YouMed

Đảo mắt ở trẻ và những điều mà bố mẹ cần biết

bác sĩ nguyễn ngọc mai
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai
Chuyên khoa: Nhi

Đảo mắt ở trẻ em là một trong những vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Có thể là do bố mẹ chưa biết đó là hiện tượng gì, có là biểu hiện của bệnh lý gì hay không. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là hiện tượng bình thường ở trẻ nhỏ. Vậy do đâu mà trẻ hay đảo mắt? Và khi nào trẻ mới hết đảo mắt? Liệu rằng thị lực của trẻ có bị ảnh hưởng do đảo mắt hay không? Tất cả sẽ được Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai giải đáp qua bài viết sau đây.

Hiện tượng đảo mắt ở trẻ em

Bình thường, mắt của con người sẽ đảo qua đảo lại để giảm bớt khó chịu do bụi bay vào mắt. Đó là một phản xạ sinh lý có tác dụng đẩy vật lạ ra khỏi mắt. Với người lớn, việc đảo mắt là một vấn đề bình thường. Tuy nhiên, đảo mắt ở trẻ em lại khiến cho không ít bậc phụ huynh lo lắng.

Hầu hết trẻ em thường đảo mắt trong lúc ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Sau khi ra đời, cơ thể bé chưa phát triển hoàn toàn. Và phải mất một thời gian để có thể hoàn thiện các chức năng của những cơ quan tương tự như người lớn.

Giống như những cơ quan khác trong cơ thể, cấu trúc thị giác của bé sau khi ra đời vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Điều này gắn liền với việc tầm nhìn và khả năng kiểm soát cơ mắt của trẻ còn rất non nớt. Vì vậy mới xuất hiện tình trạng đảo mắt ở trẻ.

Bình thường, bố mẹ sẽ thấy bé hay đảo mắt lúc buồn ngủ hoặc lúc mới thức dậy. Nếu phát hiện đảo mắt ở trẻ, bố mẹ không nên quá lo lắng. Khi trẻ càng lớn thì tình trạng này sẽ giảm dần theo thời gian. Thậm chí, nếu bạn thấy trẻ đảo mắt ngược lên cũng là một hiện tượng sinh lý bình thường.

Khi nào cần chú ý đến vấn đề đảo mắt ở trẻ?

Nếu bé hay đảo mắt vì hạn chế khả năng kiểm soát các cơ mắt, bé thường không có bất kỳ triệu chứng nào khác đi kèm. Tuy nhiên, nếu đảo mắt là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nào đó, bạn sẽ thấy bé có kèm theo các triệu chứng khác như:

  • Co giật.
  • Khó thở, thở không đều.
  • Run rẩy.
  • Tím tái hoặc thay đổi màu da.
  • Quấy khóc.
  • Bú kém hoặc bỏ bú.
  • Nôn ói.
  • Xuất hiện dịch mủ ở mắt.
  • Mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt,…

Lúc này, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi ngay lập tức. Bởi vì những triệu chứng ấy cảnh báo một bệnh lý nào đó của trẻ.

Trẻ bú kém là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm
Trẻ bú kém là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm

Trong trường hợp bố mẹ thấy bé bị trợn mắt kèm theo các triệu chứng giống như động kinh. Có thể bao gồm:

  • Co cứng chân tay.
  • Co giật.
  • Khóc liên tục.
  • Cử động cơ thể run rẩy,…

Khi ấy, bố mẹ cần đảm bảo an toàn cho bé. Động kinh ở trẻ em có thể dẫn đến các tình trạng y tế phức tạp. Ngoài ra, co giật có thể xảy ra khi em bé bị sốt cao, nhiễm trùng nặng, hạ canxi máu, hạ đường huyết,…

Nếu em bé của bạn bị co giật, tốt nhất là nên cho em bé nằm trên sàn. Sau đó, bạn hãy cởi hết quần áo bó sát cơ thể bé. Đồng thời đưa bé đến bác sĩ ngay để biết nguyên nhân của cơn co giật là do đâu.

Co giật ở trẻ em
Co giật ở trẻ em

Khi nào cần sự tư vấn của bác sĩ?

Là bố mẹ, bạn cần quan sát bé một cách thận trọng để có thể xác định chính xác đảo mắt ở trẻ là bình thường. Hoặc do một bệnh lý tiềm ẩn nào đó. Mục đích là để đưa đi khám một cách kịp thời.

Điều này giúp bố mẹ có thể ngăn chặn sự xuất hiện của những diễn biến tồi tệ hơn. Cũng như hạn chế sự trầm trọng hơn của bệnh. Để xác định một cách cụ thể, bố mẹ nên ghi chép vào nhật ký để theo dõi chuyển động mắt của trẻ.

Bố mẹ nên ghi nhật ký đảo mắt ở trẻ
Bố mẹ nên ghi nhật ký đảo mắt ở trẻ

Song song với hiện tượng đảo mắt là các triệu chứng kèm theo ở bé nếu có. Cũng như thời điểm, khoảng thời gian hay diễn ra hiện tượng đảo mắt ở trẻ. Nếu thấy có những diễn biến bất thường, bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức.

Những nguyên nhân gây đảo mắt bất thường ở trẻ em

Sau đây là một số bệnh lý có thể gây đảo mắt ở trẻ đi kèm những triệu chứng biểu hiện bệnh lý:

Các bệnh lý ngoài mắt

  • Chấn thương đầu do té ngã, vật dụng rơi trúng đầu.
  • Động kinh trẻ em.
  • Co giật do sốt cao.
  • Nhiễm trùng máu, viêm nhiễm nặng.
  • Hạ đường huyết.
  • Rối loạn điện giải như: hạ Natri máu, hạ Canxi máu, hạ Magie máu, hạ Kali máu,…
  • Tăng áp lực nội sọ.
  • Nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương như: viêm não, viêm màng não, áp xe não,…
  • Co giật do ngộ độc.
  • U não.

Những vấn đề ở mắt có thể gây đảo mắt ở trẻ em bao gồm:

  • Bụi, vật lạ, lông thú,… rơi vào mắt.
  • Viêm kết mạc mắt do vi khuẩn, virus. Chẳng hạn như: đau mắt đỏ (nhậm mắt), đau mắt hột.
  • Viêm kết mạc mùa xuân.
  • Dị ứng với sữa, thức ăn gây phù nề niêm mạc mắt.
  • Tật khúc xạ bẩm sinh. Thường gặp là cận thị, loạn thị.
  • Loét giác mạc (ít gặp hơn).
  • Viêm kết mạc mắt do vi khuẩn lậu (lây từ mẹ sang),…
Viêm kết mạc mắt ở trẻ em do vi khuẩn lậu
Viêm kết mạc mắt ở trẻ em do vi khuẩn lậu

Nói tóm lại, phần lớn các trường hợp đảo mắt ở trẻ em là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên chủ quan. Nếu phát hiện bé đảo mắt đi kèm những triệu chứng khác lạ, bất thường thì nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế ngay nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Baby Eyes Rolling Back – Is It Normal?https://parenting.firstcry.com/articles/is-baby-rolling-eyes-normal/

    Ngày tham khảo: 28/06/2020

  2. Baby is Rolling Eyes! 15 Important Reasons & When to Worryhttps://www.easybabylife.com/baby-is-rolling-eyes.html

    Ngày tham khảo: 28/06/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người