Cách trị sẹo và ngăn ngừa sẹo sau mụn
Nội dung bài viết
Mụn trứng cá là tình trạng khá thường gặp và là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Tình trạng mụn không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều. Mụn xuất hiện khiến da của chúng ta bị sưng viêm và để lại muôn vàn thâm, sẹo đáng ghét. Đối với các vết thâm sau mụn thì có vẻ đơn giản hơn, chúng sẽ phai dần theo tự nhiên hoặc áp dụng các phương pháp trị thâm.
Đối với sẹo sau mụn thì tình huống sẽ khó hơn. Sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn trên gương mặt nếu không phòng ngừa hay điều trị thích hợp. Trong bài viết này, YouMed sẽ giúp các bạn bỏ túi những bí quyết giúp trị sẹo và cách ngăn ngừa sẹo sau mụn.
1. Nguyên nhân gây sẹo sau mụn là gì?
Thông thường sẹo mụn là hậu quả của các tổn thương viêm nhiễm như mụn mủ, mụn bọc hay mụn nang. Mụn viêm xảy ra do lỗ nang lông bị bít tắc bởi tế bào chết, bã nhờn và vi khuẩn. Khi sự tắc nghẽn trở nên quá nhiều, các nang lông bị viêm này sẽ phình to và vỡ ra. Nếu nang lông bị viêm vỡ ở gần bề mặt da thì tổn thương viêm nhanh chóng được làm lành mà không để lại sẹo. Trong trường hợp nặng hơn, các nang lông bị viêm vỡ sâu bên dưới da sẽ tạo thành sẹo.
Mụn viêm bị vỡ sâu dưới da sẽ tạo thành sẹo là do có liên quan đến sợi collagen. Bên dưới da có một lớp có tên là lớp bì, nơi này có rất nhiều sợi collagen và elastin. Các sợi đàn hồi này sẽ giúp da trở nên săn chắc, không bị chảy nhão. Khi các dịch viêm từ nang lông lan ra lớp bì, chúng sẽ gây hủy các sợi collagen. Sau đó da của chúng ta sẽ bắt đầu tổng hợp các sợi collagen khác để thay thế. Trong trường hợp quá trình tổng hợp sợi mới không được hoàn hảo thì sẽ hình thành nên sẹo mụn.
Tổn thương viêm càng nhiều, càng sâu dưới da thì khả năng để lại sẹo càng cao. Chẳng hạn các mụn cục, mụn nang lớn sẽ để lại sẹo nhiều hơn các mụn mủ nhỏ.
2. Các loại sẹo mụn
Sau khi bị mụn, đặc biệt là mụn viêm thì chúng ta có thể bị hai loại sẹo sau đây:
- Sẹo lồi. Nếu sự lành thương để sửa chữa các tổn thương viêm bên dưới da trở nên quá mức. Khi đó cơ thể điều hòa sản xuất quá nhiều sợi collagen và sợi xơ ở sang thương viêm, kết quả sẽ tạo thành sẹo lồi. Đây là loại sẹo nổi gồ trên bề mặt da có các biểu hiện xơ cứng, đỏ hay ngứa.
- Sẹo lõm (sẹo rỗ). Trường hợp này thường xảy ra nhiều hơn là sẹo lồi. Sẹo lõm là hậu quả của cơ thể sản xuất không đủ các sợi collagen để thay thế. Đồng thời các sợi xơ kéo bề mặt da xuống dưới tạo những vết lõm. Trong sẹo lõm lại tiếp tục được chia thành 3 loại sẹo đó là sẹo đáy vuông (boxcar), sẹo đáy nhọn (icepick) và sẹo lượn sóng (rolling). Tùy thuộc vào từng loại sẹo lõm sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.
>>> Xem thêm: Bật mí cách trị thâm mụn theo chuyên gia da liễu
Bị loại sẹo nào sau khi bị mụn là tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Ở những bạn có cơ địa sẹo lồi cao thì sau khi bị mụn viêm sẽ để lại sẹo lồi. Còn ở các bạn không có cơ địa sẹo lồi thì thông thường sẽ bị sẹo lõm sau khi bị mụn viêm.
3. Phương pháp thẩm mỹ nào điều trị sẹo mụn?
Hiện nay, có rất nhiều công nghệ thẩm mỹ giúp điều trị sẹo mụn. Lựa chọn phương pháp nào là tùy thuộc vào sự đánh giá của bác sỹ với từng loại da khách hàng.
- Lăn kim: Sử dụng những con lăn chứa nhiều đầu kim nhỏ để lăn trên da bị sẹo. Các đầu kim sắt nhọn này sẽ cắt đứt sợi xơ, tạo vết thương giả. Từ đó kích thích cơ thể sản xuất collagen mới thay thế cho sợi xơ cũ và giúp làm đầy vết sẹo lõm.
- Ánh sáng phát ra từ máy laser có mức năng lượng cao tạo những tổn thương trên bề mặt vết sẹo. Từ đó cơ thể sẽ sản xuất collagen thay thế ở những vùng bị tổn thương này. Kết quả là các sợi collagen mới được cơ thể tạo ra sẽ giúp làm đầy vết sẹo lõm.
