YouMed

Chấn thương tinh hoàn và những điều nam giới cần lưu tâm

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Như chúng ta đều biết, chấn thương tinh hoàn là một chấn thương thường gặp ở nam giới. Tình trạng chấn thương này có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nếu nặng hơn có thể gây hoại tử tinh hoàn, dẫn đến vô sinh ở nam giới. Do đó việc nhận biết sớm tình trạng chấn thương để điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết. Mời bạn cùng ThS.BS Trần Quốc Phong tìm hiểu về chấn thương tinh hoàn và những thông tin liên quan tình trạng này qua bài viết dưới đây.

Chấn thương tinh hoàn là tình trạng gì?

Chấn thương tinh hoàn là tình trạng chấn thương bộ phận sinh dục thường gặp ở nam giới. Nó thường xảy ra khi một lực tác động mạnh đến tinh hoàn. Làm nó va đập vào xương đùi hay khớp mu. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này. Theo thống kê, có đến hơn 50% các trường hợp chấn thương làm vỡ tinh hoàn, dẫn đến đau đớn và sốc cho người bệnh. Do đó, tình trạng này cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh để lại hậu quả xấu về sau.

Dấu hiệu

Đa số chấn thương tinh hoàn đều là chấn thương kín. Do đó, một số biểu hiện có thể khó nhận ra ở nhiều người. Việc xác định được đúng và kịp thời các tình trạng chấn thương giúp cho việc điều trị có hiệu quả và ít gây ra các di chứng hơn. Một số biểu hiện thường gặp nhất ở nam giới có chấn thương tinh hoàn là:

  • Đau dữ dội ở vùng bìu.
  • Một số trường hợp có thể gây đau đến ngất đi.
  • Ban đầu, trên da vùng bìu thường thấy có các đốm xuất huyết; sau đó các đốm này ngày càng to, sờ vào thấy đau nhói. Nếu để lâu, vùng bìu ngày càng tím sẫm, đau nhói; gây ra nhiều khó chịu cho nam giới.
Người bị tổn thương tinh hoàn có thể cảm thấy đau dữ dội vùng bìu
Người bị tổn thương tinh hoàn có thể cảm thấy đau dữ dội vùng bìu

Tùy theo mức độ mà tổn thương tinh hoàn có thể được chia thành:

  • Tổn thương nhẹ: Chấn thương tinh hoàn nhẹ. Bìu tinh hoàn chỉ bị xây xát, cơn đau thường ít, có hoặc không có vết rách ngoài da.
  • Tổn thương trung bình: Chấn thương gây tụ máu ở vùng bìu. Vùng xuất huyết ngày càng lớn và có xu hướng tiến triển.
  • Tổn thương nặng: Tinh hoàn dập nát. Vùng bìu có thể bị rách da, xuất hiện vùng hoại tử và xuất huyết lớn. Tình trạng này thường gây ra nhiều đau đớn cho người bệnh.

Nguyên nhân

Theo thống kê, chấn thương tinh hoàn thường xảy ra do chơi thể thao (54%). Nguyên nhân thường do lực va chạm mạnh của dụng cụ, người chơi tác động đến vùng bìu. Do đó, các vận động viên và nam giới chơi thể thao nên cực kì cẩn trọng. Ngoài nguyên nhân trên, tổn thương tinh hoàn còn có thể do các nguyên nhân khác, như:

  • Tai nạn giao thông. Người bị tai nạn giao thông có thể té ngã dẫn đến tổn thương vùng bìu. Nếu lực tác động đủ mạnh có thể làm tinh hoàn dập nát, gây ra nhiều nguy hiểm cho nạn nhân.
  • Tổn thương tinh hoàn ở thai nhi sau sinh.
  • Té ngã khi leo trèo, súc vật cắn.

Xem thêm: Tinh hoàn ở trẻ sơ sinh bên to bên nhỏ có phải là do bị bệnh?

Theo các bác sĩ, nam giới sau một cú té ngã mạnh nên kiểm tra lại vùng bìu của mình. Nếu có các dấu hiệu như đau nhói, da bìu xuất huyết… Cần đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời. Tránh để lâu dẫn đến nhiều hậu quả nguy hiểm.

Người chơi thể thao có nguy cơ gặp chấn thương tinh hoàn cao do các sự cố va chạm với các dụng cụ
Người chơi thể thao có nguy cơ gặp chấn thương tinh hoàn cao do các sự cố va chạm với các dụng cụ

Cách xử trí chấn thương tinh hoàn

Chấn thương tinh hoàn là một tình trạng cấp cứu do đó người bệnh không nên tự xử trí tại nhà. Các bác sĩ khuyên nam giới nếu nghi ngờ có chấn thương nên lập tức đến bệnh viện để được xử trí kịp thời. Đối với trường hợp tổn thương vừa và nhẹ, các bác sĩ có thể sử dụng một số phương pháp sau:

Sử dụng thuốc kháng sinh, giảm đau

Với những trường hợp chấn thương vừa và nhẹ, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc giảm đau. Các loại thuốc này giúp giảm khó chịu cho người bệnh. Đồng thời cũng giúp giảm bớt tình trạng sưng, viêm vùng bìu. Một số loại thuốc giảm đau thường được sử dụng là thuốc Dicloferacc, thuốc Alaxan, Efferalgan kèm Alpha chymotrypsin.

