YouMed

Bướu tuyến giáp nên ăn gì và không nên ăn gì?

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Bướu tuyến giáp là một bệnh lý thường gặp thường gặp tại tuyến giáp. Nó gây nhiều khó khăn cho người bệnh trong công việc và sinh hoạt thường nhật. Do đó, bệnh lý tuyến giáp luôn được người dân chú ý đặc biệt; và câu hỏi bướu tuyến giáp nên ăn gì và không nên ăn gì là thắc mắc của rất nhiều người. Hãy cùng ThS. BS Vũ Thành Đô tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Tuyến giáp và bướu tuyến giáp là gì?

Để trả lời cho câu hỏi bướu tuyến giáp nên ăn gì, trước hết chúng ta cần biết về tuyến giáp và bướu giáp.

Tuyến giáp

Tuyến giáp là một cơ quan nội tiết nằm ở nền cổ bao hết chu vi trước khí quản. Nó có vai trò quan trọng trong việc điều hòa toàn bộ chuyển hóa của cơ thể. Tuyến giáp hoạt động bằng cách bài tiết hai hormone T3, T4 vào máu, dưới sự kiểm soát của hormone tuyến yên TSH.

Bướu tuyến giáp

Bướu tuyến giáp là sự lớn lên bất thường tại tuyến giáp và có thể xuất hiện nhân giáp. Kèm với sự thay đổi về kích thước, bướu tuyến giáp còn có thể làm thay đổi chức năng của chính nó.

Những triệu chứng mắc phải do hormone giáp phóng thích quá mức là cường giáp. Những dấu hiệu nhận biết là lo lắng quá mức, tăng nhịp tim, sụt cân, tiêu chảy,…

Ngược lại, những triệu chứng do hormone phóng thích không đủ hoặc không phóng thích gọi là suy giáp. Bệnh nhân thường mắc táo bón, tăng cân, trầm cảm, mệt mỏi,…

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý bướu tuyến giáp cho người bệnh. Một trong những lý do phổ biến nhất là thiếu iod, do giảm lượng iod ăn vào hoặc mắc các bệnh lý làm mất iod trong cơ thể. Ngoài ra, những bệnh lý tại tuyến giáp cũng có thể là nguyên nhân như bệnh giáp Graves, bệnh giáp Hashimoto, viêm giáp, ung thư giáp,…

Chẩn đoán u bướu tuyến giáp

Hiện nay có rất nhiều cách chẩn đoán bướu tuyến giáp dựa trên các xét nghiệm và hình ảnh học. Khi bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bướu tuyến giáp, một loạt các xét nghiệm sẽ được chỉ định như:

Xét nghiệm hormone tuyến giáp

Hormone tuyến giáp được định lượng trong máu để xác định độ hoạt động của tuyến. Nếu lượng hormone thấp sẽ gây ra suy giáp và ngược lại, lượng hormone cao sẽ gây cường giáp.

Bên cạnh đó, hormone kiểm soát tuyến giáp TSH cũng được định lượng bằng cách này. Xét nghiệm máu còn giúp xác định mức độ các tự kháng thể để định loại bướu giáp của người bệnh.

Siêu âm tuyến giáp

Đầu dò siêu âm được đặt lên cổ bệnh nhân để nhìn thấy toàn bộ tuyến giáp. Bằng cách này, bác sĩ sẽ đánh giá được kích thước và nhân giáp trong bướu.

Siêu âm tuyến giáp giúp chẩn đoán bướu tuyến giáp
Siêu âm tuyến giáp giúp chẩn đoán bướu tuyến giáp

Xạ hình tuyến giáp

Phương pháp này giúp nhận định tuyến giáp rõ ràng hơn cả siêu âm tuyến giáp. Tuy nhiên, đây là một thủ thuật xâm lấn, tốn thời gian và chi phí nên chỉ áp dụng khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ.

Sinh thiết bướu giáp

Bác sĩ sẽ dùng một cây kim để chọc và hút ra một mẩu mô hoặc dịch. Từ mẫu vật đó, bác sĩ giải phẫu bệnh đánh giá chính xác nhất tính chất bướu giáp. Nhưng đây cũng là một thủ thuật xâm lấn và gây đau nên không sử dụng thường quy.

