Bệnh trĩ ngoại: Tất tần tật những điều bạn cần biết
Nội dung bài viết
Nếu bạn đang tự hỏi về nguyên nhân gây ra bệnh trĩ ngoại và cách điều trị chúng, bài viết này là dành cho bạn. Chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp cho bạn tất cả những gì bạn cần biết. Bệnh trĩ ngoại là gì? Nguyên nhân và triệu chứng của chúng? Cách điều trị hiệu quả nhất cho trĩ ngoại? Hãy tiếp tục đọc để trả lời các câu hỏi của bạn về căn bệnh này.
Tổng quan bệnh trĩ là gì?
Trĩ là hiện tượng các tĩnh mạch nằm xung quanh hậu môn hoặc ở phần dưới trực tràng sưng lên. Khoảng 50 % người lớn gặp phải các triệu chứng của bệnh trĩ khi 50 tuổi.
Trĩ có thể ở trong hoặc ngoài. Trĩ nội phát triển bên trong hậu môn hoặc trực tràng. Trĩ ngoại phát triển bên ngoài hậu môn. Do bệnh trĩ ngoại nằm ở ngoài hậu môn nên thường dễ nhận biết hơn bệnh trĩ nội. Mặc dù trĩ nội có thể sa và thò ra bên ngoài hậu môn, nhưng chúng có thể tự tụt trở lại vào bên trong. Chính vì vậy mà nhiều người khi mắc bệnh trĩ nội đều nghĩ rằng mình mắc bệnh trĩ ngoại. Tốt nhất nên nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp bạn tìm hiểu xem bạn đang gặp phải tình trạng nào. Từ đó bạn có lựa chọn điều trị nào phù hợp với loại bệnh của bạn.
Trĩ ngoại là bệnh phổ biến nhất và gây nhiều phiền toái nhất. Bệnh trĩ khiến người bệnh đau đớn, ngứa ngáy dữ dội, khó ngồi. May mắn thay, chúng ta có nhiều cách để giảm thiểu triệu chứng và điều trị khỏi. Ngoài ra, thực hiện một số thay đổi trong lối sống cũng giảm nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Bệnh trĩ ngoại
1. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh trĩ ngoại là do tăng áp lực và lặp lại nhiều lần khi đi cầu. Việc đó dẫn đến các tĩnh mạch ở hậu môn hoặc trực tràng bị giãn hoặc to ra.
Một số nguyên nhân gây bệnh trĩ bên ngoài phổ biến khác bao gồm:
- Thai kỳ.
- Táo bón hoặc tiêu chảy.
- Nâng tạ nặng.
- Béo phì.
Mỗi tình huống trên đều tạo thêm áp lực lên các tĩnh mạch trực tràng. Cuối cùng có thể làm tăng sưng búi trĩ ngoại. Ví dụ: ở phụ nữ mang thai, tử cung tạo thêm áp lực lên các tĩnh mạch này và có thể khiến chúng to ra.
2. Dấu hiệu bệnh trĩ ngoại
Khác với trĩ nội, trĩ ngoại nằm ở khu vực có đầu dây thần kinh thụ cảm nên dễ nhận biết nhưng cũng khó chịu hơn đáng kể. Bệnh nhân bị trĩ ngoại thường cho biết họ bị đau cấp tính hoặc khó chịu. Đặc biệt là khi đi tiêu. Tuy nhiên, những triệu chứng này có thể trùng lắp với dấu hiệu của một số bệnh tiêu hóa khác, nên đôi khi gây nhầm lẫn cho bác sĩ và bệnh nhân.
Triệu chứng của trĩ ngoại
Mặc dù bác sĩ đã có chứng chỉ là người duy nhất có thể đưa ra chẩn đoán đáng tin cậy cho bạn; nhưng đây là một số triệu chứng thường chỉ ra vấn đề trĩ ngoại mà bạn có thể tham khảo:
- Ngứa nhẹ đều khắp xung quanh khu vực trực tràng
- Đau xung quanh vùng hậu môn, từ nhẹ đến nặng
- Sưng xung quanh hậu môn
- Bạn cũng có thể nhận thấy trĩ ngoại của mình sưng lên và bị trĩu xuống trong quá trình đi cầu.
Triệu chứng của trĩ ngoại và trĩ nội: phân biệt và phối hợp
Nhiều người mắc bệnh trĩ ngoại cũng có các triệu chứng của bệnh trĩ nội. Trĩ nội nằm bên trong trực tràng. Mặc dù chúng thường không gây đau, nhưng chúng có thể gây khó chịu. Chảy máu không đau khi đi tiêu là một dấu hiệu lớn của bệnh trĩ nội. Nếu bạn đang bị chảy máu; nó có thể đến từ trĩ nội, vết nứt hoặc các tình trạng khác.
Một triệu chứng trĩ nội khác cần lưu ý là sa. Tình trạng này xảy ra khi mô bên trong ống hậu môn bị phình ra bên ngoài trực tràng. Mô bị sa thường được gây ra bởi áp lực để di chuyển phân và có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp.
