Tác dụng của dầu gió và những điều cần biết
Nội dung bài viết
Dầu gió làm từ gì? Dầu gió có tác dụng trong điều trị các tình trạng bệnh nào? Cần lưu ý những điều gì khi dùng dầu gió: liều dùng, cách dùng và các tác dụng phụ? Hãy cùng theo dõi vấn đề được phân tích trong bài viết dưới đây của dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên nhé!
Dầu gió làm từ gì?
Trong dầu gió có thành phần chủ yếu là các tinh dầu. Thông thường trong công thức thường chứa tinh dầu bạc hà và các thành phần phụ tùy thuộc công thức riêng của mỗi nhà sản xuất.
Có rất nhiều công thức làm dầu gió được xem là bí mật thương mại. Hoặc đó có thể là công thức gia truyền nhiều đời.
Theo thông tin khảo sát từ nhiều loại dầu gió tại thị trường Việt Nam, có 2 thành phần thường bắt gặp nhất là menthol và methyl salicylate. Đây là hai chất có trong tinh dầu bạc hà.
Ngoài ra, trong thành phần dầu gió còn có thể chứa:
- Khuynh diệp.
- Quế.
- Tràm.
- Long não.
- Hương nhu.
- Thông, camphor, cineol.
Tác dụng của dầu gió là gì?
Theo y học, dầu gió có tác dụng giúp hạ sốt. Ngoài ra, dầu gió còn giúp mồ hôi, giảm đau, giảm ho và có tác dụng sát trùng.
Không những vậy, dầu gió còn được dùng chữa những chứng bệnh thông thường rất hiệu quả chẳng hạn như:
- Các trường hợp cảm lạnh, cảm cúm.
- Người bệnh bị nhức đầu, sổ mũi.
- Tình trạng đau khớp, đau cơ bắp.
- Hoặc chữa các chứng đầy hơi, khó tiêu.
- Khi bị đau dây thần kinh.
- Hoặc có thể dùng trong trường hợp bị côn trùng đốt…
Ai không nên dùng dầu gió?
- Không dùng dầu gió cho trẻ < 24 tháng tuổi. Hoặc dùng cho các đối tượng là phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Lưu ý, tuyệt đối không được dùng dầu gió cho trẻ sơ sinh, nhất là không bôi lên mũi trẻ. Vì có thể gây ức chế hô hấp ở trẻ.
- Với các đối tượng bị lở ngứa, ra mồ hôi, sốt cao cũng không nên dùng.
- Các trường hợp bị suy nhược, vừa ốm dậy hoặc bị táo bón, tăng huyết áp cần đưa bệnh nhân gặp bác sĩ để thăm khám ngay thay vì cho dùng dầu gió.
Biểu hiện và xử trí khi bị ngộ độc
Sau khi xoa dầu gió trong vòng 5 – 90 phút, nếu nhận thấy các triệu chứng bất thường như buồn nôn, nôn mửa, bỏng miệng, thậm chí sau đó xuất hiện tình trạng co giật, khó thở và rơi vào hôn mê. Đó là các biểu hiện của tình trạng ngộ độc dầu gió.
Lưu ý, triệu chứng nặng hay nhẹ tùy vào lượng dầu nhiều hay ít trước đó.
Sau khi sử dụng hoặc phát hiện bé uống phải dầu gió và có dấu hiệu bất thường, nghi ngờ ngộ độc. Cần đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để được cấp cứu.
Dùng dầu gió sao cho đúng
Đối với trẻ > 2 tuổi, khi dùng dầu gió phải có người lớn bên cạnh và theo dõi:
- Đầu tiên, trước khi bôi dầu, cần phải rửa sạch và lau khô tay cũng như vùng da bị đau.
- Tiếp đó, dùng đầu ngón tay trỏ lấy một lượng dầu thích hợp với trường hợp cần dùng.
