Bố mẹ cần biết sớm các dấu hiệu trẻ thiếu vitamin D
Nội dung bài viết
Trẻ em cần vitamin D để tăng trưởng và phát triển xương. Thiếu vitamin D ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển sau này của bé. Chính vì vậy, bố mẹ nên biết các dấu hiệu trẻ thiếu vitamin D để phát hiện và chữa trị kịp thời. Hãy đọc ngay bài viết chia sẻ dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Ngọc Sơn bố mẹ nhé!
Vai trò của vitamin D ở trẻ nhỏ
Vitamin D có vai trò quan trọng trong cơ thể. Nó giúp chuyển hóa và hấp thu canxi, photpho, những yếu tố để hình thành nên khung xương. Chính vì vậy, nó rất quan trọng đối với trẻ nhỏ, vì đây là giai đoạn quan trọng để trẻ phát triển.
Thiếu vitamin D sẽ làm giảm lượng canxi và photpho ở ruột. Và do đó, lượng canxi trong xương sẽ phải đi vào máu, gây loãng xương, còi xương ở trẻ.
Dấu hiệu trẻ thiếu vitamin D
Đa số bố mẹ phát hiện con mình bị còi xương khi trẻ đã có các dấu hiệu muộn, khá rõ ràng. Lúc này, trẻ đã được khoảng 1 – 2 tuổi, việc điều trị có thể vẫn sẽ còn để lại di chứng cho con lâu dài. Chính vì vậy, quan trọng là bạn phải theo dõi con mình thật kỹ trong các giai đoạn đầu đời. Dưới đây là các dấu hiệu trẻ thiếu vitamin D:
Dấu hiệu sớm
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, trẻ có thể mắc còi xương từ rất sớm, thậm chí là từ khi còn trong bụng mẹ. Trẻ thiếu vitamin D thường sẽ có biểu hiện về thần kinh đầu tiên. Trẻ thường sẽ hay quấy khóc, khó ngủ và không duy trì được giấc ngủ. Vấn đề này là do hệ thần kinh của bé đang bị kích thích.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh thiếu vitamin D thường đổ mồ hôi trộm vào ban đêm, chậm phát triển thể lực, cơ nhão, lách to, da xanh xao.
Dấu hiệu muộn
Sau những triệu chứng về thần kinh, trẻ thiếu vitamin D sẽ có các dấu hiệu liên quan đến xương. Những dấu hiệu này có thể xuất hiện ở những bộ phận khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ bệnh của trẻ:
- Chậm mọc răng;
- Chậm biết đi, biết bò;
- Thóp rộng và lâu liền thóp;
- Xương biến dạng, vẹo cột sống và chân vòng kiềng;
- Biến dạng hộp sọ, xương sọ mềm;
- Đầu xương cổ tay phình to tại thành “vòng cổ tay”;
- Co giật do hạ canxi máu (trong trường hợp nặng).
Đến khi thấy rõ các dấu hiệu trẻ thiếu vitamin D rồi mới đưa con đi khám thì đã muộn. Những biến dạng về xương có thể để lại những di chứng cho trẻ sau này như: gù lưng, vẹo và hẹp xương chậu.
Chính vì vậy, quan trọng là hãy theo dõi và dẫn trẻ đi khám định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường.
Nguyên nhân trẻ thiếu vitamin D
Trẻ em có thể có nguy cơ thiếu vitamin D nếu:
- Trẻ được che chắn quá kỹ, không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời;
- Trẻ bị rối loạn hấp thu: bệnh Celiac, hội chứng Crohn,…;
- Bị tình trạng ảnh hưởng đến cách kiểm soát mức vitamin D: bệnh gan, bệnh thận,…;
- Dùng các thuốc ảnh hưởng đến mức vitamin D: thuốc chống động kinh, glucocorticoid, thuốc chống nấm,…;
- Có làn da sẫm màu;
- Bú sữa mẹ trong thời gian dài mà mẹ bị thiếu vitamin D;
- Các bữa ăn thiếu dinh dưỡng, không cung cấp vitamin D cho cơ thể;
- Trẻ bị béo phì, vitamin D sẽ bị giữ ở các mô mỡ, gây thiếu vitamin D.
