Cách bảo quản thực phẩm đúng cách trong tủ lạnh
Nội dung bài viết
Tủ lạnh là một trong những vật dụng không thể thiếu của mỗi gia đình. Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh ngỡ đơn giản nhưng lại chẳng dễ dàng. Hôm nay Chuyên gia Dinh dưỡng Đào Phương Anh sẽ chia sẻ cùng bạn bí quyết bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách nhé!
1. Tầm quan trọng của bảo quản thực phẩm đúng cách
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh gây ra do ăn uống phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc thức ăn bị biến chất ôi, thiu,..
Nhiều vi sinh vật có hại tồn tại trên thịt sống, hải sản, sữa, trứng, trái cây, rau quả.. Vì vậy, thực phẩm có thể gây bệnh ngay cả khi chúng ta không nhìn thấy, không ngửi thấy và không nếm thấy những “bất thường” trên thực phẩm.
Bảo quản lạnh thực phẩm đúng cách sẽ làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Sơ chế và chế biến hợp vệ sinh sẽ làm giảm nguy cơ gây bệnh.
2. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
Để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đúng cách và đảm bảo chất lượng, vệ sinh cho người sử dụng, chúng ta cùng theo dõi một số lưu ý sau:
- Nhận biết thực phẩm cần bảo quản lạnh: một số thực phẩm cần được bảo quản ở nhiệt độ thấp để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, làm chậm quá trình hư hại thực phẩm và đảm bảo chất. Ví dụ như thịt sống, hải sản, rau quả, thực phẩm từ trứng, sữa,… Đồng thời cần xem kĩ hướng dẫn bảo quản của nhà sản xuất khi mua sản phẩm đóng gói sẵn để lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp.
- Đảm bảo đủ độ “lạnh”: Tủ lạnh cần được cài đặt nhiệt độ phù hợp để bảo quản tốt thực phẩm. Ngăn mát cần được giữ ở nhiệt độ tối đa 5°C (41°F), ngăn đông cần được chỉnh nhiệt độ dưới – 18°C (0°F). Để đảm bảo nhiệt độ này, nếu tủ lạnh không có cơ chế hiển thị nhiệt độ, chúng ta cần trang bị một nhiệt kế tủ lạnh và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo thực phẩm được bảo quản tốt.
- Tránh để quá nhiều thực phẩm chật kín ngăn tủ lạnh. Chúng ta nên giữ những khoảng không để lưu thông khí lạnh trong tủ.
- Khi thức ăn trong tủ lạnh bị đổ, tràn ra ngoài, nhất là chất dịch từ thịt cá sống, người dùng cần lau sạch ngay để tránh sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh (đặt biệt là vi khuẩn Listeria) và tránh nhiễm khuẩn chéo từ thực phẩm này sang thực phẩm khác.
- Bảo quản kín: Thực phẩm trong tủ lạnh cần được bảo quản trong các hộp có nắp đậy hoặc các túi đựng thực phẩm kín để hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn từ xung quanh.
- Giữ lạnh thực phẩm kể cả lúc tẩm ướp gia vị. Trong điều kiện nhiệt độ phòng, vi khuẩn vẫn sinh sôi khi ta ướp thức ăn trước khi nấu. Vì vậy, ướp thực phẩm trong tủ lạnh và đậy kín giúp đảm bảo an toàn.
- Chia nhỏ thực phẩm thành nhiều phần (đặc biệt là thức ăn còn nóng), sử dụng hộp nông để chứa đựng giúp thực phẩm nhanh được làm lạnh hơn.
- Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên.
- Đảm bảo “Quy tắc 2 giờ”.
3. Quy tắc 2 giờ
Thực phẩm được khuyến cáo bảo quản lạnh sau khi mua cần được cho vào tủ lạnh càng nhanh càng tốt.
- Khi mua các thực phẩm cần bảo quản lạnh như thịt sống, hải sản, trứng, sữa,.. bạn nên mua sau cùng nếu có nhiều thứ cần mua để đảm bảo giữ lạnh sản phẩm được lâu. Người dùng cũng cần đảm bảo thời gian từ khi lấy thực phẩm tại quầy giữ lạnh ở cửa hàng đến lúc về nhà cho vào tủ lạnh là trong vòng 2 giờ.
- Vào những ngày nóng (nhiệt độ trên 32oC), thời gian tối đa cho phép để giữ thực phẩm ở ngoài trước khi bảo quản lạnh chỉ còn 1 giờ.
- Khi bạn đi ăn ở quán và muốn mang thức ăn dư về cất giữ dùng cho bữa ăn sau, cần đảm bảo thức ăn được làm lạnh trong vòng 2 giờ. Điều này có nghĩa nếu bạn có thể về đến nhà trong vòng 2 giờ sau khi rời quán thì mới nên mang về.
Xem thêm: 9 thực phẩm hàng đầu chứa vitamin C mà bạn cần biết
4. Rã đông thực phẩm đúng cách
Rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng không đảm bảo an toàn, trong điều kiện này một số vi sinh vật sẽ tạo ra độc tố và độc tố này vẫn tồn tại ngay cả khi thức ăn sau đó được nấu ở nhiệt độ tiêu diệt vi khuẩn.
Có 3 cách rã đông an toàn:
- Trong ngăn mát tủ lạnh: thực phẩm được rã đông ngay trong tủ lạnh ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật.
- Trong nước lạnh: bạn cần thay nước ngâm mỗi 30 phút để đảm bảo nước vẫn lạnh
- Trong lò vi sóng: thực phẩm sau khi rã đông trong lò vi sóng cần được chế biến ngay.
5. Làm gì khi tủ lạnh mất điện
Khi tủ lạnh mất điện, thực phẩm được bảo quản đối mặt với nguy cơ hư hại và nhiễm khuẩn. Bạn cần kiểm tra kĩ và có thái độ dứt khoát đối với những sản phẩm không còn an toàn sử dụng.
- Chuẩn bị sẵn các túi nhựa chứa nước và đông đá chúng trong tủ đông. Khi mất điện, sử dụng các túi đá này để giữ lạnh ngăn đông và ngăn mát tủ lạnh.
- Đóng cửa tủ lạnh càng lâu càng tốt trong thời gian mất điện để giữ lạnh thực phẩm được lâu hơn.
- Khi có điện trở lại, kiểm tra nhiệt kế tủ lạnh. Nếu nhiệt độ vẫn giữ ở 5°C hoặc thấp hơn, hoặc nhiệt độ trên 5°C nhưng không quá 2 giờ thì thực phẩm vẫn an toàn để sử dụng.
- Với ngăn đông, nếu nhiệt độ ở mức 5°C hoặc thấp hơn hoặc bạn thấy thực phẩm vẫn còn đông đá, bạn có thể sử dụng hoặc tiếp tục bảo quản đông.
- Nếu thấy nhiệt độ trên 5°C và bạn không chắc chắn thực phẩm đã ở nhiệt độ này trong bao lâu rồi thì bạn nên bỏ các thực phẩm này đi để đảm bảo an toàn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Food Code 2017https://www.fda.gov/food/fda-food-code/food-code-2017
Ngày tham khảo: 15/08/2019
-
Food Safety A to Z Reference Guidehttps://www.fda.gov/media/90663/download
Ngày tham khảo: 15/08/2019