- Chemical peel: Đây là phương pháp thay da sinh học giúp tái tạo bề mặt da, thay các tế bào da cũ thành tế bào da mới. Trong trường hợp sẹo nhẹ hay sẹo nông thì chemical peel sẽ giúp tái tạo và làm đầy sẹo lõm.
- Cắt đáy sẹo: Phương pháp này dùng một cây kim cắt các sợi xơ bên dưới đáy sẹo. Sau đó cơ thể sẽ tổng hợp các sợi collagen thay thế và làm đầy sẹo lõm lên.
- Tiêm sẹo: Trong trường hợp bị sẹo lồi sau khi bị mụn. Hoạt chất được tiêm vào trong sẹo sẽ làm cho sẹo teo đi, không lồi trên bề mặt da.
- Thuốc trị sẹo: Kem bôi được sử dụng liền vết thương, ngăn hình thành sẹo hay làm mờ sẹo. Tuy nhiên nó thường có hiệu quả đối với sẹo mới, không phù hợp cho sẹo lâu năm.
4. Điều trị sẹo mụn tại nhà như thế nào?
Ngoài các phương pháp thẩm mỹ còn có các phương pháp giúp trị sẹo từ các sản phẩm thiên nhiên. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy chúng ở trong ngôi nhà của chúng ta, đó là:
- Mật ong: Có công dụng kháng khuẩn, làm ẩm và chữa lành vết thương. Thoa mật ong lên sẹo mới hình thành có thể giúp làm lành sẹo.
- Nha đam: Giống với mật ong, nha đam cũng có công dụng giúp giữ ẩm và làm lành vết thương. Thoa nha đam lên vết sẹo mới sẽ giúp làm mềm và làm đầy vết sẹo.
- Nghệ: Trong nghệ có thành phần curcumin, vitamin E, D… rất tốt cho vết thương. Đối với sẹo mụn, curcumin có tác dụng kháng viêm, tái tạo da là làm lành sẹo.
- Nước cốt chanh: Trong nước cốt chanh có một hàm lượng axit citric tự nhiên. Axit này sẽ giúp tái tạo da mới thay thế da cũ, nhờ vậy giúp làm đầy các sẹo lõm nông.
5. Ngăn ngừa bị sẹo mụn như thế nào?
Chúng ta hoàn toàn không thể ngăn ngừa sẹo sau mụn 100%. Tuy nhiên những biện pháp sau đây sẽ giúp các bạn giảm thiểu khả năng bị sẹo mụn đến mức thấp nhất.
- Điều trị mụn sớm: Cách tốt nhất để ngăn ngừa sẹo mụn là điều trị mụn. Chữa khỏi mụn sớm sẽ hạn chế các mụn viêm to và sâu. Nhờ vậy da không bị tổn thương nhiều dẫn đến hình thành sẹo. Cần lưu ý là chúng ta nên tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sỹ khi điều trị mụn. Không tự ý ngưng thuốc hay đổi thuốc khiến cho hiệu quả không được như mong muốn.
- Không tự nặn mụn: Dùng tay không để nặn mụn không sạch như chúng ta nghĩ. Vi khuẩn trên tay có thể làm mụn viêm trầm trọng hơn. Ngoài ra không lấy hết nhân mụn bên dưới sẽ làm mụn tiếp tục sưng viêm.
- Giảm viêm: Tổn thương viêm càng nhiều, càng sâu dưới da thì khả năng để lại sẹo càng cao. Chẳng hạn các mụn cục, mụn nang lớn sẽ để lại sẹo nhiều hơn các mụn mủ nhỏ. Vì vậy cần giảm viêm bằng thuốc bôi hoặc thuốc uống để tình trạng viêm lan sâu xuống dưới da.
- Không cạy vảy: Khi bị mụn viêm các bạn sẽ thấy có mài hay vảy màu đen ở trên bề mặt da. Lớp mài hay vảy này sẽ giúp da lành thương và giúp liền da. Cạy bỏ lớp mài này đi sẽ khiến cho quá trình lành thương không được đảm bảo và dễ để lại sẹo.
6. Kết luận
Sẹo mụn là tình trạng có thể gây nhiều khó chịu do ảnh hưởng thẩm mỹ. Ngoài do cơ địa tạo sẹo thì một số thói quen hàng ngày cũng dễ khiến chúng ta bị sẹo mụn. Vì vậy khi bị mụn trứng cá, đặc biệt là mụn viêm thì các bạn nên chú ý điều trị sớm. Đồng thời chú ý trong cách chăm sóc da, tuyệt đối không dùng tay nặn hay cậy mụn. Các thói quen xấu này sẽ khiến cho da bị tổn thương và dễ để lại sẹo hơn.
>> Xem thêm các bài viết liên quan:
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
5 Natural Products to Get Rid of Acne Scarshttps://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/natural-products-for-acne-scars
Ngày tham khảo: 12/04/2020
-
Causes of Acne Scars and How to Prevent Themhttps://www.verywellhealth.com/what-causes-acne-scars-15517
Ngày tham khảo: 12/04/2020