YouMed

Đau dây thần kinh sinh ba: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bác sĩ NGUYỄN VĂN HUẤN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn
Chuyên khoa: Thần kinh

Đau dây thần kinh sinh ba là một tình trạng đau mãn tính được gây ra bởi dây thần kinh sinh ba. Với tình trạng này, ngay cả những kích thích nhẹ lên mặt như đánh răng, rửa mặt cũng có thể gây ra một cơn đau dữ dội. Cùng Bác sĩ chuyên khoa Thần kinh Nguyễn Văn Huấn tìm hiểu về tình trạng này qua bài viết dưới đây. 

Sơ lược về dây thần kinh sinh ba

Dây thần kinh sinh ba, hay còn gọi là dây thần kinh số V, là dây lớn nhất trong số 12 dây thần kinh sọ. Có 2 dây thần kinh sinh ba, dây bên trái và phải đi ra từ sọ não mỗi bên. Được gọi là dây sinh ba, vì sau khi ra khỏi sọ, mỗi bên trái hoặc phải tách ra làm 3 dây chi phối cảm giác, xúc giác và một phần vận động ở nửa bên mặt. Ba dây này chi phối ở các vùng khác nhau: V1 (vùng mắt), V2 (vùng hàm trên), V3 (vùng hàm dưới).

  • Dây V1 chi phối vùng mắt và trán là dây đầu tiên của dây thần kinh sinh ba. Nó là dây thần kinh cảm giác (đau), xúc giác (cảm giác khi chạm vào) từ mí mắt trên, vùng trên ổ mắt, trán và lên trên đỉnh đầu.
  • Giống như nhánh V1, nhánh V2 cũng là dây chi phối cảm giác, xúc giác ở phần mặt giữa: phần hàm trên và xung quanh má.
  • Nhánh cuối cùng trong ba nhánh sinh ba là nhánh hàm dưới (V3). Đây là nhánh lớn nhất của dây thần kinh sinh ba, Nó chi phối cả cảm giác và vận động. Các nhánh cảm giác chi phối 1/3 dưới khuôn mặt, không bao gồm góc xương hàm. Nó còn chi phối cảm giác ở miệng, nướu và kích thích vị giác. Về vận động, nó điều khiển các cơ dùng để nhai và chi phối việc tạo nước bọt.
Dây thần kinh sinh ba
Dây thần kinh sinh ba

Đau dây thần kinh sinh ba là gì?

Đây là một tình trạng đau mãn tính được gây ra bởi dây thần kinh sinh ba. Ngay cả những kích thích nhẹ lên mặt như đánh răng, rửa mặt cũng có thể gây ra một cơn đau dữ dội.

Đau dây thần kinh sinh ba không giống như đau mặt do các vấn đề khác gây ra. Nó thường được mô tả như châm chích như khi bị điện giật, hoặc như đau bị một vật thể nhọn đâm vào mặt. Nó có thể nghiêm trọng đến mức khiến cho người ta không thể hoặc không dám ăn uống.

Tình trạng này ảnh hưởng thường xuyên nhất ở những người trên 50 tuổi và phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới. Ban đầu nó chỉ gây những cơn đau nhẹ và ngắn. Tuy nhiên, nó có thể tiến triển và gây ra cơn đau kéo dài và thường xuyên hơn.

Đau dây thần kinh sinh ba là nguyên nhân phổ biến nhất của đau vùng mặt và được chẩn đoán ở khoảng 150.000 người mỗi năm ở Hoa Kỳ. Mặc dù tình trạng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng cường độ của cơn đau có thể khiến người bệnh bị suy nhược.

Hiện nay, có nhiều cách để làm giảm đau, bao gồm các phương pháp điều trị nội khoa ( thuốc uống hoặc tiêm) cho đến phẫu thuật để kiểm soát cơn đau.

 Với đau dây thần kinh sinh ba, ngay cả những kích thích nhẹ lên mặt như đánh răng, rửa mặt cũng có thể gây ra một cơn đau dữ dội
Với đau dây thần kinh sinh ba, ngay cả những kích thích nhẹ lên mặt như đánh răng, rửa mặt cũng có thể gây ra một cơn đau dữ dội

Nguyên nhân của đau dây thần kinh sinh ba

Nguyên nhân của tình trạng này có thể do mạch máu đè lên dây thần kinh sinh ba. Theo thời gian, xung của động mạch cọ xát với dây thần kinh có thể làm mòn lớp cách điện, được gọi là myelin, làm cho dây thần kinh bị lộ ra ngoài và có độ nhạy cảm cao.

Nó cũng có thể xảy ra do sự lão hóa hoặc có thể liên quan đến bệnh đa xơ cứng hoặc một chứng rối loạn tương tự làm tổn thương lớp vỏ myelin bảo vệ dây thần kinh . Ngoài ra, cũng có thể do có một khối u chèn ép vào dây thần kinh sinh ba.

