Bựa bẩn sinh dục có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Ở cả nam và nữ, vùng sinh dục, thường có những chất bẩn có màu trắng đục và có mùi đậm, khó chịu gọi là bựa sinh dục. Vậy chúng là gì và có vai trò hay tác hại gì không? Nếu cần vệ sinh chúng thì nên làm thế nào? Bài viết của bác sĩ Nguyễn Quang Hiếu sẽ chia sẻ rõ hơn về vấn đề này!
Bựa sinh dục là gì?
Bựa sinh dục có tên tiếng Anh là smegma. Đây là những chất cặn bã xuất hiện ở cơ quan sinh dục của động vật có vú (bao gồm cả con người).
Bựa sinh dục là sự tích tụ các chất cặn được hình thành từ tuyến bã nhờn, nước tiểu, chất nhờn và tế bào da chết do bộ phận sinh dục tiết ra. Đồng thời còn có sự hiện diện của các loại vi sinh vật thường trú tại đây. Đây là phần chất dịch cặn màu trắng ngà, dạng sệt tích tụ ở ngách kẽ bộ phận sinh dục.
Ở cơ thể người, bựa sinh dục có thể thấy trong các nếp môi nhỏ của âm hộ nữ giới. Nguyên nhân là do sự tiết nhờn của tuyến đầu tiết ở âm vật, kết hợp với các tế bào biểu mô tróc vảy.
Còn đối với nam giới, bựa sinh dục thường tìm thấy ở bao quy đầu. Chúng có màu trắng quanh rãnh dương vật. Bựa sinh dục có tác dụng như chất bôi trơn, giữ ẩm và giúp các tuyến hoạt động trơn tru trong quá trình quan hệ tình dục. Bựa sinh dục được coi là lành tính.
Các loại vi khuẩn có thể hiện diện tại bựa sinh dục (Khảo sát ở nam giới)
Các loại khuẩn niệu thường trú
Bựa sinh dục là nơi có các khuẩn tự nhiên tại vùng tiết niệu. Một số là lành tính, không gây hại sức khỏe con người. Nhưng một số lại có nguy cơ gây viêm quy đầu và nhiễm trùng tiết niệu. Thường gặp nhất là tình trạng viêm quy đầu và nhiễm trùng tiết niệu ở trẻ nam (lúc chưa lột bao quy đầu hoặc chưa cắt bao quy đầu) hơn là trẻ nữ.
Quy đầu không được cắt bao quy đầu có thể dễ bị vi khuẩn xâm chiếm hơn. Điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) thường xuyên hơn ở trẻ em.
Trong một nghiên cứu, 95% trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng tiểu không được cắt bao quy đầu. Theo một nghiên cứu khác, trong số 5.261 trẻ sơ sinh, 41 trẻ (0,78%) đã được xác nhận nhiễm trùng tiểu trong năm đầu đời. Nhiễm trùng tiểu chỉ xảy ra ở 0,47% nữ và 0,21% trẻ nam đã cắt bao quy đầu. Trong khi nó xảy ra ở 4,12% trẻ nam chưa cắt bao quy đầu.
Do đó, tỷ lệ mắc UTIs nói chung ở người chưa cắt bao quy đầu cao hơn so với người đã cắt bao quy đầu, dao động từ 5 đến 89 lần. Bựa sinh dục đóng vai trò như một chất nền. Nhờ đó sẽ cung cấp độ ẩm và kể cả “dinh dưỡng” cho vi khuẩn dưới dạng muối khoáng; nước tiểu sót lại và tế bào chết.
Nguy cơ nhiễm trùng niệu
Vi khuẩn uropathogenic có tính bám dính cao. Khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ giúp chúng dễ dàng xâm nhập vào bên trong gây viêm sinh dục. Đặc biệt là trong trường hợp người bệnh không vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Loại vi khuẩn này thường khu trú quanh miệng sinh dục nên càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng với mức độ tăng dần.
Theo đó, tác nhân gây bệnh chính của viêm sinh dục do khuẩn niệu là Escherichia coli ở trẻ em trai và gái. E. coli với fimbriae (pili) sẽ liên kết với bề mặt niêm mạc của quy đầu, nhưng không bám vào bề mặt da bên ngoài.
