Có nên tẩy trắng răng không và lời khuyên của bác sĩ
Nội dung bài viết
Ngày nay, việc tẩy trắng răng đang là xu thế thẩm mỹ của nhiều người. Việc có một hàm răng trắng sáng sẽ giúp chúng ta tự tin hơn trong giao tiếp cuộc sống. Ngoài những lợi ích của tẩy trắng răng, liệu bạn có biết hết những tác hại có thể xảy ra? Vậy có nên tẩy trắng răng không? Những lưu ý khi tẩy trắng răng là gì? Hãy cùng Bác sĩ Kim Thạch Thanh Trúc tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Nguyên nhân gây nhiễm màu răng
Lý do khiến chúng ta phải đặt câu hỏi có nên tẩy trắng răng hay không là vì tình trạng hàm răng không còn trắng sáng như ban đầu. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi màu sắc của răng:1
1. Thực phẩm mà bạn sử dụng
- Đồ ăn, thức uống: một số thực phẩm có màu như cà phê, trà, rượu vang… có thể làm răng bạn bị ố vàng. Vì chúng có thể bám lên bề mặt men răng nếu như không được vệ sinh kỹ.
- Hút thuốc lá: dùng thuốc lá có thể gây ố vàng răng bởi chất nicotine có trong thuốc lá.
- Florua: florua rất tốt cho răng, nhưng nếu dư sẽ gây ra các đốm màu vàng hoặc vàng nâu. Florua có thể từ môi trường như hàm lượng florua tự nhiên cao trong nước. Trường hợp khác là dùng quá nhiều florua trong nước súc miệng, kem đánh răng.
2. Tình trạng sức khỏe, di truyền và tuổi tác của bạn
- Bệnh tật: một số căn bệnh có thể ảnh hưởng tới tình trạng của men răng và ngà răng. Điều này dẫn đến sự biến đổi màu răng ở người bệnh. Một số bệnh nhiễm trùng ở phụ nữ có thai có thể đổi màu răng ở trẻ do ảnh hưởng tới sự phát triển của men răng.
- Tuổi tác: càng lớn tuổi, lớp men bên ngoài bề mặt răng sẽ bị mòn dần. Lúc đó sẽ nhìn rõ màu sắc tự nhiên của ngà răng. Răng không còn màu trắng sáng.
- Di truyền: màu sắc của răng có thể được di truyền từ bố mẹ. Men răng tự nhiên của một số người có thể sáng hoặc dày hơn người khác.
- Chấn thương: các tổn thương có thể ảnh hưởng quá trình hình thành men răng ở trẻ nhỏ răng vẫn đang phát triển.
3. Loại thuốc bạn sử dụng
- Kháng sinh như tetracycline và doxycycline sẽ làm đổi màu răng nếu sử dụng cho trẻ dưới 8 tuổi.
- Nước súc miệng có chứa chlorhexidine và cetylpyridinium chloride có thể làm ố răng.
- Các loại thuốc kháng histamin, thuốc chống loạn thần, thuốc điều trị cao huyết áp có thể đổi màu răng.
Có nên tẩy trắng răng không?
Có nên tẩy trắng răng hay không? Tẩy trắng răng có ảnh hưởng đến cấu trúc của răng hay không? Đây là những câu hỏi quen thuộc khi nói về xu hướng này. Bạn hãy cân nhắc các ưu nhược điểm của tẩy trắng răng trước khi đưa ra quyết định nhé.
1. Lợi ích khi tẩy trắng răng
Dưới đây là một số ưu điểm của việc tẩy trắng răng:
- Cải thiện màu sắc cũ, giúp răng trắng sáng hơn.
- Loại bỏ các vết bẩn của thức ăn bám trên bề mặt răng.
- Việc sử dụng một số phương pháp tẩy trắng răng có thể tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại gây các bệnh về nướu răng, sâu răng, hôi miệng.
- Chìa khóa của sự tự tin khi giao tiếp.
