình nhỏ không gây ra triệu chứng và chỉ thường được phát hiện tình cờ thông qua những lần chụp phim. Ví dụ, một bệnh nhân được chỉ định chụp phim não bộ vì lý do người nhà có người mắc bệnh lý túi phình mạch máu não hoặc do một lý do nào khác không liên quan như kiểm tra sức khỏe định kỳ, chấn thương đầu.
Tuy nhiên một túi phình kích thước lớn lại khác, các triệu chứng có thể gặp như:
- Đau đầu dữ đội
- Đau vùng mặt
- Mờ mắt hoặc nhìn đôi
Nếu túi phình vỡ thì các triệu chứng còn trầm trọng hơn như:
- Cơn đau đầu dữ dội, đột ngột – bệnh nhân thường miêu tả là một cơn đau đầu kinh khủng nhất họ từng gặp phải trong đời
- Cổ gượng
- Buồn nôn và nôn
- Tử vong đột ngột
3. Những cận lâm sàng nào cần làm để phát hiện?
Nếu bạn gặp phải bất cứ một triệu chứng nào nghi ngờ nêu trên hoặc có nguy cơ cao mắc phải bệnh lý túi phình mạch máu não, bác sĩ khám sẽ có thể chỉ định các cận lâm sàng bao gồm như:
- Chụp phim: Có thể thực hiện một phim CT scan và/hoặc phim MRI não bộ. Cả hai phương tiện này cung cấp những thông tin về não bộ. Trong suốt thời gian thực hiện, bạn có thể sẽ được tiêm vào hệ thống mạch máu những chất giúp cho hình ảnh thu về của não bộ được rõ ràng, thể hiện tốt nhất hình ảnh của dòng máu chảy trong não.
- Chọc dò thắt lưng (đôi khi được gọi là chọc dò tủy sống ): Đây là quá trình mà bác sĩ sẽ đưa đầu kim vào vùng thắt lưng để lấy một vài mẩu dịch não tủy. Dịch não tủy là phần dịch được tiết ra và bao quanh não bộ cũng như thông suốt xuống tận tủy sống. Nếu phần dịch này chứa máu thay vì không màu như bình thường có thể thể hiện tình trạng xuất huyết khoang dưới nhện, liên quan đến bệnh lý túi phình mạch máu não
- Mạch não đồ: Đây là một cận lâm sàng tương đối phức tạp, bác sĩ sẽ đưa một đầu dụng cụ bằng nhựa rất nhỏ vào trong lòng các mạch máu lớn. Sau đó, dụng cụ nhựa này sẽ đi dọc theo mạch máu để về tim và lên não bộ của bạn. Thông qua dụng cụ nhựa các chất chỉ thị đặc biệt sẽ được tiêm vào lòng mạch và dễ dàng phát hiện dưới tia X. Việc này giúp thể hiện được đường đi của các mạch máu não và qua đó, giúp các bác sĩ xác định các túi phình mạch não dễ dàng hơn.
4. Túi phình mạch máu não được điều trị như thế nào?
Có 2 biện pháp điều trị chính cho các túi phình mạch máu não:
- Phẫu thuật não, kẹp Clip: Thông qua một cuộc phẫu thuật não bộ, các bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ clip chuyên dụng bằng kim loại để kẹp cô lập các túi phình ra khỏi dòng chảy của mạch máu não
- Can thiệp mạch thả Coil: Phần đầu của biện pháp điều trị này tượng tự các bước thực hiện một trường hợp mạch não đồ như đã mô tả ở trên, tuy nhiên thay vì bơm các chất chỉ thị vào lòng mạch, các bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ đặc biệt với tên gọi là các Coil để thông qua lòng mạch để “thả” vào trong lòng các túi phình. Coil được thả sẽ lấp đầy lòng của các túi phình và cô lập chúng khỏi dòng chảy của mạch máu não.
Nếu các túi phình bị vỡ, đây là một cấp cứu cần can thiệp điều trị ngay lập tức. Quyết định điều trị lúc này phụ thuộc vào kích thước túi phình, tuổi bệnh nhân cũng như các vấn đề sức khỏe kèm theo của bệnh nhân.
Nếu các túi phình chưa có chỉ định điều trị, bác sĩ của bạn có thể yêu cầu thực hiện lặp lại các phương tiện hình ảnh học. Việc này giúp các bác sĩ theo dõi sự phát triển của túi phình cũng như phát hiện các túi phình mới nếu có
5. Nhóm bệnh nhân nào có nguy cơ cao mắc phải bệnh hơn những người khác?
Nếu bạn có cha mẹ hoặc anh chị em đã được chẩn đoán túi phình mạch máu não thì bạn là nhóm bệnh nhân có nguy cơ mắc phải cao hơn. Những bệnh nhân nếu có các vấn đề sức khỏe sau cũng được xem là có nguy cơ mắc phải cao hơn những người khác:
- Tăng huyết áp
- Hút thuốc lá
- Nghiện rượu
- Dùng các thuốc kích thích gây nghiện
- Dùng thuốc giảm cân
Tránh khỏi các vấn đề trên có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc phải bệnh lý túi phình mạch máu não
6. Khi có những vấn đề về túi phình mạch máu não bạn cần đi khám ở đâu?
Những cơ sở y tế có chuyên khoa ngoại thần kinh và can thiệp mạch máu não là những nơi có điều kiện để chẩn đoán và điều trị bệnh lý này.
Hãy thường xuyên quan tâm đến sức khỏe, thăm khám sức khỏe định kỳ. Điều này sẽ giúp bạn phát hiện sớm nhiều bệnh lý nguy hiểm tính mạng túi phình mạch máu não. Điều trị sớm mang lại hiệu quả điều trị cao. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và vui tươi!
Bác sĩ Ngô Minh Quân
>> Bệnh lý túi phình mạch máu não không phải là bệnh thường gặp trong dân số. Hãy cùng tham khảo những điều cần biết trước khi đi khám phình mạch máu não.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Patient education: Brain aneurysm (The Basics), Written by the doctors and editors at UpToDate, This topic retrieved from UpToDate on: Aug 09, 2019.