YouMed

Mẹ bầu mắc quai bị có sao không? Phòng tránh quai bị khi mang thai

Bác sĩ Lê Công Thái
Tác giả: BS.CKI Lê Công Thái
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Quai bị là căn bệnh có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi. Phụ nữ mang thai cũng là một đối tượng dễ mắc bệnh này. Vậy mẹ bầu mắc quai bị có sao không và cách phòng ngừa quai bị khi mang thai là gì? Tham khảo bài viết dưới đây cùng Bác sĩ Lê Công Thái để tìm hiểu tất cả mọi thứ bạn cần biết về bệnh quai bị khi mang thai.

Tổng quan về bệnh quai bị

Quai bị là bệnh do virus gây ra. Nó thường ảnh hưởng đến các tuyến mang tai ở hai bên mặt. Những tuyến này có vai trò tạo ra nước bọt. Bệnh làm tuyến mang tai sưng to và đau nhiều.1

Các triệu chứng của bệnh quai bị xuất hiện khoảng từ 2 – 3 tuần sau khi tiếp xúc với virus. Một số người không có triệu chứng hoặc có nhưng rất nhẹ.1

Một số triệu chứng đầu tiên của bệnh quai bị bao gồm:1

  • Ban đầu: sốt, đau đầu, đau cơ, người mệt mỏi, chán ăn.
  • Sau đó vài ngày: sưng tuyến nước bọt ở hai bên mặt, đau hoặc nhạy cảm xung quanh chỗ sưng, sưng các tuyến dưới sàn miệng.
Quai bị trở nặng làm hai tuyến nước bọt sưng và khiến người bệnh đau đớn
Quai bị trở nặng làm hai tuyến nước bọt sưng và khiến người bệnh đau đớn

Bài viết Quai bị: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa đã thông tin chi tiết về nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh lý này. Bạn đọc có thể xem thêm để nắm thêm thông tin về quai bị nhé!

Dấu hiệu quai bị ở phụ nữ mang thai

Phần lớn phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều có thể mắc bệnh quai bị. May mắn thay, nếu bạn bị quai bị trong khi mang thai thì tình trạng tương đối nhẹ. Phụ nữ mang thai không có khả năng mắc bệnh quai bị nghiêm trọng hơn những phụ nữ không mang thai.2

Những dấu hiệu nhận biết quai bị ở phụ nữ mang thai tương đối giống với các triệu chứng thông thường của bệnh, như:2 3

  • Sưng má và hàm do viêm tuyến nước bọt.
  • Sốt.
  • Đau đầu.
  • Đau cơ.
  • Mệt mỏi.
  • Chán ăn.

Mẹ bầu bị quai bị có sao không?

Quai bị là bệnh lý truyền nhiễm. Do đó, nhiều thai phụ rất lo lắng, liệu nếu bản thân bị quai bị thì thai nhi có thể bị ảnh hưởng hay không? Hoặc sức khỏe của mẹ bầu có bị ảnh hưởng hay không nếu mắc quai bị? Hãy cùng tìm hiểu qua nội dung dưới đây.

Ảnh hưởng của quai bị đến mẹ bầu

Có thể có mối liên hệ giữa nhiễm quai bị và bệnh tim, xơ hóa nội tâm mạc. Nhiễm trùng chu sinh cũng có thể liên quan đến suy hô hấp trong khoảng thời gian sinh và giảm tiểu cầu theo các báo cáo trường hợp.4

Ngoài ra, nếu bạn đã tiêm vắc-xin sởi, quai bị và Rubella, bạn sẽ ít có khả năng mắc các triệu chứng hoặc biến chứng nghiêm trọng hơn.2

Ảnh hưởng của quai bị đến thai nhi

Nếu phụ nữ mang thai bị bệnh quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì nguy cơ sảy thai sẽ tăng. Tuy nhiên, bệnh quai bị này không liên quan đến việc làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi.3

Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nếu bị quai bị có thể tăng nguy cơ sẩy thai
Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu nếu bị quai bị có thể tăng nguy cơ sẩy thai

Điều trị quai bị ở phụ nữ mang thai

Trên thực tế không có cách điều trị triệt để bệnh quai bị. Nhưng bạn có thể kiểm soát các triệu chứng bằng thuốc giảm đau không kê đơn (acetaminophen). Lưu ý là phụ nữ đang mang thai phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau này để đảm bảo độ an toàn cho thai nhi.2

Một điều quan trọng trong quá trình điều trị quai bị là tự cách ly bản thân khỏi những người xung quanh. Điều này giúp bảo vệ người thân bạn khỏi virus quai bị. Trong thời gian mắc bệnh, bạn nên nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước, ăn thức ăn loãng như canh, súp, cháo,…2

Phòng tránh quai bị khi mang thai

Bệnh quai bị có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, tiêm vắc-xin ở phụ nữ đang mang thai không được khuyến cáo. Nếu bạn có kế hoạch mang thai, hãy nhờ bác sĩ tư vấn để biết thêm thông tin về thời điểm tiêm và cách tiêm vắc-xin phòng bệnh quai bị. Một số vắc-xin được khuyến cáo cần được tiêm trước khi mang thai.

Thông thường, bạn sẽ được tiêm vắc-xin dưới dạng kết hợp. Nó sẽ phòng ngừa được cả quai bị, sởi và rubella (vắc-xin MMR). Đối với vắc-xin MMR, bạn nên ngừa thai và không nên có thai trong ít nhất 28 ngày sau khi tiêm chủng.3

Bên cạnh đó, để đảm bảo cơ thể luôn mạnh khỏe, phụ nữ mang thai nên thực hiện lịch khám thai định kỳ. Điều này giúp phát hiện bệnh sớm, giúp cho việc điều trị được dễ dàng hơn. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc với người bệnh quai bị hoặc người có nguy cơ phơi nhiễm với virus gây bệnh. Bạn cũng có thể chủ động phòng ngừa quai bị bằng cách ăn chín, uống sôi, sử dụng riêng vật dụng cá nhân, rửa tay sạch trước khi ăn, uống,…

Mẹ bầu cần chủ động khám thai định kỳ để phòng ngừa nhiều bệnh, trong đó có bệnh quai bị
Mẹ bầu cần chủ động khám thai định kỳ để phòng ngừa nhiều bệnh, trong đó có bệnh quai bị

Hy vọng bài viết trên đã giải đáp cho bạn đọc về vấn đề “Mẹ bầu bị quai bị có sao không?”. Bạn đọc, đặc biệt là những mẹ bầu, hãy luôn chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi để đảm bảo “mẹ tròn con vuông” nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Mumpshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mumps/symptoms-causes/syc-20375361

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

  2. Mumps During Pregnancyhttps://www.whattoexpect.com/pregnancy/pregnancy-health/complications/mumps.aspx

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

  3. Mumps and pregnancyhttps://www.pregnancybirthbaby.org.au/mumps-and-pregnancy

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

  4. Mumps: risk in pregnancy, infection in healthcare settings and MMR vaccinehttps://www.gov.uk/government/publications/mumps-risk-in-pregnancy-infection-in-healthcare-settings-and-mmr-vaccine/mumps-risk-in-pregnancy-infection-in-healthcare-settings-and-mmr-vaccine

    Ngày tham khảo: 19/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người