Cho trẻ sơ sinh uống nước: Nên hay không?
Nội dung bài viết
Trước khi nói đến vấn về cho trẻ sơ sinh uống nước, chúng ta đều biết rằng nước là một trong những thành phần thiết yếu của cơ thể người. Ở người lớn, tình trạng mất nước sẽ dẫn đến nhiều hậu quả từ nhẹ đến nặng. Vì vậy mà bổ sung nước mỗi ngày là việc vô cùng quan trọng. Thế nhưng đối với trẻ nhỏ thì nên bổ sung nước như thế nào cho đúng? Trẻ sơ sinh có cần uống nước mỗi ngày như người lớn hay không? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Nhu cầu nước ở trẻ sơ sinh
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng trẻ sơ sinh không phải là một người lớn thu nhỏ. Cách chăm sóc trẻ không chỉ đơn giản là gia giảm những nhu cầu của người lớn rồi áp lên cơ thể của con. Trẻ em, đặc biệt là trong 6 tháng đầu đời có những đặc trưng cơ thế rất riêng. Vì vậy mà cách đáp ứng nhu cầu của trẻ cũng có nhiều khác biệt. Trong bài này, chúng ta đề cập cụ thể đến nhu cầu nước của trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Nhu cầu dinh dưỡng ở bất kỳ độ tuổi nào luôn phải đảm bảo hai nguyên tắc: đủ và sạch. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, các cơ quan còn non nớt, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Quá thiếu sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Quá thừa sẽ khiến cơ thể trẻ phải hoạt động quá mức và thương tổn. Bên cạnh đó, nguồn dinh dưỡng không sạch sẽ khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường ruột.
Cụ thể, nhu cầu nước ở trẻ sơ sinh được xác định như sau:
Theo cân nặng: trẻ em từ 1 – 10kg nhu cầu nước là 100ml/kg; trẻ em từ 11 – 20kg nhu cầu nước: 1.000ml + 50ml cho mỗi 10kg cân nặng tăng lên; trẻ em từ 21kg trở lên nhu cầu nước là: 1.500ml + 20ml/kg cho mỗi 20kg cân nặng tăng lên.
Ví dụ: 1 bé gái 6 tháng với cân nặng bình thường là 7,5kg, nhu cầu nước của em là 7,5x 100 = 750ml cho cả ngày.
Sữa mẹ có đáp ứng đủ lượng nước cần cho trẻ sơ sinh?
Tổ chức y tế thế giới WHO khuyến cáo chỉ nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng đầy đủ với tỉ lệ gần như hoàn hảo. Một điều quan trọng nữa, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng sạch, vô trùng, đảm bảo sức khỏe cho bé.
Một đứa trẻ được coi là bú mẹ hoàn toàn khi chỉ nhận được sữa mẹ, không có bất kỳ thức ăn hoặc chất lỏng bổ sung nào, ngay cả nước. Ngoại trừ dung dịch bù nước đường uống, thuốc nhỏ, xi-rô vitamin, khoáng chất hoặc thuốc. Những chất này cần được sự chỉ định của bác sĩ điều trị trước khi dùng.
Nhu cầu sữa mẹ mỗi ngày của trẻ:
Lượng sữa bú tối thiểu trong ngày sẽ thay đổi phụ thuộc vào cân nặng của bé. Cách tính là lấy cân nặng hiện tại nhân với 150 mL để biết số mL sữa ít nhất bé bú trong 24 giờ.
Ví dụ, 1 bé gái 6 tháng với cân nặng bình thường là 7,5kg, nhu cầu nước của em là 7,5×150=1125mL.
Trong đó, 80% sữa mẹ là nước. Vì vậy nếu 1 trẻ 7.5kg bú đầy đủ, lượng nước mà trẻ nhận được trong ngày sẽ là 0.8×1125= 900mL. Kết quả này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu nước hằng ngày mà chúng ta đã tìm hiểu ở phần trên.
Có nên thêm nước khi trẻ bú sữa công thức?
Sữa công thức là một giải pháp thay thế khi trẻ không thể bú sữa mẹ. Hiện nay, bản chất của sữa công thức là sữa bò. Các nhà sản xuất sẽ bổ sung thêm các chất sao cho các thành phần gần giống với thành phần và tỉ lệ trong sữa mẹ. Vì vậy, khi pha sữa công thức đúng khuyến cáo của nhà sản xuất, thành phần dinh dưỡng bao gồm nước đã đủ cho nhu cầu của bé.
