Cơ dựng sống có chức năng gì bạn đã biết chưa?
Nội dung bài viết
Cơ dựng sống là một trong những cơ quan trọng của vùng giữa lưng. Đây là một cơ có liên quan mật thiết với cột sống. Những bệnh lý hoặc chấn thương ở cơ này đều có thể ảnh hưởng đến sự vận động của con người từ ít đến nhiều. Vậy cơ này có vị trí như thế nào? Có chức năng gì? Vai trò quan trọng ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết sau đây của Bác sĩ Hồ Đức Việt. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu nhé!
Đôi nét tổng quan về cơ dựng sống
Cơ dựng sống là một cơ nằm ở mặt sau của thân, nằm ở vùng lưng. Nó chạy dọc từ xương chẩm đến xương cùng và nằm song song với cột sống. Các cơ ở vùng lưng gồm có 3 lớp là: lớp nông, lớp giữa và lớp sâu. Trong đó, cơ dựng sống nằm ở lớp giữa.
Khối cơ dựng sống là một tập hợp nhiều cơ. Những cơ này nằm ở vị trí giữa lưng, chạy dọc từ xương chẩm đến xương cùng. Đồng thời được phân chia thành 3 đoạn chính, bao gồm: đoạn cổ, đoạn ngực và đoạn thắt lưng.
Cơ dựng sống bao gồm tập hợp các cơ như: cơ gai, cơ dài và cơ chậu sườn.
- Cơ gai: Nằm ở trong cùng. Bao gồm: Cơ gai đầu, cơ gai cổ và cơ gai ngực.
- Cơ chậu sườn: Nằm ở chính giữa. Nó bám từ 1/3 phía sau của mào chậu cho đến các xương sườn. Bao gồm: Cơ chậu sườn cổ, cơ chậu sườn ngực, cơ chậu sườn thắt lưng.
- Cơ dài: Nằm ở ngoài cùng. Gồm có: Cơ dài đầu, cơ dài cổ, cơ dài ngực.
Xem thêm: Viêm cột sống dính khớp: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị
Cơ dựng sống có chức năng gì?
Cơ dựng sống có đặc điểm là chạy dọc và song song với cột sống. Chính vì vậy, cơ này có vai trò rất quan trọng trong những cử động của cột sống. Cơ này chi phối động tác chủ yếu là duỗi và nghiêng cột sống. Do đó, nếu cơ này bị co rút thì sẽ dẫn đến tình trạng cong vẹo cột sống. Đồng thời có thể dẫn đến tổn thương đĩa đệm và sai lệch đốt sống.
Khi cơ dựng này duỗi sẽ giúp cho chúng ta thực hiện động tác gập lưng lại. Nếu cơ dựng này co bên nào thì cột sống sẽ nghiêng về bên ấy. Đây là cơ được chi phối vận động bởi dây thần kinh gai sống.
Xem thêm: Bệnh vẹo cột sống: có cải thiện được không?
Ứng dụng y học
Vì cơ dựng cột sống chạy dọc và song song với cột sống nên có rất nhiều dây thần kinh đi qua cơ này. Trong đó có rễ thần kinh tủy xuất phát từ lỗ ghép nằm trong khoang cạnh sống.
Các bác sĩ có thể dựa vào vị trí giải phẫu của cơ dựng cột sống để thực hiện kỹ thuật gây tê mặt phẳng tại khoang cơ dựng sống. Kỹ thuật này có tác dụng ức chế dẫn truyền vận động và cảm giác, giúp giảm đau trong các cuộc phẫu thuật.
Nhờ kỹ thuật gây tê ấy, người bệnh sẽ trải qua những ca phẫu thuật một cách dễ dàng, không có cảm giác đau đớn. Hơn thế nữa, người bệnh có thể sớm vận động trở lại bình thường. Đồng thời rút ngắn được thời gian nằm viện, tiết kiệm chi phí nằm viện.
Kỹ thuật gây tê mặt phẳng tại khoang cơ dựng cột sống là một kỹ thuật giảm đau hiện đại. Nhờ kỹ thuật này, chúng ta không cần phải sử dụng morphine để giảm đau nên không rơi vào tình trạng lệ thuộc thuốc. Đồng thời ít xảy ra biến chứng sau mổ. Chính vì vậy, đây là xu hướng tiến bộ của ngành gây mê hồi sức mà toàn thế giới đang hướng đến.
Những bệnh lý của cơ dựng cột sống
Các bệnh lý phổ biến thường gặp
Cơ dựng cột sống cũng có tính chất tương tự như những loại cơ khác trong cơ thể. Chính vì vậy, nó có thể xảy ra một số bệnh lý phổ biến sau đây:
- Đau và căng cơ dựng cột sống.
- Mỏi cơ, chuột rút.
- Viêm cơ do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.
- Yếu cơ có nguồn gốc thần kinh.
- Yếu liệt cơ do hạ Kali máu.
- Liệt cơ do nguyên nhân thần kinh.
- Chấn thương cơ do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sinh hoạt,…
- Viêm cơ do các bệnh lý tự miễn như: Lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì,…
Chẩn đoán
Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, chẳng hạn như:
- Đau cơ, nhức mỏi cơ.
- Nóng sốt.
- Không thể vận động cột sống.
- Co cứng cơ.
- Cong vẹo cột sống,…
Người bệnh nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Cơ – Xương – Khớp. Tại đây, các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định dựa vào triệu chứng lâm sàng và một số xét nghiệm.
Hướng điều trị
Việc điều trị các bệnh lý ở cơ dựng sống cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Uống thuốc giảm đau, giãn cơ, kháng sinh, kháng viêm.
- Chiếu đèn hồng ngoại.
- Chườm ấm, chườm lạnh.
- Châm cứu, xoa bóp.
- Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
Những điều cần lưu ý
Nói chung, cơ dựng cột sống có vai trò khá quan trọng trong sự vận dộng của con người. Vì vậy, chúng ta nên bảo vệ cơ bằng các biện pháp sau đây:
- Luyện tập thể dục hàng ngày để duy trì sức khỏe của cơ.
- Tham gia các môn thể thao tăng cường độ bền của cơ. Chẳng hạn như: Gym, bơi lội, bóng chuyền, cầu lông,…
- Không nên vận động quá sức, nghỉ ngơi khi có cảm giác mỏi cơ.
- Chế độ ăn uống giàu chất đạm và vitamin để tăng cường dinh dưỡng cho cơ.
Với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, hy vọng bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về cơ dựng sống. Từ đó, các bạn sẽ biết được tầm quan trọng của cơ này. Cũng như biết được cách bảo vệ cơ để duy trì sự vận động bình thường của cơ thể.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Spinal Muscles: A Comprehensive Guidehttps://www.spineuniverse.com/anatomy/spinal-muscles-1
Ngày tham khảo: 18/08/2020
-
Anatomy of the back: spine and back muscles
https://www.kenhub.com/en/library/anatomy/anatomy-of-the-back-spine-and-back-muscles
Ngày tham khảo: 18/08/2020