Ở những trường hợp có nghi ngờ nhiễm khuẩn, các bác sĩ có thể chỉ định thêm một số loại thuốc kháng sinh. Các loại kháng sinh này giúp giảm thiểu tình trạng viêm nhiễm, đồng thời giúp giảm bớt các di chứng sau này.

Chườm đá

Đây là một phương pháp tương đối an toàn và hiệu quả. Người bệnh nên sử dụng đá lạnh chườm lên vùng bìu để giảm đau và viêm. Bên cạnh đó, một số bác sĩ cho rằng việc chườm đá lạnh giúp người bệnh dễ chịu và hồi phục vết thương nhanh chóng. Tuy nhiên, nam giới vẫn nên đến gặp bác sĩ để được điều trị tốt nhất. Tránh việc để lâu gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Người bệnh nên chườm đá lạnh từ 5 – 10 phút một ngày. Đối với các vết thương làm rách da thì hạn chế chườm lạnh. Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện phương pháp này để tránh gây ra các hậu quả không mong muốn.

Xem thêm: Chườm nóng và chườm lạnh: bạn có đang làm đúng cách?

Nghỉ ngơi, thư giãn

Người bệnh sau khi được điều trị thường được khuyến cáo nghỉ ngơi và thư giãn. Do sau chấn thương, vùng bìu đã chịu một tác động rất mạnh, cần thời gian phục hồi. Do đó, ở giai đoạn này, người bệnh nên hạn chế các vận động mạnh và quan hệ. Bên cạnh việc nghỉ ngơi, nam giới cũng nên để tinh thần thư giãn, thoải mái. Việc này cũng giúp tinh hoàn mau hồi phục hơn, ổn định tinh thần và bảo vệ vùng chấn thương tránh các tác động ngoại lực bên ngoài.

Nam giới nên nghỉ ngơi và thư giãn sau khi bị tổn thương tinh hoàn
Nam giới nên nghỉ ngơi và thư giãn sau khi bị tổn thương tinh hoàn

Yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị chấn thương tinh hoàn

Chấn thương tinh hoàn là điều mà không nam giới nào muốn mắc phải. Tuy nhiên, một số người có thể dễ bị chấn thương nếu có những hành vi sau đây:

  • Người thường xuyên chơi thể thao, vận động mạnh. Những người thường xuyên chơi bóng đá, đánh golf, bóng rỗ,…  thường dễ bị chấn thương tinh hoàn hơn. Do đó, bạn nên vận động vừa phải và cẩn trọng; bảo vệ vùng bìu cũng như các vùng nhạy cảm khác.
  • Người thường xuyên quan hệ mạnh bạo. Việc quan hệ mạnh bạo và không đúng cách có thể dẫn đến chấn thương dương vật của nam giới và tinh hoàn. Vì vậy, bạn nên quan hệ đúng cách để không phải gặp các tình trạng tổn thương vùng kín.
  • Người thường xuyên leo trèo, thu hoạch cây trái cũng có nguy cơ bị chấn thương bìu cao hơn.

Bên cạnh một số yếu tố trên, nam giới muốn hạn chế bị chấn thương nên chú ý bảo vệ vùng bìu của mình khi tham gia các hoạt động mạnh. Mặt khác, nam giới cũng nên tìm hiểu thêm các kiến thức cơ bản; để bảo vệ và sơ cứu nếu có chấn thương vùng bìu. Bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm nếu có chấn thương. Tránh tình trạng kéo dài gây ra nhiều hậu quả không mong muốn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đa số nam giới đều chủ quan khi gặp chấn thương vùng bìu. Các bác sĩ khuyên rằng nếu như bạn cảm thấy đau nhói vùng bìu, vùng bìu sưng đỏ, tím tái thì nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Do đa số chấn thương tinh hoàn đều là chấn thương kín; vì vậy, nếu chủ quan người bệnh sẽ không biết về chấn thương này.

Do cơ địa của mỗi người là khác nhau, cách điều trị cũng sẽ khác nhau tùy người và tùy theo loại chấn thương. Bạn không nên tự ý mua các loại thuốc bôi để tự điều trị. Việc này có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn, gây ra vô sinh nam. Vì vậy, nếu nghi ngờ có tổn thương tinh hoàn, nam giới nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để việc điều trị được hiệu quả nhất.

Xem thêm: Viêm tinh hoàn có thể gây vô sinh hay không?

Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ chấn thương tinh hoàn
Bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ chấn thương tinh hoàn

Tóm lại, chấn thương tinh hoàn là tình trạng thường gặp ở nam giới. Người bị chấn thương thường có cảm giác đau nhói, sưng tái vùng bìu. Có rất nhiều phương pháp điều trị tùy thuộc vào cơ địa và loại tổn thương. Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ tổn thương tinh hoàn, người bệnh nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có thêm nhiều kiến thức về chấn thương tinh hoàn, cũng như một số cách xử trí khi gặp phải tình trạng này. Nếu các bạn có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Làm gì khi bị chấn thương tinh hoàn?https://suckhoedoisong.vn/lam-gi-khi-bi-chan-thuong-tinh-hoan-169178700.htm

    Ngày tham khảo: 18/08/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người