YouMed

Bệnh Meniere: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

bác sĩ đinh thị lan phương
Tác giả: ThS.BS Đinh Thị Lan Phương
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Bệnh Meniere là một bệnh lý về sự rối loạn của tai trong. Nó có thể gây chóng mặt và mất thính giác. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh chỉ ảnh hưởng đến một bên tai. Để biết thêm những thông tin cơ bản về bệnh Meniere, YouMed xin gửi đến bạn đọc bài dưới đây.

1. Tổng quan về bệnh Meniere

Bệnh Meniere có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nó thường khởi phát ở độ tuổi vị thành niên và trung niên. Đây được coi là một bệnh lý mãn tính, nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm triệu chứng và giảm thiểu tác động lâu dài đến cuộc sống của bạn.

Bệnh Meniere liên quan đến sự rối loạn tai trong
Bệnh Meniere liên quan đến sự rối loạn tai trong

2. Triệu chứng của bệnh Meniere là gì?

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Meniere bao gồm:

  • Các đợt chóng mặt tái đi tái lại. Bạn có cảm giác quay cuồng. Triệu chứng này bắt đầu và biến mất một cách tự nhiên. Những đợt chóng mặt xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước và thường kéo dài từ 20 phút đến vài giờ, nhưng không quá 24 giờ. Chóng mặt nặng có thể gây buồn nôn.
  • Mất thính lực. Mất thính lực do bệnh Meniere có thể thoáng qua. Tuy nhiên, đến cuối cùng, nếu không điều trị thì hầu hết mọi người đều bị mất thính giác vĩnh viễn.
  • Ù tai. Ù tai là cảm nhận về âm thanh bất thường trong tai.
  • Cảm giác đầy tai. Người bệnh Meniere thường cảm thấy có áp lực tác động lên tai.

Sau một đợt xuất hiện, các dấu hiệu và triệu chứng được cải thiện và có thể biến mất hoàn toàn trong một khoảng thời gian. Theo thời gian, tần suất các đợt bệnh có thể giảm dần.

Người bệnh có thể cảm thấy ù hay đầy tai
Người bệnh có thể cảm thấy ù hay đầy tai

Khi nào cần đến khám bác sĩ?

Nếu bạn có những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Meniere, hãy đến khám bác sĩ. Những rối loạn này có thể gây ra bởi bệnh khác và việc chẩn đoán sớm vô cùng quan trọng.

3. Nguyên nhân gây nên bệnh Meniere

Hiện nay, nguyên nhân gây nên bệnh Meniere vẫn chưa rõ. Triệu chứng của bệnh xuất hiện do bất thường lượng dịch ở tai trong, nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra điều này.

Yếu tố ảnh hưởng đến lượng dịch này có thể góp phần gây nên bệnh Meniere. Chúng bao gồm:

  • Đường dẫn của dịch không hiệu quả, có thể do tắc nghẽn hoặc bất thường giải phẫu.
  • Đáp ứng miễn dịch bất thường.
  • Nhiễm trùng.
  • Có khuynh hướng di truyền.

Bởi vì không có một nguyên nhân nào được xác định, nên bệnh Meniere có khả năng là do sự kết hợp của nhiều yếu tố nguy cơ.

4. Biến chứng của bệnh Meniere là gì?

Các đợt chóng mặt không thể đoán trước và khả năng mất thính lực vĩnh viễn có thể là những vấn đề khó khăn nhất của bệnh Meniere. Bệnh có thể đột ngột làm gián đoạn cuộc sống của bạn, khiến bạn mệt mỏi và căng thẳng.

Chóng mặt có thể làm bạn mất thăng bằng, tăng nguy cơ té ngã và tai nạn.

5. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh Meniere?

Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và khai thác bệnh sử của bệnh. Chẩn đoán bệnh Meniere cần:

  • Hai đợt chóng mặt, mỗi đợt kéo dài 20 phút hoặc lâu hơn nhưng không lâu quá 12 giờ.
  • Mất thính lực được xác nhận bằng thính lực đồ.
  • Ù tai hoặc cảm giác đầy tai.
  • Loại trừ các nguyên nhân khác gây nên triệu chứng tương tự.
Bác sĩ cần thực hiện các kiểm tra để đưa ra chẩn đoán
Bác sĩ cần thực hiện các kiểm tra để đưa ra chẩn đoán

Đánh giá thính lực

Kiểm tra thính lực (thính lực kế) đánh giá mức độ phát hiện âm thanh ở các cao độ và âm lượng khác nhau và mức độ phân biệt giữa các từ có âm tương tự. Người mắc bệnh Meniere thường gặp vấn đề khi nghe âm thanh có tần số thấp hoặc âm thanh kết hợp tần số cao và thấp. Trong khi nghe các âm thanh có tần số trung bình, người đó nghe được bình thường.

Đánh giá thăng bằng

Giữa các đợt chóng mặt, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh Meniere có cảm giác thăng bằng trở lại bình thường. Nhưng bạn cũng có thể gặp một số vấn đề liên quan đến thăng bằng.

