Bệnh đau mắt đỏ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Bệnh đau mắt đỏ (hay còn gọi viêm kết mạc) là tình trạng viêm lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (lòng trắng mắt) và kết mạc mi. Đây là một bệnh lý thường gặp. Bệnh này có thể gặp ở mọi đối tượng: trẻ em, người trưởng thành và người già. Viêm kết mạc nhiễm trùng có khả năng lây lan mạnh nên có thể tạo thành dịch bệnh, xảy ra quanh năm. Bài viết sau đây của Bác sĩ Trần Ngân Hạnh tìm hiểu rõ hơn về tình trạng đau mắt đỏ.
Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ
Các triệu chứng thường gặp của bệnh đau mắt đỏ bao gồm:
- Thường gặp nhất là đỏ mắt, không đau và không giảm thị lực.
- Mắt ngứa, cộm xốn như có bụi trong mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
- Mi mắt sưng nề, phù kết mạc.
- Mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt.
Tuỳ vào tác nhân gây bệnh mà dịch tiết có tính chất khác nhau. Thường gặp nhất là chất tiết nước trong, nặng hơn có thể là chất tiết mủ nhầy, mủ vàng và giả mạc.1 Đây là một trong những yếu tố giúp chẩn đoán sơ bộ tác nhân gây bệnh của viêm kết mạc:
- Chất tiết trong: thường gặp trong viêm kết mạc do virus.
- Chất tiết nhầy: thường gặp trong viêm kết mạc dị ứng.
- Chất tiết mủ vàng đặc: thường gặp trong viêm kết mạc do vi khuẩn, nấm,…
Xuất hiện giả mạc do chất tiết dính với biểu mô kết mạc bị viêm nên có thể lột đi dễ dàng. Trường hợp có giả mạc thì cần đến cơ sở y tế để bóc lớp giả mạc.
Ngoài ra có thể có biểu hiện toàn thân như: mệt mỏi, sốt, đau họng, nổi hạch sau tai.
Đường lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ
Các con đường lây nhiễm của bệnh đau mắt đỏ bao gồm:
- Chất tiết từ người bệnh (ghèn,…) là nguồn lây nhiễm rất mạnh.
- Giọt nước bọt trong không khí.
- Tiếp xúc vật dụng cá nhân của người bệnh (khăn, gối, điện thoại…).
- Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm như bể bơi, ao hồ.
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ
Về mặt giải phẫu, kết mạc là lớp nằm ngoài cùng của nhãn cầu, tiếp xúc thường xuyên với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị lây nhiễm. Nguyên nhân sinh bệnh thường gặp là: Nhiễm khuẩn và không nhiễm khuẩn.1 2
Nhiễm khuẩn
- Virus: đây là nguyên nhân phổ biến nhất, trong đó Adeno chiếm phần lớn. Ngoài ra còn có Herpes simplex virus, Varicella-zoster virus và những loại virus khác.
- Vi khuẩn: thường là do vi khuẩn Staphylococcus, Haemophilus influenza,…
- Nấm.
Không nhiễm khuẩn
- Dị ứng: các tác nhân như bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thay đổi thời tiết…Thường rất khó xác định chính xác tác nhân gây dị ứng, xảy ra theo mùa, hay tái phát. Bệnh có các triệu chứng như chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều, phù nề mi mắt, ghèn nhầy trong, viêm mũi dị ứng, thường bị cả 2 mắt và không lây.
- Hoá chất.
- Giảm bài tiết nước mắt.
Biến chứng của đau mắt đỏ
Phần lớn viêm kết mạc diễn tiến lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên nếu chủ quan, không tuân thủ điều trị có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, giảm thị lực, trường hợp nặng có thể gây mù.
Nhiều trường hợp bệnh nhân tự ý dùng thuốc có thành phần chống viêm mạnh như corticoid mà không có sự theo dõi của bác sĩ có thể dẫn đến giảm khả năng miễn dịch, bề mặt giác mạc chậm lành, có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc, thủng giác mạc,… Vì vậy khi mắt có triệu chứng bất thường như đỏ mắt, cộm xốn,… người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ gây đau mắt đỏ bao gồm:1 2 3
- Tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng như bụi, phấn hoa, lông thú, thời tiết,…
- Tiếp xúc với người bị nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn dạng viêm kết mạc.
- Sử dụng kính áp tròng, đặc biệt là kính giãn tròng.
Chẩn đoán
Dựa vào tiền sử, triệu chứng, thăm khám mắt bằng đèn sinh hiển vi để chẩn đoán xác định và tìm nguyên nhân gây bệnh.3
Chẩn đoán phân biệt
Glaucom cấp
Đau nhức nhiều trong mắt, đau đầu, kèm nôn mửa và giảm thị lực. Cương tụ mạch máu ở sâu nên không đáp ứng với thuốc co mạch. Nhãn áp tăng cao, phù giác mạc.
