YouMed

Những dấu hiệu ung thư miệng mà bạn nên biết

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Ung thư là sự tăng sinh và phát triển không kiểm soát của các tế bào trong cơ thể. So với tế bào bình thường, ung thư là một tế bào kém biệt hóa. Chính vì lý do đó, tế bào ung thư có thể phân chia, nhân lên không kiểm soát. Ung thư miệng cũng là tập hợp những tế bào phân chia một cách không kiểm soát. Dấu hiệu ung thư miệng là gì? Đọc bài viết bên dưới để có thêm thông tin về nó.

Ung thư miệng là gì?

Trước khi bước vào tìm hiểu dấu hiệu ung thư miệng, chúng ta cần phải hiểu chính xác ung thư miệng là gì. Khoang miệng gồm: môi, má, răng, nướu, khẩu cái nềm và cứng, amidan và tuyến nước bọt. Ung thư miệng có thể xảy ra trên: môi, lợi, lưỡi, mặt trong của má, vòm miệng, sàn miệng. Ung thư miệng xuất hiện như một khối u hoặc một vết loét trong miệng rất lâu nhưng không biến mất. Ung thư miệng thuộc vào nhóm ung thư lớn hơn là ung thư đầu – mặt – cổ. Mỗi năm ở Hoa Kỳ có hơn 49.000 trường hợp ung thư miệng được chẩn đoán. Ung thư miệng xảy ra thường xuyên nhất ở những người trên 40 tuổi.

Ung thư miệng thường được phát hiện ở giai đoạn khá trễ, khi chúng đa di căn đến các hạch bạch huyết ở cổ. Phát hiện sớm ung thư miệng chính là chìa khóa kéo dài sự sống. Chính vì lý do đó, trang bị kiến thức, sự hiểu biết của bản thân về dấu hiệu ung thư miệng sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn.

Ung thư khoang miệng
Ung thư khoang miệng

Nguyên nhân ung thư miệng

Ung thư miệng hình thành khi các tế bào trong miệng có những thay đổi hay đột biến. Những đột biến đó ảnh hưởng đến DNA khiến chúng không thể sửa chữa được. DNA được ví như hệ điều hành trung tâm chỉ dẫn cho tế bào biết điều mình cần làm. Đột biến DNA cũng không khác gì như một máy tính bị nhiễm virus hệ điều hành. Những thay đổi đột biến này cho phép các tế bào tiếp tục phát triển và phân chia mạnh mẽ hơn các tế bào bình thường. Chúng sẽ không chịu sự chi phối của cơ thể, không phải chết theo chương trình (apoptosis).

Về lâu dài, các tế bào ung thư miệng bất thường tăng sinh mạnh mẽ có thể tạo một khối u, hoặc những vết loét khó lành. Theo thời gian, chúng sẽ lan sang các cơ quan khác hay còn gọi là di căn.

Ung thư miệng thường bắt đầu từ các tế bào mỏng, phẳng (tế bào vảy) nằm trong khoang miệng. Vì vậy hầu hết các bệnh ung thư miệng là ung thư biểu mô tế bào vảy. Không rõ nguyên nhân gây ra các đột biến trong tế bào vảy dẫn đến ung thư miệng. Tuy nhiên các bác sĩ đã xác định được những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng ung thư miệng. Khi bạn có những dấu hiệu ung thư miệng cùng với việc có nhiều yếu tố nguy cơ mắc ung thư miệng thì hãy thận trọng và nên đi kiểm tra ngay.

Ai dễ mắc ung thư miệng hơn

Nam giới có nguy cơ phát triển ung thư miệng cao gấp đôi so với nữ giới theo hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ. Nam giới trên 50 tuổi đối mặt với nguy cơ ung thư miệng cao nhất. Theo ước tính có hơn 50.000 người ở Mỹ được chuẩn đoán mắc ung thư miệng vào năm 2019.

Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc ung thư miệng:

  • Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư gấp 6 lần.
  • Người sử dụng thuốc lá không khói: Người sử dụng các sản phẩm thuốc lá nhúng, hít hoặc nhai có nguy cơ bị ung thư miệng thậm chí còn cao hơn người hút thuốc lá, gấp 50 lần.
  • Uống rượu mạnh kéo dài hoặc uống rượu quá mức: tăng nguy cơ ung thư miệng lên 6 lần.
  • Tiền sử gia đinh mắc bệnh ung thư miệng.
  • Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá nhiều và quá mạnh, đặc biệt là khi bạn đang còn trẻ.
  • Virut u nhú ở người (HPV): một loại virus lây lan qua đường tình dục.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu.

25% trường hợp ung thư miệng xảy ra ở những người không hút thuốc lá và uống rượu bia. Điều đó có nghĩa là mặc dù bạn không có những yếu tố nguy cơ trên nhưng khi bạn có những dấu hiệu ung thư miệng thì vẫn có khả năng bạn đã mắc ung thư miệng. Từ bỏ những thói quen không giúp bạn ngăn ngừa ung thư. Tuy nhiên chắc chắn rằng chúng sẽ giúp bạn hạn chế khả năng bạn mắc ung thư miệng.