Xét nghiệm đánh giá chức năng tai trong, bao gồm:

  • Ảnh động nhãn đồ (Videonystagmography – VNG). Xét nghiệm đánh giá chức năng thăng bằng bằng cách đánh giá chuyển động của mắt. Các thụ cảm liên quan đến thăng bằng nằm ở tai trong được liên kết với các kiểm soát chuyển động của mắt. Sự kết nối này cho phép mắt tập trung nhìn vào một điểm trong khi bạn đang xoay đầu.
  • Bài kiểm tra trên ghế xoay. Giống như VNG, xét nghiệm đo chức năng tai trong dựa trên chuyển động của mắt. Bạn ngồi trên một chiếc ghế xoay được điều khiển bằng máy tính, nó sẽ kích thích tay trong của bạn.
  • Điện thế gợi tính cơ tiền đình (vestibular evoked myogenic potential – VEMP). Xét nghiệm này cho thấy sự hứa hẹn không chỉ trong chẩn đoán mà còn có hiệu quả theo dõi bệnh. Nó cho thấy những thay đổi đặc trưng ở tai bị ảnh hưởng của người bệnh.
  • Biểu đồ tư thế (Posturography). Xét nghiệm cho biết bộ phận nào của hệ thống cân bằng (bao gồm: thị lực chức năng tai trong hoặc cảm giác từ da, cơ, gân và khớp) mà bạn dựa vào nhiều nhất và bộ phận nào đang gặp trục trặc. Khi đeo dây an toàn, bạn đứng bằng chân trần trên bệ và giữ thăng bằng trong các tư thế khác nhau.

Xét nghiệm loại trừ các tình trạng bệnh khác

Xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh như MRI được sử dụng để loại trừ các bệnh lý có thể gây ra tình trạng tương tự bệnh Meniere, chẳng hạn như khối u trong não hoặc bệnh đa xơ cứng.

6. Điều trị bệnh Meniere như thế nào?

Đáng tiếc rằng hiện nay chưa có cách chữa trị nào đối với bệnh Meniere. Một số phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm mức độ nặng và tần suất các cơn chóng mặt. Nhưng thật không may, vẫn chưa có phương pháp điều trị nào cho tình trạng mất thính lực.

Thuốc điều trị chóng mặt

Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc nhằm giảm mức độ nặng của các cơn chóng mặt:

  • Thuốc chống say tàu xe. Chẳng hạn như meclizine hoặc diazepam (Valium), có thể làm giảm cảm giác chóng mặt và giúp kiểm soát buồn nôn và nôn.
  • Thuốc chống buồn nôn. Chẳng hạn như promethazine, có thể kiểm soát buồn nôn và nôn khi bị chóng mặt.
Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để điều trị chóng mặt
Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để điều trị chóng mặt

Thuốc điều trị lâu dài

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc làm giảm giữ nước (lợi tiểu) và đề nghị bạn hạn chế ăn mặn. Đối với một số người, sự kết hợp này giúp kiểm soát mức độ nặng và tần suất xuất hiện các triệu chứng của bệnh Meniere.

Phương pháp và quá trình điều trị không can thiệp

Một số người mắc bệnh Meniere có thể sẽ tốt hơn khi thực hiện các phương pháp và quá trình điều trị không can thiệp, chẳng hạn như:

  • Phục hồi chức năng. Nếu bạn có những vấn đề về thăng bằng ngoài các cơn chóng mặt, phục hồi chức năng tiền đình có thể cải thiện khả năng thăng bằng của bạn.
  • Dùng máy trợ thính. Sử dụng máy trợ thính ở bên tai bị ảnh hưởng bởi bệnh Meniere có thể cải thiện thính lực của bạn. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến chuyên gia thính học để trao đổi, tìm ra máy trợ thính phù hợp với bạn.
  • Liệu pháp tạo áp lực dương. Đối với chóng mặt khó điều trị, phương pháp này tạo một áp lực dương lên vùng tai giữa để giảm bớt sự tích tụ của dịch. Bạn sẽ được sử dụng một thiết bị được gọi là máy phát xung Meniett. Máy sẽ tác động các xung áp lực vào ống tai thông qua một ống thông gió. Bằng cách này, bạn có thể điều trị tại nhà mỗi ngày 3 lần và mỗi lần 5 phút. Liệu pháp này cho thấy cải thiện triệu chứng chóng mặt, ù tai, căng tai trong một số nghiên cứu. Tuy nhiên, hiệu quả lâu dài của nó vẫn chưa được xác định.

Nếu các phương pháp điều trị được liệt kê ở trên không thành công thì bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp xâm lấn hơn.