Một số người có thể bị đau dây thần kinh sinh ba do tổn thương não, chấn thương trong phẫu thuật, đột quỵ hoặc chấn thương mặt, v.v.

Một số tác động, vận động có thể kích thích dây thần kinh sinh ba gây đau, bao gồm:

  • Cạo râu.
  • Chạm vào mặt.
  • Khi ăn uống.
  • Đánh răng.
  • Đang nói chuyện.
  • Gặp phải một cơn gió nhẹ.
  • Khi cười.
  • Rửa mặt.

Các triệu chứng đau dây thần kinh sinh ba

Các triệu chứng đau dây thần kinh sinh ba có thể bao gồm một hoặc nhiều biểu hiện sau:

  • Đau ở các khu vực được cung cấp bởi dây thần kinh sinh ba, bao gồm má, hàm, răng, lợi, môi do dây thần kinh V2,V3 chi phối. Ít bị đau hơn ở vùng mắt và trán do dây V1 chi phối.
  • Có các đợt đau dữ dội, châm chích như điện giật hoặc đau đau.
  • Cơn đay xuất hiện bất ngờ khi chạm vào mặt, đang nhai, nói chuyện hoặc khi đang đánh răng.
  • Mỗi cơn đau có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút.
  • Đau thường ảnh hưởng đến một bên của khuôn mặt. Một số trường hợp ít sẽ gây đâu ở cả hai bên mặt.

Ban đầu, các cơn đau có thể chỉ biểu hiện nhẹ như cảm giác ngứa ran hoặc tê ở mặt. Sau đó cơn đau xảy ra theo từng đợt, kèo dài từ vài giây đến vài phút, và ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn cho đến khi cơn đau gần như là liên tục.

Các đợt bùng phát cơn đau có thể liên tục xảy ra trong vài tuần hoặc vài tháng. Sau đó là giai đoạn không đau có thể kéo dài một năm hoặc hơn.

Đau dây thần kinh sinh ba được chẩn đoán như thế nào?

Qua mô tả cơn đau và thăm khám

Bác sĩ sẽ chẩn đoán chủ yếu dựa trên mô tả của người bệnh về cơn đau và thăm khám.

Khai thác triệu chứng đau bao gồm:

  • Kiểu đau: Đau liên quan đến dây thần kinh sinh ba thường đau đột ngột và bất ngờ như bị chích điện hoặc bị vật nhọn đâm, và mỗi cơn đau thường ngắn.
  • Vị trí: Các vùng trên khuôn mặt bị ảnh hưởng có thể liên quan đến dây thần kinh sinh ba hoặc do những yếu tố khác.
  • Yếu tố tác động cơn đau: Đau liên quan đến dây thần kinh sinh ba thường do kích thích nhẹ ở trên má hoặc hàm như khi ăn uống, nói chuyện hoặc thậm chí gặp phải một cơn gió ngang qua mặt.
  • Khám thần kinh. Sờ và kiểm tra các vùng trên khuôn mặt có thể giúp bác sĩ xác định chính xác vị trí cơn đau đang xảy ra. Khám kiểm tra phản xạ cũng có thể giú xác định xem các triệu chứng là do dây thần kinh bị chèn ép hay một tình trạng khác.

Xét nghiệm hình ảnh

Chụp cộng hưởng từ (MRI) đầu để xác định bệnh đa xơ cứng hoặc tìm kiếm khối u đang chèn ép dây thần kinh sinh ba. Trong một số trường hợp, có thể cần chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA) bằng cách  tiêm thuốc cản quang vào mạch máu để thấy rõ và làm nổi bật mạch máu vùng đầu.

Điều trị đau dây thần kinh sinh ba

Điều trị đau dây thần kinh sinh ba thường bắt đầu bằng thuốc. Ở một số người đáp ứng với thuốc tốt sẽ không cần điều trị thêm. Tuy nhiên, theo thời gian, tình trạng đau có thể không còn đáp ứng tốt với thuốc hoặc có thể bị một số tác dụng phụ gây khó chịu. Đối với những trường hợp này, tiêm hoặc phẫu thuật sẽ là phương pháp lựa chọn giảm đau tiếp theo.

Tuy nhiên, nếu tình trạng là do nguyên nhân khác, như bệnh đa xơ cứng, bác sĩ sẽ điều trị nguyên nhân cơ bản chỉ không chỉ điều trị triệu chứng.

