Cách chữa cảm cúm cho bà bầu và những lưu ý bạn cần biết
Nội dung bài viết
Cảm cúm là những bệnh phổ biến trong cộng đồng. Đối với bà bầu, thì cảm cúm còn có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy, nguyên nhân của cảm cúm là gì? Triệu chứng của bệnh ra sao? Mẹ bầu cần làm gì khi bị cảm cúm? Cách chữa cảm cúm cho bà bầu tại nhà thế nào? Hãy cùng Bác sĩ Trần Thế Minh tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Tổng quan về bệnh cảm cúm ở mẹ bầu
Cảm cúm là một bệnh thường gặp ở tất cả mọi đối tượng. Người bệnh thường có thể tự hồi phục sau vài ngày nếu thực hiện các biện pháp chăm sóc tốt. Tuy nhiên, cúm lại rất nguy hiểm đối với mẹ bầu vì nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.1
Vậy trước khi tìm hiểu cách chữa cảm cúm cho bà bầu, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tổng quan về bệnh cảm cúm khi mang thai nhé!
1. Nguyên nhân mẹ bầu bị cảm cúm
Nguyên nhân gây bệnh cúm là do virus cúm (influenza virus) gây ra. Có 4 loại virus cúm chính, A, B, C và D. Các loại virus này hoạt động trên các tế bào biểu mô đường hô hấp, nên chúng có thể lây nhiễm qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, hoặc khạc nhổ). Bên cạnh đó, khi người bình thường tiếp xúc với những đồ vật, bề mặt mà người bệnh đã chạm vào, cũng có thể bị bệnh.2
Đối với phụ nữ mang thai, cơ thể có nhiều thay đổi như:3
- Nâng cao cơ hoành để phù hợp với sự phát triển của tử cung.
- Tăng nhịp thở, giảm độ giãn nở của lồng ngực.
- Tăng áp lực trong ổ bụng.
- Bị ức chế miễn dịch.
Những thay đổi đáng kể này khiến nhịp hô hấp cần tăng lên, cơ thể nhạy cảm hơn, dễ mắc bệnh hơn. Ngoài ra, sự thay đổi thời tiết và môi trường xung quanh cũng có thể khiến mẹ bầu dễ bị cúm.
2. Dấu hiệu cảm cúm ở bà bầu
Các triệu chứng cảm cúm ở mẹ bầu bao gồm:4
- Ớn lạnh.
- Ho khan.
- Nhức đầu.
- Ăn không ngon.
- Sổ mũi, nghẹt mũi.
- Đau cơ.
- Đau họng.
- Đột ngột sốt vừa đến sốt cao.
- Mệt mỏi.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện trong 2 – 3 ngày. Cũng có trường hợp có thể kéo dài đến 1 – 2 tuần tùy vào mức độ nghiêm trọng ở mỗi mẹ bầu.1
3. Mẹ bầu bị cảm cúm có nguy hiểm không?
Biến chứng của bệnh cúm đối với phụ nữ mang thai1 3
Cảm cúm khi mang thai có nhiều khả năng trở nặng hơn so với những đối tượng khác. Những thay đổi về tim phổi trong cơ thể người mẹ làm tăng nguy cơ suy hô hấp, phù phổi, phức tạp thêm việc điều trị.
Nếu tình trạng cúm không được chữa trị sớm, mẹ bầu có thể bị viêm phổi, hay viêm phế quản.
Bị cảm cúm có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Cảm cúm không chỉ ảnh hưởng đến mẹ bầu mà còn có nhiều tác động xấu đến thai nhi. Nhiều nghiên cứu cho thấy cảm cúm khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non và trẻ sinh ra nhẹ cân.4
Mẹ bầu cần làm gì khi có các triệu chứng cảm cúm?
Khi nhận thấy có các triệu chứng cảm cúm, hoặc bất kỳ triệu chứng nào bất thường, mẹ bầu nên thông báo cho các bác sĩ sản khoa để được tư vấn và có cách xử trí phù hợp.1
Một số người thường nghĩ bệnh cảm cúm chỉ là bệnh thông thường; nên khi nhận thấy các triệu chứng của cúm thì tự mua thuốc để điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý, không tự ý sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Vì việc sử dụng thuốc mà chưa có hướng dẫn từ chuyên gia có khả năng gây hại cho cả mẹ và thai nhi.
