Bổ sung vitamin và khoáng chất cho mẹ bầu sao cho hợp lý?
Nội dung bài viết
Có thể nói, mang thai là một trải nghiệm hạnh phúc nhất trong cuộc đời của người phụ nữ. Vấn đề dinh dưỡng luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn từ các mẹ bầu. Bên cạnh xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lí, việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho mẹ bầu là vô cùng quan trọng. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu tại sao cần bổ sung vitamin cùng khoáng chất và cách bổ sung như thế nào cho hợp lí qua bài viết của Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân nhé!
Tại sao cần bổ sung vitamin và khoáng chất cho phụ nữ mang thai?
1. Nhu cầu dinh dưỡng tăng cao
Dinh dưỡng phù hợp rất quan trọng trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Điều này đặc biệt quan trọng khi mang thai bởi vì phụ nữ mang thai cần nuôi dưỡng cả bản thân và em bé đang lớn.
Trong suốt quá trình mang thai, nhu cầu nạp các chất dinh dưỡng đa lượng tăng đáng kể. Các chất dinh dưỡng đa lượng bao gồm carbohydrat, đạm và chất béo. Ví dụ, theo khuyến cáo, nhu cầu đạm hàng ngày đối với phụ nữ không mang thai là 0.8 gram/kg. Trong khi đó, nhu cầu đạm của phụ nữ mang thai tăng lên 1.1 gram/kg.
Tuy nhiên, nhu cầu các chất dinh dưỡng vi lượng thậm chí còn tăng nhiều hơn so với các chất đa lượng. Các chất dinh dưỡng vi lượng đó chính là vitamin, khoáng chất, các nguyên tố vi lượng.
Vitamin và khoáng chất hỗ trợ sự phát triển của cả bào thai và người mẹ tại mỗi giai đoạn của quá trình mang thai. Và chúng được yêu cầu để hỗ trợ các chức năng quan trọng như tăng trưởng tế bào và các tín hiệu tế bào.
2. Một số tình trạng sức khỏe khi mang thai
Trong khi một số phụ nữ có một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu các chất dinh dưỡng đầy đủ, thì một số khác lại không. Một vài phụ nữ mang thai cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất. Một vài nguyên nhân, bao gồm:
Thiếu hụt dinh dưỡng
Một số phụ nữ mang thai có thể cần bổ sung sau khi làm xét nghiệm máu cho thấy sự thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất. Bổ sung những chất còn thiếu là rất quan trọng vì thiếu hụt các chất dinh dưỡng như folate có liên quan đến các dị tật bẩm sinh.
Tình trạng ốm nghén nặng
Ốm nghén là tình trạng xảy ra trong thai kì đặc trưng bởi buồn nôn và nôn nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn đến giảm cân và thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Chế độ ăn kiêng
Một số phụ nữ tuân theo chế độ ăn kiêng nào đó, như người ăn chay và những người không dung nạp hay bị dị ứng với thực phẩm. Những đối tượng này có thể cần bổ sung vitamin và khoáng chất để ngăn ngừa thiếu hụt các chất dinh dưỡng vi lượng.
Hút thuốc lá
Mặc dù rất quan trọng đối với các phụ nữ mang thai là tránh hút thuốc lá trong thai kỳ, những người tiếp tục hút thuốc lá tăng nhu cầu về các chất dinh dưỡng như vitamin C và folate.
Đa thai
Phụ nữ mang đa thai sẽ có nhu cầu các chất dinh dưỡng vi lượng cao hơn người mang thai đơn. Những đối tượng này cần có nhu cầu bổ sung dinh dưỡng cao hơn để đảm bảo dinh dưỡng tối ưu cho cả mẹ và bé.
Ăn uống kém
Phụ nữ ăn quá ít hoặc chọn thực phẩm ít dinh dưỡng có thể cần bổ sung vitamin và khoáng chất để tránh thiếu hụt.