2. Nguy cơ gây hại khi tẩy trắng răng
Việc tẩy trắng răng có thể sẽ mang lại một số tác dụng không mong muốn như sau:
- Tăng độ nhạy cảm của răng: tẩy trắng răng có thể tăng độ nhạy cảm của răng. Tình trạng răng nhạy cảm này có thể kéo dài không quá 1 đến 2 ngày. Tuy nhiên cũng có trường hợp có thể kéo dài đến 1 tháng. Những người có khả năng bị ê buốt cao là những người bị tụt nướu hoặc có vết nứt trên bề mặt răng. Lời khuyên từ nha sĩ cho vấn đề này là dùng kem đánh răng có chứa kali nitrat để giảm độ nhạy cảm.2
- Nướu bị kích ứng: có thể xảy ra khi dùng chất làm trắng như peroxide. Tình trạng này có thể sẽ kéo dài đến vài ngày và biến mất khi ngừng tẩy trắng và nồng độ của peroxide đã giảm. Hydrogen peroxide có thể gây bỏng mô mềm với nồng độ cao hơn, khiến mô có màu trắng. Điều này có thể được cải thiện bằng cách bù nước và bôi thuốc mỡ sát trùng.2
- Thuốc tẩy trắng răng có thể ảnh hưởng tới cấu trúc răng: vẫn có nhiều tranh cãi cho vấn đề này. Đã có các nghiên cứu chỉ ra tác động của thuốc tẩy trắng răng tới cấu trúc men răng, ngà răng. Cụ thể là ảnh hưởng tới kết cấu, độ cứng, thành phần hóa học bề mặt men, cấu trúc ngà răng.3
Khi gặp các tình trạng không mong muốn trong quá trình tẩy trắng răng, bạn nên lập tức dừng sử dụng các sản phẩm tẩy trắng và nhanh chóng liên hệ với nha sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Những phương pháp tẩy trắng răng
Sau khi trả lời câu hỏi có nên tẩy trắng răng hay không, tiếp theo bài viết sẽ giới thiệu với bạn một số phương pháp tẩy trắng răng hiện nay như sau:
1. Tẩy trắng răng bằng laser4
Quy trình tẩy trắng răng bằng laser:
- Một tia laser sẽ được chiếu vào răng của người dùng.
- Khi đó miếng gel tẩy trắng được giữ trên răng sẽ nóng lên.
- Từ đây sẽ kích hoạt các đặc tính làm trắng và thay đổi các phân tử ố vàng trên răng.
Phương pháp dùng laser sử dụng hóa chất mạnh hơn so với các liệu pháp làm trắng răng tại nhà. Hiệu quả mang lại sẽ nhanh hơn so với kem đánh răng làm trắng hoặc miếng dán trắng răng.
Phương pháp dùng laser có tác dụng kéo dài từ vài tháng đến 3 năm. Hiệu quả về thời gian phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Màu răng ban đầu của bạn.
- Tần suất điều trị.
- Thói quen sống .
- Loại gel tẩy trắng và laser được sử dụng.
Phương pháp dùng laser tẩy trắng răng không nên sử dụng cho các đối tượng:
- Đang điều trị chỉnh nha.
- Đang dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh.
- Có vết ố do tetracyclin.
- Có ngà răng đã bị lộ hoặc men răng yếu.
- Có khối u ở xương hàm, dị tật răng hoặc chấn thương ở miệng.
2. Tẩy trắng răng bằng đèn plasma5
Sau khi bôi một loại gel làm trắng lên răng, nha sĩ sẽ sử dụng một đèn màu xanh dương. Lúc đó gel làm trắng hydrogen peroxide hoặc carbamide peroxide sẽ được kích hoạt. Phản ứng hóa học phân hủy các protein sẽ giúp loại bỏ vết ố trên răng của bạn.
Phương pháp này có thể được sử dụng bằng nhiều loại đèn khác nhau:
- Đèn UV.
- Đèn LED.
- Đèn halogen.
Tuy hiện nay đã có thể sử dụng phương pháp này tại nhà với bộ dụng cụ chuyên dụng. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, trước đó bạn nên nhận tư vấn từ nha sĩ.
3. Tẩy trắng răng bằng baking soda6
Baking soda, hay còn gọi là sodium bicarbonate, là một nguyên liệu làm bánh phổ biến. Ngoài ra còn nó là một chất chuyên dùng tẩy trắng răng tại nhà.
Baking soda có tính mài mòn nhẹ. Nó giúp phá vỡ liên kết của các phân tử làm ố màu răng. Ngoài ra nó còn có đặc tính kháng khuẩn, chống lại các vi sinh vật có hại.
4. Tẩy trắng răng bằng hydrogen peroxide7
Hydrogen peroxide là thành phần chính của hầu hết các sản phẩm làm trắng răng.
Nếu sử dụng cẩn thận nó sẽ là một cách hiệu quả cải thiện độ trắng của răng. Nhưng khi sử dụng không đúng cách thì nó có thể gây ra những tổn thương răng nghiêm trọng. Việc sử dụng ở nồng độ cao hoặc quá thường xuyên có thể làm hỏng men răng của bạn.
