Cơn ngưng thở ở trẻ sinh non
Nội dung bài viết
Một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ sinh non là cơn ngưng thở. Nhận biết những triệu chứng về cơn ngưng thở sẽ giúp bạn theo dõi và đưa trẻ đến khám Bác sĩ khi cần thiết.
1. Cơn ngưng thở ở trẻ sinh non là gì?
Cơn ngưng thở ở trẻ sinh non là tình trạng hơi thở của trẻ thường chậm dần, dừng lại trong một thời gian ngắn, sau đó từ từ trở lại mức bình thường. Tuy nhiên, một vài trẻ cũng có cơn ngưng thở xảy ra đột ngột. Những trẻ sinh non dưới 35 tuần thường dễ có cơn ngưng thở, triệu chứng này thường giảm sau khi trẻ được 1 tháng tuổi.
Cơn ngưng thở ở trẻ sinh non không ảnh hưởng đến não về lâu dài, nếu như trẻ có thể bắt đầu tự thở lại, đây được xem là cơn ngưng thở “sinh lý”, tức được xem là bình thường với trẻ sinh non. Nếu cơn ngưng thở xảy ra sau khi trẻ được 2 tuần tuổi hoặc kéo dài hơn 20 giây được xem là nghiêm trọng. Cơn ngưng thở ở trẻ sinh non không gây ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
2. Tại sao trẻ sinh non có cơn ngưng thở?
Trước khi sinh, trẻ được cung cấp oxy từ máu mẹ. Khi trẻ sinh ra, tế bào não phát triển để điều khiển quá trình hít thở cung cấp oxy cho cơ thể. Với trẻ sinh non, não chưa phát triển một cách toàn vẹn và đầy đủ. Khi trẻ lớn hơn, não dần trưởng thành và các vấn đề về hô hấp thường không còn nữa. Ngoài ra, đường thở ở trẻ sinh non nhỏ và hoạt động yếu nên dễ bị tắc nghẽn, khiến trẻ khó thở hơn.
Cơn ngưng thở ở trẻ sinh non cũng có thể diễn tiến nặng hơn nếu trẻ có thêm tình trạng nhiễm trùng, các bệnh lí về phổi hoặc tim, các vấn đề về dinh dưỡng như trẻ bú không đủ hoặc thiếu máu ở trẻ nhỏ.
3. Triệu chứng của cơn ngưng thở ở trẻ sinh non là gì?
Bạn có thể theo dõi những dấu hiệu sau về Cơn ngưng thở ở trẻ sinh non:
+Thở chậm hoặc ngừng thở trong 5 đến 10 giây
+Nhịp tim dưới 80 lần một phút khi trẻ thở chậm hoặc có cơn ngừng thở
+Da trẻ tái nhợt hoặc hơi xanh trong thời gian trẻ ngưng thở
Cơn ngưng thở ở trẻ sinh non có thể xảy ra một lần hoặc nhiều lần trong ngày. Trẻ càng sinh non, trẻ càng dễ có cơn ngưng thở.
4. Cơn ngưng thở ở trẻ sinh non được chẩn đoán như thế nào?
Trẻ có thể được làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, X-quang… và theo dõi nhịp tim, nhịp thở và nồng độ oxy trong máu.
5. Cơn ngưng thở có điều trị hết không?
Đối với cơn ngưng thở sinh lý, trẻ cần được theo dõi sát hơn, không can thiệp gì đặc hiệu. Nếu trẻ có cơn ngưng thở nặng, trẻ cần:
5.1. Theo dõi
Trong bệnh viện, trẻ sẽ được gắn với máy có màn hình theo dõi nhịp tim và nồng độ oxy trong máu liên tục. Nếu trẻ ngừng thở quá lâu hoặc nhịp tim của trẻ giảm quá thấp, màn hình sẽ phát ra âm thanh báo động.
Nếu trẻ ngưng thở lâu, Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng xoa lưng, cánh tay hoặc chân của trẻ để kích thích não trẻ hoạt động. Nếu trẻ vẫn còn tím, trẻ cần được hỗ trợ thêm oxy.
5.2. Thuốc
Trẻ có thể cần thêm thuốc giúp não trẻ có thể điều chỉnh được các cơn ngưng thở cho đến khi tình trạng này cải thiện.
5.3. Dụng cụ hỗ trợ oxy
Nếu cơn ngưng thở xảy ra nhiều lần hoặc kéo dài, trẻ cần được giúp đỡ để bắt đầu thở lại. Trẻ có thể cần một bộ dụng cụ sử dụng ống nhựa mềm để thổi khí vào mũi. Tùy mức độ bệnh mà trẻ có thể cần dụng cụ này trong vài ngày đến vài tuần.
5.4. Điều trị nguyên nhân đi kèm
Nhiễm trùng, thiếu máu, nhiệt độ cơ thể giảm, lượng đường trong máu thấp do trẻ bú ít hoặc các bệnh lí não có thể làm cho cơn ngưng thở nặng hơn.
6. Làm thế nào để chăm sóc trẻ tốt nhất?
Thông thường, nếu trẻ không có cơn ngưng thở trong vòng 5 đến 7 ngày, trẻ có thể được về nhà. Tuy nhiên trẻ vẫn cần phải theo dõi sát tại nhà. Khi trẻ có cơn ngưng thở, tất cả những gì cần thiết là kích thích nhẹ nhàng, có thể xoa vào lưng trẻ hoặc vỗ chân trẻ. Tuy nhiên, cách tốt nhất là bạn nên tìm hiểu về sơ cấp cứu cho trẻ trước khi trẻ được về nhà.
Tình trạng ngưng thở ở trẻ trong trường hợp bệnh lý cần được phát hiện kịp thời để tiến hành sự can thiệp của bác sĩ để tránh những tổn thương về sau gây hại cho bé.
Cơn ngưng thở chỉ là một trong số những tình trạng thường gặp ở trẻ sinh non. Việc theo dõi bé và chăm sóc trẻ sinh non như thế nào thật sự rất cần thiết. Cùng tham khảo bài viết “Trẻ sinh non có những nguy cơ nào cần chú ý?” của bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm để biết thêm những thông tin bổ ích nhé!
Có thể bạn quan tâm: “Hội chứng ngưng thở khi ngủ“
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.