Bệnh béo phì: nguyên nhân, tác hại và cách khắc phục
Nội dung bài viết
Bệnh béo phì hiện là vấn đề chung của rất nhiều người. Theo nhiều nghiên cứu, tỷ lệ béo phì đang tăng lên với tốc độ đáng báo động. Không chỉ gây mất thẩm mỹ, bệnh còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu về tình trạng này qua bài viết dưới đây.
Khi nào bạn cần được chẩn đoán bệnh béo phì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, béo phì là khi lượng mỡ tích tụ trong cơ thể vượt quá mức cho phép. Để đánh giá chính xác mức độ thừa cân hoặc béo phì, có thể dựa trên chỉ số cơ thể (BMI).1 Công thức tính là cân nặng chia cho chiều cao bình phương (BMI = Cân nặng (kg) /Chiều cao (m)²). Kết quả sẽ được đem so sánh với thang đo béo phì tùy theo khu vực.
Với người châu Á, bệnh nhân mắc bệnh béo phì sẽ có BMI từ 25 trở lên. Dựa theo thang đo BMI, ta cũng có thể phân loại béo phì:2
Phân loại | BMI (kg/m²) – WHO | BMI (kg/m²) – IDI & WPRO |
Cân nặng thấp (gầy) | < 18.5 | |
Bình thường | 18.5 – 24.9 | 18.5 – 22.9 |
Thừa cân | ≥ 25 | ≥ 23 |
Tiền béo phì | 25 – 29.9 | 23 – 24.9 |
Béo phì độ I | 30 – 34.9 | 25 – 29.9 |
Béo phì độ II | 35 – 39.9 | ≥ 30 |
Béo phì độ III | ≥ 40 |
Tuy nhiên, thang đo này có thể không áp dụng được cho trẻ em. Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường của con trẻ, ba mẹ nên liên hệ bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể. Một số biểu hiện bao gồm:
- Trẻ béo phì có thân hình to béo so với lứa tuổi.
- Đi lại khó khăn.
- Thường xuyên đòi ăn thêm.
- Thích ăn nhiều đồ ngọt, béo.
Nguyên nhân gây béo phì
Có rất nhiều yếu tố dẫn đến bệnh béo phì. Song nguyên nhân gây béo phì chính là do có sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và tiêu thụ. Nếu năng lượng không được đốt cháy thông qua tập luyện, phần dư thừa sẽ được tích trữ trong cơ thể dưới dạng chất béo và gây béo phì.
1. Chế độ ăn uống không hợp lý
Việc lựa chọn thức ăn ảnh hưởng rất lớn đến cân nặng. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những thói quen sau có thể khiến cân nặng của bạn tăng nhanh chóng:
- Ăn nhiều thực phẩm có hàm lượng calo cao.
- Có khẩu phần ăn lớn hơn lượng cơ thể cần.
- Thường xuyên ăn ngoài thay vì tự nấu ở nhà.
- Uống nhiều đồ uống có cồn hoặc có chứa hàm lượng đường cao.
- Thường xuyên ăn uống thả ga: Tình trạng ăn uống không kiểm soát có thể xảy ra khi bạn buồn bực hoặc chán nản.
Thông thường, thói quen ăn uống sẽ được hình thành từ khi còn bé. Do đó, gia đình nên duy trì chế độ ăn khoa học hoặc xây dựng thực đơn cho người béo phì để phòng tránh béo phì ở con trẻ.
2. Thiếu hoạt động thể chất
Một yếu tố quan trọng khác dẫn đến béo phì chính là tình trạng “lười vận động”.
Do tính chất công việc, nhiều người phải ngồi trước máy tính cả ngày để làm việc. Khi cần di chuyển, chúng ta có xu hướng lựa chọn ô tô hoặc xe máy thay vì đi bộ. Với sự ra đời của các thiết bị điện tử, mọi người thường chọn cách ở nhà để xem tivi hoặc lướt web thay vì ra ngoài vận động.
Dựa trên nhiều thống kê, tần suất hoạt động thể lực đã suy giảm đáng kể trong những năm vừa qua. Đây là lý do mà tỷ lệ bệnh béo phì ngày một tăng, nhất là ở các nước phát triển.
3. Mắc các bệnh nền khác hoặc tác dụng phụ của thuốc
Một số bệnh lý hoặc thuốc có thể gây ra hiện tượng tăng cân không kiểm soát như:
- Suy giáp.