Nguy cơ hydrogen peroxide gây thiệt hại sẽ tăng nếu:
- Sử dụng với nồng độ cao trên 3%.
- Để tiếp xúc với răng trong thời gian dài (lâu hơn 1 phút khi đánh răng).
- Sử dụng hơn 1 lần/ ngày.
Tuy đây là sự lựa chọn tiết kiệm chi phí nhưng bạn nên liên hệ với nha sĩ để được hướng dẫn chính xác cách sử dụng, nhằm đạt hiệu quả điều trị cao và không ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân.
5. Các phương pháp tẩy trắng khác
Bên cạnh các phương pháp trên còn có một số sản phẩm được tuyên truyền có khả năng tẩy trắng răng như:
- Than hoạt tính: tác dụng tẩy trắng răng của than hoạt tính chưa được chứng minh nhiều.8
- Giấm táo có thể làm trắng răng, tuy nhiên cần lưu ý nó cũng có khả năng làm hỏng men răng.9
- Vỏ chanh, cam hoặc chuối có thể làm trắng răng vì thành phần limonen và acid citric. Tuy nhiên tính acid của trái cây có thể làm mòn men răng của bạn.9
Vì đó trước khi quyết định thực hiện phương pháp tẩy trắng nào, tốt nhất bạn nên xin tư vấn của nha sĩ. Nếu trong quá trình sử dụng có vấn đề phát sinh hãy dừng việc sử dụng lại. Sau đó nhanh chóng đi đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý.
Lưu ý khi tẩy trắng răng
- Việc tẩy trắng răng chỉ nên thực hiện khi bạn không có vấn đề về răng miệng.
- Kết luận sẽ không trực quan nếu chỉ quan sát kết quả khi chưa được 2 tuần.
- Kết quả của các phương pháp chỉ mang tính tạm thời. Bạn nên kết hợp hiệu quả việc vệ sinh răng miệng với lặp lại các phương pháp tẩy trắng với tần suất thích hợp.
- Sau khi tẩy trắng, việc răng bị nhảy cảm sẽ là bình thường. Trong thời gian đó nên hạn chế uống nước quá lạnh hoặc quá nóng.
- Nếu làm đúng hướng dẫn, tẩy trắng răng sẽ không làm hư hỏng răng của bạn.
- Trong thời gian tẩy trắng răng, nên hạn chế sử dụng các thực phẩm có màu (cà phê, trà đắng…)
- Phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên sử dụng các phương pháp tẩy trắng răng. Vì tác động của thuốc tẩy trắng với thai nhi vẫn chưa nghiên cứu kỹ.2
Trên đây là thông tin về ưu nhược điểm và lưu ý quan trọng của việc tẩy trắng răng, nhằm giúp giải đáp thắc mắc “Có nên tẩy trắng răng không?” của bạn đọc. Mong rằng những chia sẻ của bác sĩ sẽ giúp cho các bạn có sự lựa chọn hợp lý nhất cho mình và người thân nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tooth Discolorationhttps://www.webmd.com/oral-health/guide/tooth-discoloration
Ngày tham khảo: 17/08/2022
-
Teeth Whitening: How it Works and What it Costshttps://www.yourdentistryguide.com/teeth-whitening/
Ngày tham khảo: 17/08/2022
-
Tooth-bleaching procedures and their controversial effects: A literature reviewhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4229680/
Ngày tham khảo: 17/08/2022
-
What Is Laser Teeth Whitening?https://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/laser-teeth-whitening
Ngày tham khảo: 17/08/2022
-
Can Blue Light Treatment Whiten Teeth?https://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/blue-light-teeth-whitening
Ngày tham khảo: 17/08/2022
-
22 Benefits and Uses of Baking Sodahttps://www.healthline.com/nutrition/baking-soda-benefits-uses
Ngày tham khảo: 17/08/2022
-
Does Hydrogen Peroxide Whiten Teeth?https://www.healthline.com/health/hydrogen-peroxide-teeth-whitening
Ngày tham khảo: 17/08/2022
-
Does Activated Charcoal Teeth Whitening Work?https://www.healthline.com/health/activated-charcoal-teeth-whitening
Ngày tham khảo: 17/08/2022
-
How to Get Rid of Yellow Teethhttps://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/how-to-get-rid-of-yellow-teeth
Ngày tham khảo: 17/08/2022