Dây thần kinh chẩm có cấu trúc và chức năng gì trong cơ thể người?
Nội dung bài viết
Dây thần kinh chẩm trong cơ thể người nằm ở khu vực đầu. Chính vì đặc điểm này nên vai trò và chức năng của nó rất quan trọng. Cũng tương tự như các dây thần kinh khác, thần kinh chẩm có thể bị tổn thương hoặc bệnh lý nhất định. Vì vậy, đối với dây thần kinh này, chúng ta nên biết gì về cấu trúc và chức năng của nó? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn đi tìm câu trả lời qua bài viết sau đây.
Dây thần kinh chẩm là gì?
Các dây thần kinh chẩm có bản chất là những dây thần kinh cột sống. Chúng phát sinh từ các dây thần kinh tủy sống C2 và C3. Chúng trải dài ở vùng da đầu sau cho đến tận đỉnh và các cấu trúc khác. Chẳng hạn như tai và các tuyến mang tai. Có ba dây thần kinh chẩm chính trong cơ thể con người. Bao gồm: Thần kinh chẩm lớn, thần kinh chẩm nhỏ và thần kinh chẩm thứ ba.
Cấu trúc và chức năng
Thần kinh chẩm lớn
Thần kinh chẩm lớn là dây thần kinh hướng tâm thuần túy lớn nhất. Dây này phát sinh từ sự phân chia trung gian phần ức lưng của dây thần kinh tủy sống C2. Nó đi ra phía sau giữa các đốt sống C1 và C2. Đồng thời đi ngang qua giữa các cơ xiên dưới nắp và các cơ bán nguyệt của mỏm cụt từ bên dưới tam giác chẩm.
Sự liên quan của thần kinh chẩm với các cơ lân cận khá phức tạp. Chính đặc điểm này có thể làm cho thần kinh chẩm lớn dễ xuất hiện những bệnh lý. Chẳng hạn như chèn ép, tình trạng rối hoặc kích thích dây thần kinh.
Dây thần kinh chẩm nhỏ
Thần kinh chẩm nhỏ bắt nguồn từ gai bụng của các dây thần kinh cột sống C2 và C3. Dây thần kinh này đi đến vùng chẩm dọc theo bờ sau của cơ ức đòn chũm.
Nó xuyên qua lớp cân cổ sâu gần với hộp sọ và đi lên trên. Gần sọ não, nó tiếp tục xuyên qua lớp cân cổ sâu và đi lên phía trên của chẩm để bao phủ bên trong da. Đồng thời giao thoa với thần kinh chẩm lớn. Thần kinh chẩm nhỏ có ba nhánh: nhánh não thất, xương chũm và nhánh chẩm.
Thần kinh chẩm thứ ba
Dây thần kinh chẩm thứ ba là một nhánh trung gian bề ngoài vỏ lưng của dây thần kinh cột sống C3. Nó dày hơn so với các nhánh trung gian khác, đồng thời di chuyển qua phần lưng của khớp C2-C3.
Chức năng chung của các dây thần kinh chẩm
Thần kinh chẩm nói chung có những chức năng chính như sau:
- Chi phối cảm giác cho khu vực da ở đỉnh đầu, qua tai và xuống dưới da vùng tuyến mang tai.
- Chi phối cảm giác cho da đầu vùng sau gáy.
Bệnh lý đau thần kinh chẩm
Khái niệm
Cơn đau thần kinh chẩm phổ biến thường bắt đầu tại nền sọ, ngay vùng gáy . Đau có thể đau lan đến vùng sau mắt, phía bên, phía trước và phía sau đầu. Người bệnh rất dễ nhầm lẫn đau dây thần kinh chẩm với đau nửa đầu Migraine hoặc đau dây thần kinh sinh ba.
Nguyên nhân
Nguyên nhân đau thần kinh chẩm có thể do:
- Viêm xương khớp tại cột sống cổ.
- Chấn thương thần kinh chẩm.
- Thoái hóa cột sống cổ gây chèn ép thần kinh chẩm.
- Bệnh thoát vị đĩa đệm vùng cột sống cổ.
- Khối u chèn ép rễ thần kinh C2 và C3.
- Bệnh Gout.
- Đái tháo đường.
- Viêm mạch máu.
- Nhiễm trùng cơ lân cận hoặc viêm nhiễm dây thần kinh.
Triệu chứng
Triệu chứng điển hình là đau liên tục, cảm giác rát bỏng, hoặc đau theo nhịp mạch đập. Xen kẽ là những cơn đau nhói, đau giống điện giật. Đau thường có triệu chứng giống đau nửa đầu Migraine hoặc đau đầu cụm. Cơn đau thường khởi phát tại nền hộp sọ. Nó có thể lan về phía sau hoặc dọc hai bên đầu.
Đau tăng lên khi cử động cổ như xoay cổ, lắc đầu. Có thể kèm theo triệu chứng đau sau hố mắt. Da vùng sau gáy trở nên rất nhạy cảm. Những động tác nhẹ như chải đầu cũng có thể làm đau tăng lên.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán không hề đơn giản. Các bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về những đặc điểm của cơn đau. Chẳng hạn như:
- Vị trí khởi phát.
- Hướng lan của cơn đau.
- Mức độ đau.
