YouMed

Dạy trẻ về cách chơi

Bác sĩ HUỲNH NGUYỄN UYÊN TÂM
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Chuyên khoa: Nhi

Khi lớn lên, trẻ có thể chơi chung với rất nhiều bạn, nhưng vẫn chưa hình thành khái niệm “bạn bè”. Thậm chí, bé cũng chưa biết cách chơi chung với các bạn. Trường học là một trong những môi trường trẻ học cách sống hòa nhập với mọi người và phát triển kỹ năng giao tiếp sau này.

Vậy nên, trong những giờ chơi cùng con, bạn hãy dạy trẻ cách chơi với bạn bè khi không ở nhà hoặc tạo không gian riêng khi bé muốn tự chơi một mình để học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ.

1. Chơi với bố mẹ

Khi bạn chơi với trẻ, đây là khoảng thời gian mà bạn thấy được cách trẻ thể hiện tính cách qua nét mặt, ngôn ngữ và phản ứng với những gì xảy ra. Bạn có thể bắt đầu chơi với bé từ rất sớm với các trò như trốn tìm, làm những hành động khiến trẻ ngạc nhiên hay tạo ra những âm thanh thổi vào bụng trẻ…

Khi trẻ lớn hơn, bạn có thể ném hoặc đá quả bóng cho trẻ, cùng chơi búp bê hoặc đưa trẻ đến công viên để chơi trên xích đu hoặc cầu trượt. Để giúp trẻ học ngôn ngữ và nhận biết mọi thứ xung quanh, bạn có thể chỉ cho trẻ những thứ mà mình thấy khi đi bộ hoặc lái xe. Ví dụ: “Con có thấy chiếc xe màu đỏ lớn ơi là lớn ở kia không? Ở trên nóc đầu xe có cái hộp màu đỏ đang phát sáng kìa. Con có nghe tiếng gì không? Đó là xe cứu hỏa đấy.”

Những gì bạn dạy phải phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Đối với bé ở độ tuổi đi học, bạn có thể đi xe đạp cùng trẻ, chơi trò chơi điện tử tại nhà hoặc các môn thể thao như bóng đá, bơi lội… Thời gian bạn và trẻ dành cho nhau sẽ giúp gắn kết tình yêu thương bền chặt.

Cha mẹ hãy dành thời gian để cùng chơi với trẻ
Cha mẹ hãy dành thời gian để cùng chơi với trẻ

Cần làm gương về cách ứng xử mà bạn mong đợi trẻ học theo. Ví dụ, nếu bạn muốn trẻ đọc sách nhiều hơn, hãy cho trẻ thấy bạn cũng yêu thích việc đọc. Dạy cho trẻ cách giúp bạn làm những công việc nhỏ trong nhà như quét nhà, nhặt rau, dọn chén ăn cơm… Nếu bạn muốn trẻ cùng dọn phòng, hãy nói, “Mẹ con mình cùng dọn phòng nhé. Đây cũng là phòng của con mà. Dọn xong rồi mình sẽ ra ngoài ăn kem.”

2. Chơi một mình

Tự chơi một mình giúp trẻ hình thành nên lòng tự trọng, sự tự tin cũng như học cách tập trung. Khi trẻ chơi một mình, bạn nên tạo không gian phù hợp và theo dõi sát để đảm bảo an toàn.

Đối với trẻ mới biết đi, thường chỉ cần để trẻ chơi với một món đồ chơi. Khi trẻ lớn hơn, ở độ tuổi đi học, nên cho trẻ đọc sách hoặc chơi tùy theo sở thích như búp bê, xếp mô hình… Chọn các hoạt động mà trẻ thích và cố gắng để trẻ chơi một mình vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Không nên để trẻ xem TV và video quá 1 đến 2 giờ mỗi ngày.

>> Để nuôi dưỡng thói quen đọc sách của trẻ, cha mẹ cần lựa chọn những loại sách phù hợp cho bé: Chọn sách cho trẻ như thế nào? (Phần 1)

Lúc đầu, trẻ có thể chỉ muốn chơi một mình trong một thời gian rất ngắn (1 đến 5 phút). Bạn có thể tăng thời gian để trẻ tập trung nếu tạo ra một trò chơi liên quan đến sở thích của trẻ và:

  • Yêu cầu trẻ chơi yên lặng trong một khoảng thời gian bạn cảm thấy chắc chắn trẻ có thể làm được (có thể là 5 phút).
  • Khi mới bắt đầu, hãy đặt hẹn giờ cho cùng một khoảng thời gian trong 3 hoặc 4 ngày. Tăng dần thời gian chơi thêm vài phút mỗi 1 đến 2 tuần.
  • Thỉnh thoảng, bạn nên cho trẻ những lời khen ngợi và vỗ tay động viên nhưng đừng làm trẻ mất tập trung.
  • Nếu trẻ la hét, quấy khóc và không chịu chơi một mình, hãy thử vào một thời điểm khác. Có thể bé đói hoặc mệt mỏi, vậy nên hãy thử lại sau đó khi bạn muốn dạy trẻ điều gì đó mới.
Hãy dạy trẻ cách chơi một mình
Hãy dạy trẻ cách chơi một mình

3. Chơi với bạn bè của trẻ

Việc chơi cùng những đứa trẻ khác sẽ dạy cho trẻ cách hòa đồng với mọi người. Trẻ bắt đầu chơi cùng nhau lúc khoảng 2 tuổi, nhưng lúc này trẻ lại không thích chia sẻ. Trẻ chỉ thật sự bắt đầu chơi với nhau trong độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi. Sau đây là một số cách giúp trẻ chơi hòa đồng với bạn bè:

  • Mời cha mẹ cùng bạn trẻ đến nhà chơi.
  • Quan sát trẻ trong lúc chơi với bạn. Dạy các nguyên tắc không la hét, đánh hoặc đẩy bạn. Khen ngợi và ôm mỗi đứa trẻ thường xuyên khi chúng đang chơi thân thiện với nhau.
  • Giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc của mình và nghĩ cho người khác. Ví dụ, nếu trẻ cảm thấy khó chịu khi chờ đến lượt chơi cầu trượt, hãy nói với trẻ: “Mẹ biết con đã chờ đợi rất lâu và muốn lên chơi ngay. Nhưng con nên đợi cho đến khi các bạn chơi xong đã. Con có thể chơi xích đu trong khi chờ đợi” thay vì chỉ đơn giản nói “Con phải đợi cho đến khi các bạn chơi xong.”
  • Hãy chắc chắn rằng lúc nào bạn cũng quan sát trẻ để sẵn sàng ứng phó kịp thời cho bất kỳ hành vi xung đột nào. Chẳng hạn như trẻ không nói chuyện tử tế với bạn khác, từ chối chia sẻ hoặc chơi chung.
  • Nếu trẻ thể hiện thái độ tích cực khi chơi với một người bạn, bạn có thể mời nhiều trẻ khác đến chơi. Bạn cũng có thể đưa trẻ đến sân chơi như công viên để bé chơi với nhiều bạn mới.
Dạy trẻ cách chơi với các bạn khác
Dạy trẻ cách chơi với các bạn khác

Chơi giúp trẻ học cách giải quyết vấn đề và chia sẻ, thông cảm với người khác cũng như không phải lúc nào cũng tự làm theo ý riêng của mình. Chơi có thể tạo nên niềm vui và sự tự tin cho trẻ nhiều hơn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

RelayHealth (2015), Teaching your child to play, https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_indeplay_pep.htm,  Accessed September 03, 2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người