Tiêm thuốc vào tai giữa

Bằng phương pháp này, thuốc sẽ được tiêm vào tai giữa. Sau đó, chúng sẽ được hấp thu vào tai trong và có thể cải thiện triệu chứng chóng mặt. Phương pháp này sẽ được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ. Các loại thuốc tiêm thường dùng là:

  • Gentamicin. Là một loại kháng sinh gây độc cho tai trong của bạn, làm giảm chức năng thăng bằng của tai. Khi đó, tai còn lại sẽ đảm nhận nhiệm vụ giữ thăng bằng. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ sẽ mất thính lực thêm nếu điều trị bằng cách này.
  • Steroids. Chẳng hạn như dexamethasone, cũng có thể giúp kiểm soát cơn chóng mặt ở một số bệnh nhân. Mặc dù dexamethasone có thể kém hiệu quả hơn gentamicin, nhưng thay vào đó, nó ít có khả năng gây mất thính lực hơn gentamicin.
Một phương pháp điều trị bệnh Meniere là tiêm thuốc vào tai giữa
Một phương pháp điều trị bệnh Meniere là tiêm thuốc vào tai giữa

Phẫu thuật

Nếu các cơn chóng mặt ngày càng nghiêm trọng, gây suy nhược và các phương pháp điều trị khác không có tác dụng thì phẫu thuật có thể là một lựa chọn. Các loại phẫu thuật bao gồm:

  • Phẫu thuật giải áp túi nội bạch huyết. Túi nội bạch huyết đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh lượng dịch ở tai trong. Trong lúc phẫu thuật, túi nội bạch huyết sẽ được giải áp và làm giảm lượng chất lỏng dư thừa. Trong một số trường hợp, phẫu thuật sẽ được kết hợp với việc đặt một ống dẫn để dẫn lượng dịch dư từ tai trong ra ngoài.
  • Phẫu thuật cắt bỏ mê nhĩ. Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần cân bằng của tai trong, do đó chức năng cân bằng và thính lực của tai bị ảnh hưởng cũng bị loại bỏ. Quá trình này chỉ được thực hiện nếu bạn đã mất thính lực hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn.
  • Phẫu thuật loại bỏ dây thần kinh tiền đình. Phẫu thuật này sẽ cắt dây thần kinh liên kết thụ cảm thăng bằng và chuyển động trong tai trong với não (dây thần kinh tiền đình). Phương pháp này thường sẽ khắc phục các vấn đề về chóng mặt trong khi cố gắng duy trì thính giác ở tai bị ảnh hưởng. Phương pháp này yêu cầu phải gây mê toàn thân và phải ở lại bệnh viện để theo dõi.

7. Thay đổi lối sống và chăm sóc tại nhà đối với người bệnh

Một số cách chăm sóc có thẻ giúp giảm tác động của bệnh Meniere. Hãy cùng đọc qua một số cách được áp dụng khi bị chóng mặt:

  • Ngồi hoặc nằm xuống khi bạn cảm thấy chóng mặt. Khi bị chóng mặt, hãy tránh những thứ có thể làm triệu chứng của bạn nặng hơn. Chẳng hạn như đột ngột di chuyển, đèn sáng, xem tivi hoặc đọc sách. Cố gắng tập trung vào một vật đang đứng yên.
  • Nghỉ ngơi trong và sau giai đoạn chóng mặt. Đừng vội quay lại làm việc hoặc vận động.
  • Hãy lưu ý rằng bạn có thể bị mất thăng bằng. Té ngã có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng. Sử dụng đèn với ánh sáng đủ nếu bạn thức dậy vào ban đêm. Sử dụng gậy chống để đi có thể giúp bạn ổn định nếu bạn bị mất thăng bằng thường xuyên.
Hãy mở đèn để tránh nguy cơ té ngã vào ban đêm
Hãy mở đèn để tránh nguy cơ té ngã vào ban đêm

Thay đổi lối sống

Để tránh bị những cơn chóng mặt, hãy thử các cách sau:

  • Hạn chế ăn muối. Sử dụng thức ăn và đồ uống có nhiều muối có thể làm tăng giữ nước. Hãy đặt mục tiêu dùng ít hơn 2.300mg muối natri mỗi ngày. Chuyên gia cũng khuyến cáo nên chia đều lượng muối tiêu thụ trong ngày ra từng bữa ăn.

>> Muối là thành phần không thể thiếu nhưng với bệnh Meniere, bạn cần lưu ý liều lượng muối mình hấp thu. Đọc thêm: Trẻ cần bổ sung bao nhiêu muối trong khẩu phần ăn của mình?

  • Hạn chế sử dụng caffeine, rượu và thuốc lá. Những chất này có thể ảnh hưởng tới cân bằng dịch trong tai của bạn.

Qua bài viết trên, YouMed mong gửi đến bạn đọc những thông tin bổ ích về bệnh Meniere. Nếu có những triệu chứng bất thường trên, đừng ngần ngại đặt lịch khám bác sĩ thông qua YouMed. Hãy nhớ, chẩn đoán sớm và điều trị sẽ giúp ích rất nhiều đối với sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bạn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Meniere's diseasehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/menieres-disease/diagnosis-treatment/drc-20374916

    Ngày tham khảo: 24/09/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người