Đau cổ: Có phải là dấu hiệu của ung thư?
Nội dung bài viết
Đau cổ là một khó chịu thường gặp. Phần lớn các nguyên nhân gây đau cổ có thể điều trị được. Tuy nhiên, đau cổ ngày càng tăng và kéo dài có thể khiến bạn băn khoăn liệu đó có phải là dấu hiệu của ung thư không? Phần lớn trường hợp đau cổ không phải là do ung thư. Điều quan trọng là nhận biết được dấu hiệu của ung thư ở cổ. Nhờ vậy, bạn biết được khi nào mình cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ.
1. Đau cổ là như thế nào?
Cổ của bạn được tạo thành từ các đốt sống kéo dài từ sọ cho đến phần thân trên.
Xương, dây chằng, và cơ ở cổ giúp nâng đỡ và di chuyển đầu. Bất kì bất thường, viêm nhiễm, hay chấn thương đều có thể gây nên đau hay cứng cổ.
Nhiều người đôi khi cũng có cảm giác cứng hay đau cổ. Trong nhiều trường hợp thường là do sai tư thế hay hoạt động quá sức. Có khi, đau cổ là hậu quả của chấn thương do té ngã, va chạm trong thể thao.
Trong hầu hết trường hợp, đau cổ không phải là một tình trạng nguy hiểm và có thể giảm dần sau vài ngày.
Nhưng trong một số trường hợp khác, đau cổ có thể là dấu hiệu của một chấn thương hay bệnh lý nghiêm trọng, cần sự chăm sóc của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm:
Đau cổ thường là một vấn đề tạm thời do trẻ cảm thấy căng cơ cổ quá mức. Tuy nhiên, đôi khi đau cổ có thể dấu hiệu của những bệnh lí nghiêm trọng hơn. Nếu cổ của con bạn bị đau, trẻ có thể than phiền vì đau ở phía sau cổ hoặc vùng vai. Ngoài ra, trẻ có xu hướng nghiêng đầu sang một bên và dễ nhạy cảm khi chạm vào vị trí đau. Đi tìm nguyên căn gây bệnh với bài viết:”Đau cổ ở trẻ em do những nguyên nhân gì?”
2. Đau cổ có thể là một triệu chứng của ung thư hay không?
Đau cổ kéo dài, dai dẳng có thể là dấu hiệu cảnh báo của ung thư ở đầu cổ. Các dấu hiệu khác của ung thư ở đầu cổ còn bao gồm khối u, khối sưng hay một vết loét khó lành.
Sau đây là những triệu chứng khác của ung thư đầu cổ:
- Mảng trắng hoặc đỏ trong niêm mạc của miệng, nướu hay lưỡi.
- Chảy máu hoặc đau bất thường trong miệng.
- Khó nhai hoặc khó nuốt.
- Hơi thở hôi không rõ nguyên nhân.
- Đau họng hay đau mặt không giảm.
- Nhức đầu thường xuyên.
- Cảm giác tê ở vùng đầu cổ.
- Sưng nề ở cằm, hàm.
- Đau nhức khi di động hàm hay lưỡi.
- Khó nói.
- Thay đổi giọng nói, khàn tiếng.
- Đau tai hay ù tai.
- Khó thở.
- Nghẹt mũi kéo dài.
- Chảy máu mũi thường xuyên.
- Dịch mũi chảy ra bất thường.
Mỗi triệu chứng trên cũng có thể là do một nguyên nhân tiềm ẩn khác. Bạn không nên quá lo lắng về ung thư nếu lỡ như có một trong những dấu hiệu trên.
Nếu triệu chứng kéo dài và ngày càng nặng thì hãy đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân thực sự.
3. Nguyên nhân gây ung thư ở cổ
Nguyên nhân thường gặp nhất gây ung thư đầu cổ là lạm dụng bia rượu và hút thuốc lá.
Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác gây ung thư đầu cổ bao gồm:
- Vệ sinh họng miệng kém
- Phơi nhiễm với phóng xạ, chất độc hại
Ung thư đầu cổ phần lớn xảy ra ở:
- Khoang miệng
- Tuyến nước bọt
- Thanh quản
- Họng
- Mũi và các xoang
4. Các nguyên nhân khác gây đau cổ
Có nhiều tình trạng bệnh lý khác không liên quan đến ung thư cũng gây ra đau cổ, chẳng hạn như:
- Căng cơ. Hoạt động quá sức, làm việc sai tư thế hay ngủ không đúng tư thế có thể làm căng cơ cổ và gây nên khó chịu.
- Thoái hóa cột sống cổ. Khi đĩa đệm cột sống ở cổ bị mòn và rách, thường do tuổi tác, bạn có thể bị đau và cứng cổ
- Thoát vị đĩa đệm. Cột sống được hình thành từ nhiều đốt sống. Giữa các đốt sống được lót bởi những lớp đệm gọi là đĩa đệm. Khi khối mô mềm ở trong đĩa đệm cột sống bị lồi ra ngoài, người ta gọi là thoát vị đĩa đệm (hiểu nôm na là đĩa đệm bị trượt ra ngoài)
Xem thêm: Thoát vị đĩa đệm: Bạn đã biết những gì?
Các nguyên nhân thường gặp khác gây đau cổ bao gồm:
- Chấn thương, ví dụ như bị giật cổ trong tai nạn xe
- Các gai xương mọc ra ở cột sống cổ
- Bệnh lý khác như viêm màng não hay viêm khớp
5. Khi nào thì nên đi khám bác sĩ?
Nếu bạn bị đau cổ kéo dài hơn một tuần thì nên đi gặp bác sĩ để tư vấn. Bạn cũng cần đi khám bác sĩ nếu bạn có:
- Đau cổ trầm trọng mà không có nguyên nhân rõ ràng.
- Khối u ở cổ.
- Sốt.
- Nhức đầu.
- Nôn ói.
- Buồn nôn.
- Khó nuốt hoặc khó thở.
- Yếu liệt.
- Cảm giác tê bì.
- Cảm giác đau râm ran, châm chích.
- Đau lan xuống dọc theo cẳng tay, chân.
- Không thể di chuyển cánh tay hay bàn tay.
- Không thể đưa cằm chạm vào ngực.
- Rối loạn đi tiêu, đi tiểu.
6. Một số cách giảm đau cổ tại nhà
Nếu bạn có cảm giác đau và cứng cổ, hãy thử các bước đơn giản sau đây để giảm đau:
- Chườm lạnh trong những ngày đầu. Sau đó, giảm đau bằng nhiệt với miếng dán nóng, chườm nóng, hay tắm nước nóng.
- Dùng các thuốc giảm đau có bán tại nhà thuốc.
- Nghỉ tập thể thao, hoạt động mạnh trong vài ngày vì nó có thể làm nặng thêm triệu chứng. Khi bạn quay lại hoạt động bình thường, cố gắng cử động nhẹ nhàng để các triệu chứng có thể hồi phục hoàn toàn.
- Tập luyện cơ cổ mỗi ngày. Nhẹ nhàng duỗi đầu qua hai bên và lên xuống.
- Giữ tư thế đúng.
- Tránh động tác kẹp điện thoại giữa cổ và vai.
- Thường xuyên thay đổi tư thế. Đừng đứng hay ngồi một chỗ quá lâu.
- Xoa bóp cổ nhẹ nhàng.
- Không xài nẹp cổ nếu không có chỉ định của bác sĩ. Nếu bạn sử dụng sai cách, các dụng cụ này có thể làm nặng thêm tình trạng đau.
Như vậy, đau cổ trong số ít trường hợp có thể là dấu hiệu ung thư. Tuy nhiên đau cổ cũng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nữa. Bạn hãy đến nhờ bác sĩ tư vấn nếu cơn đau kéo dài dai dẳng hoặc có những triệu chứng khác thường khác.
Xem thêm bài viết liên quan:
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Neck Pain: Possible Causes and How to Treat Ithttps://www.healthline.com/health/neck-pain
Ngày tham khảo: 24/03/2020
-
Neck Pain and Cancerhttps://www.healthline.com/health/neck-pain-cancer
Ngày tham khảo: 24/03/2020