Chế độ ăn uống của người bị bướu tuyến giáp

Vậy, người mắc bướu tuyến giáp nên ăn gì và không nên ăn gì. Bác sĩ sẽ tùy vào loại bệnh lý mà bạn đang mắc sẽ có khuyến cáo thích hợp. Vì cường giáp hay suy giáp mà nhóm thực phẩm sẽ khác nhau cho từng người, có khi chúng đối lập nhau. Nhìn chung, chế độ dành cho người mắc bướu tuyến giáp là:

Nhóm thực phẩm tốt cho tuyến giáp

Thực phẩm giàu iod

Nhóm này rất tốt cho người mắc suy giáp giúp làm tăng hormone giáp. Tuy nhiên, người mắc cường giáp không nên lạm dụng quá nhiều nhóm này. Các thực phẩm giàu iod bao gồm: cá biển, tôm, cua,…

Rau xanh

Tất cả các loại rau đều phù hợp với người mắc bướu tuyến giáp. Một số loại rau họ bắp cải được khuyến khích dùng sau nấu chín như: bông cải xanh, khoai mì, măng, súp lơ, cải xoăn,…

Trái cây

Trái cây cung cấp nhiều vitamin và muối khoáng giúp tuyến giáp khỏe mạnh. Trái cây bao gồm nho, cam, chuối, cà chua,… đặc biệt tốt cho người suy giáp.

Vitamin và khoáng chất

Một số khoáng chất cần thiết cho tuyến giáp để cân bằng hoạt động hormone như:

Sắt

Sắt giúp máu vận chuyển oxy tốt tới tuyến giáp. Thực phẩm giàu sắt là: thịt gia cầm, quả hạch, các loại hạt, đậu,…

Selen

Chất này có chức năng hạn chế sự tổn thương tuyến giáp do bệnh tật, bảo vệ tuyến giáp tốt hơn. Những nguồn giàu selen là nấm, hạt hướng dương, thịt bò, yến mạch,…

Kẽm

Kẽm giúp tăng cường miễn dịch tuyến giáp. Đậu xanh, cacao, hạt điều,… là những thực phẩm giàu kẽm.

Canxi và vitamin D

Đây là những yếu tố cần thiết để xây dựng tuyến giáp khỏe mạnh. Các thực phẩm nhóm này gồm: rau bina, đậu trắng, đậu bắp, ngũ cốc,…

Các loại rau củ chứa nhiều Vitamin
Các loại rau củ chứa nhiều Vitamin

Chất béo không no

Chất béo không no có khả năng kháng viêm và đặc biệt có ích cho người cường giáp. Các loại dầu thực vật, trái bơ, các loại hạt,… rất giàu nhóm chất béo này.

Một số gia vị

Các loại như nghệ, ớt xanh, tiêu là những chất chống oxy hóa tốt để cân bằng chức năng tuyến giáp.

Đây là những loại thực phẩm phù hợp cho chế độ ăn của những người đang thắc mắc bướu tuyến giáp nên ăn gì.

Nhóm thực phẩm không tốt cho bướu tuyến giáp

Bên cạnh việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi bướu tuyến giáp nên ăn gì, YouMed cũng sẽ gợi ý những thực phẩm không tốt cho người bệnh.

Không có loại thực phẩm nào cấm tuyệt đối nhưng bạn cũng nên hạn chế và chú ý cách sử dụng. Thức uống như cà phê, trà, bia, rượu có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tuyến giáp. Một số thức ăn như đậu nành, đậu hũ,… cần một thực đơn vừa phải.

Các phương pháp khác giúp cho tuyến giáp khỏe mạnh

Ngoài chế độ ăn hợp lý, cân đối, giữ một lối sống lành mạnh cũng là một cách tăng cường sức khỏe tuyến giáp. Bạn có thể xây dựng một số thói quen sau:

  • Ngưng hút thuốc.
  • Rèn luyện thân thể: tập thể dục đều đặn, vừa sức.
  • Xây dựng chế độ làm việc nghỉ ngơi cân bằng,…

    Ngưng hút thuốc giúp tuyến giáp khỏe mạnh
    Ngưng hút thuốc giúp tuyến giáp khỏe mạnh

Qua bài viết trên, YouMed đã cho bạn câu trả lời một cách đầy đủ và chi tiết nhất về vấn đề bướu tuyến giáp nên ăn gì. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết, mọi người sẽ biết cách xây dựng một chế độ ăn lành mạnh. Bên cạnh đó, hãy tới khám bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn đối với từng loại bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.medicalnewstoday.com/articles/323196#hypothyroidism
  2. https://www.healthline.com/health/hyperthyroidism-diet#takeaway
  3. https://www.healthline.com/nutrition/hypothyroidism-diet#foods-to-eat
  4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/goiter/diagnosis-treatment/drc-20351834
  5. https://www.endocrineweb.com/conditions/goiters/goiters-abnormally-large-thyroid-glands

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người