Cách chữa cảm cúm cho bà bầu tại nhà
Các triệu chứng của bệnh cúm có thể kéo dài ít nhất một tuần hoặc hơn. Đôi khi, các triệu chứng của cảm cúm có thể làm mẹ bầu khó chịu, hoặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, việc thực hiện một số cách chăm sóc tại nhà có thể giúp làm giảm các triệu chứng, giúp bệnh nhanh khỏi hơn. Sau đây là một số cách chữa cảm cúm cho bà bầu tại nhà mà bạn có thể tham khảo:5 6
1. Chế độ dinh dưỡng
- Mẹ bầu cần uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước.
- Mẹ cũng nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng qua việc ăn uống để có sức khỏe tốt chống lại bệnh tật.
- Mẹ bầu cũng có thể sử dụng chanh và mật ong pha với nhau, hoặc đồ uống ấm để cơ thể mẹ dịu lại và giảm đau họng.
- Có thể dùng các món súp hoặc cháo để dễ tiêu hóa. Nên ăn trái cây họ cam quýt như cam, quýt, chanh, bưởi, tắc… Họ quả này giàu vitamin C và chất chống oxy hóa giúp tăng đề kháng, cải thiện các triệu chứng của cảm cúm.
- Không nên sử dụng các thực phẩm chứa dầu, đồ ăn dầu mỡ, vì làm tăng lượng đờm. Lúc này, hệ tiêu hóa của mẹ đang bị giảm chức năng sẽ khó hấp thụ, khiến cơ thể mẹ thêm mệt mỏi. Mẹ bầu cũng không nên dùng thực phẩm lạnh, vì có thể làm nặng thêm các triệu chứng.
2. Chế độ sinh hoạt
Phụ nữ mang thai khi bị cúm nên nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc, để có năng lượng chống lại virus.
Nếu có thể, mẹ nên tập thể dục, lưu ý tránh các hoạt động quá sức. Vận động nhẹ nhàng sẽ giúp mẹ bầu nâng cao sức đề kháng trước các tác động của virus cúm.
Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối, nước ấm thường xuyên. Xông mũi bằng nước ấm. Những việc này giúp cho đường hô hấp được sạch sẽ, thông thoáng, giảm bớt sự khó chịu của các triệu chứng.
Bà bầu bị cảm cúm thì uống thuốc gì?
Lưu ý quan trọng rằng, phụ nữ mang thai không tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ, vì có thể gây biến chứng nguy hiểm. Khi điều trị tại nhà và đang không dùng thuốc, bà bầu và người chăm sóc cần theo sát tình hình sức khỏe. Nếu các triệu chứng nhiều lên hoặc trở nặng, cần thăm khám bác sĩ để có các chỉ định kịp thời.
Cúm chưa có thuốc đặc trị chữa bệnh dứt điểm, mà chỉ có thuốc làm giảm các triệu chứng. Một số loại phổ biến được bác sĩ sử dụng trong thai kỳ như sau:7
- Paracetamol dùng để hạ sốt, được xem là an toàn ở tất cả các giai đoạn của thai kỳ.
- Thuốc, nước muối dùng để xịt mũi, rửa mũi, được sử dụng để giảm nghẹt mũi.
- Chlopheniramin cũng có thể được dùng trong thai kì để chống dị ứng, làm giảm hắt hơi, sổ mũi.8
Một số loại thuốc có thành phần sau không được khuyến cáo trong thời kỳ mang thai:7
- Thuốc uống làm thông mũi, như pseudoephedrine, phenylephrine.
- Ibuprofen và các loại thuốc chống viêm không steroid khác (NSAIDs).
Cách phòng ngừa cảm cúm khi mang thai
Cần chú ý và phòng ngừa cảm cúm cho phụ nữ có thai, đặc biệt là vào giai đoạn cúm mùa tiến triển. Các biện pháp phòng ngừa là cách chữa cảm cúm cho bà bầu hiệu quả nhất, có thể kể đến như sau.
