Bớt cá hồi: Những điều cha mẹ cần biết
Nội dung bài viết
Dấu ấn bẩm sinh là những vết có màu trên da xuất hiện khi mới sinh hoặc ngay sau đó. Hầu hết là vô hại và biến mất mà không cần điều trị. Một số có thể cần được điều trị. Bớt cá hồi là một trong các loại dấu ấn bẩm sinh khá thường gặp. Chúng thường lành tính và có thể tự biến mất. Tuy vậy vẫn có nhiều dấu ấn bẩm sinh khác có thể tiến triển và cần điều trị. Vậy cùng tìm hiểu về bớt cá hồi để nhận biết chúng nếu con bạn có nhé.
1. Những thông tin chung
Bớt hồng cam là tên được đặt cho một loại bớt bẩm sinh rất phổ biến được thấy ở trẻ sơ sinh. Do đặc điểm về màu sắc của bớt nên bớt hồng cam còn được gọi là bớt cá hồi (salmon patch).
Các vết bớt này được hình thành bởi sự giãn nở các mạch máu nhỏ hay mao mạch.
Khi một vết bớt cá hồi xuất hiện trên mặt, nó thường được gọi là nụ hôn thiên thần (angel kiss). Mặt khác, khi nó xuất hiện sau gáy, nó được gọi là vết mổ của cò (stork bite). Những loại vết bớt này rất phổ biến. Ít nhất 7 trong 10 trẻ sơ sinh được sinh ra sẽ có một hoặc nhiều vết bớt cá hồi. Các vết này sẽ nhìn thấy rõ hơn khi trẻ cáu giận hay khóc. Khi có sự thay đổi nhiệt độ trong phòng vết bớt cũng có thể dễ nhìn thấy hơn. Vết bớt trên mặt có xu hướng mờ dần khi trẻ 1 – 2 tuổi. Tuy nhiên, vết bớt cá hồi sau gáy có xu hướng không biến mất. Bạn có thể che đậy chúng bằng tóc phía sau đầu.
2. Bớt cá hồi có lây nhiễm không?
Câu trả lời là không. Các vết bớt này không có tính lây truyền. Những vết bớt xuất hiện do các mao mạch giãn nở trên da của em bé chứ không phải do nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn.
Xem thêm: Bớt sắc tố da : Cách điều trị dứt điểm
3. Bớt cá hồi thường dễ gặp ở đối tượng nào ?
Bớt cá hồi rất phổ biến (khoảng 70% trẻ sơ sinh sẽ có một hoặc nhiều vết) và thường xuất hiện ở mặt khi sinh. Thông thường loại bớt này không có tính di truyền.
4. Làm sao để chẩn đoán bớt cá hồi?
Bớt cá hồi được chẩn đoán bằng các đặc điểm bên ngoài của chúng. Dưới đây là một số triệu chứng của các vết bớt này:
- Có thể nhìn thấy trên mặt hoặc trên gáy.
- Có màu hơi hồng hoặc hơi đỏ.
- Là những vết phẳng trên da.
- Các vết bớt này không có đường viền xác định.
- Những vết bớt này không gây ngứa hoặc đau.
- Chúng có hình dạng bất thường xuất hiện trên mặt của em bé hoặc sau gáy. Trên khuôn mặt, bớt thường nhìn thấy ở có thể được tìm thấy giữa lông mày, trên mí mắt. Hoặc cũng có thể thấy ở các khu vực quanh miệng, trên mũi hoặc trên gáy.
Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trên da của mình để biết liệu nó có gây hại cho con bạn hay không. Tránh mọi hình thức tự chẩn đoán và giả định liên quan đến các vết trên da của con bạn. Bác sĩ có thể dễ dàng xác định các vết bớt cá hồi chỉ bằng cách nhìn vào nó. Có thể không yêu cầu xét nghiệm hoặc sinh thiết để xác định chẩn đoán trừ khi bác sĩ nghĩ đến chẩn đoán khác.
5. Chăm sóc và diễn tiến của bớt cá hồi
Không có dặn dò chăm sóc nào của bác sĩ dành cho các bé có bớt cá hồi. Bởi vì điều đó không cần thiết. Hãy chăm sóc vùng da có bớt như da ở bất kỳ vùng nào khác của em bé. Bạn chỉ cần làm sạch và dưỡng ẩm nhẹ nhàng cẩn thận.
Vẻ ngoài của em bé sẽ thay đổi cũng như sự phát triển của da và độ dày. Một vết bớt cá hồi có thể nhạt màu hơn hoặc biến mất hoàn toàn khi bé lớn hơn.
