Các dấu hiệu ung thư xương là gì? Khi nào đến gặp bác sĩ?
Nội dung bài viết
Ung thư xương là một bệnh lý không phổ biến. Nhưng nó có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với cơ thể. Vì vậy, việc chẩn đoán ung thư sớm rất quan trọng và có ý nghĩa về mặt điều trị. Vậy dấu hiệu ung thư xương là gì? Cần đến gặp bác sĩ khi nào? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo Tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Các dấu hiệu của ung thư xương
Các triệu chứng của ung thư xương có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí và giai đoạn ung thư hay loại ung thư. Một số bệnh nhân có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu của bệnh. Một số triệu chứng có thể gặp khi bị ung thư xương bao gồm:1
1. Đau xương
Đau là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ung thư xương. Đau có thể xuất hiện ở xương bị ung thư ảnh hưởng hoặc các mô mềm xung quanh. Thường thấy những cơn đau âm ỉ, nặng dần theo thời gian hay cơn đau nhói đến rồi đi.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơn đau có thể không đỡ và có thể trầm trọng hơn khi hoạt động hoặc vào ban đêm. Các hoạt động hàng ngày và giấc ngủ của bạn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các cơn đau do ung thư xương.
2. Sưng hoặc nổi cục
Sưng hoặc nổi cục có thể là một trong những triệu chứng của ung thư xương. Đặc biệt trong trường hợp khối u phát triển trong mô mềm xung quanh xương bị ảnh hưởng. Sưng hoặc khối u có thể đi kèm với những cơn đau. Tuỳ vào vị trí ung thư xương, khối u có thể nhìn thấy và sờ được, hoặc không thể sờ được những khối u nằm sâu hơn trong cơ thể và không thể nhìn thấy trên bề mặt da.
3. Gãy xương
Gãy xương có thể là triệu chứng của bệnh ung thư xương. Đặc biệt là trong giai đoạn tiến triển của bệnh. Lí do có thể là ung thư xương làm suy yếu cấu trúc của xương, khiến xương dễ bị gãy hơn, ngay cả khi bạn chỉ bị chấn thương nhẹ.
4. Mệt mỏi
Ung thư xương có thể gây mệt mỏi. Điều này thường là do phản ứng của cơ thể đối với các tế bào ung thư và tác dụng phụ của việc điều trị.
5. Sụt cân
Đối với bệnh nhân bị ung thư xương, cân nặng có thể bị giảm đi rất nhiều. Nguyên nhân có thể là do các tế bào ung thư làm tăng tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể bạn và dẫn đến giảm cân.
6. Sốt hoặc ớn lạnh
Khi bị ung thư, các tế bào ung thư trong cơ thể có thể gây nhiễm trùng, dẫn đến những cơn sốt hoặc ớn lạnh.
7. Thiếu máu
Bệnh nhân ung thư xương có thể bị thiếu máu. Vì cơ thể sẽ bị suy yếu và không đủ khả năng sản xuất tế bào hồng cầu theo nhu cầu của cơ thể.
Khi nào đến gặp bác sĩ?
Ung thư xương không phổ biến và các triệu chứng nhận biết ung thư xương thường có nhiều khả năng gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác, chẳng hạn như chấn thương hoặc viêm khớp.
Tuy nhiên, nếu bạn có các triệu chứng kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn. Hãy đi khám bác sĩ để có thể tìm ra nguyên nhân và điều trị nếu cần.
Chẩn đoán ung thư xương như thế nào?
Nếu một người có các dấu hiệu hoặc triệu chứng cho thấy họ có thể bị ung thư xương. Bác sĩ sẽ xem xét toàn bộ tiền sử bệnh để tìm hiểu thêm về các triệu chứng, hoặc kiểm tra thể chất tìm những chỗ sưng hay cục u. Sau khi kiểm tra, nếu bác sĩ nghi ngờ đó có thể là ung thư xương các xét nghiệm khác sẽ được thực hiện bao gồm:2
1. Tia X
Chụp X-quang xương thường là xét nghiệm đầu tiên được thực hiện nếu nghi ngờ một số loại ung thư xương. Hình ảnh trên X-quang có thể cho thấy các khối u trông gồ ghề thay vì rắn chắc; hoặc chúng có thể trông giống như một lỗ hổng trên xương.
