Bệnh tay chân miệng tắm lá gì? Câu trả lời của bác sĩ
Nội dung bài viết
Bệnh tay chân miệng là một bệnh do virus phổ biến, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em nhưng có thể gây bệnh cho người lớn. Ở nước ta, bệnh thường xuất hiện do đặc điểm khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiều người thường thắc mắc tay chân miệng có được tắm không? Bị chân tay miệng tắm lá gì? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh giải đáp những thắc mắc này trong bài viết dưới đây nhé!
Sơ lược về tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là một bệnh do virus phổ biến, thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em nhưng có thể gây bệnh cho người lớn. Biểu hiện bệnh thường ở bàn tay, bàn chân, miệng, và đôi khi ở cả bộ phận sinh dục và mông.1
Bệnh tay chân miệng là một do virus lây truyền. Nguyên nhân gây bệnh thường do coxsackie virus thuộc họ Enterovirus. Coxsackievirus A16, Coxsackievirus A6, Coxsackievirus A10 và enterovirus A71 là các tuýp tác nhân gây bệnh thường gặp.1
Bệnh tay chân miệng có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè. Một nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng có liên quan đến tăng nhiệt độ và độ ẩm môi trường. Bệnh tay chân miệng thường nhẹ và sẽ hết trong vòng 7 đến 10 ngày.1
Điều trị tay chân miệng chủ yếu là điều trị hỗ trợ, chưa có thuốc trị đặc hiệu. Chủ yếu là:1
- Giảm đau và hạ sốt.
- Đảm bảo bệnh nhân vẫn đủ nước là rất quan trọng.
- Súc miệng, vệ sinh miệng giúp che phủ các vết loét, giảm đau miệng.
Trẻ bị tay chân miệng có được tắm không?
Hiện nay, có nhiều người quan niệm bị tay chân miệng thường nên kiêng tắm, kiêng gió. Vậy, quan niệm này có đúng không?
Theo các hướng dẫn điều trị bệnh tay chân miệng, giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ là một trong những yếu tố không những hỗ trợ trị bệnh mà còn giúp phòng ngừa ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Việc tắm rửa vệ sinh giúp cho các nốt sang thương ở tay chân không bị nhiễm trùng. Đồng thời giúp cho trẻ cảm thấy thoải mái dễ chịu khi mắc bệnh.2
Bệnh chân tay miệng tắm lá gì?
Theo y học cổ truyền, bệnh tay chân miệng thuộc phạm vi ôn bệnh. Nguyên nhân gây bệnh là do thấp nhiệt độc gây ra. Do đó, điều trị bệnh tay chân miệng theo y học cổ truyền dùng pháp trị chính là thanh nhiệt giải độc. Quả thực, thanh nhiệt giải độc đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tiến triển của bệnh, giảm thời gian lành vết thương, vết loét trong miệng. Thanh nhiệt giải độc còn vượt trội hơn giả dược trong việc giải quyết triệu chứng sốt. Thanh nhiệt giải độc giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch của con người, tăng cường sức đề kháng của cơ thể và ngăn chặn mầm bệnh truyền nhiễm xâm nhập.3
Một số dược liệu sẵn có, dễ tìm, giá thành rẻ để bạn đọc có thể tham khảo:
1. Hoàng cầm (Scutellaria baicalensis)
Hoàng cầm là loại thuốc thảo dược đã được Bộ Y tế Trung Quốc khuyên dùng để điều trị bệnh tay chân miệng từ những năm 2012. Hoàng cầm có thể điều trị tay chân miệng thể nhẹ đến trung bình. Hoàng cầm dạng thuốc sắc uống giúp nhanh chóng hạ sốt, nhanh lành vết thương, đồng thời giảm các tiến triển nặng có thể tổn thương thần kinh.4 Hoàng cầm cũng rất an toàn khi sử dụng bên ngoài da như dạng bôi, dạng nước tắm.
2. Rau diếp cá (Houttuynia cordata Thunb)
Nhiều loại thảo mộc thường được kê đơn, khuyên dùng để điều trị tay chân miệng. Trong đó, người ta nhận thấy rau diếp cá có hoạt tính mạnh chống lại virus tay chân miệng (chủng coxsackievirus A16 và enterovirus A71). Diếp cá trong đông y ghi nhận tính sát trùng, chống viêm và giải nhiệt. Diếp cá đã được sử dụng, là loại rau ăn được trong ẩm thực Trung Quốc, Việt Nam và có lịch sử sử dụng lâu dài trong y học cổ truyền.5 Diếp cá nấu nước tắm không giới hạn liều.
3. Lá chè xanh
Chè xanh là loại cây trồng khắp nơi ở nước ta. Trong chè xanh chứa một lượng lớn tanin, được coi là một loại polyphenol quan trọng. Chè xanh trong đông y được xếp vào vị đắng chát, tính mát giúp thanh nhiệt, tiêu viêm,… Nước chè dùng rửa các vết thương, vết lở, giúp nhanh se liền và lên da non.6 Do đó, bạn có thể sử dụng lá chè xanh nấu nước tắm để hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng.
