Hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc trẻ bị ho từ A – Z
Nội dung bài viết
Trẻ nhỏ thường rất dễ bị ho, đặc biệt là trong lúc thời tiết giao mùa. Bố mẹ đã biết gì về những cách chăm sóc trẻ bị ho, cũng như phòng tránh trẻ khỏi tình trạng khó chịu này? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Chí Hiếu tìm hiểu bạn nhé!
Điều trị trẻ bị ho như thế nào?
Những cơn ho nghe có vẻ dữ dội, nhưng thật ra bạn không cần cho trẻ dùng thuốc chữa ho. Bởi vì phần lớn trẻ bị ho là do vi rút và sẽ tự hết sau 2 tuần. Hầu hết các bác sĩ cũng không kê đơn thuốc kháng sinh cho trẻ, vì nó không chống lại được vi rút.
Trong trường hợp trẻ bị ho lâu ngày do hen suyễn, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc steroid hoặc các loại thuốc khác.
Các trường hợp khác, trừ khi ho làm trẻ thức giấc, thông thường bạn không cần dùng đến thuốc ho. Lúc này, quan trọng là bạn nên chăm sóc trẻ bị ho tại nhà. Nếu bạn tự mua thuốc ho cho trẻ, hãy tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ để dùng đúng liều và đảm bảo an toàn cho con bạn. Mặc dù vậy, thuốc ho chỉ giảm triệu chứng ho chứ không thể điều trị tận gốc được nguyên nhân trẻ bị ho. Không những vậy, một số thuốc có thể làm đặc đờm, làm cho bệnh tình nặng hơn.
Cần chú ý rằng, FDA khuyến nghị rằng: thuốc ho không dành cho trẻ em dưới 4 tuổi. Vì những loại thuốc này không được chấp thuận ở trẻ và cũng không có bằng chứng lợi ích ở đối tượng này.
Ngoài ra, không cho trẻ uống các thuốc kết hợp nhiều hoạt chất. Bởi vì chúng có thể làm trẻ bị quá liều hoặc bị tác dụng phụ. Aspirin không được tự dùng cho trẻ dưới 16 tuổi, trừ khi được chỉ định trong trường hợp đặc biệt. Lý do là vì aspirin có thể gây ra hội chứng Reye cho trẻ. Đây là một bệnh về não cực kỳ nghiêm trọng.
Những phương pháp chăm sóc trẻ bị ho
Như vậy, bạn không cần phải mua thuốc ho cho trẻ. Việc cần làm đó là phải biết các mẹo để chăm sóc trẻ bị ho tại nhà. Để trẻ dễ chịu hơn khi cơn ho hoành hành, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Nếu con của bạn ho quá dữ dội, hãy ngồi cùng trẻ trong phòng tắm có hơi nước trong khoảng 20 phút. Việc này có thể giúp trẻ thông mũi và dịu cơn ho.
- Cung cấp cho trẻ đầy đủ nước. Không nhất thiết là nước lọc, có thể là sữa mẹ hoặc sữa bột cho trẻ sơ sinh; hoặc nước canh, nước trái cây cho trẻ em lớn tuổi hơn.
- Tránh đồ uống có ga vì chúng có thể gây kích ứng cổ họng.
- Đặt máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ của con để giúp trẻ dễ chịu hơn.
- Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi để giảm nghẹt mũi.
- Bạn nên để bé được nghỉ ngơi nhiều hơn.
- Nếu trẻ đã hơn một tuổi, một ly nước ấm với mật ong và chanh có thể giúp cơn ho được dịu lại. Tuy nhiên, không nên cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng loại thức uống này, vì trẻ có thể bị ngộ độc mật ong.
- Một vài mẹo trị ho như: súc miệng bằng nước muối, uống trà gừng, nước húng tây, nước chanh…
Sau nhiều ngày chăm sóc trẻ bị ho tại nhà, nếu các cơn ho của trẻ trầm trọng hơn hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy đưa ngay trẻ đến bác sĩ. Điều này sẽ giúp trẻ được chẩn đoán chính xác nguyên nhân bệnh và được chữa trị kịp thời.
Biện pháp phòng ngừa trẻ bị ho
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn sẽ không phải đau đầu với các cách chăm sóc trẻ bị ho sổ mũi nếu thực hiện các biện pháp phòng ngừa trẻ bị ho sau:
- Luyện cho bé ăn uống đầy đủ, không kén ăn;
- Ít ăn đồ ăn ngọt, đồ lạnh vì chúng có thể là nguyên nhân trẻ bị ho;
- Rèn luyện sức khỏe cho trẻ, thường xuyên cho trẻ vận động thể chất, tăng cường sức đề kháng;
- Đảm bảo không khí trong nhà được lưu thông;
- Rửa tay kỹ và thường xuyên;
- Dạy trẻ hắt hơi hoặc ho vào khuỷu tay thay vì dùng tay che miệng;
- Tránh xa những người hút thuốc lá hoặc những người đang bị ốm;
- Tuân theo kế hoạch điều trị của bác sĩ nếu con bạn bị hen suyễn hoặc dị ứng;
- Hãy chú ý thời tiết bên ngoài để mặc đồ phù hợp cho trẻ, tránh để trẻ bị cảm lạnh hoặc quá nóng;
- Khi bé có đờm mà không khạc ra được, cha mẹ cần bế cho bé cúi đầu xuống và vỗ lưng nhẹ, để cho đờm ra.
Khi nào đưa trẻ đến bác sĩ
Nếu đã chăm sóc trẻ bị ho nhiều ngày mà tình trạng vẫn không cải thiện, kèm thêm các tình trạng sau. Hãy đưa trẻ đến bác sĩ để thăm khám. Các tình trạng đó bao gồm:
- Có các cơn ho hoặc cơn co thắt dữ dội, thở khò khè hoặc thở gấp;
- Bị ho kéo dài 3 tuần, và ngày càng trầm trọng. Đồng thời, nó xảy ra vào cùng một thời điểm hàng năm hoặc có vẻ như do một thứ gì đó gây ra (phấn hoa, bụi, vật nuôi,…);
- Sốt kéo dài hơn một vài ngày;
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi;
- Thở nhanh hoặc khó thở;
- Môi, mặt hoặc lưỡi có màu xanh hoặc nhợt nhạt sau khi ho.
Trong một vài trường hợp, có thể đây là triệu chứng của hen suyễn, dị ứng… Lúc này, bác sĩ sẽ quan sát nhịp thở của con bạn hoặc chụp X-quang để chẩn đoán chính xác. Do đó, hãy chú ý các tình trạng đặc biệt trên trong quá trình chăm sóc trẻ bị ho bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
How to Handle a Coughhttps://kidshealth.org/en/parents/cough-sheet.html
Ngày tham khảo: 06/04/2021
-
How to Treat a Cough in Toddlers at Homehttps://www.healthline.com/health/parenting/toddler-cough-remedy
Ngày tham khảo: 06/04/2021
-
Causes and Treatment of Coughs in Childrenhttps://www.webmd.com/children/guide/cough-treatment#2-4
Ngày tham khảo: 06/04/2021