Đại tràng: Cấu tạo và chức năng
Nội dung bài viết
Bộ máy tiêu hóa của con người hẳn không còn xa lạ với bạn đọc. Thật vậy, chúng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa và chuyển hóa thức ăn. Đại tràng là một thành phần thiết yếu trong bộ máy đó. Vậy cấu tạo của đại tràng như thế nào? Đại tràng có chức năng gì cho cơ thể của chúng ta? Hãy cùng YouMed tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
Vị trí của đại tràng
Đại tràng hay còn gọi là ruột già là phần gần cuối trong hệ thống tiêu hóa, là một bộ phận vô cùng quan trọng nằm trong ổ bụng.
Đại tràng tạo nên một khung hình chữ U ngược, vây quanh tiểu tràng (ruột non). Đi từ phải sang trái, đại tràng gồm những thành phần sau:
Kích thước của đại tràng
Trong cơ thể mỗi người và mỗi giới thì đại tràng có kích thước khác nhau. Đại tràng có thể dài từ 1.4 – 1.8 m, tuy nhiên nó chỉ dài bằng ¼ chiều dài của ruột non mà thôi.
Đường kính manh tràng lên đến 7cm. Nhưng sau đó giảm dần đến kết tràng xích ma. Sau đó lại phình to ra ở trực tràng tạo thành bóng trực tràng.
Theo một nghiên cứu thì kích thước ruột già ở người Việt Nam là:
- Chiều dài 148.2 cm
- Đường kính manh tràng 5.92 cm
- Đường kính kết tràng xuống 2.89 cm
Cấu tạo của đại tràng
Đại tràng chia làm 3 phần chính: manh tràng, kết tràng và trực tràng.
Manh tràng và ruột thừa
Hình dạng của manh tràng giống như hình túi cùng. Giữa ruột non và manh tràng có van hồi manh tràng. Van giữ cho các chất trong ruột già không chảy ngược lại lên ruột non
Ruột thừa có hình dạng gióng con giun, dài khoảng 3 – 13 cm, trung bình khoảng 8 cm. Thực tế ruột thừa là di tích còn sót lại của quá trình tiến hóa ở con người và vượn người. Ruột thừa do phần đầu của manh tràng thoái hóa.
Kết tràng
Kết tràng lên đi từ manh tràng đi lên dọc theo bên phải ổ bụng. Cho đến khi gặp gan, nó cong sang trái tạo nên góc kết tràng phải.
Tiếp theo là kết tràng ngang. Kết tràng ngang đi ngang qua ổ bụng. Đi từ góc gan đến phía dưới lách thì cong xuống dưới tạo thành góc kết tràng trái.
Kết tràng xuống chạy thẳng dọc trái ổ bụng đi xuống dưới để nối với kết tràng xích ma.
Kết tràng xích ma có hình chữ S, với hai đầu cố định và phần giữa di động.
Trực tràng
Là một ống thẳng, dài khoảng 15 cm và kết thúc ở hậu môn mở ra ngoài cơ thể. Nhìn từ trước tới thì thẳng nên gọi là trực tràng. Tuy nhiên khi nhìn nghiêng trực tràng cong theo đường cong của xương cùng.
Ống hậu môn
Tiếp nối với trực tràng, ống hậu môn đi xuyên qua hoành chậu hông và tận cùng bởi hậu môn.
Chức năng của đại tràng
Đại tràng có chức năng khác hẳn ruột non. Chức năng chính là nhận thức ăn đã được tiêu hóa từ ruột non. Sau đó hấp thụ nước, các chất điện giải từ thức ăn và cùng với sự phân hủy cùng các vi khuẩn tạo bã thức ăn thành phân. Giữ phân cho đến khi đủ lượng, đại tràng sẽ co bóp tạo nhu động và bài tiết phân qua trực tràng.
Hoạt động hấp thu
Chức năng chính hấp thu chất dinh dưỡng là ruột non, không phải ruột già. Nhưng có một số chất sẽ phải đợi đến khi đi xuống ruột già thì mới có thể được chuyển hóa thành chất dinh dưỡng được.
Sự hấp thu xảy ra ở nửa đầu ruột già. Nhờ có những nếp gấp niêm mạc nên khả năng hấp thu của niêm mạc ruột già rất lớn.
Hấp thu ion Na+
Na+ được hấp thu vào máu, kéo theo Cl– để trung hòa điện. Dung dịch NaCl sau đó tạo ra áp lực thẩm thấu đưa nước từ ruột vào máu.
Hấp thu nước
Bạn biết không, 1 lít nước từ ruột non được chuyển xuống ruột già và sau đó hấp thu. Khi thải ra ngoài môi trường theo đường phân thì chúng chỉ còn lại khoảng 80 – 150 ml. Phân ở lại càng lâu trong ruột già thì sự hấp thu nước càng tăng lên. Chính vì thế mà chúng ta thường bị táo bón khi nhịn đi cầu.
