Đau đầu do lạm dụng thuốc và cách phòng ngừa
Nội dung bài viết
Thuốc giảm đau giúp giảm chứng đau đầu thường xuyên. Nhưng nếu bạn dùng thuốc nhiều ngày trong tuần, có thể gây ra chứng đau đầu do lạm dụng thuốc. Cơn đau thường chấm dứt khi ngừng dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, điều đó chỉ có hiệu quả trong thời gian ngắn. Cần có những điều trị phù hợp khác để loại bỏ cơn đau đầu và giảm đau lâu dài.
1. Đau đầu do lạm dụng thuốc là bệnh gì?
Đau đầu do lạm dụng thuốc xảy ra khi sử dụng thuốc thường xuyên, trong thời gian dài để điều trị chứng đau đầu, chẳng hạn như chứng đau nửa đầu.
Bất kỳ loại thuốc nào dùng để giảm đau đầu cũng có thể gây ra dạng đau đầu này. Trong những trường hợp thuốc giảm đau được dùng thường xuyên để điều trị một vấn đề khác, như viêm khớp, cơn đau đầu sẽ thường không xuất hiện nếu bạn không có tiền căn đau đầu trước đó.
2. Các triệu chứng của bệnh
Các dấu hiệu và triệu chứng của đau đầu do lạm dụng thuốc có thể khác nhau tùy theo loại đau đầu ban đầu đang được điều trị và loại thuốc được sử dụng. Dạng đau đầu này thường có xu hướng:
- Xảy ra hàng ngày hoặc gần như hàng ngày, thường đánh thức bạn vào sáng sớm
- Cải thiện bằng thuốc giảm đau nhưng sau đó trở lại khi thuốc hết tác dụng
Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Buồn nôn
- Bồn chồn
- Khó tập trung
- Các vấn đề về trí nhớ
- Cáu gắt
3. Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Đau đầu là tình trạng khá phổ biến và hầu như ai cũng từng gặp phải trong đời. Tuy nhiên, đau đầu có rất nhiều nguyên nhân, và một số nguyên nhân có thể đe dọa tính mạng.
Hãy đi khám ngay lập tức nếu cơn đau đầu của bạn có các tính chất:
- Xảy ra đột ngột với mức độ đau dữ dội
- Kèm theo sốt, cứng cổ, phát ban, lú lẫn, co giật, nhìn đôi, yếu, tê hoặc khó nói
- Đau đầu xuất hiện sau khi bị chấn thương đầu
- Mức độ đau tăng dần dù bạn đã nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau
- Đau đầu dai dẳng mới xuất hiện, đặc biệt đối với người lớn hơn 50 tuổi
- Kèm với khó thở
- Xảy ra đau đầu khi đứng, nhưng giảm khi nằm
Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám bác sĩ nếu:
- Thường có 2 cơn đau đầu hoặc nhiều hơn trong một tuần
- Đau đầu phải dùng thuốc giảm đau nhiều hơn 2 lần một tuần
- Cần dùng liều nhiều hơn liều thuốc giảm đau được khuyến cáo để giảm đau đầu
- Kiểu đau đầu thay đổi
4. Nguyên nhân
Vẫn chưa biết chính xác lý do tại sao lạm dụng thuốc lại dẫn đến loại đau đầu này. Nguy cơ phát triển chứng đau đầu khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc giảm đau đầu cấp tính nào cũng có khả năng dẫn đến đau đầu do sử dụng quá nhiều thuốc, bao gồm:
- Thuốc giảm đau thông thường như aspirin và acetaminophen: Những loại này có thể góp phần gây ra chứng đau đầu do thuốc. Đặc biệt nếu sử dụng quá liều lượng được khuyến cáo hàng ngày. Thuốc giảm đau như ibuprofen ít có nguy gây đau đầu cao hơn.
- Thuốc giảm đau phối hợp: Là thuốc giảm đau thông thường kết hợp caffeine, aspirin và acetaminophen.
- Thuốc trị đau nửa đầu: Nhiều loại thuốc trị đau nửa đầu khác nhau có liên quan đến chứng đau đầu, bao gồm triptan và ergotamine.
- Thuốc giảm đau gây nghiện: Những loại thuốc này có nguy cơ cao gây đau đầu do lạm dụng thuốc.
- Liều lượng caffein hàng ngày từ cà phê, soda, thuốc giảm đau và các sản phẩm khác có chứa chất kích thích này cũng có thể góp phần gây đau đầu do thuốc.
5. Các yếu tố nguy cơ gây đau đầu do lạm dụng thuốc
Các yếu tố nguy cơ phát triển chứng đau đầu do phụ thuộc vào quá nhiều thuốc bao gồm:
- Tiền sử đau đầu mãn tính. Tiền sử đau đầu mãn tính, đặc biệt là chứng đau nửa đầu.
- Thường xuyên sử dụng thuốc đau đầu.
6. Phòng ngừa đau đầu do lạm dụng thuốc
Để giúp ngăn ngừa các cơn đau đầu:
- Uống thuốc giảm đau đầu theo liều lượng được khuyến cáo.
- Nếu cần dùng thuốc đau đầu hơn hai lần một tuần, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Tránh các loại thuốc có chứa chất gây nghiện
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn ít hơn 15 ngày một tháng.
- Hạn chế sử dụng triptan hoặc thuốc giảm đau kết hợp. Nên dùng không quá 9 ngày một tháng.
Chăm sóc bản thân có thể giúp ngăn ngừa hầu hết các cơn đau đầu
- Tránh các tác nhân gây đau đầu.
- Ngủ đủ giấc. Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày – ngay cả vào cuối tuần.
- Ăn đủ bữa.
- Uống đủ nước. Đảm bảo uống nhiều nước hoặc các thức uống không chứa caffein khác.
- Tập thể dục thường xuyên. Hoạt động thể chất khiến cơ thể giải phóng các chất hóa học ngăn chặn tín hiệu đau đến não. Bạn có thể chơi các môn thể thao bạn thích như đi bộ, bơi lội, đạp xe đạp.
- Giảm stress, cố gắng giữ tinh thần lạc quan.
- Giảm cân. Béo phì có thể góp phần làm phát triển chứng đau đầu.
- Không hút thuốc lá. Hút thuốc góp phần gây ra đau đầu do lạm dụng thuốc.
Đau đầu do lạm dụng thuốc có thể được kiểm soát bằng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, thuốc chỉ có hiệu quả trong thời gian nhất định. Nếu cơn đau đầu làm bạn khó chịu, hãy đến khám bác sĩ để nhận được những điều trị phù hợp kịp thời.
>> Đau đầu cụm gây ra những cơn đau đàu rất dữ dội. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân và cách điều tị cơn đau để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng sống người bệnh.
Bác sĩ Đào Thị Thu Hương
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.mayoclinic.org/search/search-results?q=Medication%20overuse%20headaches