Cách bấm huyệt chữa mỏi mắt như thế nào?
Nội dung bài viết
Đôi mắt là cơ quan của hệ thống thị giác, được mệnh danh là “cửa sổ tâm hồn”. Thế nhưng ngày nay, bởi nhiều nguyên nhân mà rối loạn thị lực, mỏi mắt… xuất hiện ngày càng nhiều, và ở bất kỳ lứa tuổi nào. Bên cạnh tây y, các phương pháp đông y, đặc biệt là bấm huyệt với nhiều lợi ích trong phòng và điều trị bệnh về mắt. Sau đây, mời quý độc giả cùng bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu cách bấm huyệt chữa mỏi mắt đơn giản, ít rủi ro mà vẫn đạt hiệu quả cao.
Nguyên nhân khiến bạn mỏi mắt
Theo tây y
Đôi mắt phải tiếp xúc quá nhiều với thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại, ti vi…
Làm việc căng thẳng, kéo dài liên tục mà không được nghỉ ngơi hợp lý.
Sử dụng thị lực với khoảng cách không phù hợp, sai tư thế…
Các bệnh lý, tật về mắt đang tồn tại như cận thị, viễn thị, viêm nhiễm…
Xem thêm: TOP 5 thuốc nhỏ mắt chống mỏi mắt tin dùng
Theo đông y
Do khí huyết thiếu gây kém nuôi dưỡng vùng mắt hay kinh mạch nơi này tắc trở, không thông suốt.1
Rối loạn tạng phủ, nhất là Can, Thận… làm ảnh hưởng đến mắt. Mối liên hệ này xuất phát từ lý luận Y học cổ truyền: “Thận thủy nuôi dưỡng Can mộc, còn Can khai khiếu ra mắt”.
Bấm huyệt chữa mỏi mắt có hiệu quả?
Theo nhiều tài liệu, bấm huyệt chữa mỏi mắt mang lại nhiều ưu điểm như sau:
- Cải thiện tình trạng nuôi dưỡng tại hệ thống thị giác, tăng tuần hoàn, mạnh chuyển hóa dinh dưỡng…
- Tăng cường năng lượng, thông kinh lạc, thư giãn các cơ điều tiết, giải quyết ứ trệ,…2
- Dễ dàng nhận thấy rằng, liệu pháp này không chỉ hỗ trợ tình trạng mỏi mắt mà còn giúp cải thiện thị lực, ngăn ngừa lão hóa vùng mắt… Từ đó, các vấn đề rối loạn thị giác cũng sẽ được đẩy lùi.3
- Điều hòa tạng Can, Thận; từ đó tăng cường thị lực và chức năng của đôi mắt…
- Nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh bấm huyệt là phương pháp không xâm lấn hiệu quả trong phục hồi căng thẳng, điều tiết dịch mắt, các chứng tật mắt, mỏi mắt, bệnh lý tăng nhãn áp…3
Cách bấm huyệt chữa mỏi mắt
Chỉ định, chống chỉ định
Hầu hết các đối tượng gặp vấn đề về thị lực và đôi mắt như mỏi mắt, cận thị… đều có thể áp dụng được phương pháp này.
Tuy nhiên vẫn có vài trường hợp cần thận trọng khi chỉ định bấm huyệt như:4
- Tại vùng mắt, người bệnh đang có khối u, lở loét, mụn nhọt, bệnh ngoài da…
- Toàn trạng người bệnh không ổn định; có các triệu chứng phải ưu tiên cấp cứu như sốt cao, tri giác lơ mơ, khó thở, bệnh lý ngoại khoa, chấn thương nặng, chảy máu nhiều…
Quy trình bấm huyệt chữa mỏi mắt như thế nào?
Bấm huyệt chữa mỏi mắt là phương pháp dễ thực hiện, không quá phức tạp, không xâm lấn. Thậm chí, sau khi được thầy thuốc hướng dẫn, ta có thể tự thực hiện thường xuyên tại nhà. Với mỗi vị trí huyệt tác động khoảng 1 – 2 phút/lần, đến khi cảm giác ấm vùng da đó. Thủ thuật có thể thực hiện 2 – 3 lần/ngày hoặc mỗi khi có dấu hiệu khô mắt, mỏi mắt, cần được thư giãn, nghỉ ngơi… Mỗi ngày không nên tiến hành liệu pháp này quá 30 phút bởi dễ làm vùng da mắt vốn nhạy cảm bị tổn thương.
Phương huyệt thường được thầy thuốc lựa chọn có vị trí xung quanh vùng mắt như Toản trúc, Tình minh, Ngư yêu, Ty trúc không, Đồng tử liêu, Thừa khấp, Ấn đường… Ngoài ra, có thể thao tác thêm trên các huyệt lân cận ở vùng đầu mặt và cổ gáy như Thái dương, Đầu duy, Dương bạch, Bách hội, Phong trì, Ế phong…
Vị trí một số huyệt đạo thông dụng trị mỏi mắt
Toản trúc: Nằm ngay chỗ lõm đầu trong của cung lông mày, ngay thẳng góc mắt trong.
Tình minh: Sát góc mắt trong, cách khoảng 0,1 thốn, chữa mỏi mắt, làm sáng mắt.
Ngư yêu: Nằm ngay chính giữa cung lông mày, hỗ trợ trị cận thị, viêm mắt…
Ty trúc không: Nằm chỗ lõm của đuôi lông mày, hỗ trợ các bệnh về mắt, đau đầu…
Đồng tử liêu: Nằm gần sát góc mắt ngoài, cách khoảng 0,5 thốn.
Thừa khấp: Từ đồng tử đo thẳng xuống 0,7 thốn, thuộc giao điểm bờ dưới xương ổ mắt với đường dọc chính giữa mắt.
Ấn đường: Giao điểm chính giữa 2 đầu lông mày và đường thẳng giữa sống mũi.
Với 01 thốn được quy ước bằng chiều dài của đốt giữa ngón tay thứ 3. Hoặc theo Viện Đông y Hà Nội, 1 thốn trung bình của người Việt Nam khoảng 2,11cm.
Lưu ý khi bấm huyệt chữa mỏi mắt
Nên thực hiện kỹ thuật này đều đặn, đặc biệt là khi có dấu hiệu khô mỏi mắt. Thế nhưng, bấm huyệt hầu như chỉ cải thiện triệu chứng khó chịu, chứ không giải quyết triệt để nguyên nhân gây bệnh (nếu có).
Vệ sinh tay và cắt móng tay gọn gàng khi thao tác trên mắt; bởi nơi này khá nhạy cảm dễ để lại vết bầm, trầy xước… Đồng thời, lực bấm huyệt nên nhẹ nhàng điều chỉnh theo cảm giác của người bệnh, không quá thô bạo.
Kết hợp thêm với thao tác xoa bóp vùng lân cận như mặt, cổ gáy… Điều này sẽ hỗ trợ lưu lượng tuần hoàn thông suốt hơn.
Điều quan trọng hơn cả là chăm sóc sức khỏe đôi mắt từ bên trong, thông qua:
- Bổ sung các chất dinh dưỡng bằng các thực phẩm giàu vitamin, chống oxy hóa; như vitamin A, E, C… từ cà rốt, dâu tây, rau xanh, cá hồi…
- Cải thiện thói quen sinh hoạt không hợp lý, tư thế sai khi tiếp xúc lâu dài với thiết bị, màn hình điện tử.
- Tạo các khoảng nghỉ giữa giờ làm việc 10 – 15 phút, nhắm mắt thư giãn hoặc nhìn ra xa hơn 6m.
- Môi trường làm việc, học tập được cung cấp ánh sáng đầy đủ. Nhờ vậy, mắt không phải điều tiết liên tục.
- Mỗi 3 – 6 tháng/lần, nên khám mắt định kỳ với mục đích phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
Những phương pháp đông y khác điều trị mỏi mắt
Xoa bóp
Để đạt hiệu quả cao hơn, việc phối hợp xoa bóp và bấm huyệt chữa mỏi mắt luôn được ưu tiên.1
- Dùng ngón tay 2 bên nhẹ nhàng xoa vòng quanh hai hốc mắt, khoảng 5 – 10 vòng. Từ đầu đến cuối lông mày, rồi di chuyển xuống vùng má, gốc mũi, cuối cùng trở lại đầu lông mày.
- Tiếp theo xoa từ đầu dưới lông mày, vòng qua dưới bờ mi đến gốc mũi và ngược lại.
- Miết dọc theo cung lông mày đến đuôi mắt.
- Nhắm mắt lại rồi vuốt, day nhãn cầu nhẹ nhàng.
Có thể thực hiện thêm thao tác xoa, day, miết, phân hợp… vùng đầu mặt, cổ gáy. Hơn nữa, nên đồng thời kết hợp với bấm huyệt đạo tại các vị trí tương ứng như trên.
Châm cứu
Một phương pháp khác giúp hỗ trợ vấn đề về mắt, cải thiện điều tiết và làm chậm rối loạn thị lực là châm cứu. Tuy nhiên, liệu pháp này cần được tư vấn và thực hiện bởi người có chuyên môn, không nên tự làm tại nhà. Do nếu thực hiện không đúng huyệt hoặc thao tác sai sót dễ ảnh hưởng đến chức năng của mắt.
Xem thêm: Châm cứu mắt – những điều bạn chưa biết
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có thêm nhiều thông tin về bấm huyệt chữa mỏi mắt; cũng như có thể áp dụng phương pháp này thường xuyên tại nhà; để đem lại nhều lợi ích cho sức khỏe của đôi mắt. Tuy nhiên, cốt lõi vẫn là việc chăm sóc sức khỏe đôi mắt từ những thói quen ăn uống và hoạt động hằng ngày. Nếu các bạn có những thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh hỗ trợ chữa suy giảm thị lực và lão hóa mắthttps://suckhoedoisong.vn/xoa-bop-bam-huyet-duong-sinh-ho-tro-chua-suy-giam-thi-luc-va-lao-hoa-mat-169148169.htm
Ngày tham khảo: 11/11/2021
-
Day bấm huyệt phòng và chữa lão hóa mắthttps://khoahocdoisong.vn/day-bam-huyet-phong-va-chua-lao-hoa-mat-105565.html
Ngày tham khảo: 11/11/2021
-
Where Are the Acupressure Points for the Eyes?https://www.healthline.com/health/acupressure-points-for-eyes
Ngày tham khảo: 11/11/2021
-
Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền
Ngày tham khảo: 11/11/2021