Chấn thương cơ xương khớp ở trẻ em
Nội dung bài viết
Trẻ em có rất nhiều tò mò vì mọi thứ xung quanh đều mới lạ. Trong quá trình khôn lớn ấy, có thể xảy ra những chấn thương không mong muốn. Đây cũng là một phần trải nghiệm của sự trưởng thành. Các chấn thương thường xảy ra nhiều ở tay chân. Phổ biến nhất là gãy xương, bong gân, căng cơ và bầm tím.
Một số vết thương có thể được sơ cứu và theo dõi tại nhà. Trong khi những tình huống nặng hơn cần được điều trị hoặc kiểm tra bởi Bác sĩ.
1. Gãy xương
Với lực tác động dù nhẹ cũng có thể khiến trẻ gãy xương. Bởi vì xương của trẻ đang trong giai đoạn phát triển. Dấu hiệu gãy xương có thể dễ dàng nhận biết nếu thấy rõ vết thương hở có mảnh xương gãy. Tuy nhiên, đối với những vết thương không thể nhìn thấy, trẻ có thể chỉ biểu hiện đau nhức hay không thể vận động như bình thường. Nếu nghi ngờ trẻ bị gãy xương, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện điều trị.
Sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Có thể giúp giảm tối thiểu những biến chứng nặng của gãy xương. Nhất là ảnh hưởng đến thần kinh. Trẻ có thể bị liệt nếu sơ cứu không đúng cách trong trường hợp chấn thương ở cổ hay cột sống. Tùy từng vị trí chấn thương sẽ có những cách xử trí khác nhau.
>> Xem thêm cách sơ cứu tại đây: Gãy xương: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí sao cho hợp lí?
1.1 Xương cột sống
Nếu sau khi trẻ bị va đập cổ hoặc lưng xướng vật cứng và than đau ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, hãy luốn nghi ngờ đến khả năng tổn thương cột sống. Giữ trẻ nằm yên tại vị trí ban đầu để tránh làm nặng hơn tổn thương.
- Bước 1: Trấn an và nhắc trẻ không được di chuyển. Nằm phía sau đầu trẻ. Khuỷu tay tì xuống sàn nhà, mỗi tay giữ một bên đầu trẻ, không để trẻ cử động. Xòe rộng ngón tay để không che tai trẻ. Giữ đầu trẻ thẳng theo cột sống, không kéo cổ trẻ.
- Bước 2: Gọi xe cứu thương.
- Bước 3: Theo dõi nhịp tim và mức độ phản ứng của trẻ (tỉnh táo, lừ đừ hay bất tỉnh) trong khi chờ trợ giúp.
CHÚ Ý:
- Không di chuyển trẻ khỏi vị trí mà bạn tìm thấy trẻ. Trừ khi môi trường xung quanh nguy hiểm như vụ cháy, lũ lụt, sạt lở đất …
- Nếu phải di chuyển trẻ, hãy cố gắng hạn chế không làm xoay hay uốn cong cổ và cột sống của trẻ.
- Nếu trẻ bất tỉnh, quỳ xuống phía sau đầu trẻ và đặt tay lên trên đùi hay xuống đất. Mở đường thở bằng cách đẩy góc hàm: úp mỗi bàn tay vào một bên mặt trẻ, đầu ngón tay đặt ở góc hàm. Nhẹ nhàng đẩy hàm lên để mở đường thở. Không dịch chuyển đầu trẻ về phía sau. Nếu trẻ còn thở, tiếp tục nâng hàm và giữ đầu, cổ và cột sống thẳng hàng. Nếu trẻ ngừng thở, ngay lập tức hồi sức tim phổi. GỌI CỨU THƯƠNG.
>> Xem thêm bài viết: Y học thường thức: Gãy xương cột sống cổ
1.2 Xương chậu
Nếu vỡ xương chậu, trẻ sẽ không đứng được, đau vùng xương chậu và bẹn. Thậm chí có thể đi tiểu ra máu.
- Bước 1: Gọi xe cứu thương.
- Bước 2: Cố định hai chân trẻ bằng băng cuộn để hạn chế di chuyển.
- Bước 3: Theo dõi trẻ trong lúc chờ xe cứu thương.
CHÚ Ý:
- Không di chuyển trẻ. Hãy sơ cứu trong tư thế ban đầu mà bạn nhìn thấy trẻ.
- Không băng cho trẻ nếu việc đó khiến trẻ đau.
- Nếu thấy các dấu hiệu sốc (da tái nhợt, tay chân lạnh, vã mồ hôi lạnh, mạch nhanh, khó thở hoặc ngất xỉu) hoặc chảy máu nhưng không tìm thấy vết thương, hãy sơ cứu trẻ như khi trẻ bị sốc nhưng không nâng chân trẻ lên.
