Bệnh Peyronie và những thông tin mà nam giới không nên bỏ qua
Nội dung bài viết
Bệnh Peyronie là một bệnh tuy nghe khá lạ lẫm nhưng xuất hiện không ít. Đây là một bệnh lý xuất hiện ở cơ quan sinh dục của nam giới. Bệnh không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng khá nhiều đến hoạt động tình dục. Vậy bệnh lý này cụ thể như thế nào? Triệu chứng ra sao? Điều trị có khó khăn hay không? Tất cả sẽ được YouMed giải đáp qua bài viết sau đây.
1. Khái niệm về bệnh Peyronie
Bệnh Peyronie còn có tên gọi khác là bệnh cong dương vật. Đây là bệnh gây ra mô sẹo, xuất hiện ở bên trong dương vật và tinh hoàn. Mô sẹo xuất hiện nhiều trong màng bao trắng. Vị trí thường gặp nhất là ở đầu và gốc dương vật. Vì mô sẹo ngày càng trở nên dày hơn dương vật sẽ bị cong hoặc bị lệch.
Tình trạng dương vật cong hoặc lệch sẽ làm người bệnh bị đau khi quan hệ, thậm chí không thể quan hệ được. Thêm vào đó, tình trạng sưng và viêm dương vật có thể để lại sẹo cứng vĩnh viễn.
2. Đặc điểm của bệnh Peyronie
Mô sẹo trong bệnh Peyronie không giống như những loại mô xuất hiện bất thường trong động mạch. Nó chỉ là mô dạng xơ lành tính và không phải ung thư.
Đây không phải bệnh truyền nhiễm và không lây lan qua đường tình dục. Khi cương cứng thì dương vật bị cong chính là đặc điểm dễ nhận dạng của bệnh.
Bệnh này làm cho tình trạng cong (hoặc lệch) dương vật trở nên trầm trọng hơn. Việc hình thành mô sẹo xơ xuất hiện do sự kích thích ở dương vật, dẫn đến dương vật bị cong. Điều đó cản trở sự hoạt động bình thường của dương vật khi quan hệ.
3. Tình hình dịch tễ của bệnh
Khoảng 1 đến 3% dân số trên toàn cầu mắc bệnh Peyronie. Hiện nay, số lượng người mắc bệnh này đang có xu hướng tăng. Bệnh tiến triển chậm, trải qua nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Trong phần lớn các trường hợp bệnh thì khả năng tình dục ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp nặng thì sẽ gây đau dương vật lúc cương cứng và khó thực hiện chức năng giao hợp.
4. Nguyên nhân
Cho đến ngày nay, y học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của bệnh. Theo một vài giả thuyết, bệnh xảy ra do một đáp ứng tự miễn khi mạch máu ở dương vật bị chấn thương. Hoặc do các nguyên nhân khác như:
- Di truyền.
- Rối loạn tổng hợp sợi collagen.
- Tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc hạ áp, thuốc giãn mạch, thuốc giãn cơ,…
Một số nhà nghiên cứu cho rằng bệnh cong dương vật có thể là hậu quả của một số bệnh tự miễn gây ra. Khi mắc bệnh tự miễn, hệ miễn dịch dễ bị nhầm lẫn và tấn công các tế bào lành mạnh của cơ thể. Vì vậy, bệnh sẽ xuất hiện khi các tế bào của dương vật bị tấn công dẫn đến viêm và sẹo.
5. Triệu chứng của bệnh
Các triệu chứng và biểu hiện của bệnh cong dương vật có thể xuất hiện từ từ hoặc đột ngột. Các triệu chứng phổ biến nhất gồm có:
- Mô sẹo: thường được cảm nhận dưới da của dương vật như u cục phẳng hoặc là một dải mô chắc.
- Dương vật bị uốn cong: dương vật có thể bị cong lên, cong xuống hoặc bị lệch sang một bên.
- Rối loạn cương cứng: bệnh có thể dẫn đến tình trạng rối loạn chức năng cương dương.
- Dương vật bị rút ngắn: dương vật của người bệnh thường trở nên ngắn hơn so với lúc chưa bị bệnh.
- Đau: người bệnh có thể bị đau dương vật và gặp khó khăn trong thời gian cương cứng.
6. Nguy cơ mắc bệnh
Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cong dương vật cao bao gồm những đối tượng sau đây:
- Vận động viên thể thao.
- Những người có sở thích quan hệ tình dục mạnh.
- Mặc quần lót quá chật.
- Người có thói quen ngủ nằm sấp.
Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh:
- Yếu tố di truyền.
- Rối loạn mô liên kết.
- Tuổi tác: tỷ lệ mắc bệnh cong dương vật thường gia tăng theo độ tuổi.
- Thói quen thủ dâm.
- Tật bẻ dương vật thường xuyên.
- Sử dụng ống hút chân không điều trị bệnh liệt dương.
- Tiêm thuốc vào dương vật.
- Quan hệ với phụ nữ mắc chứng co thắt âm đạo.
7. Chẩn đoán bệnh
Bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán bệnh Peyronie thông qua những biện pháp sau:
- Khám bệnh: khám khi dương vật không cương cứng nhằm xác định vị trí và số lượng mô sẹo.
- Bác sĩ có thể sẽ xem hình ảnh của dương vật cương cứng, xác định vị trí của mô sẹo, độ cong của dương vật,…
- Một số xét nghiệm khác: siêu âm khi dương vật cương cứng, xét nghiệm miễn dịch, xét nghiệm máu,…
8. Điều trị
8.1 Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiếp tục theo dõi nếu:
- Dương vật bị cong ít
- Không bị đau khi giao hợp.
- Chỉ hơi đau khi cương cứng hoặc cương cứng bình thường.
Nếu các triệu chứng trở nặng, các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc uống hoặc phẫu thuật.
8.2 Các loại thuốc uống có thể gồm
- Vitamin E
- Potaba.
- Tamoxifen.
- Colchicine.
- Acetyl-L-carnitine.
8.3 Các loại thuốc tiêm gồm có
- Verapamil.
- Interferon alpha 2b.
- Kháng viêm Corticoide.
- Collagenase (Xiaflex).
8.4 Phẫu thuật
Khi bệnh quá nặng, dương vật quá cong hoặc quá đau khi cương cứng, không thể điều trị bằng cách uống thuốc. Có 3 phương pháp phẫu thuật để điều trị bệnh: rạch hoặc cắt mảng xơ và vá che phủ, khâu gấp nếp vật hang, đặt vật hang nhân tạo.
8.5 Một số phương pháp khác
- Liệu pháp ion hóa
- Điều trị sóng xung kích.
- Điều trị kéo dương vật.
- Sử dụng các thiết bị chân không.
9. Các biện pháp phòng bệnh
Một số biện pháp phòng bệnh Peyronie gồm có:
- Duy trì các hoạt động thể thao phù hợp.
- Hạn chế thức uống có cồn.
- Không nên sử dụng thuốc lá và các chất kích thích.
- Sinh hoạt tình dục lành mạnh.
- Hạn chế những thói quen không tốt như: thủ dâm, mặc quần lót quá chật, ngủ ở tư thế nằm sấp,…
- Khám sức khỏe định kỳ.
Trên đây là những thông tin về bệnh Peyronie mà YouMed muốn chia sẻ đến bạn đọc. Qua đó, các chàng trai hãy rèn luyện lối sống lành mạnh, từ bỏ những thói quen không tốt để đừng mắc bệnh nhé!
>> Thủ dâm lành mạnh là như thế nào, tìm hiểu thêm về những cách thủ dâm lành mạnh cho nam tại đây.
Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.