Viêm mống mắt thể mi cấp
Đau nhức nhiều, sợ ánh sáng, giảm thị lực. Cương tụ rìa, tủa sau giác mạc, Tyndall, dính mống…
Viêm nội nhãn
Mắt đau nhức nhiều, không tiết dịch nhầy như đau mắt đỏ. Sưng nề mi, sợ ánh sáng, giảm thị lực nhiều. Có thể có mủ tiền phòng.
Phương pháp điều trị
Mục tiêu điều trị: Giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng khó chịu và tránh gặp phải biến chứng.
Tại nhà
- NaCl 9‰ x 6 lần/ngày, rửa sạch chất bẩn, ghèn dử ra khỏi mắt.
- Nước mắt nhân tạo x 6 lần/ngày.
- Trường hợp bệnh nhân có đeo kính áp tròng thì tuyệt đối không sử dụng trong vòng 2 tuần cho đến khi lành bệnh.
Tại bệnh viện
Sau 3 ngày điều trị tại nhà, nếu triệu chứng không thuyên giảm thì phải đến cơ sở có chuyên khoa mắt để điều trị.
Nhiễm khuẩn
Virus: điều trị hỗ trợ, tăng cường sức đề kháng. Bệnh kéo dài từ 4-7 ngày rồi tự khỏi nhưng dễ lây lan. Không cần dùng kháng sinh vì không có tác dụng với virus. Quan trọng là vệ sinh mắt sạch sẽ.
Vi khuẩn: dùng kháng sinh (toàn thân, tại chỗ): Thuốc nhỏ mắt Tobrex (tobramycin), Cravit, Vigamox…
Nấm: kháng nấm. Ví dụ: Thuốc nhỏ mắt Natamycin.
Không nhiễm khuẩn
Dị ứng: chống dị ứng, loại bỏ dị nguyên.
Đắp lạnh giúp cải thiện triệu chứng.
Không nên tự điều trị tại nhà. Bắt buộc phải đến bác sĩ chuyên khoa vì các thuốc điều trị viêm kết mạc dị ứng là steroid và kháng histamin, thuốc ổn định dưỡng bào, ức chế miễn dịch,… cần có đánh giá và theo dõi của bác sĩ.2
Thực phẩm nên và không nên ăn khi bị đau mắt đỏ
Thực phẩm nên ăn
Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A: Rau có màu xanh đậm, cà rốt, bí đỏ, ớt chuông, cá, gan động vật,…
Thực phẩm bổ sung vitamin C như cam, chanh, bưởi, xoài,…
Các loại thức ăn chứa vitamin B như thịt gà, trứng, cá hồi, bông cải xanh,…
Thực phẩm nên kiêng
- Chất kích thích như rượu bia, nước uống có gas.
- Hạn chế các thực phẩm như mỡ động vật.
- Rau muống,…
Phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ
Thực hiện vệ sinh cá nhân để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ bằng cách:2
- Tránh dùng tay chạm vào mắt.
- Rửa tay thường xuyên.
- Dùng khăn sạch và khăn lau hàng ngày.
- Không dùng chung khăn tắm hoặc khăn mặt.
- Thay vỏ gối thường xuyên.
- Vứt bỏ mỹ phẩm dành cho mắt, chẳng hạn như mascara.
- Không dùng chung mỹ phẩm cho mắt hoặc các vật dụng chăm sóc mắt cá nhân.
Khi nào đến gặp bác sĩ
Bạn nên đến gặp bác sĩ trong những trường hợp sau:
- Trẻ em dưới 5 tuổi.
- Giảm thị lực.
- Ghèn mắt có màu xanh lá cây hoặc màu vàng.
- Giác mạc hơi chuyển sang mờ đục.
Bệnh đau mắt đỏ là bệnh thường gặp phổ biến. Phần lớn lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên nếu chủ quan, không tuân thủ điều trị có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, giảm thị lực, trường hợp nặng có thể gây mù. Do đó luôn phòng ngừa các trường hợp có thể khiến mắt bạn bị đỏ. Hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Câu hỏi thường gặp
Bệnh đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
Phần lớn các trường hợp đau mắt đỏ tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, thời gian khỏi bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tác nhân gây bệnh, lối sống, tuân thủ điều trị không, mức độ đáp ứng thuốc.
Vì sao bệnh đau mắt đỏ thường bùng phát vào mùa hè - thu?
Người ta thường đau mắt đỏ vào mùa hè – thu vì 3 lý do:
- Thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn virus phát triển.
- Người nhạy cảm với thời tiết gây nên các phản ứng dị ứng, có thể gây viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng.
- Các hoạt động ngoài trời như du lịch dã ngoại, bơi lội …làm cho virus vi khuẩn dễ lây lan trong cộng đồng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What You Need to Know About Conjunctivitishttps://www.healthline.com/health/conjunctivitis
Ngày tham khảo: 26/08/2022
-
What You Need to Know About Eye Rednesshttps://www.healthline.com/health/eye-redness
Ngày tham khảo: 26/08/2022
-
Pink eye (conjunctivitis)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/symptoms-causes/syc-20376355
Ngày tham khảo: 26/08/2022