1. Tiêm phòng vắc xin cúm
Tiêm phòng vắc xin cúm giúp tăng sức đề kháng, ngăn chặn virus xâm nhập và giảm nguy cơ mắc bệnh cho phụ nữ khi mang thai.
Tiêm chủng rất cần thiết cho những đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng cúm và cho những người sống cùng người có nguy cơ cao. Phụ nữ mang thai là một trong số đó. WHO khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ mang thai nên được tiêm vắc xin cúm, ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.2
Việc tiêm phòng khi mang thai có an toàn không? Có những loại vắc xin nào mà bà bầu có thể tiêm khi mang thai? Liệu bà bầu có thể tiêm vắc xin cúm không? Những thắc mắc trên sẽ được giải đáp qua bài viết Tiêm phòng khi đang mang thai có an toàn không? của YouMed. Bạn đọc có thể tham khảo để có thêm thông tin nhé!
2. Hạn chế phơi nhiễm virus cúm
Sự hiểu biết thấu đáo về các nguyên nhân mắc bệnh, nguy cơ trở nặng, sẽ giúp mẹ bầu và những người xung quanh chú ý hơn trong sinh hoạt:2
- Tăng cường rửa tay, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đường hô hấp sạch sẽ.
- Đeo khẩu trang để hạn chế giọt bắn.
- Tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng.
- Mẹ bầu hạn chế đến nơi đông người có dịch bệnh tiến triển, hoặc tránh tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, nơi ở thông thoáng.
3. Thực hiện chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh
Bổ sung dưỡng chất không những giúp thai nhi có nguồn dinh dưỡng để phát triển, mà còn hỗ trợ người mẹ nâng cao sức chống chịu. Khi nhận thấy chế độ ăn uống vẫn chưa đáp ứng đủ hai nhu cầu cơ bản này, bác sĩ có thể chỉ định thêm thực phẩm hỗ trợ sức khỏe.
Bà bầu cũng nên vận động vừa sức và phù hợp với tình trạng của cơ thể. Một lịch trình sinh hoạt lành mạnh, khoa học sẽ giúp cả thể chất và tinh thần của mẹ khỏe mạnh hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Trên đây là một số thông tin về tình trạng cảm cúm ở mẹ bầu và cách chữa cảm cúm cho bà bầu. Hi vọng bài viết có thể giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức trong việc xử trí tình trạng cúm ở mẹ bầu. Chúc mẹ và bé có một thai kỳ an toàn và khỏe mạnh nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Mẹ bị cúm khi mang thaihttps://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/me-bi-cum-khi-mang-thai-2720
Ngày tham khảo: 06/02/2023
-
Influenza (Seasonal)https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/influenza-(seasonal)
Ngày tham khảo: 06/02/2023
-
Influenza in pregnancyhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3582707/
Ngày tham khảo: 06/02/2023
-
Flu While Pregnanthttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23104-flu-while-pregnant
Ngày tham khảo: 06/02/2023
-
Bà bầu làm gì khi mắc cúm?https://trungtamytequan6.medinet.gov.vn/chuyen-muc/ba-bau-lam-gi-khi-mac-cum-c14415-67245.aspx
Ngày tham khảo: 06/02/2023
-
How to Treat a Cold or Flu When You’re Pregnanthttps://www.healthline.com/health/cold-flu/treating-during-pregnancy
Ngày tham khảo: 06/02/2023
-
Cold and flu during pregnancy and breastfeedinghttps://www.pregnancybirthbaby.org.au/cold-and-flu-during-pregnancy
Ngày tham khảo: 06/02/2023
-
Chlorphenamine (Piriton)https://www.nhs.uk/medicines/chlorphenamine-including-piriton/#:~:text=Chlorphenamine%20can%20be%20used%20in%20pregnancy.%20There%20is%20no%20good%20evidence%20that%20it%20is%20harmful%20to%20your%20baby%2C%20but%20it%20can%20have%20side%20effects%20such%20as%20feeling%20drowsy.
Ngày tham khảo: 06/02/2023