1.3 Xương đòn hoặc cánh tay
Xương đòn dễ bị gãy do lực tác động gián tiếp như bị ngã trong tư thế dang tay hay lúc đập vào vai. Trẻ sẽ thấy đau ở vùng vai và cánh tay. Nhất là khi cố gắng cử động vùng đó. Đầu trẻ có xu hướng nghiêng về phía bên bị chấn thương.
- Bước 1: Đỡ trẻ ngồi xuống.
- Bước 2: Nhẹ nhàng đưa tay bị thương đặt chéo trước ngực.
- Bước 3: Sử dụng băng đeo hoặc một mảnh vải hình tam giác để đỡ tay trẻ. Tuyệt đối không thắt nút dây treo ở trên vị trí chấn thương.
- Bước 4: Đưa trẻ đến bệnh viện.
CHÚ Ý:
- Không cho trẻ ăn uống bất cứ thứ gì vì trẻ có thể sẽ cần gây mê.
- Nếu băng đeo tay khiến trẻ đau hơn, hãy tháo nó ra. Khuyến khích trẻ dùng tay lành để đỡ.
- Hạn chế cử động cánh tay nhất có thể để giảm đau cho trẻ.
1.4 Xương sườn
Trẻ có thể bị gãy xương sườn sau va đập vào vùng ngực, ngã từ trên cao xướng hay bị vật nặng đè vào. Triệu chứng có thể xuất hiện với những cơn đau dữ dội ở vị trí xương gãy, bầm tím, sưng nề hay nhìn thấy có vết thương. Đặc biệt là đau khi hít thở.
- Bước 1: Đỡ trẻ ngồi xuống.
- Bước 2: Nhẹ nhàng đưa tay bị thương đặt ngang trước ngực.
- Bước 3: Sử dụng băng đeo hoặc một mảnh vải hình tam giác để đỡ tay trẻ.
- Bước 4: Đưa trẻ đến bệnh viện.
CHÚ Ý:
- Không cho trẻ ăn uống bất cứ thứ gì vì trẻ có thể sẽ cần gây mê.
- Nếu trẻ bắt đầu có dấu hiệu khó thở hay sốc, hãy gọi xe cứu thương.
- Trong trường hợp trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra đường thở và hô hấp. Nếu trẻ còn tự thở được, đặt trẻ nằm nghiêng về phía bên bị thương để hỗ trợ ngực. Nếu trẻ không thở, hãy hồi sức tim phổi ngay lập tức. GỌI XE CỨU THƯƠNG.
1.5 Xương cẳng chân:
- Bước 1: Đối với cẳng chân, nếu nghi ngờ gãy xương, giữ trẻ ở vị trí ban đầu được tìm thấy để tránh tổn thương thêm phần xương gãy bên trong.
- Bước 2: Sử dụng tấm đệm, gối đặt phía mặt ngoài của chân và giữa hai chân trẻ. GỌI CỨU THƯƠNG.
CHÚ Ý:
- Không cố nắn thẳng chân bị thương.
- Nếu có vết thương, cần xử trí chảy máu, băng lại bằng gạc vô khuẩn.
2. Bầm tím và sưng nề
Bầm tím là tổn thương phổ biến nhất khi trẻ chơi các môn thể thao. Sau va chạm, trẻ có thể bầm tím và sưng nề rất nhanh. Tổn thương này có thể được điều trị tại nhà. Các vết bầm thường xuất hiện tại vị trí các cú đánh trực tiếp vào xương ở các khu vực tiếp xúc. Ví dụ khuỷu tay, hông hoặc đầu gối và thường là chấn thương nhẹ.
- Bước 1: Bạn có thể giúp trẻ thoải mái. Nâng đỡ vùng bị thương để giảm sưng nề và khó chịu.
- Bước 2: Đặt một túi chườm mát trên vùng tổn thương trong 20 phút. Lặp lại 3 đến 4 lần trong ngày đầu tiên. Sau 48 giờ, nếu trẻ còn đau, có thể chườm ấm trong 10 phút, khoảng 3 lần một ngày.
CHÚ Ý:
- Nếu có tổn thương ở tay, có thể đỡ tay bằng đai treo.
- Nếu vùng bầm tím nhiều hoặc lan rộng thêm, đưa trẻ đến bệnh viện.
- Túi chườm đá được tạo bằng cách đặt vài viên đá vào tấm vải để đá không tiếp xúc trực tiếp với da trẻ. Bạn có thể dùng khăn thấm nước lạnh rồi vắt ráo nước.
- Cho trẻ uống acetaminophen hoặc ibuprofen khi bị đau nặng.
- Nghỉ ngơi phần bị thương càng nhiều càng tốt. Cơn đau thường bắt đầu giảm sau 48 giờ, nhưng có thể có vẫn còn khó chịu trong 2 tuần.