Những người bị trĩ ngoại cũng có thể cùng lúc bị trĩ nội, hay còn gọi là trĩ hỗn hợp. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị trĩ. Mặc dù rất hiếm khi bệnh trĩ ngoại đe dọa sức khỏe nghiêm trọng, nhưng việc điều trị trĩ ngoại đúng cách có thể giúp bạn không phải chịu đựng một số đợt bùng phát đau đớn trong tương lai.
3. Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh trĩ ngoại
Nếu bố mẹ bạn đã từng mắc bệnh trĩ, thì bạn cũng có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn.
Khi chúng ta già đi, các mô liên kết dần trở nên lỏng lẻo khiến chúng ta dễ bị trĩ hơn.
Thường xuyên sinh hoạt ở tư thế ngồi; hoặc mang thai khiến áp lực lên trực tràng gia tăng thì bạn sẽ có nguy cơ bị trĩ.
Bất cứ điều gì khiến bạn phải rặn khi đi tiêu, đi tiêu quá lâu và thường xuyên lặp lại, đều có thể dẫn đến bệnh trĩ ngoại.
Nếu bạn không chắc nguyên nhân gây ra bệnh trĩ của mình, bác sĩ có thể giúp xác định lý do tại sao.
Chữa bệnh trĩ ngoại
Điều trị bao gồm các biện pháp khắc phục tại nhà và phẫu thuật.
1. Điều trị bệnh trĩ ngoại tại nhà
Một vài biện pháp khắc phục tại nhà mọi người có thể sử dụng để điều trị bệnh trĩ bao gồm:
- Tắm nước ấm
- Nhẹ nhàng làm sạch hậu môn sau khi đi tiêu bằng khăn ướt hoặc miếng bông.
- Chườm túi đá bằng vải để giảm sưng
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), chẳng hạn như ibuprofen hoặc acetaminophen, để giảm đau và khó chịu
- Bôi thuốc mỡ, chẳng hạn như kem có cây phỉ hoặc hydrocortisone- để giảm ngứa.
- Hãy nhớ giới hạn thời gian đi vệ sinh trong vòng hai phút. Vì gia tăng thêm áp lực lâu dài có thể làm trầm trọng hơn bệnh trĩ ngoại của bạn. Nếu bạn thường xuyên phải rặn để đi tiêu, hãy cố gắng tăng lượng chất xơ và nước. Ăn thực phẩm có chất xơ là cách có lợi nhất để có được lượng fiber này. Lượng khuyến nghị là 20 đến 30 gam mỗi ngày.
2. Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật
Theo một nghiên cứu trên tạp chí American Family Physician, loại bỏ búi trĩ ngoại gây đau đớn trong vòng 72 giờ sau khi nó phát triển, có thể giúp giảm đau nhanh chóng hơn so với các phương pháp điều trị khác.
Bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật bằng cách gây tê cục bộ.
Phẫu thuật chỉ có hiệu quả nếu quy trình diễn ra trong vòng 72 giờ kể từ khi các triệu chứng phát triển. Sau thời gian này, phẫu thuật thường không hữu ích và các triệu chứng cuối cùng sẽ tự cải thiện.
Phụ nữ mang thai có thể thử nhiều phương pháp điều trị tại nhà được liệt kê ở trên để điều trị bệnh trĩ ngoại của mình và giảm bớt cơn đau. Tuy nhiên, họ phải luôn kiểm tra với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc bôi nào lên búi trĩ ngoại để đảm bảo nó sẽ không ảnh hưởng đến thai kỳ.
Các thói quen tốt phòng bệnh trĩ ngoại
Cách chính để ngăn ngừa bệnh trĩ ngoại phát triển bao gồm: tránh táo bón; và sự hình thành của phân cứng, khô gây khó đi ngoài.
Các mẹo để ngăn ngừa bệnh trĩ ngoại bao gồm:
- Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn. Bao gồm ăn trái cây tươi, rau, bánh mì nguyên hạt và ngũ cốc.
- Uống nhiều nước mỗi ngày, để mỗi khi đi tiểu nước tiểu có màu vàng nhạt.
- Tham gia vào hoạt động thể chất thường xuyên, giúp thúc đẩy sự chuyển động tự nhiên của ruột.
- Sử dụng phòng tắm khi cần thiết và không trì hoãn trong một khoảng thời gian không cần thiết.
- Giảm thời gian ngồi toilet.
- Những người bị táo bón và trĩ tái đi tái lại nhiều lần nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn một cách tốt nhất.
ThS.BS.CKI Trần Quốc Phong
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
External Hemorrhoidshttps://www.healthline.com/health/external-hemorrhoids
Ngày tham khảo: 05/06/2021
-
Hemorrhoidshttps://www.healthline.com/health/hemorrhoids#What-are-hemorrhoids?
Ngày tham khảo: 05/06/2021
-
How do you treat an external hemorrhoid?https://www.medicalnewstoday.com/articles/322732
Ngày tham khảo: 05/06/2021
-
External Hemorrhoids
https://www.crhsystem.com/external-hemorrhoids/
Ngày tham khảo: 06/06/2021