- Những yếu tố làm tăng hoặc giảm đau.
- Triệu chứng kèm theo: Buồn nôn, sợ ánh sáng, nhức mỏi,…
Ngoài ra, các bác sĩ có thể chỉ định một vài xét nghiệm giúp hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh, bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ MRI cột sống cổ. Cận lâm sàng này có thể cho thấy tình trạng chèn ép tủy sống do xương, đĩa đệm hoặc khối máu tụ.
- Chụp cắt lớp vi tính: Giúp xác định hình dạng và kích thước của ống sống. Cũng như các thành phần và những cấu trúc xung quanh của ống sống.
Điều trị đau dây thần kinh chẩm
Điều trị không phẫu thuật
Mục đích của điều trị không phẫu thuật là giảm đau. Một số phương pháp phổ biến bao gồm:
Sử dụng thuốc Tây y
Một số thuốc điển hình giúp giảm đau thần kinh chẩm bao gồm:
- Thuốc kháng viêm Corticoide hoặc Non Steroid.
- Nhóm thuốc giãn cơ như: Mephenesin, Toperison, Eperison.
- Thuốc giảm đau thần kinh như: Carbamazepine, Encorate, Gabapentin,…
Các phương pháp khác
- Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
- Chườm ấm, chườm lạnh.
- Xoa bóp.
- Châm cứu.
- Nghỉ ngơi, thư giãn cơ,…
Phong bế dây thần kinh qua da
Phương pháp này vừa giúp chẩn đoán đau dây thần kinh chẩm, vừa có tác dụng giảm đau rất tốt. Phong bế thần kinh qua da được thực hiện tại các dây thần kinh chẩm. Hoặc tại các hạch thần kinh C2 và / hoặc C3.
Điều trị phẫu thuật
Can thiệp phẫu thuật sẽ được chỉ định khi bệnh nhân đau nhiều, mức độ đau dữ dội. Đồng thời, cơn đau kéo dài và không đáp ứng với điều trị nội khoa. Khi áp dụng phương pháp này, các bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của nó.
Giải ép mạch máu vi phẫu
Đây là phương pháp bộc lộ dây thần kinh bị ảnh hưởng. Mục đích là để xác định những mạch máu chèn ép các dây thần kinh. Từ đó, các bác sĩ sẽ tách chúng ra khỏi điểm chèn ép một cách nhẹ nhàng.
Việc giải ép này giúp dây thần kinh giảm tình trạng nhạy cảm. Cho phép dây thần kinh chẩm hồi phục và không còn cảm giác đau nữa. Các dây thần kinh được điều trị có thể bao gồm những rễ thần kinh C2, hạch và thần kinh hậu hạch.
Kích thích thần kinh chẩm
Sử dụng máy kích thích thần kinh. Mục đích là đưa xung điện qua dây dẫn cách điện được luồn dưới da để đến gần các dây thần kinh tại nền sọ. Các xung điện có tác dụng ngăn chặn sự truyền tín hiệu đau đến não. Lợi ích của phương pháp này là sự xâm lấn rất ít. Các dây thần kinh và cấu trúc xung quanh sẽ không bị tổn thương vĩnh viễn.
Những lưu ý chung
Thông tin tóm lược
Đau thần kinh chẩm không phải là một bệnh lý đe dọa tính mạng. Phần lớn các trường hợp sẽ giảm đau hiệu quả bằng phương pháp nghỉ ngơi và sử dụng thuốc.
Trong một số trường hợp, sự kéo dài của cơn đau sẽ là biểu hiện cho một bệnh lý nào đó kèm theo. Khi ấy, người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Một điều lưu ý là nếu phát hiện các triệu chứng sau:
- Đau đầu đột ngột, dữ dội.
- Hàm dưới không thể cử động được.
- Sốt cao.
- Buồn nôn, nôn.
- Lú lẫn, hôn mê.
- Co giật.
Người bệnh nên đi khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Thần kinh. Mục đích là để các bác sĩ thăm khám, chỉ định xét nghiệm. Sau đó đưa ra chẩn đoán xác định và có hướng điều trị thích hợp. Mọi người không nên tự ý mua thuốc giảm đau uống tại nhà. Như thế sẽ làm cho bệnh tình ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hy vọng những thông tin trong bài viết của bác sĩ Nguyễn Văn Huấn sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về dây thần kinh chẩm. Cũng như biết thêm về bệnh lý đau thần kinh chẩm. Từ đó, các bạn sẽ biết được khi nào cần đến gặp bác sĩ ngay. Mục đích là để được điều trị kịp thời, hạn chế những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Hội chứng chèn ép dây thần kinh là tình trạng dây thần kinh bị gia tăng áp lực, chẳng hạn như: sụn, xương, cơ… Tình trạng này tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây đau và cản trở cuộc sống của bạn, xem thêm tại đây nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Anatomy, Head and Neck, Eye Occipital Nerveshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK542213/
Ngày tham khảo: 26/08/2020
- Peter Sodde, R.G. Tunstall (2015), Occipital Neuralgia and Its Treatment, Nerves and Nerve Injuries, Vol 2, pp. 35-51.
-
Occipital Blockhttps://www.cedars-sinai.org/programs/pain-center/conditions/occipital-block.html
Ngày tham khảo: 26/08/2020