- Hội chứng Cushing.
- Sử dụng thuốc corticoid, thuốc trị động kinh hoặc trị tiểu đường,…
Ngoài ra, những thay đổi về lối sống như thiếu ngủ, ngưng hút thuốc lá cũng góp phần gây tăng cân.
Những đối tượng dễ mắc bệnh béo phì
Bệnh béo phì có thể xảy ra ở bất kì đối tượng nào. Song những trường hợp sau có nguy cơ béo phì cao hơn bình thường:
- Phụ nữ sau sinh.
- Phụ nữ độ tuổi trung niên.
- Người sinh ra trong gia đình có truyền thống béo phì, thừa cân.
- Thường xuyên căng thẳng trong thời gian dài.
Tác hại của bệnh béo phì
Tuy béo phì hiện là vấn đề được quan tâm hàng đầu nhưng nhiều người thường xem nhẹ tác hại của nó. Không chỉ khiến người bệnh tự ti về ngoài hình, tình trạng này còn làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý khác như:
- Tăng huyết áp.
- Tiểu đường type 2.
- Rối loạn lipid máu do tăng nồng độ cholesterol xấu. Người béo phì sẽ dễ bị mỡ trong máu hơn bình thường.
- Các bệnh lý về tim mạch.
- Tăng nguy cơ đột quỵ.
- Các bệnh lý về xương khớp như loãng xương, thoái hóa khớp, tổn thương khớp gối hoặc cột sống. Béo phì còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh gout ở người cao tuổi.
- Các vấn đề về hô hấp như khó thở khi ngủ.
- Gây suy giảm trí nhớ.
- Dễ dẫn đến các bệnh ung thư.
- Các vấn đề về tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, stress kéo dài,…
Ngoài ra, béo phì còn gây khó khăn cho các hoạt động thể chất và ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Tình trạng thừa cân lâu dần sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đây là một tác hại của béo phì khá nguy hiểm.
Cách khắc phục tình trạng béo phì
Theo bác sĩ, bệnh béo phì hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách áp dụng 2 nguyên tắc sau đây, điều chỉnh chế độ ăn và tăng cường vận động.
1. Thực đơn phù hợp
Để kiểm soát cân nặng, nguyên tắc là cố gắng cân bằng giữa năng lượng nạp vào và tiêu thụ. Vậy để giảm cân thì lượng calo nạp vào cơ thể phải thấp hơn lượng calo tiêu thụ. Các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra một số lời khuyên sau đây:
- Hạn chế các thực phẩm giàu chất béo và bổ sung các loại thực phẩm giàu protein như thịt bò, cá, ức gà,…
- Nên tự chế biến thức ăn tại nhà thay vì dùng các thực phẩm chế biến sẵn.
- Ăn đa dạng các loại trái cây và rau xanh.
- Lựa chọn các thức ăn có chỉ số đường huyết thấp.
- Luôn luôn uống đủ nước.
2. Tăng cường vận động
Hoạt động thể chất đã được chứng minh có lợi ích trong việc kiểm soát cân nặng. Do đó, để đề phòng cũng như khắc phục bệnh béo phì, nên dành ít nhất 30 phút/ngày và tối thiểu 5 ngày/tuần để tập thể dục. Tất cả các bài tập như đi bộ nhanh, đạp xe hoặc chơi thể thao đều có ích.
Nếu không có đủ thời gian để tập luyện, nên tận dụng tối đa thời gian di chuyển. Hãy cố gắng đứng dậy và đi lại xung quanh thay vì chỉ ngồi một chỗ.
Theo thống kê, bệnh béo phì hiện đang là vấn đề chung của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Việt Nam. Đây là một tình trạng đáng báo động do bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và làm giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, bạn nên xây dựng chế độ ăn và tập luyện khoa học để phòng tránh béo phì cũng như thăm khám kịp thời nếu phát hiện có triệu chứng của bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Obesityhttps://www.who.int/health-topics/obesity#tab=tab_1
Ngày tham khảo: 08/05/2021
-
WHO (2020). The Asia-Pacific Perspective: Redefining Obesity and its treatment, trang 17 - 18.https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/206936/0957708211_eng.pdf
Ngày tham khảo: 08/05/2021