1. Thuốc

Hầu hết các loại thuốc giảm đau không kê đơn và không kê đơn thông thường như paracetamol hoặc codein không có tác dụng với những người bị đau dây thần kinh sinh ba. Một số thuốc điều trị bao gồm:

Thuốc chống co giật

Các bác sĩ thường kê toa carbamazepine và nó đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc điều trị đau dây thần sinh ba. Các loại thuốc chống co giật khác có thể được sử dụng bao gồm oxcarbazepine, lamotrigine và phenytoin. Những loại thuốc như clonazepamgabapentin cũng có thể được sử dụng.

Nếu thuốc chống co giật đang sử dụng bắt đầu mất tác dụng, bác sĩ có thể tăng liều hoặc chuyển sang loại khác. Tác dụng phụ của thuốc chống co giật có thể bao gồm chóng mặt, lú lẫn, buồn ngủ và buồn nôn. Ngoài ra, carbamazepine có thể gây ra phản ứng thuốc nghiêm trọng ở một số người, chủ yếu là những người gốc Châu Á.

Thuốc chống co thắt

Thuốc làm giãn cơ như baclofen có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với carbamazepine. Các tác dụng phụ có thể bao gồm lú lẫn, buồn nôn và buồn ngủ.

2. Thủ thuật

Một số thủ thuật thường có thể giúp kiểm soát cơn đau do đau dây thần kinh sinh ba nếu điều trị thuốc thất bại, bao gồm:

Cắt rễ bằng tần số phóng xạ nhiệt

Đây là phương pháp ứng dụng nhiều nhất bằng cách tạo ra tổn thương nhiệt ở hạch hoặc dây thần kinh sinh ba.

Ưu điểm: Giảm đau trong giai đoạn ngắn > 80% bệnh nhân điều trị.

Nhược điểm:

  • Những nghiên cứu lâu dài cho thấy đau tái phát trong một số phần trăm bệnh nhân.
  • Các biến chứng bao gồm tê một phần mặt, thỉnh thoảng có loạn cảm khó chịu, yếu cơ cắn, và nguy cơ mất phân bố thần kinh giác mạc gây viêm giác mạc thứ phát khi điều trị ở cho nhánh V1 trong đau thần kinh sinh ba.

Phẫu thuật phóng xạ bằng tia Gamma

Phương pháp này mang lại hiệu quả giảm đau hoàn toàn cho hơn 2/3 bệnh nhân.

Ưu điểm: Sự đáp ứng giảm đau thường kéo dài theo thời gian. Các nguy cơ biến chứng nguy hiểm thấp hơn so với phương pháp cắt rễ bằng tần số phóng xạ nhiệt

Nhược điểm: Ít hiệu quả hơn một chút so với cắt rễ bằng tần số phóng xạ nhiệt

Giải áp vi mạch

Phương pháp này đòi hỏi một thủ thuật mở hộp sọ dưới chẩm. Phù hợp với những người có sức khỏe tốt, có thể chịu được phẫu thuật và gây mê toàn thân và có thể chịu được lối sống phù hợp với thời gian hồi phục từ bốn đến sáu tuần.        `

Bác sĩ phẫu thuật rạch một đường sau tai và cắt bỏ một mảnh hộp sọ nhỏ để tiếp cận với dây thần kinh và mạch máu. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật đặt một lớp đệm cách nhiệt xung quanh mạch máu để nó không còn chèn ép hoặc cọ xát vào dây thần kinh

Ưu điểm:

  • Trong các phương pháp điều trị phẫu thuật khác nhau, nó có tỉ lệ thành công lâu dài cao nhất (~50% bệnh nhân giảm đau hoàn toàn sau 3 năm thực hiện phương pháp này).
  • Ngoài ra, có thể thực hiện thực hiện ở bệnh nhân trước đây đã cắt rễ bằng tần số phóng xạ nhiệt hay phẫu thuật phóng xạ bằng tia Gamma có đau trở lại.
  • Giải toả áp lực lên dây thần kinh sinh ba.
  • Trên 70% có hiệu quả với tỉ lệ thấp tái phát đau.

Nhược điểm: Số ít phần trăm các trường hợp tổn thương dây thần kinh sọ VII và VIII quanh thời điểm phẫu thuật.

Mặc dù đau dây thần kinh sinh ba không gây tử vong, nhưng những cơn đau và sự lo lắng mà nó gây ra có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của một người. Vì thế bệnh nhân cần hợp tác chặt chẽ với bác sỹ để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho mỗi cá nhân.

Phẫu thuật điều trị bệnh rất tinh vi và chính xác vì vùng liên quan rất nhỏ. Do đó, cần tìm đến các bác sĩ phẫu thuật thần kinh có kinh nghiệm để khám và điều trị hiệu quả nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Trigeminal Neuralgiahttps://www.aans.org/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Trigeminal-Neuralgia

    Ngày tham khảo: 10/01/2021

  2. Trigeminal Neuralgiahttps://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/trigeminal-neuralgia

    Ngày tham khảo: 10/01/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người