Điều trị trẻ thiếu vitamin D
Đối với những trẻ thiếu vitamin D mức độ nhẹ, bác sĩ có thể chỉ yêu cầu bạn cho trẻ tắm nắng nhiều hơn một chút.
Nếu con bạn bị thiếu vitamin D trầm trọng, bác sĩ sẽ cho con bạn bổ sung thêm vitamin D, đồng thời tắm nắng nhiều hơn.
Trong trường hợp bạn và trẻ không thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, việc uống bổ sung vitamin D là điều tốt nhất nên làm. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ, đừng tự ý cho trẻ uống vitamin D bạn nhé!
Phòng ngừa trẻ thiếu vitamin D
Để phòng ngừa trẻ thiếu vitamin D, bố mẹ nên chú ý thực hiện các điều sau đây:
Bổ sung vitamin D dạng lỏng cho trẻ
Việc này phụ thuộc vào việc bé đang bú sữa mẹ hay sữa công thức. Dưới đây là hướng dẫn của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ:
- Nếu trẻ đang uống sữa công thức có đủ vitamin D, trẻ có thể không cần bổ sung thêm.
- Nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn hoặc một phần, hoặc trẻ uống ≤1 lít sữa công thức/ngày, hãy cho trẻ uống 400 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D dạng lỏng/ngày.
Một lưu ý khi cho trẻ dùng vitamin D dạng lỏng đó là: bạn chỉ được sử dụng dụng cụ phân liều (cốc, ống nhỏ giọt,…) được sản xuất riêng cho sản phẩm. Không được tự ý thay thế bằng dụng cụ của một sản phẩm khác.
Đồng thời, không nên tự ý cho trẻ uống mà không có ý kiến bác sĩ, dược sĩ bạn nhé!
Ăn dặm
Khi trẻ bắt đầu có thể ăn dặm, bạn có thể không cần cho bé uống bổ sung vitamin D nữa. Bởi vì lúc này, trẻ có thể tiêu thụ được các nguồn vitamin D khác nhau. Các loại thực phẩm giàu vitamin D cho trẻ bao gồm:
- Cá hồi, cá ngừ;
- Dầu gan cá;
- Pho mát;
- Trứng;
- Các thực phẩm tăng cường thêm vitamin D như: sữa, nước cam, ngũ cốc, sữa chua,…
Mặc dù vậy, bổ sung vitamin D từ thực phẩm thôi vẫn chưa đủ. Bạn nên thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để được sản sinh vitamin D một cách tự nhiên.
Tắm nắng
Tắm nắng là một trong những cách giúp khắc phục và phòng ngừa trẻ thiếu vitamin D. Tuy nhiên, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu cũng rất nguy hiểm. Bạn nên cẩn thận với trẻ sơ sinh, vì làn da của trẻ quá mỏng.
Bạn chỉ nên cho trẻ tắm nắng khoảng 10 – 15 phút mỗi ngày. Khi tắm nên để tay, chân, bụng bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Tuy nhiên, bạn phải cho bé đội mũ, đeo kính để bảo vệ đầu khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
Tóm lại, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bố mẹ nên có những biện pháp bổ sung để phòng ngừa trẻ thiếu vitamin D. Không những vậy, nên thường xuyên theo dõi bé để kịp thời phát hiện các dấu hiệu trẻ thiếu vitamin D để được điều trị kịp thời bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hậu quả do thiếu vitamin ở trẻ nhỏhttps://suckhoedoisong.vn/hau-qua-do-thieu-vitamin-o-tre-nho-n108633.html
Ngày tham khảo: 26/04/2021
-
Vitamin D: what you need to knowhttps://raisingchildren.net.au/teens/healthy-lifestyle/nutrients/vitamin-d
Ngày tham khảo: 26/04/2021