Có thể giảm đau bụng kinh bằng thuốc?
Nội dung bài viết
Đau bụng kinh là nỗi sợ hãi của rất nhiều chị em phụ nữ khi đến ngày “đèn đỏ”. Cơn đau quặn bụng mang theo nỗi khó chịu và ám ảnh cho hội chị em mỗi khi kéo đến. Vậy, có nên sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh? Thuốc có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này thông qua bài viết dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy!
Có thể giảm đau bụng kinh bằng thuốc hay không?
Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường của người phụ nữ sau khi dậy thì. Hiện tượng đau bụng kinh không phải ai cũng gặp. Và mức độ đau cũng còn tùy thuộc vào ngưỡng chịu đau của mỗi người. Có những người trải qua rất nhẹ nhàng nhưng cũng có người phải trải qua những cơn đau dữ dội mỗi khi “dâu rụng”.
Nguyên nhân của cơn đau là do các hóc-môn prostaglandin giải phóng trong những ngày hành kinh. Chúng gây ra những cơn co thắt trong tử cung.
Có hai loại đau bụng kinh:
- Đau bụng kinh nguyên phát: hóc-môn được tiết ra quá mức, làm tử cung co bóp và đẩy lớp niêm mạc ra ngoài. Bạn có thể can thiệp bằng cách dùng thuốc giảm đau.
- Đau bụng kinh thứ phát: do các bệnh phụ khoa như viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung,… Bạn nên chủ động đi thăm khám và điều trị kịp thời khi bị đau bụng kinh thứ phát.
Thông thường, không khuyến cáo sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh. Tuy nhiên, nếu cơn đau liên tục và kéo dài thì có thể sử dụng thuốc giảm đau. Nhìn chung, thuốc hoạt động theo 2 cơ chế:
- Làm giãn cơ tử cung, làm tình trạng co thắt giảm xuống dẫn đến giảm đau bụng kinh.
- Ức chế sự tổng hợp prostaglandin – hóc-môn gây ra các cơn co thắt ở tử cung trong cơ thể.
Các nhóm thuốc giảm đau bụng kinh
Nhóm thuốc làm giảm cơ tử cung
Các thuốc thuộc nhóm này như Alverin, Drotaverin,… với tác dụng hướng cơ giúp chống co thắt. Cơ chế tác dụng của thuốc là chống lại sự co thắt được sinh ra do acetylcholin. Vì vậy, thuốc được dùng để điều trị làm giảm các trường hợp đau bụng, trong đó có đau bụng kinh. Thuốc chỉ dùng cho người lớn và bé gái trên 12 tuổi.
Khi dùng thuốc có thể bị khô miệng, táo bón do tác dụng phụ. Thuốc không nên sử dụng ở người mắc Glaucoma góc đóng hoặc đang dùng thuốc kháng Cholinergic khác.
Thuốc giảm đau không kháng viêm steroid (NSAIDs)
Các thuốc giảm đau bụng kinh thường được sử dụng như ibuprofen, diclofenac, piroxicam,… Thuốc có tác dụng ức chế sự tổng hợp sản sinh ra hóc-môn prostaglandin nên được sử dụng để giảm đau, nhất là các trường hợp đau bụng dữ dội.
Thuốc có tác dụng giảm cơn đau hiệu quả khi sử dụng vào những ngày đầu của kỳ kinh nguyệt hoặc ngay sau khi có dấu hiệu đau. Chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn vài ngày, không được dùng kéo dài vì sẽ gặp các tác dụng phụ của thuốc.
Bạn lưu ý đây là các loại thuốc kê đơn nên phải có chỉ định và sự hướng dẫn của bác sĩ.
Những phụ nữ bị có tiền sử hen suyễn, tổn thương gan, thận, viêm loét dạ dày… không được sử dụng thuốc. Thuốc phải được uống trong hoặc ngay sau bữa ăn để tránh kích ứng dạ dày và không được phối hợp các thuốc kháng viêm không steroid lại với nhau vì sẽ làm tăng độc tính.
Thuốc tránh thai
Thuốc giảm đau bụng kinh đến 90%. Cơ chế là do thuốc sẽ giữ cho nồng độ hóc-môn trong cơ thể ở trạng thái ổn định nhất. Các mô trong niêm mạc tử cung sẽ hạn chế phát triển đồng thời ức chế sản xuất prostaglandin. Từ đó, không gây ra cơn đau bụng kinh. Thuốc không sử dụng cho phụ nữ đang có thai và cho con bú (sau sinh 6 tuần – 6 tháng).
Một số thuốc làm giảm đau bụng kinh phổ biến hiện nay
Alverin
Thuốc giúp giảm co thắt tử cung, từ đó giúp giảm đau bụng. Thuốc không được sử dụng ở người có huyết áp thấp hoặc dưới 12 tuổi.
Lưu ý các tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc như:
- Mệt mỏi.
- Choáng váng.
- Đau đầu.
- Dị ứng, ngứa, phát ban…
Khi gặp phải những trường hợp này, cần ngừng sử dụng thuốc ngay. Nếu có biểu hiện nặng như: khó thở, hụt hơi, khò khè, sưng mặt và các nơi khác,… thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý.
Cataflam 25mg
Đây là một dạng thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs), hoạt chất chính là diclofenac. Thuốc có chống chỉ định dùng chung với các thuốc chống viêm không steroid khác (như Aspirin), thuốc chống đông máu (như Heparin). Cần chú ý người có tiền sử viêm loét dạ dày – tá tràng tiến triển, người bị bệnh hen, người suy gan, thận nặng, người có mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào không được dùng loại thuốc này.
Qua bài viết trên, YouMed đã phần nào giúp bạn hiểu rõ những vấn đề xung quanh việc dùng thuốc để giảm đau bụng trong những ngày “đèn đỏ” khó chịu. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào xung quanh việc dùng thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ ngay để được tư vấn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Đau bụng kinh - dùng thuốc gì?https://suckhoedoisong.vn/dau-bung-kinh-dung-thuoc-gi-n178036.html
Ngày tham khảo: 11/04/2021
-
Cataflamhttps://www.drugs.com/cataflam.html
Ngày tham khảo: 11/04/2021
-
Alverinhttps://www.medicines.org.uk/emc/product/6929/smpc
Ngày tham khảo: 11/04/2021