Hơn 95% vết bớt cá hồi sẽ nhạt màu hơn và mờ đi hoàn toàn. Nếu vết bớt xuất hiện ở phía sau cổ bé, nó có thể không bao giờ mờ đi hoàn toàn. Tuy nhiên, bớt cá hồi ở vị trí này cũng sẽ mờ đi ở mức khó nhìn thấy và có thể để tóc che phủ.
Tham khảo thêm: Bạn đã biết những gì về thóp trẻ sơ sinh?
6. Phân biệt với bớt mạch máu khác
Các vết bớt này khác với các vết bớt rượu vang ở chỗ các vết bớt cá hồi không phát triển lớn hơn hoặc sậm màu hơn. Chúng cũng không liên quan đến bất kỳ hội chứng nào liên quan đến não hoặc sự phát triển. Bớt cá hồi thường không có tính chất ác tính. Đôi khi rất khó để nói sự khác biệt giữa một vết bớt cá hồi và bớt rượu vang. Trước đây, vết bớt rượu vang và bớt cá hồi được coi là biến thể của cùng một loại dấu ấn bẩm sinh. Tuy nhiên, hiện nay người ta biết rằng bớt rượu vang thực sự là dị tật của mao mạch và sẽ không bao giờ tự cải thiện. Trong khi đó, bớt cá hồi chỉ là sự giãn nở tạm thời của các mao mạch. Chúng thường tự cải thiện.
7. Khi nào cần điều trị y khoa?
Thông thường, các dấu ấn bẩm sinh này không gây ra bất kỳ vấn đề nào và không đòi hỏi sự chăm sóc y tế. Tuy nhiên, một vết bớt phát triển nhiều ngày sau khi đưa trẻ sơ sinh về nhà từ bệnh viện có thể đáng báo động. Nếu bạn đang quan tâm đến điều đó, đừng ngại thông báo cho bác sĩ nhi khoa về bất kỳ thay đổi nào đối với ngoại hình bé sơ sinh của bạn.
Bác sĩ có thể kiểm tra em bé. Việc kiểm tra để chắc chắn rằng nó là một vết bớt và không phải là một bệnh lí về da. Và điều đặc biệt quan trọng là hãy thông báo cho bác sĩ biết nếu em bé của bạn bị chảy máu, ngứa. Vết bớt đậm màu nhiều và gây đau cũng là dấu hiệu cảnh báo.
Xem thêm: Bệnh vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
8. Các phương pháp điều trị
Vết bớt cá hồi có thể có kích thước khác nhau, nhưng bạn có thể lo ngại về một vết bớt khá lớn mà không biến mất sau vài năm. Phương pháp điều trị bằng laser là một lựa chọn để giảm kích thước và làm nhạt màu vết bớt đi.
Mặc dù đây là một lựa chọn, nhưng bạn nên đợi cho đến khi con bạn lớn hơn để xem liệu vết bớt có thể tự mất không.
Phương pháp điều trị bằng laser nhắm vào các mạch máu bên dưới da. Chúng không gây đau và mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, có thể mất nhiều hơn một lần điều trị để nhận được kết quả mong muốn.
Nếu bạn không muốn làm laser thì make-up nhẹ để che phủ vết bớt đi cũng là một sự lựa chọn tốt.
9. Biện pháp phòng ngừa
Như đã đề cập trước đó, các vết bớt cá hồi thường gặp ở trẻ sơ sinh. Không có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh tại sao chúng xảy ra ở trẻ sơ sinh. Do đó, nếu bạn đang tìm cách để phòng ngừa các vết bớt này, bạn không thể làm được gì nhiều. Các vết bớt sẽ xuất hiện và biến mất hoặc vẫn còn tồn tại tiếp tục.
Bớt cá hồi là dấu ấn bẩm sinh vô hại. Vùng da có vết bớt cũng hoạt động như da bình thường. Nếu bác sĩ đã xác nhận rằng dấu hiệu trên da của con bạn là bớt cá hồi, thì bạn không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, nếu vết bớt xuất hiện các dấu hiệu bất thường, hãy liên lạc ngay với bác sĩ để nhận được sự giúp đỡ.
Bác sĩ Huỳnh Thị Như Mỹ
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- https://www.jaad.org/article/S0190-9622(04)00543-2/abstract
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20728246
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/2798254
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/18236823
- https://www.skinsight.com/skin-conditions/infant/salmon-patch
- https://parenting.firstcry.com/articles/salmon-patchstork-bites-or-angel-kisses-in-newborns/
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/3562091
- Neonatal and infant dermatology, 3rd edn