3. Bong gân
Bong gân là những vết rách của dây chằng (các dải mô xơ nối liền xương này với xương khác). Chúng được gây ra bởi sự xoay hay kéo cổ chân đột ngột. Trẻ thường không thể đi lại và cần được chăm sóc y tế (trừ khi rất nhẹ). Đầu gối và mắt cá chân là những vị trí thường bị bong gân.
- Bước 1: Đỡ trẻ ngồi xuống để chân được nghỉ ngơi. Nhẹ nhàng tháo bỏ giày và tất trước khi vùng chấn thương sưng lên.
- Bước 2: Chườm mát lên vết thương trong vòng 20 phút để giảm sưng và đau.
- Bước 3: Giữ chân nâng cao và đỡ phía bên dưới. Dùng băng đệm mềm cuộn quanh cổ chân và cố định bằng băng cuộn. Không quấn băng cuộn quá chặt. Nâng cao phần chấn thương để giảm bầm tím, sưng và đau.
CHÚ Ý:
- Nếu thấy trẻ đau dữ dội hay nghi ngờ gãy xương, xử trí như vết thương gãy xương. Đưa trẻ đến bệnh viện hoặc gọi cứu thương. Tuy nhiên, tê, ngứa ran hoặc đau tăng có thể là dấu hiệu của băng quá chặt. Có thể tháo lỏng băng để theo dõi trẻ trong vài phút.
- Nguyên tắc RICE: Rest: Nghỉ ngơi, dừng vận động vùng chấn thương. Ice: Chườm đá vùng chấn thương. Comfortable: Nâng đỡ giúp trẻ thoải mái. Elevate: Nâng cao chân bị chấn thương.
4. Căng cơ (chuột rút)
Đây là hiện tượng co rút cơ bắp gây đau. Chúng thường được gây ra bởi cơ co giãn gắng sức hay mất nước khi chảy quá nhiều mồ hôi. Ví dụ sau khi luyện tập vất vả, chơi thể thao hoặc đi bộ đường dài. Đa số thường xảy ra ở các cơ vùng đùi, bắp chân hay bàn chân. Bạn có thể làm giảm đau bằng cách duỗi các cơ bị chuột rút. Sau đó nhẹ nhàng xoa bóp để làm thư giãn các cơ đang co rút. Cho trẻ uống nước để tránh bị mất nước.
4.1 Chuột rút ở bàn chân
Khuyến khích trẻ đứng lên khi bạn đỡ bàn chân bị chuột rút của trẻ. Gập các ngón chân lên phía trên để kéo giãn cơ. Khi hết cơn chuột rút, dùng ngón tay xoa bóp mặt dưới bàn chân trẻ.
4.2 Chuột rút ở bắp chân
Khuyến khích trẻ ngồi hoặc nằm xuống. Giúp trẻ duỗi chân ra trong khi bạn đỡ bàn chân bị chuột rút của trẻ. Gập bàn chân trẻ về phía gối. Khi hết cơn chuột rút, dùng ngón tay xoa bóp bắp chân trẻ.
4.3 Chuột rút ở đùi
Nếu xảy ra ở phía trước đùi, đỡ trẻ nằm xuống. Sau đó, nâng và đỡ cẳng chân của trẻ. Gập đầu gối trẻ để duỗi các cơ đùi ra. Khi hết cơn chuột rút, dùng ngón tay xoa bóp các cơ bị ảnh hưởng.
Nếu xảy ra ở phía sau đùi, nâng và đỡ cẳng chân của trẻ. Duỗi thẳng cẳng chân của trẻ ra. Khi hết cơn chuột rút, dùng ngón tay xoa bóp các cơ bị ảnh hưởng.
Con bạn nên học về các bài tập kéo giãn và dần dần trở lại tập thể dục. Vận động không nên gắng sức và cần phù hợp với tình trạng sức khỏe.
>> Bạn có thể tham khảo bài viết sau: 9 thực phẩm hỗ trợ giúp ngăn ngừa tình trạng chuột rút
Không phải tất cả các tổn thương cơ xương khớp đều có thể được ngăn chặn. Nhưng bạn có thể làm giảm nguy cơ để trẻ gặp phải chấn thương. Cho trẻ đội mũ bảo hiểm và thiết bị an toàn cho trẻ em đi xe đạp, xe ba bánh, ván trượt, hay giày trượt.
Đối với trẻ nhỏ, không sử dụng xe tập đi. Ngoài ra, khóa cổng an toàn ở cửa phòng ngủ, ở cả phía trên và dưới của cầu thang. Theo dõi sát trẻ nếu trẻ có chấn thương để kịp thời phát hiện bất thường.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_bonetrau_hhg.htm
- First Aid Fast for Babies and Children: Emergency Procedures for all Parents and Carers, Book by Dorling Kindersley, British Red Cross