Chuyện đi ị của bé
Nội dung bài viết
Có một sự thật là nhiều mẹ cảm thấy nhức đầu với chuyện đi ị của con vì chẳng bé nào giống bé nào. Bao lâu đi ị một lần là bình thường, phân của bé thế nào là “chất lượng”, trẻ nhỏ đị ị nhiều lần thì biết khi nào bé bị tiêu chảy? Vẫn còn rất nhiều câu hỏi khác xoay quanh việc này.
1. Phân su là gì?
Trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, một trong những điều mà các bác sĩ nhi hay hỏi các mẹ là “bé có phân su chưa?”. Phân su là từ dùng để chỉ chất thải của lần đi ị đầu tiên của trẻ sơ sinh. Nó thường có màu đen hoặc xanh đậm, hơi dính.
Có bao giờ bạn thắc mắc bé nhà mình thậm chí sữa mẹ còn chưa bú thì phân ở đâu ra? Đó là những chất có sẵn trong ruột của bé từ trước khi sinh, là những chất còn lại sau khi bé hấp thu nước ối được nuốt vào. Sau lần đi tiêu này, phân bé sẽ chuyển dần thành màu vàng xanh.
2. Màu phân của bé và nỗi lo sợ của mẹ
Nếu bé được bú sữa mẹ hoàn toàn, khi đi ị phân sẽ có màu vàng sáng có lẫn các hạt nhỏ. Chất phân thường sệt, thậm chí là lỏng. Với những trẻ bú sữa công thức, phân có thể là màu nâu hoặc vàng. Phân đặc sệt hơn phân của những trẻ bú mẹ hoàn toàn. Ở những trẻ này, khi thấy phân của bé khô hơn thường ngày, đó có thể là dấu hiệu bé đang thiếu nước, uống chưa đủ hoặc tăng mất nước do sốt, thời tiết nóng bức quá mức. Còn với trẻ đã bắt đầu tập ăn dặm, ăn quá nhiều thức ăn khó tiêu như ngũ cốc, sữa bò cũng là một trong các nguyên nhân khiến phân của bé bị cứng.
>> Phân mềm sẽ dễ được tống ra ngoài hơn. Mẹ đã biết cách làm mềm phân cho bé? Đừng bỏ qua bài viết: Hướng dẫn làm mềm phân cho bé hiệu quả!
Sự thay đổi màu phân của trẻ khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Đó không phải là vấn đề lớn vì đa phần màu phân của bé là do màu của thức ăn. Khoan hãy nghĩ tới các bất thường, bố mẹ hãy nhớ lại xem bé nhà mình đã ăn gì.
Nâu, vàng, xanh là những màu phân bình thường. Đen hoặc đỏ là máu trong đường ruột hoặc do bé ăn cà chua, củ cải đường… Phân màu trắng có thể là do bé có vấn đề về gan mật.
Không chỉ chất lượng phân, số lần “đi nặng” của bé cũng nên được quan tâm.
3. Một ngày bé đi ị mấy lần là đủ?
Tần suất “đi nặng” của mỗi bé là không giống nhau. Đa phần các em bé mới sinh đi tiêu ít nhất 1 – 2 lần/ngày. Vài ngày sau, bé có thể đi nhiều hơn từ 5 đến 10 lần/ngày. Không ít mẹ thấy lo khi bé con nhà mình “vừa ăn vừa ị” như vậy. Đây là phản xạ bình thường của trẻ. Khi bao tử bé đầy sữa thì chuyển động của ruột cũng tăng lên và kết quả là bé đi ị.
Nếu số lần bé đi cầu tăng lên đáng kể (ị hơn 1 lần sau mỗi lần ăn) và phân lỏng một cách khác thường, có thể bé đang bị tiêu chảy. Điều này có thể do sự thay đổi trong chế độ ăn của bé hoặc của chính mẹ đối với những bé đang bú mẹ hoàn toàn. Còn nếu phân có nhầy hay máu, nhiều khả năng bé bị nhiễm trùng đường ruột. Bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ ngay nhé.
Khi bé được 3 – 6 tuần tuổi, có vài bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ không “đi nặng” mỗi ngày, thậm chí cả tuần mới đi một lần. Vậy đây có được coi là táo bón không? Câu trả lời sẽ là không nếu phân của bé vẫn mềm (như bơ đậu phộng), bú giỏi, tăng cân đều.
Sở dĩ có hiện tượng này là do khi bé càng lớn, bộ ruột sẽ hấp thu tốt hơn. Sữa mẹ được hấp thu gần hết, chỉ để lại rất ít chất thải để tống ra ngoài tạo thành phân. Sữa công thức thì không được như vậy, nên bé nào được nuôi bằng sữa ngoài nên đi ị ít nhất 1 lần/ngày. Nếu bé đi ít hơn hoặc phân cứng, bé có thể đang bị táo bón và cần đến gặp bác sĩ.
Khi bé lớn hơn và bắt đầu tập ăn dặm, chuyện “đi nặng” của bé cũng sẽ có nhiều thay đổi. Từ phân mềm, thậm chí là lỏng khi còn đang bú sữa hoàn toàn, phân sẽ trở nên cứng hơn và có mùi. Thỉnh thoảng, bạn có thể thấy vài mẩu thức ăn trong phân của bé.
Chuyện “đi nặng” của trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi khá phức tạp, rất khó cho bố mẹ biết khi nào thì bé yêu đang thật sự có vấn đề cần gặp bác sĩ. Để đơn giản hoá, các mẹ chỉ cần nhớ những điểm chính sau: phân cứng hơn hoặc lỏng hơn hoặc đi tiêu nhiều hơn thường ngày đều là bất thường. Phân có nhầy, đỏ máu, đen, trắng hoặc xám đều là bất thường. Nên chú ý sự thay đổi trong chế độ ăn của bé nếu có bất thường trong phân.
Bác sĩ Đào Thị Thu Hương
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
National Health Service (NHS) Baby poo, http://www.dchs.nhs.uk/home/our-services/find_services_by_topic/healthvisiting/advice_guidance/hvs_bowel_movements, accessed on 12 Sep, 2019.
Healthychildren (2009) Baby’s First Days: Bowel Movements & Urination, https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/Pages/Babys-First-Days-Bowel-Movements-and-Urination.aspx, accessed on 11 Sep 2019.
HealthLink BC (2019) Bowel Movements in Babies, British Columbia, https://www.healthlinkbc.ca/health-topics/abo3062#abo3063, accessed on 12 Sept, 2019.