YouMed

Bướu giáp có thực sự đáng sợ?

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thành
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thành
Chuyên khoa: Nội tiết – Thận

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết của cơ thể, nằm ở vùng trước cổ. Chức năng của tuyến giáp bao gồm điều hoà chuyển hoá năng lượng, trao đổi chất, điều hoà hoạt động của các cơ quan quan trọng trong cơ thể như hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hoá… bằng cách tiết ra hormone. Khi có sự bất thường xảy ra trong cơ thể vì nguyên nhân nào đó làm cho tuyến giáp phì đại. Gọi là bướu giáp hay còn gọi là bướu cổ xuất hiện. Vậy bệnh tình trạng này có thực sự đáng sợ không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết của bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thành nhé!

Bướu giáp là gì?

Đây là tình trạng phì đại bất thường của tuyến giáp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đa phần bướu giáp không gây hại nhưng cần được thăm khám và đánh giá cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa.

Hình ảnh phân biệt tuyến giáp bình thường và tuyến giáp bị phình to
Hình ảnh phân biệt tuyến giáp bình thường và tuyến giáp bị phình to

Nguyên nhân gây bệnh bướu giáp

  • Tăng hoạt động tuyến giáp (cường giáp).
  • Giảm hoạt động tuyến giáp (suy giáp).
  • Thay đổi hooc-mon giáp: dậy thì, mang thai hay mãn kinh.
  • Thiếu iod trong khẩu phần ăn.
  • Sử dụng một vài thuốc, như có chứa lithi, thuốc điều trị bệnh tâm thần.
  • Viêm tuyến giáp.
  • Điều trị phóng xạ vùng cổ hay ngực, như xạ trị ung thư vùng cổ.
  • Nhân giáp hay nang giáp – đa phần không gây hại nhưng cần được đánh giá.
  • Ung thư tuyến giáp.

Đối tượng nào có thể dễ mắc bệnh

Ai cũng có thể bị mắc bệnh này nhưng tỷ lệ cao hơn ở nữ, và tăng dần theo tuổi.

Bướu giáp có những loại nào?

Có 2 loại: bướu giáp lan toả và bướu giáp nhân.

Bướu giáp lan toả

Liên quan đến tình trạng tự miễn như Viêm giáp Hashimoto và bệnh Graves và liên quan đến tình trạng cường giáp hay suy giáp. Bướu giáp lan tỏa lành tính còn được gọi là bướu lan tỏa không độc. 

Bướu giáp nhân: Gồm bướu giáp đơn nhân và bướu giáp đa nhân

Bướu giáp đơn nhân

Mặc dù tình trạng này lành tính nhưng nếu không thể loại trừ được khả năng ung thư thì phẫu thuật là phương pháp được khuyến cáo. Tuy nhiên nếu hormone giáp hoạt động quá mức thì xem xét các phương pháp điều trị khác. 

Bướu giáp đa nhân

Tình trạng phổ biến và thường không cần phẫu thuật trừ phi gặp khó khăn khi nuốt và/hoặc hít thở hay cảm thấy mất thẩm mỹ. Nếu bướu giáp phát triển nhanh hay ít nhất 1 nhân lớn dần qua các lần khám thì lúc này phẫu thuật được khuyến cáo.  

Ngoài ra, nếu bướu giáp đa nhân phát triển xuống dưới ra sau xương ức thì được gọi là bướu giáp thòng (bướu giáp chìm). Nó có thể chèn ép hay gây thắt khí quản và tĩnh mạch lớn ở cổ và/hoặc thực quản do nằm trong khoang xương cố định. Trong trường hợp này, phẫu thuật nên được cân nhắc. Phần lớn, bướu giáp thòng phát triển chậm qua các năm.

Triệu chứng nhận biết bệnh

Đa phần bệnh lý này không thể hiện triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, nó vẫn có thể có một số dấu hiệu nhận biết sau:

  • Tự sờ thấy hoặc nhìn thấy tuyến giáp to ở phía trước cổ hay nền cổ.
  • Rối loạn nội tiết: nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực ngay cả khi nghỉ ngơi, run tay, tăng huyết áp, sợ nóng, vã mồ hôi, tay nóng mịn ẩm, sợ nóng, lồi mắt, nói nhiều, thay đổi tính tình (dễ cáu gắt, ngồi không yên một chỗ, khó tập trung) sụt cân, tiêu chảy, tóc dễ gãy rụng. Ngoài ra, còn có thể gặp tăng cân dù kém ăn, sợ lạnh, táo bón, thờ ơ, giảm tập trung, giảm trí nhớ, chậm chạp.
  • Ho.
  • Cảm giác nghẹn ở cổ họng.
  • Khó nuốt.
  • Khó thở, có thể nghe âm rít khi thở ra.
  • Thay đổi giọng nói, thường là khàn tiếng.

Tuy nhiên, những triệu chứng này thường không đặc hiệu, dễ chẩn đoán nhầm.

Chẩn đoán tình trạng bệnh

Ngoài những triệu chứng trên, cần thực hiện một số xét nghiệm để chẩn đoán, tìm nguyên nhân của bướu giáp.

Xét nghiệm hormone tuyến giáp trong máu: TSH, FT3, FT4

Là xét nghiệm cần làm đầu tiên để xác định có tình trạng cường giáp hay suy giáp hay bình giáp (chức năng tuyến giáp bình thường).

Siêu âm tuyến giáp

Để xác định cấu trúc, số lượng, kích thước nhân giáp, và thông tin quan trọng là bản chất lành/ác tính. Xét nghiệm này không đau, không xâm lấn, có sẵn ở nhiều cơ sở y tế và giá cả hợp lí. 

Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm tuyến giáp để xem xét tình trạng của bệnh nhân
Bác sĩ có thể chỉ định siêu âm tuyến giáp để xem xét tình trạng của bệnh nhân

Tế bào học chọc hút bằng kim nhỏ (FNA): hay còn gọi là sinh thiết

Dùng kim nhỏ để lấy một lượng nhỏ tế bào trong nhân giáp sau đó quan sát dưới kính hiển vi để xác định hình dạng tế bào bình thường hay bất thường. Xét nghiệm xâm lấn, gây đau nhưng thường được thực hiện rất nhanh.

 Đo độ tập trung iod phóng xạ

Tiêm lượng nhỏ iod phóng xạ vào tĩnh mạch để xác định kích thước, hình dạng và vị trí của tuyến giáp, cũng như vùng tăng hoạt động (nóng) hay giảm hoạt động (lạnh).

CT-Scan

Dùng trong trường hợp bướu giáp thòng để xác định vị trí và mối tương quan với đường thở (khí quản), đường ăn (thực quản).

Điều trị bệnh b ướu giáp như thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị và việc điều trị bằng cách nào phụ thuộc vào những yếu tố sau đây:

  • Nguyên nhân.
  • Kích thước bướu giáp.
  • Triệu chứng của bướu giáp.

Theo dõi

Bướu bình giáp, hoặc bướu giáp nhỏ, lành tính, không gây triệu chứng.

Điều trị iod phóng xạ

  • Cường giáp, có hay không có điều trị thuốc kháng giáp trước đó, đặc biệt ở bệnh nhân cường giáp nhân độc.
  • Điều trị bệnh Graves do thất bại với thuốc kháng giáp (mất ổn định sau điều trị thuốc kháng giáp hay tái phát sau ngưng thuốc kháng giáp hay không dung nạp với thuốc kháng giáp).
  • Thu nhỏ bướu giáp.
  • Ung thư tuyến giáp: điều trị liều cao có thể cân nhắc.

Điều trị thuốc kháng giáp

Khi bị cường giáp.

Thuốc levothyroxine

Khi có tình trạng suy giáp.

Bổ sung iod

Chế độ ăn uống cân bằng cung cấp đủ lượng iod theo nhu cầu của cơ thể, tuỳ lứa tuổi, tình trạng thiếu hụt. Tăng cường iod trong khẩu phần ăn bằng sử dụng muối iod, ăn hải sản, rong biển, các loại trái cây, rau củ nhiều iod (cải thảo, khoai tây, rau cần, bông cải), bổ sung vitamin A.

Phẫu thuật

Cắt một phần, hầu hết hay toàn bộ tuyến giáp phụ thuộc nguyên nhân, số lượng và bản chất của bướu giáp.

  • Khi bướu giáp đa nhân hay bướu giáp lớn gây triệu chứng tắc nghẽn đường thở hay khó khăn động tác nuốt.
  • U tuyến giáp nhân đơn độc (u lành).
  • Ung thư tuyến giáp.                       
  • Bệnh Graves (cường giáp hay nhiễm độc giáp).
  • Nang giáp tái phát.
  • Nhân giáp không xác định.

Sau phẫu thuật có thể bổ sung hormone giáp tổng hợp tuỳ trường hợp.

Những lưu ý bạn cần quan tâm

  • Bất kì tình trạng bướu giáp hay nhân giáp nào cũng nên được thăm khám và đánh giá càng sớm càng tốt.
  • Bệnh lý tuyến giáp thường mang tính chất gia đình nên nếu thành viên nào trong gia đình có các triệu chứng kể trên có thể đi khám bác sĩ để được tư vấn, thăm khám và đánh giá chức năng tuyến giáp.
  • Phần lớn bướu giáp không gây hại.
  • Hiện nay, ung thư tuyến giáp có thể đa số có thể chữa được.
  • Điều trị có thể: theo dõi, thuốc kháng giáp, levothyroxine, bổ sung iod, iod phóng xạ, phẫu thuật.
  • Thay đổi chế độ ăn uống, cân bằng cung-cầu iod theo lứa tuổi, tình trạng bệnh lý hiện tại, như: tăng cường iod trong khẩu phần ăn nếu suy giáp. Giảm sử dụng iod như giảm dùng muối iod, thay thế bằng các loại muối khác, giảm ăn hải sản, đặc biệt rong biển, các loại bắp cải, su hào, su su, súp lơ nếu cường giáp. 

Bệnh bướu giáp mặc dù nguy hiểm nhưng chúng ta có thể phòng ngừa. Nếu nhận thấy bản thân có những triệu chứng bất thường, hãy liên hệ với bác sĩ ngay bạn nhé. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích về căn bệnh này.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Goitrehttps://www.nhs.uk/conditions/goitre/

    Ngày tham khảo: 04/05/2020

  2. Thyroid Nodules and swellingshttps://www.btf-thyroid.org/thyroid-nodules-and-swellingsleaflet

    Ngày tham khảo: 04/05/2020

  3. 2015 American Thyroid Association Management Guidelines for Adult Patients with Thyroid Nodules and Differentiated Thyroid Cancer: The American Thyroid Association Guidelines Task Force on Thyroid Nodules and Differentiated Thyroid Cancerhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4739132/

    Ngày tham khảo: 04/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người