Hấp thu thuốc
Hấp thu muối
Đây là một trong những nguyên tố cần thiết cho cơ thể, được hấp thụ ở đoạn đầu ruột già.
Hấp thu NH3
Một số vi khuẩn trong ruột già sẽ hấp thu NH3 vào máu. Để tránh lượng NH3 được hấp thu quá lớn gây hôn mê gan thi nên tránh táo bón và viêm đại tràng. Thụt rửa đại tràng và dùng thuốc kháng sinh dành cho đường ruột là một lựa chọn phù hợp những trường hợp này.
Hoạt động bài tiết
Chất nhầy
Niêm mạc ruột già có chức năng bài tiết chất nhầy. Chất nhầy có vai trò làm trơn và bảo vệ thành ruột khỏi bị trầy xước. Cũng như khỏi tác hại của vi khuẩn có rất nhiều trong phân và làm cho phân dính với nhau.
Chất tồn dư
Ngoài ra ở đường tiêu hóa cũng là nơi bài tiết những chất tồn dư của cơ thể và các loại thuốc sau khi uống.
Bài tiết K+
K+ được bài tiết, làm tăng nồng độ K+ tại đây. Sự bài tiết K+ tại ruột già do aldeosterone điều khiển.
Tống thoát phân
Trong phần lớn thời gian, trực tràng không chứa phân. Sau khi phân đã được tạo hình và đảm bảo được độ mềm cần thiết, cũng như đủ lượng thì sẽ được bài tiết. Nếu có đầy đủ các điều kiện, thuận tiện cho việc đại tiện tốt, vỏ não chủ động thực hiện động tác rặn đẩy phân ra ngoài.
Bình thường, phân gồm ¾ nước và ¼ chất rắn. Trong đó 30 % là xác vi khuẩn, 10 – 20 % là chất vô cơ, 2 – 3 % protein, 30 % là chất bã từ thức ăn và dịch tiêu hóa. Mùi của phân là do các sản phẩm tiêu hóa của vi khuẩn.
Hơi trong ruột già là do khí hít vào, do vi khuẩn tạo ra và do khuếch tán từ máu vào. Hơi được sản xuất trong ruột già lên đến 7 – 10 lít/ngày. Chủ yếu do sự chuyenr hóa thức ăn không được tiêu hóa. Một số thức ăn làm tăng sự sinh hơi bao gồm: các loại đậu, bắp cải, bông cải, bắp, giấm.
Xem thêm: Kê nội kim: Dũng sĩ hỗ trợ tiêu hóa
Vi khuẩn ruột già
Lúc mới sinh ra, ống tiêu hóa của chúng ta hoàn toàn vô khuẩn. Tuy nhiên trong vòng 3 – 4 tuần, dân số vi khuẩn bình thường trong ruột sẽ được thiết lập. Hầu hết chúng là vi khuẩn yếm khí.
Những phương pháp bảo vệ sức khỏe cho đại tràng
Bằng việc xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh bạn có thể có được một đại tràng khỏe mạnh. Bao gồm:
Chế độ ăn hợp lý, khoa học
Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan
Kiểm soát stress, căng thẳng, lo lắng. Bởi điều này kéo dài gây trầm cảm hay giảm nhu động ruột, đảm bảo tinh thần vui vẻ, thoải mái, lành mạnh.
Đồng thời, khi tinh thần thoải mái, vui vẻ sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày
Ngoài ra, tăng cường vận động thể dục thể thao tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Luyện tập hàng ngày, phù hợp với sức khỏe mỗi người.
Khám sức khỏe định kỳ
Hãy cố gắng duy trì thói quen khám sức khỏe định kì để phát hiện sớm các nguy cơ có thể gây bệnh nguy hiểm.
Xem thêm: Ung thư đại tràng: Tìm hiểu nguyên nhân và lí do tại sao nên tầm soát?
Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu những thông tin thú vị về hình thể cũng như cấu tạo của đại tràng. Đại tràng giữ nhiều vai trò quan trọng cho cơ thể. Vì vậy khi đại tràng bị rối loạn đều gây nên những vấn đề sức khỏe đáng kể. Ngay từ bây giờ, bạn hãy xây dựng cho mình một lối sống khoa học, lành mạnh để tăng cường sức khỏe cho cơ thể cũng như đại tràng nhé! Nếu có bất kỳ thắc mắc về vấn đề sức khỏe đừng ngần ngại chia sẻ cùng chúng tôi. Cảm ơn bạn luôn đồng hành cùng YouMed nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Nguyễn Quang Quyền (2012. Bụng, Bài giảng giải phẫu học, Tập 2. Nhà xuất bản Y học. Trang 168 – 178.