Chuyện về những người đi đầu trong cuộc chiến không tiếng súng giữa thời bình
Nội dung bài viết
Những ngày vừa qua, Việt Nam đang căng mình chống đại dịch Covid-19 khi số ca nhiễm không ngừng tăng lên theo từng ngày. Đây là cuộc chiến của tất cả mọi người, từ chính phủ đến người dân và không thể thiếu ở đây, chính là những cán bộ y tế ở tuyến đầu chống dịch. Chúng ta gọi họ, là những người đi đầu trong cuộc chiến không tiếng súng giữa thời bình.
1. Điều phi thường
Trình độ chuyên môn và cơ sở vật chất của các nước phương Tây vượt xa Việt Nam gấp nhiều lần. Thế nhưng, dưới sự hoành hành của đại dịch Covid-19, lỗ hổng của hệ thống y tế ở các nước này lần lượt phơi bày.
Các bác sĩ ở Ý và Tây Ban Nha đã lâm vào hoàn cảnh chưa từng có trong lịch sử thời hiện đại. Họ phải học cách phân loại người bệnh nào có thể cứu, người nào không và chọn bệnh nhân mình nên ưu tiên cứu sống.
Những nền y tế tiên tiến bậc nhất lâm vào tình trạng quá tải và con người như được trải nghiệm cảnh chiến tranh khốc liệt khi giành giật sự sống từ tay thần chết. Một viễn cảnh đau lòng!
Trái lại, một quốc gia đang phát triển như Việt Nam lại làm được chuyện tưởng chừng như phi thường. Số người bệnh tuy có tăng nhưng vẫn đang trong đà kiểm soát. Điều đó đạt được không chỉ nhờ chính sách Chống dịch như chống giặc của nhà nước mà phần lớn là vì nhờ sự hy sinh quên mình của các cán bộ y tế của chúng ta.
>> Xem thêm: Tinh thần trách nhiệm và tình người: Chìa khóa chiến thắng đại dịch Covid-19
2. Bức thư đặc biệt
Chưa bao giờ, lực lượng y tế được huy động tổng lực như lúc này, từ những sinh viên trường y cho đến những y, bác sĩ đã về hưu đều một lòng xung phong chống dịch. Chúng ta đã nhìn thấy, 18 vị y, bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Huế đã viết một lá thư thật xúc động để gửi Giám đốc bệnh viện xin cho mình được gia nhập cuộc chiến này. Chúng ta đã nhìn thấy, những mảnh chiếu được trải vội để nghỉ trưa bên ngoài Khu Ký túc xá Đại học Quốc gia để nhường chỗ cho người cách ly. Chúng ta đã nhìn thấy, những vết hằn khẩu trang của các y, bác sĩ khi phải mang từ ngày này qua ngày khác. Và chúng ta đã nhìn thấy, những bộ đồ bảo hộ đẫm mồ hôi của những con người hàng tháng trời không về nhà.
Vậy đó, bất kể hiểm nguy rình rập, bất kể người thân lo lắng, họ một mực không ngừng nghỉ làm việc vì sự an toàn của chúng ta, vẫn tận tâm tạo dựng niềm tin và tiếp thêm động lực cho cả nước chống dịch.
Vì lẽ đó, ngày 25-3-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã viết thư động viên các “chiến sĩ áo trắng” trong mặt trận chống dịch đồng thời chúc những vị thầy thuốc thân yêu của chúng ta sức khỏe, mong họ luôn xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân cả nước.
Không có cán bộ y tế, công tác chống dịch tại Việt Nam chắc chắn không thể đạt được những thành quả như hiện tại. Họ chính là những binh sĩ trong một cuộc chiến tuy không có gươm đao nhưng vẫn cực kỳ khốc liệt.
3. Hãy ở bên họ, và chúng ta ở bên nhau
Để làm một bác sĩ, họ phải có cái đầu lạnh và một trái tim nóng. Cái đầu lạnh là kiến thức, là kĩ năng, còn trái tim nóng là sự tận tâm, là tình yêu thương, là tấm lòng “Lương y như từ mẫu”. Nhưng dù cân nhắc đến mọi khía cạnh, việc lựa chọn ai được quyền sống tiếp chưa bao giờ là điều dễ dàng. Và thậm chí, rồi sẽ có những quyết định day dứt và theo họ đến cuối đời.
Thế nên, đừng để các bác sĩ của chúng ta phải đưa ra những quyết định đau lòng như các bác sĩ ở Ý! Hãy chung tay cùng tổ quốc chống đại dịch bằng những hành động hoàn toàn có thể nằm trong khả năng của mình. Đơn giản là bạn rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang và hạn chế ra ngoài hết mức có thể.
Có thể cuộc sống của bạn sẽ bị thay đổi trong vài tuần, bạn sẽ thấy buồn chán nhưng hãy nghĩ tới những người đang ngày ngày đi làm vì sự an toàn vì bạn. Làm ơn, đừng để những viễn cảnh đau lòng xảy ra vì cửa an toàn của chúng ta đang dần khép lại…
Nhiều người đã suy nghĩ rằng những ngày này như tận thế. Nhưng họ đã quên mất rằng, Trung Quốc đã dập tắt được đại dịch. Thế nên là, rốt cuộc thì sau cơn mưa, trời cũng sẽ lại sáng. Quan trọng nhất tại thời điểm này, điều cần nhất của chúng ta chính là niềm tin của mọi người. Tin vào chính sách của nhà nước và trên hết, là tin vào những “chiến sĩ áo trắng” vẫn đang ngày ngày hy sinh thầm lặng!
Đừng buông xuôi bỏ cuộc vì chúng ta hoàn toàn có cơ hội vực dậy và đừng để những hy sinh của các cán bộ y tế trở nên vô ích. Chúng ta cần đồng lòng trong cuộc chiến chống đại dịch này. Hãy ở bên họ, và chúng ta cùng ở bên nhau.
Một lần nữa, cảm ơn các cán bộ y tế đang xung phong chống đại dịch – những người đi đầu trong cuộc chiến không tiếng súng giữa thời bình.
Dược sĩ Tạ Hoàn Thiện Quân