Liệu bấm huyệt có thật sự chữa được tiểu đường?
Nội dung bài viết
Tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường; là một loại bệnh lí phổ biến ở Việt Nam, cũng như trên toàn thế giới. Điều trị đái tháo đường luôn được cập nhật bởi các bác sĩ chuyên gia; vì nó liên quan mật thiết đến nhiều loại bệnh lí khác. Trong Đông Y, châm cứu hay bấm huyệt cũng có vai trò quan trọng trong điều trị tiểu đường. Vậy cách bấm huyệt chữa tiểu đường như thế nào? Mời các bạn cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Vũ Thu Thảo tìm hiểu thêm thông tin về phương pháp này qua bài viết dưới đây nhé.
Bệnh tiểu đường dưới góc nhìn Y học cổ truyền
Trước khi tìm hiểu cách bấm huyệt chữa tiểu đường, chúng ta hãy cùng tìm hiểu bệnh lý tiểu đường dưới góc nhìn Y học cổ truyền là gì nhé. Tiểu đường (đái tháo đường) là một nhóm bệnh chuyển hóa; đặc trưng bởi tình trạng đường huyết tăng cao. Do tình trạng giảm tiết insulin hoặc giảm hoạt động của insulin.
Theo Đông y, tiểu đường thuộc về chứng Tiêu khát. Do uống rượu, ăn nhiều đồ béo ngọt, tình chí thất điều (suy nghĩ, căng thẳng thái quá), phòng dục quá độ, tiên thiên bất túc (nguyên khí bị hư),… làm tích nhiệt hóa hỏa. Sau đó hỏa (nhiệt) hun đốt tân dịch, hao tổn chân âm.
- Vị âm hư: Gây triệu chứng tiểu nhiều, khát, bệnh nhân gầy.
- Phế âm hư: Tiểu nhiều, khát nhiều, uống nhiều.
- Thận âm hư: Tiểu nhiều, gầy, mờ mắt.
- Đàm thấp: Tê bì, tiểu nhiều.
Vì sao bấm huyệt có thể chữa bệnh tiểu đường?
Liệu pháp bấm huyệt là một phương pháp không dùng thuốc hiệu quả; giúp giảm bớt sự phát triển và tiến triển của bệnh đái tháo đường type 2; liên quan các biến chứng như tăng lipid máu, bệnh thận, bệnh thần kinh và bệnh võng mạc.1
Sự tắc nghẽn năng lượng do căng thẳng hoặc chấn thương, đều là nguyên nhân của bệnh lí. Những sự tắc nghẽn năng lượng này xảy ra tại các điểm bấm huyệt. Thông qua nhiều phương pháp bấm huyệt khác nhau từ chạm nhẹ, chạm, đến đơn giản là giữ các điểm; luồng khí được khai thông và cân bằng.
Bấm huyệt giúp các cơ quan trong cơ thể điều chỉnh sự mất cân bằng trong tiêu hóa; hấp thụ và sản xuất năng lượng hoạt động. Phương pháp này sẽ làm thay đổi chất hóa học của não; và giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh. Đồng thời, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, huyết áp, dòng máu và nhiệt độ cơ thể.
Bấm huyệt chữa tiểu đường có hiệu quả?
Trong một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên ở Iran, nghiên cứu về hiệu quả của bấm huyệt lên chỉ số đường huyết lúc đói và nồng độ insulin trong tiểu đường type 2. Vào 9/2016 đến 2/2017, 60 bệnh nhân đái tháo đường được chia làm 2 nhóm: 30 được bấm huyệt, 30 người là nhóm chứng. Nhóm can thiệp tự bấm huyệt ST-36 (Túc tam lí) , LIV 3 (Thái xung), KD 3 (Thái Khê), SP-6 (Tam âm giao) hai bên trong năm phút. Mỗi huyệt là 10 giây bấm huyệt và 2 giây nghỉ. Đường huyết lúc đói và nồng độ insulin được đo trước và sau khi can thiệp ở cả 2 nhóm.
Kết quả là nồng độ insulin tăng đáng kể sau khi bấm huyệt (p=0,01). Đường huyết đói cũng giảm đáng kể sau khi can thiệp; so sánh giữa nhóm can thiệp và nhóm chứng (p=0.02).2
Cách bấm huyệt chữa tiểu đường
Chỉ định
Tê bì, giảm cảm giác bàn chân đái tháo đường.
Tiểu nhiều.
Chống chỉ định
Bấm huyệt ngay vết loét đái tháo đường.
Bệnh nhân có tiền căn vựng châm; tức trường hợp vừa châm kim xong bị khó chịu, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, hoặc buồn nôn,…
Xem thêm: Những tác hại của châm cứu mà bạn cần lưu ý
Phương huyệt trị bệnh tiểu đường
Túc tam lý
Vị trí huyệt: Huyệt thuộc kinh Vị, huyệt nằm dưới lõm khớp gối 3 thốn, cách phía ngoài xương mác 1 khoác ngón tay. Trong khe giữa xương chầy và xương mác.
Tác dụng: bổ Tỳ Vị, thông kinh hoạt lạc, trừ thấp trệ.
Tam âm giao
Vị trí huyệt: Huyệt là giao điểm của ba đường kinh âm. Lấy từ đỉnh cao mắc cá trong đo lên 3 thốn là vị trí huyệt.
Tác dụng: Huyệt bổ Âm (theo đúng cơ chế Tiêu khát của Y học cổ truyền), trừ tê thấp, thông khí huyết, điều hòa tạng can (bệnh nhân tình chí, tinh thần mệt mỏi).
Thái xung
Vị trí huyệt: Huyệt thứ 3 của kinh Can, thái là to lớn, xung là yếu đạo. Huyệt Thái xung nằm ở chỗ lõm tạo bởi 2 đầu xương ngón 1 và ngón chân 2.
Tác dụng: Sơ can, thanh Hỏa nhiệt, sơ tiết thấp nhiệt ở hạ tiêu.
Thái khê
Vị trí huyệt: Thái khê thuộc kinh thận. Là trung điểm trên đoạn thẳng nối bờ sau mắt cá trong và mép trong gân gót.
Tác dụng: Bổ thận âm (trong tình trạng Thận âm hư như phần 1 đã đề cập)
Phong long
Vị trí huyệt: Đỉnh cao mắt cá ngoài đo thẳng lên 8 thốn. Nằm trên khe giữa cơ duỗi chung các ngón và cơ mắc bên ngắn.
Tác dụng: Huyệt đặc hiệu hóa đờm thấp, hòa Vị.
Lưu ý khi bấm huyệt chữa tiểu đường
Bấm huyệt là một phương pháp bổ trợ, không nên tự ý bỏ thuốc điều trị đái tháo đường.
Bấm huyệt có thể kết hợp cùng với phương pháp cứu ấm để tăng tác dụng khai thông huyệt.
Những phương pháp Đông y khác điều trị tiểu đường
Bên cạnh cách bấm huyệt chữa tiểu đường, bạn cũng nên biết một số phương pháp khác hỗ trợ điều trị như sau:
- Khổ qua: Trong khổ qua có chứa glucozit đắng, có tác dụng hạ đường huyết, hạ cholesterol, triglycerid, kháng khuẩn chống virus, tăng cường miễn dịch.
- Sinh địa: Đây là một loại thuốc Đông Y; có tác dụng hạ đường huyết, cầm máu. Ngoài ra còn giúp tăng hoạt động của tim, giãn mạch máu.
- Viên nang Tri bá địa hoàng: Tri bá địa hoàng hoàn có tác dụng hạ đường huyết trên thể thận âm hư; có ý nghĩa thống kê với p=0.002, thể vị âm hư với p=0.005. Mức hạ đường huyết trung bình 15.04 mg/dl. Tỷ lệ đưa đường huyết về mức an toàn ổn định là 52.94% bệnh nhân.3
Xem thêm: Cỏ ngọt: giải pháp cho bệnh nhân tiểu đường
Nghiên cứu về điều trị kết hợp Đông – Tây y đối với bệnh lý tiểu đường vẫn đang là đề tài được quan tâm. Bạn đọc có thể tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ nếu muốn thử bấm huyệt hạ đường huyết. Hy vọng thông qua bài viết trên, các bạn đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về bệnh lý tiểu đường; cũng như phương pháp bấm huyệt chữa tiểu đường. Nếu các bạn có bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
EFFECT OF ACUPRESSURE ON BLOOD SUGAR AMONG PATIENTS WITH TYPE 2 DIABETES MELLITUS AT SRI RAMAKRISHNA HOSPITAL, COIMBATOREhttp://repository-tnmgrmu.ac.in/2160/1/300103412marytreesajoseph.pdf
Ngày tham khảo: 10/11/2021
-
Effect of self-acupressure on fasting blood sugar (FBS) and insulin level in type 2 diabetes patients: a randomized clinical trialhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30214697/#:~:text=Serum%20FBS%20level%20decreased%20significantly,in%20type%202%20diabetic%20patients.
Ngày tham khảo: 10/11/2021
-
National Diabetes Statistics Report 2020https://www.cdc.gov/diabetes/pdfs/data/statistics/national-diabetes-statistics-report.pdf
Ngày tham khảo: 10/11/2021