Đôi khi, X-quang có thể giúp các bác sĩ nhìn thấy một khối u lan sang các mô lân cận (chẳng hạn như cơ hoặc mỡ). Đối với những người trưởng thành có khối u xương có thể được chụp X-quang ngực để xem liệu ung thư đã lan đến phổi hay chưa.
2. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Quét MRI tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể bằng sóng vô tuyến và nam châm mạnh. Một chất tương phản từ gọi là “gadolinium” sẽ được tiêm vào tĩnh mạch trước khi chụp để nhận được hình ảnh với các chi tiết rõ hơn.
MRI thường có thể giúp phân biệt liệu đó có phải là khối u, nhiễm trùng hoặc một số loại tổn thương xương do nguyên nhân khác hay không.
Phương pháp này có thể giúp xác định mức độ chính xác của khối u. Vì chúng có thể cho thấy tủy bên trong xương và các mô mềm xung quanh khối u, bao gồm các mạch máu và dây thần kinh gần đó.
3. Chụp cắt lớp vi tính (CT)
Chụp CT kết hợp nhiều hình ảnh X-quang để tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết của các bộ phận trong cơ thể.
Chụp CT thường không hữu ích như chụp cộng hưởng từ trong việc hiển thị chi tiết bên trong và xung quanh các khối u xương. Nhưng chúng thường được thực hiện để tìm ung thư có thể lây lan ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như phổi, gan hoặc các cơ quan khác.
4. Quét xương
Quét xương có thể cho biết liệu ung thư đã lan sang các xương khác hay chưa. Đây cũng thường là một phần trong quá trình kiểm tra đối với những người bị ung thư xương. Thử nghiệm này rất hữu ích vì nó có thể hiển thị toàn bộ bộ xương cùng một lúc.
Đối với xét nghiệm này, một lượng nhỏ chất phóng xạ ở mức độ thấp được tiêm vào máu và di chuyển đến xương. Một máy ảnh đặc biệt có thể phát hiện phóng xạ sau đó tạo ra hình ảnh của bộ xương.
5. Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET hoặc PET scan)
Đối với chụp PET, một loại đường phóng xạ (được gọi là FDG) được tiêm vào máu. Bởi vì các tế bào ung thư trong cơ thể đang phát triển nhanh chóng, chúng hấp thụ một lượng lớn đường phóng xạ. Sau đó, một máy ảnh đặc biệt sẽ tạo ra hình ảnh về các vùng nhiễm phóng xạ trong cơ thể.
Quét PET có thể giúp hiển thị sự lây lan của ung thư xương đến phổi, các xương khác hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Chúng cũng có thể được sử dụng để xem ung thư có đáp ứng tốt với điều trị hay không.
6. Sinh thiết
Kết quả xét nghiệm hình ảnh có thể gợi ý mạnh mẽ rằng một người bị ung thư xương, nhưng sinh thiết thường là xét nghiệm duy nhất để khẳng định bệnh nhân có bị ung thư xương hay không. Có hai loại sinh thiết:
- Sinh thiết kim: Bác sĩ sử dụng một cây kim rỗng để lấy một mô hình trụ nhỏ ra khỏi khối u.Thông thường, bác sĩ có thể nhắm kim bằng cách cảm nhận khu vực đáng ngờ nếu nó ở gần bề mặt cơ thể. Nếu không thể sờ thấy khối u vì nó ở quá sâu, bác sĩ có thể đưa kim vào khối u bằng xét nghiệm hình ảnh như siêu âm hoặc chụp CT.
- Sinh thiết phẫu thuật (mở): Đối với loại sinh thiết này, bác sĩ cắt qua da để tiếp cận khối u.
Tất cả các mẫu được lấy ra bằng sinh thiết sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm, quan sát dưới kính hiển vi, có thể phát hiện các tế bào ung thư. Dựa trên hình dạng của các tế bào khối u, bác sĩ cũng có thể xác định được cấp độ ung thư của người bệnh.
Qua bài viết, hi vọng bạn đã có thêm những thông tin về những dấu hiệu ung thư xương. Qua đây, Nếu bạn đang gặp một các triệu chứng trên trong thời gian dài và dần nặng hơn. Hãy liên hệ cơ quan y tế để được hỗ trợ chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Signs and Symptoms of Bone Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/types/bone-cancer/detection-diagnosis-staging/signs-symptoms.html
Ngày tham khảo: 20/07/2023
-
Tests for Bone Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/types/bone-cancer/detection-diagnosis-staging/how-diagnosed.html
Ngày tham khảo: 20/07/2023