4. Lá chè vằng
Lá chè vằng thường được sử dụng trong các trường hợp sau sinh, viêm áp xe tuyến vú, sốt cao,… Lá chè vằng trong đông y có vị hơi đắng, chát. Bên cạnh nấu nước uống, với tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, tiêu viêm, trừ mủ lá chè vằng còn có thể nấu nước tắm. Lá chè vằng được nghiên cứu có tác dụng kháng khuẩn, bảo vệ da chống lại vi khuẩn.7 Các nốt sang thương trong bệnh tay chân miệng nếu bong tróc ra là cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào.1 Bạn có thể nấu nước 100g lá chè vằng tươi để tắm hàng ngày khi mắc tay chân miệng.
5. Lá nhọ nồi
Lá nhọ nồi còn có tên khác là cỏ mực, có tác dụng ức chế vi khuẩn trên da như tụ cầu vàng, liên cầu, trực khuẩn bạch hầu,… Nhọ nồi có độc tính thấp, giới hạn an toàn rộng. Nhọ nồi giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn, nhanh lành vết thương, chống viêm, giảm mụn nhọt. Ở Ấn Độ, nhọ nồi được dùng làm thuốc sát trùng da, chữa vết loét và một số bệnh ngoài da.8 Cỏ nhọ nồi ở nước ta là cây thuốc nam rất dễ tìm, giá thành rẻ. Bạn có thể dùng 30 – 50 gam lá tươi để nấu tắm.
Ngoài ra, ở nước ta còn có rất nhiều cây thuốc nam khác giúp hỗ trợ giảm triệu chứng của bệnh tay chân miệng. Bạn đọc có thể tham khảo thêm như rau sam, khổ qua rừng,… Bạn nên chọn những loại lá có tính mát, vị đắng chát, làm se da, để tuân theo pháp trị thanh nhiệt, giải độc đã nhắc đến ở trên.
Lưu ý, tinh dầu từ cây thảo mộc không được nêu trong các hướng dẫn điều trị bệnh tay chân miệng. Vì được chưng cất từ khối lượng lớn thực vật nên tinh dầu rất dễ gây nên kích ứng da.9
Những lưu ý khi tắm lá để hỗ trợ điều trị tay chân miệng
Bạn đọc nên nhớ rằng tắm nước lá giúp hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng. Tắm lá giúp giảm các biểu hiện khó chịu của bệnh, sát trùng sạch da, nhanh lành nốt sang thương.
Khi tắm lá để hỗ trợ bệnh tay chân miệng, bạn cần lưu ý những điểm như sau:
- Với trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi, làn da của bé còn non nớt thường rất nhạy cảm. Do đó, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện phương pháp tắm lá cho trẻ.
- Nên nhẹ nhàng dùng khăn mềm để lau người. Tránh làm trầy xước bong các nốt sang thương.
- Không tắm với nước lá quá đậm đặc. Bạn nên pha loãng nước lá với lượng nước nhiều trong chậu.
- Nên tắm bằng nước ấm. Không quá nóng để tránh bỏng, gây tổn thương da không đáng có. Nước không quá lạnh để tránh bị hạ thân nhiệt đột ngột.
- Nơi tắm cho người bệnh cần tránh gió lạnh, gió lùa.
- Người bệnh nên tắm nhanh, tránh ngâm nước quá lâu.
- Mặc quần áo vải mềm, thoáng khí, không kích ứng, không gây trầy xước da cho trẻ.
Trên đây là những giải đáp của bác sĩ về bệnh tay chân miệng có được tắm không? Chân tay miệng tắm lá gì? Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ là lá chắn giúp bảo vệ bạn và gia đình khỏi bệnh tay chân miệng. Hy vọng bài viết đã đem đến những thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hand, Foot, and Mouth Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK431082/
Ngày tham khảo: 16/06/2023
-
Những điều phụ huynh cần nhớ khi có trẻ mắc bệnh Tay chân miệnghttps://trungtamytephunhuan.medinet.gov.vn/chuyen-muc/nhung-dieu-phu-huynh-can-nho-khi-co-tre-mac-benh-tay-chan-mieng-c14660-61930.aspx
Ngày tham khảo: 16/06/2023
-
Herbal Granules of Heat-Clearing and Detoxifying for Children with Mild Hand, Foot, and Mouth Disease: A Bayesian Network Meta-Analysishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9168089/
Ngày tham khảo: 16/06/2023
-
Efficacy of Scutellaria baicalensis for the Treatment of Hand, Foot, and Mouth Disease Associated with Encephalitis in Patients Infected with EV71: A Multicenter, Retrospective Analysishttps://www.hindawi.com/journals/bmri/2016/5697571/
Ngày tham khảo: 16/06/2023
-
A Laboratory Evaluation of Medicinal Herbs Used in China for the Treatment of Hand, Foot, and Mouth Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3608275/
Ngày tham khảo: 16/06/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 419 - 422.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf#page=418
Ngày tham khảo: 16/06/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 1). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 427 - 429.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap1.pdf#page=426
Ngày tham khảo: 16/06/2023
-
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (tập 2). NXB Khoa học và Kỹ thuật. Trang 462 - 467.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/docs/cay-thuoc-va-dong-vat-lam-thuoc-o-viet-nam-tap2.pdf#page=460
Ngày tham khảo: 16/06/2023
-
Essential Oils and Healthhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7309671/
Ngày tham khảo: 16/06/2023