Các loại vi khuẩn thường gặp ở bựa sinh dục
Để xác định được loại vi khuẩn ở bựa bẩn sinh dục, cần phải thông qua các phương pháp phết, cấy vi khuẩn.
Tuổi trung bình của thí nghiệm là 30,4 ± 26,4 tháng. Có 31 loại vi khuẩn được phân lập từ smegma, bao gồm 15 loài gram dương (48,4%) và 16 loại gram âm (51,6%).
Vi khuẩn gram âm được phân lập phổ biến nhất là Escherichia coli (25,8%). Trong khi vi khuẩn gram dương thường được phân lập là Enterococcus faecalis (19,4%) và Enterococcus avium (12,9%).
Nhiễm trùng tiểu do vi khuẩn niệu ở trẻ em liên quan đến bựa sinh dục
Bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến nhất ở trẻ em là nhiễm trùng đường tiểu (UTI). Những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển UTI vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, tình trạng miễn dịch, sức khoẻ và đặc điểm vi khuẩn sẽ là yếu tố thuận lợi để bệnh lý này phát triển.
Trong đó, tác nhân gây bệnh chính của UTI là E. coli. Vi khuẩn Uropathogenic, đặc biệt là chủng E. coli P, bám rất tốt vào bề mặt niêm mạc bên trong của dịch bào. Tuy nhiên, các nghiên cứu về các chủng P. mirabilis đã không tìm thấy mối quan hệ giữa tính kết dính và nguồn gốc của các sinh vật và mối liên quan của chúng với UTI.
Trong 6 tháng đầu đời bé có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Do ở giai đoạn này các vi khuẩn tiết niệu có môi trường tốt nên dễ dàng tăng trưởng số lượng và chúng xâm nhập vào vùng khoảng trống ở quy đầu. Sau hết 5 tuổi thì lượng vi khuẩn xâm nhập vào quy đầu giảm thiểu hẳn. Vì lúc này các chủng đã có thể sống cân bằng và kìm hãm nhau. Đồng thời, sức để kháng ở bé đã ổn định, sẽ góp phần đối phó với các chủng vi khuẩn niệu này.
Bựa bẩn sinh dục được tạo thành từ đâu?
Có rất nhiều ý kiến cho rằng smegma được tạo ra bởi các tuyến bã nhờn dưới đầu ngoài tử cung gọi là tuyến Tyson. Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy smegma tại các tuyến này.
Trên thực tế, smegma là một tập hợp dưới đầu ra của các mảnh vụn biểu mô bong tróc. Chúng được trộn với mucin và chất tiết với thành phần bao gồm chất béo (khoảng 27%) và protein (khoảng 13%).
Bựa sinh dục có lợi không?
Khi nhắc đến bựa sinh dục, có thể nhiều người chỉ nghĩ đến tác hại. Nhưng thực tế chúng cũng cũng đóng vai trò quan trọng như:
- Bựa sinh dục giúp làm ẩm và bôi trơn không gian vùng sinh dục.
- Chúng có thể chứa các enzym chống vi khuẩn bao gồm lysozyme và các hormone như androsterone. Đặc biệt là lysozyme, có lẽ có nguồn gốc từ tuyến tiền liệt và túi tinh, giúp phá hủy thành tế bào vi khuẩn và ức chế và tiêu diệt các loài nấm candida.
- Trong bựa sinh dục có thể chứa các hợp chất hóa học hoạt động miễn dịch như cathepsin B, lysozyme, chymotrypsin, neutrophil elastase, cytokine.
Bựa sinh dục có nguy hiểm không?
Tuy có chức năng bảo vệ vùng sinh dục, nhưng đây cũng là cửa vào của các vi sinh vật có hại, gây hại khi tiểu tiện hoặc hoạt động tình dục.
Bình thường, các phần mucin và tế bào chết được dồn ứ tại vùng này. Nếu không được vệ sinh thường xuyên, sẽ dồn ứ lâu ngày và hình thành dạng “sỏi” sinh dục. Sỏi sinh dục thường gặp ở nam giới hơn nữ giới, nhất là những người hẹp bao quy đầu. Sỏi sinh dục có thể gây tổn thương vùng da quy đầu hoặc gây viêm nhiễm vùng sinh dục. Vì thế, chúng cần được loại bỏ.