Đột biến gen
MTHFR là một gen chịu trách nhiệm chuyển folate thành dạng chất mà cơ thể có thể sử dụng được. Phụ nữ mang thai với đột biến gen này cần bổ sung một dạng folate đặc biệt để tránh các biến chứng do thiếu hụt folate.
3. Bổ sung trước mang thai
Ngoài ra, các chuyên gia đến từ Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ mang thai nên bổ sung vitamin và acid folic trước khi mang thai. Điều này nhằm mục đích lấp đầy các khoảng trống dinh dưỡng và ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh như tật nứt đốt sống.
Hãy cùng điểm qua một số vitamin và khoáng chất thường được bổ sung cho các mẹ bầu nhé!
Bổ sung vitamin B (Folate)
Folate là một loại vitamin B đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp DNA, sản xuất hồng cầu và sự tăng trưởng, phát triển của thai nhi.
Axit folic là một dạng tổng hợp của folate có trong nhiều chất bổ sung. Nó được chuyển đổi thành dạng hoạt động của folate trong cơ thể (L-methylfolate).
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, phụ nữ mang thai nên uống 600 ug folate hoặc axit folic mỗi ngày. Mục đích giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh và các bất thường bẩm sinh khác như dị tật tim, hở hàm ếch.
Khi xem xét 5 nghiên cứu ngẫu nhiên bao gồm 6105 phụ nữ tham gia, việc bổ sung axit folic hàng ngày có liên quan đến việc giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh. Không có tác dụng phụ nào được ghi nhận.
Mặc dù có thể thu được lượng folate đầy đủ thông qua chế độ ăn hàng ngày, nhưng nhiều phụ nữ không ăn đủ những thực phẩm giàu folate. Điều này khiến cho việc bổ sung thêm là cần thiết.
Ngoài ra, trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh khuyến nghị tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêu thụ ít nhất 400 mcg folate hoặc acid folic mỗi ngày. Bởi vì, nhiều trường hợp mang thai không có kế hoạch, và dị tật bẩm sinh do thiếu hụt folate có thể xảy ra rất sớm trong thai kì, ngay cả trước khi phụ nữ biết rằng họ đang mang thai.
Bổ sung chất sắt
Nhu cầu về sắt tăng đáng kể khi mang thai. Bởi vì lượng máu của người mẹ tăng gần 50%.
Ta đã biết, sắt rất quan trọng cho việc vận chuyển oxy và tăng trưởng, phát triển của thai nhi và nhau thai.
Tại Hoa kỳ, tỉ lệ thiếu sắt ở phụ nữ mang thai là khoảng 18%. Và khoảng 5% những người phụ nữ này bị thiếu máu. Thiếu máu khi mang thai có liên quan đến sinh non, trầm cảm của người mẹ và thiếu máu ở trẻ sơ sinh.
Lượng sắt khuyến cáo mỗi ngày khoảng 27 mg có thể được đáp ứng thông qua hầu hết các viên bổ sung vitamin tổng hợp. Tuy nhiên, những phụ nữ mang thai bị thiếu máu hay thiếu sắt cần có nhu cầu bổ sung sắt cao hơn. Những trường hợp này cần được sự chỉ định và điều trị của bác sĩ.
Phụ nữ mang thai không bị thiếu sắt thì không nên dùng nhiều hơn lượng sắt được khuyến cáo để tránh tác dụng phụ bất lợi. Các tác dụng phụ có thể gồm táo bón, nôn ói, nồng độ hemoglobin cao bất thường.
Bổ sung canxi
Canxi giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc, đảm bảo chức phận thần kinh và sự đông máu bình thường. Các quá trình chuyển hoá trong cơ thể, tạo xương cho thai nhi và cung cấp canxi trong bài tiết sữa đều cần canxi. Phụ nữ mang thai và cho con bú mỗi ngày cần 1000 – 1300 mg canxi.