- Sau đó, bôi dầu lên hoặc xoa bóp chỗ đau nhức hoặc thoa lên vết côn trùng cắn đốt.
Trường hợp bị đau bụng do lạnh hoặc khó tiêu: Có thể bôi dầu vào vùng quanh rốn.
Người bệnh nhức đầu: Lấy một lượng nhỏ lên ngón trỏ và bôi vào thái dương. Sau đó miết nhẹ nhàng, day tròn và ấn bằng ngón tay trỏ để góp phần làm thuyên giảm cơn đau nhanh chóng.
Một số điều cần lưu ý khác:
Chỉ có thể dùng dầu gió ngoài da, tuyệt đối không được uống vì rất dễ bị ngộ độc.
Ngoài ra, chỉ bôi dầu gió ở những điểm đau, vùng đau, vùng cạo gió.
Lưu ý không bôi dầu vào niêm mạc, vùng mắt hoặc bôi dầu lên các vết thương hở, vùng da trầy xước.
Không dùng nhiều > 3 – 4 lần/ ngày.
Nên ngừng dùng dầu gió ngay khi cơn đau, sự mệt mỏi đã chấm dứt.
Với các đối tượng hay bị dị ứng, người có bệnh mạn tính muốn dùng cần có sự tư vấn của các bác sĩ.
Thận trọng khi dùng dầu gió
- Mặc dù dầu gió là sản phẩm không kê đơn nhưng dầu vẫn là thuốc. Do đó, việc sử dụng dầu gió tùy tiện có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong trong các trường hợp ngộ độc.
- Ngoài ra, methyl salicylate có trong dầu gió được xếp vào nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid. Thông thường, hoạt chất này thường kết hợp methyl salicylat với các loại tinh dầu nhằm giúp vùng da được xoa dầu nóng lên nhanh. Từ đó, giúp làm giãn nở các mạch máu ngoại biên. Dẫn đến dễ dàng tăng tuần hoàn máu, giúp thuốc thẩm thấu vào mô dễ dàng, làm giảm nhanh cơn đau và cứng cơ.
- Tuy nhiên, dầu gió chỉ được dùng ngoài da, không được uống và bôi lên vết thương hở. Điều này là do tác dụng phụ của methyl salicylat là gây xung huyết da. Hạn chế hít dầu thường xuyên vì có thể gây rách màng nhầy ở mũi, họng, gây tổn thương hệ hô hấp.
- Các loại tinh dầu có thể làm ức chế các trung khu tim mạch và hô hấp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là menthol có thể gây hại. Đã có báo cáo về trường hợp trẻ tử vong sau khi dùng 1 giọt dầu gió.
- Ngoài ra, trong dầu gió có chứa eukalyptol và đặc biệt camphor – chất độc đối với trẻ em. Không dùng đúng sẽ khiến trẻ hấp thu nhiều vào cơ thể qua phần da trầy xước hoặc nuốt phải chỉ 1g cũng đủ gây tổn thương hệ hô hấp. Nghiêm trọng hơn có thể làm trẻ ngưng thở.
Bên trên là thông tin chung về dầu gió. Mặc dù dầu gió khá lành tính và dễ dùng nhưng phải thật thận trọng đặc biệt là với trẻ nhỏ. Hãy luôn theo dõi tình trạng trẻ sau khi dùng, nếu xuất hiện bất cứ triệu chứng nào bất thường hãy đưa trẻ đến bệnh viện gần đó để được cấp cứu, xử trí kịp thời nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
MEDICATED OIL- menthol, methyl salicylate oilhttps://dailymed.nlm.nih.gov/dailymed/lookup.cfm?setid=979a50b9-ea76-4ce2-bcbd-6252349ae1ec
Ngày tham khảo: 24/05/2021
-
EAGLE BRAND MEDICATED OIL, 1.6+29+19%, LOTION
https://www.medicineshoppe.ca/en/article/eagle-brand-medicated-oil
Ngày tham khảo: 24/05/2021