Các loại ung thư miệng

Miệng của bạn được cấu tạo bở nhiều loại tế bào khác nhau. Loại ung thư miệng mà bạn mắc phải phụ thuộc vào loại tế bào bị bệnh. Phần lớn ung thư miệng là ung thư biểu mô tế bào vảy. Điều này thường đúng với ung thư xuất phát ở bất cứ vị trí nào trong miệng của bạn. Hơn 90% ung thư miệng là ung thư tế bào vảy. Tế bào vảy là những tế bào mỏng, phẳng. Chúng được tìm thấy trong các mô tạo nên bề mặt da, niêm mạc của các cơ quan rỗng trong cơ thể, niêm mạc tiêu hoá, hô hấp.

Các loại bệnh ung thư miệng ít phổ biến hơn như:

  • Ung thư biểu mô tuyến: Ung thư biểu mô tuyến là một loại phụ hiếm gặp của ung thư biểu mô tế bào vảy.
  • Ung thư hắc tố ở miệng: Khối u ác tính phát triển trong các tế bào sản xuất sắc tố mang lại màu sắc cho da. U ác tính ở đầu và cổ có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên da. Chúng còn có thể bên trong mũi hoặc khoang miệng.

Ngoài ra người ta còn phân ra dựa vào vị trí khối u như: ung thư môi, ung thư lưỡi, ung thư vòm họng, ung thư má trong, ung thư sàn miệng.

Dấu hiệu ung thư miệng

Những dấu hiệu ung thư miệng phổ biến bao gồm:

  • Sưng tấy, da dày, cục u hoặc vết sưng, đốm, vảy thô ráp hoặc những vùng loét trên môi, nướu răng và các khu vực khác trong khoang miệng.
  • Các mảng trắng mịn, đỏ hoặc lốm đốm trong miệng.
  • Chảy máu không rõ nguyên nhân trong miệng.
  • Tê không rõ nguyên nhân, mất cảm giác trong miệng.
  • Đau không rõ nguyên nhân ở bất cứ vị trí nào trong khoang miệng.
  • Khó nhai hoặc nuốt, nói hoặc cử động hàm hoặc lưỡi.
  • Khàn giọng, đau họng mạn tính hoặc thay đổi giọng nói bình thường.
  • Đau tai.
  • Răng lung lay.
  • Sụt cân nhanh chóng.

Điều quan trọng là bạn nên đến gặp nha sĩ hoặc bác sĩ của mình để kiểm tra kỹ hơn. Nếu như có bất kỳ triệu chứng nào kể trên làm phiền đến bạn và kéo dài trên 2 tuần thì hãy hẹn gặp bác sĩ ngay. Đừng chủ quan với bất cứ dấu hiệu nào. Mọi dấu hiệu kể trên đều có thể là dấu hiệu ban đầu của ung thư miệng.

Sưng tấy, da dày, cục u là một trong những dấu hiệu của ung thư miệng
Sưng tấy, da dày, cục u là một trong những dấu hiệu của ung thư miệng

Chẩn đoán ung thư miệng

Đầu tiên, bác sĩ hoặc nha sĩ sẽ tiến hành khám tổng trạng sức khoẻ của bạn. Họ sẽ kiểm tra kỹ vòm, sàn miệng, phía sau cổ họng, lưỡi, mặt trong má và các hạch bạch huyết vùng cổ. Bác sĩ sẽ tìm các khối u hoặc những dấu hiệu ung thư miệng bất thường nào như một vết loét lâu lành. Sau đó, họ sẽ thực hiện sinh thiết bàn chải hoặc sinh thiết mô. Đừng cảm thấy lo lắng vì sinh thiết bàn chải là một xét nghiệm không đau. Chúng giúp thu thập tế bào từ khối u bằng cách chải chúng lên một phiến kính. Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để xác nhận chính xác bạn có mắc ung thư miệng không và nếu có thì mức độ nghiêm trọng của khối u đó.

Có được kiến thức về ung thư miệng chính là chìa khoá giúp bạn nhận ra được những dấu hiệu ung thư miệng. Việc sớm nhận ra bất thường sẽ giúp việc chẩn đoán và điều trị bệnh trở nên dễ dàng hơn. Bảo vệ sức khoẻ răng miệng của bạn bằng cách khám định kỳ 6 tháng/ 1 lần. Ngưng sử dụng thuốc lá, rượu bia. Không để răng miệng hay mặt tiếp xúc với ánh nắng quá lâu. Đến gặp bác sĩ chuyên khoa khi thấy có bất cứ điều gì bất thường trong miệng của bạn kéo dài hơn 2 tuần.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.healthline.com/health/oral-cancer?fbclid=IwAR0dhu2fE3GbYhTSfEMOsEwV8Q0Hno8oExYcdj3eucxVAzw3_tb7yWcmVL0
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/mouth-cancer/symptoms-causes/syc-20350997?fbclid=IwAR3M5W0OZySsuuF_Fu0tCNLsFlMwtcKy1BdruwL9mmZuqgGx1DHG-sJ46no
  3. https://www.webmd.com/oral-health/guide/oral-cancer?fbclid=IwAR3abfSKJuXjH3jySbt9uZoa3C3SnHn4d1IF3e5ebw91o2G3rZPwejggWVw
  4. https://www.mskcc.org/cancer-care/types/mouth/types-mouth?fbclid=IwAR3kn6oe12CC0z28Kq__GiTFhCedJM7LreXebV2NkTspFnNlcj6cpBqLkQ8

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người