Cách tốt nhất là sử dụng canxi từ thực phẩm. Sữa là nguồn cung cấp canxi tốt nhất, hàm lượng tương đối nhiều (100 – 120 mg/100ml sữa nước pha chuẩn), tỷ lệ hấp thu cao. Các thức ăn hải sản như tôm, cua, ngao, sò và trứng có hàm lượng canxi cũng khá phong phú.
Bổ sung vitamin D
Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo. Loại vitamin này đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch của cơ thể, sức khỏe của xương và phân chia tế bào.
Thiếu vitamin D khi mang thai có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh mổ, tiền sản giật, sinh non, đái tháo đường thai kì.
Lượng vitamin D được khuyến cáo hàng ngày đối với phụ nữ mang thai là 600 UI. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, nhu cầu vitamin D trong thai kỳ cao hơn nhiều.
Tất cả phụ nữ mang thai nên trao đổi với bác sĩ về việc sàng lọc thiếu vitamin D và bổ sung sao cho hợp lí.
Bổ sung magie
Magie là một khoáng chất liên quan đến hàng trăm phản ứng hóa học trong cơ thể bạn. Nó đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch, cơ bắp và thần kinh. Thiếu magie trong thai kì có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp mãn tính và chuyển dạ sớm.
Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung magie có thể làm giảm nguy cơ biến chứng như hạn chế tăng trưởng của thai nhi và sinh non.
Bổ sung vitamin K
Vitamin K có chức năng chính như một coenzyme. Quan trọng trong quá trình tổng hợp nhiều thể hoạt động sinh học của protein tham gia quá trình đông máu. Bà mẹ mang thai và cho con bú cần chú ý ăn nhiều thức ăn giàu Vitamin K. Nhằm phòng thiếu vitamin K, gây xuất huyết ở trẻ nhỏ. Nhu cầu khuyến nghị vitamin K hàng ngày với phụ nữ có thai và cho con bú là 150 mcg.
Bổ sung Kẽm
Kẽm là một vi khoáng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển hợp lý. Trong thời gian mang thai cho con bú, vai trò quan trọng của kẽm là tham gia sản xuất Insulin và Enzyme. Ngoài ra, kẽm giúp hình thành các tổ chức và giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng. Nhu cầu kẽm của phụ nữ mang thai là khoảng 15mg/ngày.
Một số lưu ý
Cũng giống như thuốc, việc bổ sung vitamin và khoáng chất nên được bác sĩ của bạn xem xét và giám sát. Mục đích để đảm bảo chúng cần thiết và uống với số lượng an toàn.
Thai phụ không nên tự ý mua thuốc bổ về sử dụng. Cần đi khám thai định kỳ để được bác sĩ thăm khám, tư vấn. Từ đó chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe của mẹ và từng giai đoạn phát triển của thai nhi.
Luôn luôn mua những sản phẩm từ một thương hiệu uy tín, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Không nên ỷ lại việc bổ sung các vitamin và khoáng chất. Hãy nhớ chế độ ăn dinh dưỡng và khoa học vẫn là quan trọng nhất.
Tóm lại, vitamin và khoáng chất là những yếu tố cần thiết, không thể thiếu đối với cơ thể. Việc bổ sung cần phải hợp lí, tuân theo chỉ định của bác sĩ. Sự lạm dụng vi chất dinh dưỡng, thiếu hay thừa vi chất đều gây hậu quả không kém phần nghiêm trọng. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Supplements During Pregnancy: What’s Safe and What’s Nothttps://www.healthline.com/nutrition/supplements-during-pregnancy
Ngày tham khảo: 28/05/2020
-
Hướng dẫn quốc gia năm 2017 về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con búhttps://suckhoesinhsan.medinet.gov.vn/huong-dan/tai-lieu-huong-dan-quoc-gia-dinh-duong-cho-phu-nu-co-thai-ba-me-cho-con-bu-cmobile13421-4130.aspx
Ngày tham khảo: 28/05/2020