Bựa sinh dục khi không được loại bỏ có thể gây viêm nhiễm vùng quy đầu ở nam giới, hoặc viêm âm đạo ở nữ giới. Việc này giống như các chất bẩn khác trên cơ thể chúng ta. Mặc dù tác dụng của bựa sinh dục là bảo vệ và diệt trùng. Nhưng khi xác vi trùng, lớp mucin và chất béo tích tụ quá nhiều, sẽ trở thành môi trường lý tưởng cho sinh vật bám và gây bệnh.
Vệ sinh bựa sinh dục như thế nào?
Đối với nữ giới
Việc vệ sinh bựa sinh dục ở nữ giới khá đơn giản. Do cấu tạo bộ phận sinh dục nữ rộng mở, nên có thể dễ dàng vệ sinh thuận lợi.
Bạn có thể dùng nước ấm, rửa sạch. Lưu ý một số loại nước vệ sinh phụ khoa có khả năng diệt trùng. Chúng có thể làm thay đổi pH âm đạo và diệt cả những vi khuẩn thường trú có lợi ở vùng này và khiến bạn dễ bị bệnh hơn. Vì thế, bạn nên nhờ bác sĩ phụ khoa tư vấn.
Đối với nam giới
Quá trình vệ sinh tương đối phức tạp hơn so với nữ giới. Ở trẻ nhỏ, phần da bao quanh quy đầu dài và dính chặt vào để bảo vệ quy đầu. Do đó sẽ khó vệ sinh. Để thực hiện việc này, thường ba mẹ cần hướng dẫn các bé nam kéo tuột quy đầu xuống để lộ lỗ tiểu. Sau khi tiểu xong thì vệ sinh lại với nước ấm.
Khi trẻ dậy thì và trưởng thành, phần quy đầu sẽ được tách dần ra và tụt xuống tự nhiên. Bạn vẫn giữ cách vệ sinh như cũ sau khi tiểu xong và khi bạn tắm rửa.
Ở những người mắc chứng hẹp bao quy đầu, việc nong bao quy đầu hoặc phẫu thuật cắt bỏ bao quy đầu sẽ cho phép bạn thực hiện việc vệ sinh tốt hơn.
Khi gặp vấn đề viêm đường tiết niệu nên làm gì?
Trường hợp nghi ngờ bị viêm đường tiết niệu thì khám bác sĩ là điều cần thiết. Bạn tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc cũng như tự làm các thủ thuật.
Một số thủ thuật có thể gây nguy hiểm nếu bạn không thực hiện đúng, thậm chí còn làm ổ nhiễm trùng lan rộng thêm. Bên cạnh đó, việc dùng thuốc kháng sinh không thích hợp có thể gây ra các chủng kháng kháng sinh nguy hiểm.
Khi khám bác sĩ, một số xét nghiệm có thể được chỉ định để xác định đúng tình trạng bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị phù hợp nhất theo tình trạng bệnh cụ thể.
Hy vọng qua bài viết này, đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bựa sinh dục. Như vậy, bựa sinh dục thường không quá nguy hiểm. Nhưng nếu chủ quan, không vệ sinh sạch sẽ, có thể gây ra những viêm nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn.
Ăn gì để tốt cho chuyện ấy? Chế độ ăn uống và sinh hoạt ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe tình dục? Khám phá ngay video dưới đây để có câu trả lời từ bác sĩ.
Biên tập bởi: ThS.BS Trần Quốc Phong
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Microbiology of smegma: Prospective comparative control studyhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6397923/
Ngày tham khảo: 23/05/2021
-
The Carcinogenic Action of Smegmahttps://www.science.org/doi/10.1126/science.105.2728.391.a
Ngày tham khảo: 23/05/2021
-
Smegma pearlhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5707862/
Ngày tham khảo: 23/05/2021
-
The carcinogenic effect of human smegma: an experimental study. I. Preliminary reporthttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/13356246/
Ngày tham khảo: 23/05/2021