Đâu là cách chữa bệnh mộng du tốt nhất và câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Rối loạn giấc ngủ là một trong những vấn đề thường gặp trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Trong số đó, mộng du dù ít gặp nhưng có thể là nguyên nhân gây ra các nhiễu loạn trong sinh hoạt thường ngày. Vậy đâu là cách chữa bệnh mộng du tốt nhất? Bài viết dưới đây của bác sĩ chuyên khoa Nội tổng quát Nguyễn Lâm Giang sẽ trả lời cho câu hỏi trên.
Chẩn đoán mộng du
Mộng du là khi một người thực hiện những hành vi khác lạ trong trạng thái ngủ say. Bệnh thường xảy ra sau 1-2 giờ sau khi ngủ – trong giai đoạn ngủ sâu. Trẻ từ 1-5 tuổi là nhóm bệnh thường hay mắc bệnh nhất, rất ít khi người lớn bị mắc bệnh. Sau tuổi dậy thì, đa phần các trẻ sẽ tự chấm dứt mộng du mà không cần điều trị gì.
Triệu chứng bệnh
Chẩn đoán chính xác vấn đề của bệnh nhân là một trong những công việc trước hết của bác sĩ. Nghi ngờ bệnh mộng du khi người mắc có những triệu chứng sau:
- Bước xuống giường và đi lại quanh phòng.
- Đôi mắt thẫn thờ.
- Trong cơn rất khó đánh thức bệnh nhân dậy.
- Người bệnh không nhớ các sự việc xảy ra trong cơn.
- Vì bị rối loạn giấc ngủ nên ban ngày thường mệt mỏi
- Mở mắt, nhìn chằm chằm.
- Không trả lời hay phản ứng với người khác.
- Lú lẫn nhẹ hay mất định hướng sau khi ngủ dậy.
- Hoảng loạn, la hét trong cơn.1
Đa ký giấc ngủ
Đa phần có thể chẩn đoán dựa vào triệu chứng mà người bệnh mắc. Song, một số trường hợp khó khăn, các chỉ định can thiệp chuyên sâu sẽ được chỉ định bổ sung. Đa ký giấc ngủ là một phương pháp chẩn đoán phổ biến giúp chẩn đoán bệnh mộng du.
Người bệnh sẽ ngủ qua đêm tại phòng khám bệnh viện, và đánh giá tại chỗ. Các cảm biến được gắn trên cơ thể, đo và ghi lại các sóng não, nồng độ oxy trong máu, nhịp tim, nhịp thở, các cử động bất thường của mắt khi ngủ. Kết quả sẽ được tổng hợp và dựng thành nhật ký giấc ngủ và được bác sĩ đánh giá dựa trên đó. Các bất thường phát hiện được bằng đa ký giấc ngủ phù hợp với triệu chứng của bệnh nhân sẽ được chẩn đoán bệnh mộng du và bắt đầu kế hoạch điều trị.
Xem thêm: Những cách cho trẻ sơ sinh ngủ sớm đơn giản mà hiệu quả
Cách chữa bệnh mộng du
Không phải tất cả bệnh nhân mắc bệnh đều cần điều trị đặc hiệu. Đa phần trẻ nhỏ mắc bệnh sẽ tự hết khi lớn, thậm chí người lớn cũng không cần, trừ khi bệnh nặng. Mục tiêu của điều trị bệnh mộng du là quan sát người bệnh và đảm bảo sự an toàn cho họ.2
Quan sát người bệnh
Ghi nhận lại những việc mà người bệnh đã làm. Thời gian mỗi cơn, tần suất xảy ra cơn trong đêm cũng phải chú ý. Các triệu chứng bất thường trong cơn như nói chuyện, la hét, nhảy nhót, mở mắt. Lưu ý không nên đánh thức người bệnh khi đang trong cơn mộng du; nếu thật sự cần thiết, từ từ hướng dẫn họ quay lại giường ngủ. Những thông tin này rất quan trọng để báo cho bác sĩ về vấn đề của người bệnh.
Phòng tránh các tai nạn
Người mộng du có thể di chuyển và tự làm hại bản thân. Do đó, giữ một môi trường ngủ ngăn nắp, an toàn là cách chữa bệnh mộng du hiệu quả.2
- Dọn dẹp sàn nhà, không đặt những vật gây cản trở đi lại như dây điện, ghế,…
- Không ngủ giường tầng; nếu có, nên nằm tầng thấp.
- Khóa cửa chính và cửa sổ cẩn thận.
- Lắp cửa chắn cầu thang.
- Trải thảm êm trên sàn.
- Nên kiểm tra, theo dõi người bệnh mỗi vài giờ một lần trong đêm.
Người mắc mộng du sẽ làm những công việc bất thường không chủ ý và không chú ý đến môi trường xung quanh. Những công việc trên giúp tránh các chấn thương nặng nề nếu mộng du xảy ra.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Cách chữa bệnh mộng du hiệu quả nhất là sử dụng thuốc. Phương pháp này nên áp dụng cho bệnh nhân thường xuyên mắc mộng du với mức độ nặng. Người bệnh có nguy cơ tạo ra các chấn thương cho người khác và bản thân; làm ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của gia đình nên đến gặp bác sĩ sớm để được định hướng điều trị phù hợp.2
- Điều trị bệnh nguyên. Mộng du có thể do nguyên nhân khác gây ra, cho nên điều trị bệnh nền sẽ chấm dứt tình trạng này.
- Điều chỉnh các thuốc hiện tại đang dùng – những thuốc gây ra tác dụng phụ là mộng du hay các rối loạn giấc ngủ khác.
- Tư vấn phòng ngừa bằng cách dự đoán giờ phát cơn của người bệnh. Gọi họ dậy trước đó 15 phút và thức trong vài phút trước khi ngủ trở lại.
- Điều trị bằng thôi miên, giúp người bệnh đạt được trạng thái ngủ sâu, giảm tình trạng mộng du.
- Một số thuốc ngủ hay thuốc chống trầm cảm có tác dụng giảm mộng du.
- Tư vấn một sức khỏe tâm thần kinh tốt giúp cải thiện giấc ngủ, giảm stress, từ đó giảm mộng du.
Bệnh mộng du có nguy hiểm không?
Mộng du là một loại rối loạn giấc ngủ rất ít gặp, mức độ bệnh nặng càng hiếm hơn. Bệnh ít khi phải điều trị và hiếm gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu những cơn mộng du thường xuyên xảy ra, mức độ tăng dần. Có thể gây ra các thương tích cho họ và mọi người. Mộng du xảy ra ở người lớn, không rõ nguyên nhân hay có tiền căn gia đình rối loạn giấc ngủ đều là bệnh có nguy cơ nguy hiểm cao.2
Xem thêm: Những thực phẩm giúp bé ngủ ngon mà các bà mẹ nên biết
Bài viết trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh và cách chữa bệnh mộng du bạn cần biết. Bệnh tuy có thể nặng nề nhưng có nhiều cách điều trị khác nhau giúp bệnh nhân có một giấc ngủ an lành. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về bệnh mộng du, hãy đến gặp bác sĩ để được chăm sóc và tư vấn tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Sleepwalkinghttps://www.nhs.uk/conditions/sleepwalking/
Ngày tham khảo: 23/11/2021
-
Sleepwalkinghttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sleepwalking/diagnosis-treatment/drc-20353511
Ngày tham khảo: 23/11/2021