Nguy cơ khi cho trẻ sơ sinh uống nước quá sớm
1. Nguy cơ ọc sữa
Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, không thể chứa quá nhiều. Vì vậy, nếu cho trẻ uống nước thêm sau khi đã bú đủ, trẻ có thể ọc sữa ra. Hoặc trẻ sẽ no vì uống nước mà không chịu bú tiếp.
2. Ảnh hưởng lên người mẹ
Khi trẻ bú ít, ngoài việc thiếu dinh dưỡng cho trẻ thì cơ thể mẹ cũng bị ảnh hưởng. Động tác bú của trẻ sẽ kích thích tuyến sữa của mẹ tiết thêm sữa cho cữ bú kế tiếp. Nếu trẻ không bú hết sữa, kích thích không đủ, mẹ sẽ tiết sữa ít đi. Kết quả là bé lại không đủ sữa, thiếu chất dinh dưỡng. Lúc này nhiều bà mẹ có xu hướng bổ sung sữa công thức cho trẻ, dẫn đến trẻ lại ít bú mẹ. Từ đó mà cơ thể mẹ lại càng tiết ít sữa đi. Về lâu dài tình trạng này sẽ tạo thành một vòng lặp khó cải thiện, khiến trẻ thiếu dinh dưỡng và người mẹ cảm thấy mệt mỏi, áp lực khi cho bú.
Nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ
Ngoài ra, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa khi cho trẻ sơ sinh uống nước cũng rất cao. Dù nước dùng đã được đun sôi để nguội nhưng không loại bỏ được hoàn toàn các mầm bệnh. Thêm vào đó, hệ miễn dịch của trẻ còn quá non nớt. Trẻ có thể bị tiêu chảy, nôn ói. Hơn thế nữa, trong sữa mẹ có một lượng kháng thể quý giá giúp trẻ chống lại một số bệnh thường gặp trong những tháng đầu đời. Nếu trẻ vì no nước mà ít uống sữa, lượng kháng thể này sẽ mất đi. Hậu quả là nguy cơ mắc bệnh của trẻ sơ sinh sẽ tăng cao hơn so với trẻ bú mẹ hoàn toàn.
Nguy cơ ảnh hưởng đến thận của trẻ
Thận của trẻ trong lúc sơ sinh vẫn chưa hoàn thiện chức năng. Việc bổ sung dư lượng nước khiến thận phải làm việc nhiều hơn. Tình trạng này nếu kéo dài có thể khiến thận của bé bị tổn thương quá sớm.
Khi nào cần cho trẻ uống nước?
Nếu trẻ vừa mới bắt đầu ăn dặm (khoảng 6 tháng), hãy bắt đầu với môt vài ngụm nước bổ sung giữa bữa ăn. Một số bé có thể ăn dặm từ 4 tháng tuổi. Hãy liên hệ bác sĩ dinh dưỡng cho bé và tuân thủ theo lộ trình thay đổi chế độ ăn dần dần.
Nhưng đừng nên thay thế hoàn toàn qua chế độ ăn dặm quá sớm. Sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn nên là thức uống chính của trẻ cho đến 12 tháng tuổi.
Có một số tình trạng sẽ khiến trẻ mất nước, cần bổ sung nước như sốt, tiêu chảy, táo bón,… Lúc này, hãy cho trẻ đi khám để điều trị nguyên nhân. Bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho mẹ cách bổ sung nước sao cho phù hợp.
Trên đây là nội dung xoay quanh vấn đề có cho trẻ sơ sinh uống nước. Trẻ sơ sinh cần được cung cấp dinh dưỡng đúng nhu cầu và đảm bảo vệ sinh. Bú mẹ hoàn toàn là giải pháp tốt nhất cho trẻ trong năm đầu đời, đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi. Lượng nước từ sữa mẹ khi bú đủ hoàn toàn đảm bảo nhu cầu cho bé mà không cần uống thêm nước. Đây cũng chính là khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới WHO. Khi trẻ không thể bú mẹ, hãy liên hệ bác sĩ để hiểu được chế độ dinh dưỡng phù hợp và pha sữa công thức đúng cách, đảm bảo nhu cầu của trẻ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Tài liệu tham khảo: